© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Tình hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu (từ nửa sau những năm 1970 đến 1991).

Thứ tư - 29/11/2017 05:02
Liên Xô và các nước Đông Âu sau chiến tranh thứ hai. Tình hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu (từ nửa sau những năm 1970 đến 1991)
1. Liên Xô lâm vào tình trạng “trì trệ” và công cuộc cải tổ
a. Tình trạng “trì trệ”

Năm 1973 cuộc khủng hoàng dầu mỏ nghiêm trọng đã nổ ra khởi đầu cuộc khủng hoảng chung của toàn thế giới trên nhiều mặt: kinh tế, chính trị, tài chính...
đặt ra cho nhân loại nhiều vấn đề cấp thiết cần giải quyết:

+ Sự bùng nổ dân số và hiểm hoạ vơi cạn dần các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

+ Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng khoa học kỹ thuật, đòi hỏi các quốc gia phải có những điều chỉnh lớn về mọi mặt để thích ứng với tình hình, sự giao lưu, hợp tác quốc tế ngày càng phát triển theo xu hướng quốc tế hoá cao.

Song những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô chủ quan cho rằng: quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa không chịu sự tác động của cuộc khủng hoảng toàn thế giới, do đó chậm thích ứng, chậm sửa đổi. Trên thực tế mô hình và cơ chế cũ của chủ nghĩa xã hội về kinh tế, chính trị, xã hội được hình thành trước đó vốn đã tích tụ những thiếu sót và sai lầm nên không phù hợp và cản trở sự phát triển của xã hội Xô viết. Mặt khác, cùng với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp là tình trạng thiếu dân chủ, thiếu công bằng, vi phạm nghiêm trọng pháp chế xã hội chủ nghĩa và nhiều tệ nạn khác đã gây nên sự bất mãn trong nhân dân, đất nước lâm vào tình trạng “trì trệ” kéo dài, lương thực thực phẩm phải nhập từ các nước phương Tây. Đời sống nhân dân ngày càng giảm sút.

b. Công cuộc cải tổ

Đầu 1985 Goócbachốp lên nắm quyền lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô đã tiến hành công cuộc cải tổ.

- Cuộc cải tổ được tiến hành trên các mặt chính trị, xã hội như: thiết lập chế độ tổng thống tập trung nắm mọi quyền lực, thực hiện đa nguyên, đa đảng về chính trị, đề cao dân chủ và công khai vẻ kinh tế: Chính phủ Liên Xô đưa ra nhiều phương án nhằm chuyển biến nền kinh tế Xô viết sang cơ chế thị trường nhưng chưa thực hiện được gì, trong khi đó quan hệ kinh tế cũ bị phá vỡ mà các quan hệ kinh tế mới chưa hình thành.

- Trong gần 6 tháng tiến hành, công cuộc cải tổ ngày càng lún sâu vào bế tắc do vấp phải nhiều khó khăn, trở ngại: Sự suy sụp về kinh tế kéo theo những khó khăn về chính trị và những tệ nạn xã hội, mâu thuẫn và xung đột giữa các dân tộc dẫn đến hiện tượng li khai của một số nước cộng hòa ra khỏi Liên bang Xô viết: Litva, Estônia, Latvia; sự chia rẽ và hình thành các phe phái trong nội bộ Đảng cộng sản Liên Xô cùng sự xuất hiện một loạt đảng phái với nhiều xu hướng chính trị khác nhau trong xã hội; sự ngóc đầu dậy của các thế lực chống chủ nghĩa xã hội.

Tất cả đã đặt đất nước Xô viết trước những khó khăn và thử thách nghiêm trọng, đặc biệt vào đầu thập niên 90.

C. Hậu quả

- Ngày 19/8/1991, một số người lãnh đạo Đảng, Nhà nước Xô viết đã tiến hành cuộc đảo chính lật đổ Goócbachốp. Cuộc đảo chính thất bại nhanh chóng (21/8). Sau đó Goócbachốp từ chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô.

- Đảng cộng sản Liên Xô bị đình chỉ hoạt động trong toàn liên bang; chính quyền Xô viết bị giải thể. Mười một nước Cộng hoà tuyên bố độc lập.

- Một làn sóng chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội dấy lên trong nước.

- Ngày 21/12/1991 tại thủ đô Anmaata (Cadacxtin), những người lãnh đạo 11 nước cộng hoà ký Hiệp định về giải tán Liên bang Xô viết và thành lập cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG).

- Ngày 25/12/1991 tổng thống Goócbachốp phải tuyên bố từ chúc và cùng ngày lá cờ đỏ búa liềm trên nóc điện Kremli bị hạ xuống, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và sự tan vỡ của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết.

2. Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu từ cuối những năm 1988 đến 1991
a. Tình hình kinh tế-xã hội ở các nước Đông Âu những năm 1970 – 1980. Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước này

- Vào những năm 1970, nền kinh tế các nước Đông Âu suy giảm về nhịp độ tăng trưởng.

- Sang nhũng năm 1980, Đông Âu đề ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với chỗ dựa là thành tựu khoa học kỹ thuật nhưng chưa đạt được kết quả gì.

- Đến năm 1985, khi Liên Xô tiến hành cải tổ thì các nước Đông Âu vẫn chưa chuyển biến mạnh để thích ứng:

+ Anbani vẫn giữ nguyên cơ chế cũ.

+ Cộng hòa dân chủ Đức và Rumani cho rằng mình không có gì sai sót phải cải tổ cảo cách.

+ Ba Lan: tình hình kinh tế, chính trị xã hội trở nên căng thẳng và phức tạp. Sự bất bình của nhân dân trước sự độc đoán hoặc lạm dụng quyền lực cùng những đặc quyền địa lợi của một số người lãnh đạo quan chức cấp cao Nhà nước.

- Lợi dụng tình hình đó, các thế lực chống chủ nghĩa xã hội ra sức kích động công nhân bãi công, quần chúng biểu tình, đấu tranh đòi Đảng và Nhà nước các nước Đông Âu phải cải cách kinh tế, chính trị, thực hiện chế độ đa nguyên về chính trị, xoá bỏ độc quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản, tiến hành cuộc tổng tuyển cử tự do. Những hoạt động trên làm tê liệt mọi sinh hoạt của đất nước, đẩy chế độ xã hội chủ nghĩa vào cuộc khủng hoảng toàn diện và trầm trọng. Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Đông Âu lần lượt buộc phải chấp nhận xoá bỏ độc quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản, thừa nhận chế độ đa nguyên về chính trị và tiến hành tổng tuyển cử tự do.

- Như vậy, trong những năm 1989 -1991 chế độ Xã hội Chủ nghĩa đã bị sụp đổ ở hầu hết các nước Đông Âu và chế độ mới được dựng lên với những nét chung nổi bật là:

+ Tuyên bố từ bỏ Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Chủ nghĩa xã hội thực hiện đa nguyên về chính trị và chế độ đa đảng.

+ Xây dựng Nhà nước pháp quyền đại nghị và kinh tế thị trường,

+ Giai cấp công nhân chia rẽ thành nhiều phe phái.

+ Tên nước, quốc kỳ, quốc huy và ngày quốc khánh đều thay đổi theo hướng chung gọi là cộng hoà.

b. Nguyên nhân dẫn đến sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu

- Mô hình chủ nghĩa xã hội đã xây dựng có nhiều khuyết tật và sai sót.

- Chậm sửa chữa thay đổi trước những biến đổi của tình hình thế giới.

- Những sai lầm về sự tha hoá biến chất của một số nhà lãnh đạo.

- Hoạt động chống phá của các thế lực chống chủ nghĩa xã hội trong và ngoài nước. Đây là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội chưa khoa học, chưa nhân văn và là một bước thụt lùi của chủ nghĩa xã hội.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây