© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Lịch sử 7 - Bài 25: Phong trào Tây Sơn

Thứ hai - 25/03/2019 11:26
Kiến thức cần nhớ, Lịch sử 7 - Bài 25: Phong trào Tây Sơn
I. Khởi nghĩa nông dân Tây Sơn
1. Xã hội Đàng Trong nửa sau thế kỉ XVIII
- Ở nửa sau thế kỉ XVIII, chính quyền Đàng Trong suy yếu, quan lại, cường hào câu kết với nhau áp bức, bóc lột nhân dân, ăn chơi xa xỉ.
- Trong lúc đó, nội bộ chính quyền chia rẽ. Quốc phó Trương Phúc Loan nắm hết quyền hành, tự mình lập chúa mới, giết hại những người chống lại. Y lại chiếm đoạt một số lượng lớn của cải của triều đình, “vàng bạc châu báu đầy nhà”, “ruộng vườn, tôi tớ, trâu ngựa không biết bao nhiêu mà kể”.
- Cuộc sống của nông dân, dân nghèo càng cơ cực. Họ đã nổi dậy chống lại giai cấp thống trị, tiêu biểu ban đầu là khởi nghĩa của “Chàng Lýa” ở Truông Mây (Bình Định).
 
2. Khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ.
- Mùa xuân năm 1771, cuộc khởi nghĩa do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo bùng lên ở Tây Sơn thượng đạo (An Khê - Gia Lai) và mở rộng hoạt động xuống vùng đồng bằng, lập căn cứ ở Kiên Mĩ (Tây Sơn - Bình Định), nêu cao khẩu hiệu “lấy của người giàu chia cho người nghèo” xóa nợ cho nông dân và bãi bỏ nhiều thứ thuế.
Nông dân nghèo, đồng bào các tộc người Chăm, Ba-na vùng An Khê đã tham gia đông đảo, kéo theo sự hưởng ứng của một số thương nhân, thợ thủ công, hào mục địa phương.
 
II. Tây Sơn lật đổ chính quyền họ Nguyễn và đánh tan quân xâm lược Xiêm
1. Lật đổ chính quyền họ Nguyễn
- Đến các năm 1773-1774, nghĩa quân Tây Sơn đã làm chủ một vùng đất rộng lớn từ Quảng Nam đến Bình Thuận, đánh tan mọi cuộc tấn công đàn áp của quân chúa Nguyễn.
Tin đó lan ra Đàng Ngoài, chúa Trịnh cử ngay quân vào đánh chiếm Phú Xuân (Huế), sau đó đánh vào quân Tây Sơn ở Quảng Nam.
- Chúa Nguyễn cùng triều thần bỏ Phú Xuân chạy vào Gia Định nhưng vẫn tiếp tục cho quân đánh ra vùng chiếm đóng của Tây Sơn. Đứng trước tình thế, ở phía nam có quân chúa Nguyễn, ở phía bắc quân Trịnh đánh vào, Nguyễn Nhạc quyết định “tạm hòa” với quân Trịnh để yên mặt bắc, tập trung đánh quân Nguyễn ở phía nam.
- Sau nhiều lần đánh vào Gia Định, năm 1777, nghĩa quân Tây Sơn, đã tiêu diệt được thế lực của chúa Nguyễn. Một người cháu cua chúa Nguyễn là Nguyễn Ánh chạy thoát. Chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong đến đây bị lật đổ.
 
2. Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (1785)
- Sau lần thất bại, Nguyễn Ánh cho người sang cầu cứu vua Xiêm. Nhận thấy thời cơ thuận lợi, vua Xiêm đã cử 5 vạn quân thủy, bộ tiến sang Gia Định với lý do giúp Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn.
- Chiếm được miền Tây Gia Định, quân Xiêm kiêu ngạo ra sức cưỡng bức giết hại nhân dân, đốt phá nhà cửa. Nhân dân Gia Định vô cùng căm giận.
- Tháng 1-1785, theo lệnh của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đã đem quân vào Gia Định và bằng trận Rạch Gầm - Xoài Mút (Tiền Giang) oanh liệt đánh tan 5 vạn quân xâm lược Xiêm, khiến chúng “ngoài miệng thì nói khoác nhưng trong bụng thì sợ Tây Sơn như cọp”.
Tàn quân Nguyễn Ánh tan vỡ, bỏ chạy. Quân Tây Sơn hoàn toàn làm chủ Gia Định.
- Trận Rạch Gầm - Xoài Mút là một trong những trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta, đập tan âm mưu xâm lược của phong kiến Xiêm.
 
III. Tây Sơn lật đổ chính quyền họ Trịnh
1. Hạ thành Phú Xuân - Tiến ra Bắc Hà và diệt họ Trịnh
- Sau khi đánh bại quân xâm lược Xiêm, nghĩa quân Tây Sơn quyết định đánh ra Phú Xuân, Thuận Hóa, chiếm lại toàn bộ phần đất của Đàng Trong cũ, bấy giờ đang nằm dưới chính quyền Lê - Trịnh.
- Tháng 6-1786, cuộc tấn công Phú Xuân diễn ra, quân Trịnh bị đánh bại, rút về bắc, nghĩa quân Tây Sơn nhân đó tiến ra chiếm lại phần đất từ sông Gianh trở vào, giải phóng toàn bộ đất Đàng Trong.
- Nhận thấy thời cơ thuận lợi, người chỉ huy quân Tây Sơn đánh Phú Xuân là Nguyễn Huệ nảy sinh ý định đánh tiếp ra Đàng Ngoài. Được sự ủng hộ của Nguyễn Hữu Chỉnh – vốn là một tướng của chúa Trịnh theo giúp Tây Sơn, Nguyễn Huệ nêu cao khẩu hiệu “phù Lê diệt Trịnh” chia quân tiến ra bắc.
Với sự hưởng ứng của nhân dân Đàng Ngoài, quân Tây Sơn nhanh chóng đánh bại quân Trịnh và tháng 7 năm đó tiến vào Thăng Long. Chính quyền chúa Trịnh bị xóa bỏ. Nguyễn Huệ giao mọi quyền hành cho vua Lê và rút quân về nam.
Cùng với việc tiêu diệt họ Nguyễn ở Đàng Trong, việc lật đổ chính quyền họ Trịnh ở Đàng Ngoài, Tây Sơn đã tạo điều kiện cơ bản cho sự thống nhất đất nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân cả nước.
 
3. Nguyễn Hữu Chỉnh mưu phản – Nguyễn Huệ thu phục Bắc Hà
- Sau khi quân Tây Sơn rút về Nam, tình hình Đàng Ngoài (Bắc Hà) nổi loạn; các thế lực Lê, Trịnh đem quân đánh lẫn nhau. Trước tình hình đó, vua Lê nhờ Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân từ Nghệ An ra giúp diệt Trịnh. Nhân đà thắng lợi, Chỉnh lộng quyền khiến tình thế tiếp tục rối loạn. Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhuận tiến quân ra Bắc trị tội Chỉnh. Diệt được Chỉnh, Nhuận lại có mưu đồ riêng. Được tin đó, giữa năm 1788 Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã đem quân ra dẹp loạn, ổn định tình hình Bắc Hà. Với mong muốn lập lại cảnh an bình, một sổ sĩ phu Bắc Hà: Ngô Thì Nhậm, Phan Huy ích, Nguyễn Thiếp.... đã quyết định theo giúp Nguyễn Huệ.
- Sau hơn 15 năm chiến đấu, phong trào Tây Sơn đã đánh đổ các chính quyền phong kiến đang thống trị trên toàn quốc.
 
IV. Tây Sơn đánh tan quân Thanh
I. Quân Thanh xâm lược nước ta
- Sau khi bỏ Thăng Long chạy trốn lên phía bắc, vua Lê Chiêu Thống đã cho người sang cầu cứu vua Thanh. Thấy đây là thời cơ thuận lợi chiếm Đại Việt, vua Thanh Càn Long đã sai tổng đốc Lưỡng Quảng là Tôn Sĩ Nghị đem 29 vạn quân sang nước ta với danh nghĩa giúp vua Lê đánh Tây Sơn.
- Trước tình thế giặc mạnh, lực lượng Tây Sơn ở Bắc Hà do Ngô Văn Sở và Ngô Thời Nhậm chỉ huy quyết định một mặt sai người về Phú Xuân cấp báo cho Nguyễn Huệ và mặt khác rút quân về gấp rút lập phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn.
- Quân Thanh theo Lê Chiêu Thống vào Thăng Long, bố trí lực lượng phòng thủ rồi chuyển sang ăn chơi cướp bóc nhân dân ta. Trong khi đó Lê Chiêu Thống được nhà Thanh phong “An Nam quốc vương” và chỉ biết tìm cách trả thù những người không theo mình,  hàng ngày sang chầu ở đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị để xin xỏ. Nhân dân chán ghét khinh bỉ Lê Chiêu Thống và càng căm giận quân xâm lược.
 
2. Quang Trung đại phá quân Thanh (1789)
- Được tin cấp báo, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế (1788) lấy hiệu là Quang Trung, tiếp đó kéo quân ra bắc, sau khi dừng lại ở Nghệ An, Thanh Hoá để tuyển thêm quân, vua Quang Trung mở hội thề, đọc lời hiểu dụ kêu gọi toàn dân quyết chiến đấu tiêu diệt quân xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc.
- Quang Trung mở tiệc khao quân (ăn Tết trước).
- Từ Tam Điệp quân ta chia thành 5 đạo, trong đó 2 đạo làm nhiệm vụ chặn đường về của giặc, 3 đạo tấn công các đồn chính của giặc. Cuộc chiến đấu diễn ra thần tốc, bất ngờ. Các đồn lớn và đồn chính của giặc ở Hà Nội, Ngọc Hồi, Đống Đa lần lượt bị đánh tan. Sáng mồng 5 Tết Kỉ Dậu (30-1-1789), Tôn Sĩ Nghị cùng một số tuỳ tùng hốt hoảng bỏ Thăng Long chạy về Bắc. Quân Thanh ở Thăng Long được tin đó cũng đua nhau vượt sông Hồng chạy theo.
Trưa mồng 5, Tết kỉ Dậu đoàn quân chiến thắng của vua Quang Trung tiến vào Thăng Long giữa cảnh “trăm họ chật đường vui tiếp nghênh”.
 
3. Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của phong trào Tây Sơn
* Nguyên nhân thắng lợi
Có được thắng lợi vĩ đại trên, trước hết xuất phát từ lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất chống áp bức bóc lột, chống quân xâm lược, bảo vệ nền độc lập của Tổ Quốc.
- Tinh thần và ý chí đó lại được sự lãnh đạo tài giỏi, sáng suốt và chủ động của người anh hùng Nguyễn Huệ - Quang Trung và bộ chỉ huy nghĩa quân Nguyễn Huệ - Quang Trung thực sự là người anh hùng vĩ đại của nhân dân ta ở thế kỉ XVIII.
 
* Ý nghĩa lịch sử
- 17 năm chiến đấu, phong trào Tây Sơn đã lật đổ các chính quyền phong kiến Nguyễn, Trịnh, Lê, xoá bỏ ranh giới chia cắt đất nước, đặt nền tảng thống nhất quốc gia.
- Phong trào Tây Sơn đánh tan các cuộc xâm lược Xiêm, Thanh, bảo vệ nền độc lập và lãnh thổ của Tổ quốc.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây