© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Lịch sử 7 - Bài 27: Chế độ phong kiến nhà Nguyễn

Thứ hai - 25/03/2019 11:27
Kiến thức cần nhớ, Lịch sử 7 - Bài 27: Chế độ phong kiến nhà Nguyễn
I. Tình hình chính trị, kinh tế
1. Nhà Nguyễn lập lại chế độ phong kiến tập quyền
- Nội bộ Tây Sơn suy yếu, Nguyễn Ánh đem quân tiến đánh Tây Sơn, tháng 6-1801 chiếm được Quy Nhơn, và đánh thẳng ra Phú Xuân. Quang Toản chạy ra Bắc Hà. Nguyễn Ánh lần lượt đánh chiếm vùng đất từ Quảng Trị đến Nam Định và tiến thẳng Thăng Long, Quang Toản bị bắt, chấm dứt thời Tây Sơn.
- Năm 1802, Nguyễn Ánh đặt niên hiệu Gia Long, chọn Phú Xuân làm kinh đô, lập ra triều Nguyễn.
- Chế độ quân chủ chuyên chế được lập lại. Vua trực tiếp nắm mọi quyền hành trong nước từ trung ương đến địa phương. Năm 1815 một bộ luật mới được ban hành với tên “Hoàng triều luật lệ” (còn gọi là luật Gia Long). Năm 1831-1832, cả nước được chia thành 30 tỉnh và một phù Thừa Thiên.
- Quân đội gồm nhiều binh chủng và được xây dựng với một hệ thống thành lũy vững chắc ở các tỉnh.
- Về đối ngoại: Nhà Nguyễn thần phục nhà Thanh nhưng khước từ mọi quan hệ với các quốc gia phương Tây.
 
2. Kinh tế dưới triều Nguyễn
- Nông nghiệp:
+ Công cuộc khai hoang được đẩy mạnh nhưng ruộng đất hoang hóa vẫn còn nhiều. Chính sách quân điền được đặt lại nhưng tổng diện tích ruộng đất công còn quá ít. Nông dân vẫn không có hoặc thiếu ruộng để cày cấy.
+ Đê điều tuy được sửa đắp nhưng vỡ đê, lụt lội vẫn thường xuyên xảy ra khiến làng xóm tiêu điều, mùa màng bị tàn phá.
- Công thương nghiệp phát triển, nhà Nguyễn lập nhiều xưởng đúc tiền, đúc súng, đóng tàu, khai mỏ...
+ Thủ công nghiệp nhà nước phát triển mạnh và có nhiều thành tựu lớn, đặc biệt là việc đóng thành công chiếc tàu thủy chạy bằng máy hơi nước theo kiểu phương Tây.
+ Thủ công nghiệp nhân dân tiếp tục phát triển nhưng thuế nặng.
- Đất nước thống nhất thuận lợi cho việc trao đổi buôn bán. Các đô thị, thị tứ phồn thịnh.
+ Thuyền buôn nước ngoài thường xuyên đến buôn bán. Nhà nước cũng có thuyền chở gạo và đường sang các nước xung quanh để trao đổi. Tàu buôn phương Tây cũng đến buôn bán ở các hải cảng Việt Nam nhưng nhà Nguyễn không cho họ mở cửa hàng và họ chỉ được ra vào ở một số cảng quy định.
 
II. Các cuộc nổi dậy của nhân dân
1. Đời sống nhân dân dưới triều Nguyễn
- Không có hoặc thiếu ruộng để cày cấy sinh sống, người nông dân ở nhiều nơi đã phái bỏ làng đi phiêu tán, kiếm ăn. Không những thế, họ lại phải đi lao dịch cho triều đình, bị bọn quan lại, địa chủ áp bức, bóc lột nặng nề. Đời sống của họ quá khổ cực, thiếu thôn đến mức “quan coi dân như kẻ thù, dân sợ quan như sợ cọp”.
 
2. Các cuộc nổi dậy
- Mâu thuẫn giai cấp gay gắt đã làm bùng lên hàng loạt các cuộc khởi nghĩa của nông dân, dân nghèo ở khắp nơi vào suốt nửa đầu thế kỉ XIX.
- Trong bốn cuộc khởi nghĩa tiêu biểu, có hai cuộc khởi nghĩa nông dân Phan Bá Vành (1821-1827) và Cao Bá Quát (1854-1856), một cuộc khởi nghĩa của tộc người thiểu số - Nông Văn Vân (1833-1835) và một cuộc khởi nghĩa của binh lính - Lê Văn Khôi (1833-1835).
Như vậy, ở nửa đầu thế kỉ XIX, không chỉ nông dân nghèo khổ nổi dậy đấu tranh mà các tộc người thiểu số ở miền núi, quân đội triều đình cũng bất bình nổi dậy đấu tranh. Sự thật này đã nói lên mâu thuẫn sâu sắc giữa vương triều Nguyễn với toàn thể các tầng lớp nhân dân.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây