© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Câu hỏi tự luận Sinh học 12, đề 14.

Thứ hai - 15/01/2018 03:23
Câu hỏi tự luận Sinh học 12, đề 14, có đáp án.
Câu 1. Giao phối gần là gì? Hậu quả của giao phối gần đến biểu hiện của kiểu gen và kiểu hình. Vai trò của giao phối gần đối với thực tiễn sản xuất.

Câu 2. Quan niệm hiện đại về những dấu hiệu cơ bản của sự sống. Những thuộc tính nào là độc đáo riêng cho cơ thế sống, để phân biệt chúng với vật thể vô cơ. 

Câu 3: Tại sao nói toàn bộ sinh giới ngày nay tuy rất đa dạng nhưng đều xuất phát từ nguồn gốc chung. Hãy nêu các chiều hướng tiến-hóa của sinh giới.

Câu 4: Gen có 1170 nuclêôtit và A = 1/4G. Gen này bị đột biến, tổng hợp một phân tử prôtêin giảm xuống 1 axit amin và có thêm 2 axit amin mới.

a. Tính chiều dài của gen bị đột biến.
b. Đột biến gen thuộc dạng nào?

c. Nếu số liên kết hyđrô của gen đột biến là 1630 thì gen đột biến có bao nhiêu nuclêôtit thuộc mỗi loại.

HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI:

Câu 1. 1. Giao phối gần là gì :

+ Là sự giao phối giữa các cá thể có quan hệ họ hàng gần nhau như giữa các cá thể cùng bố mẹ, giữa con cháu với bố mẹ, ông bà ...
+ Ở thực vật: Biểu hiện cao nhất của giao phối gần là tự thụ phấn.
+ Ở động vật: là giao phối cận huyết giữa các cá thể cùng bầy, đàn ... giữa anh, chị em hay giữa con cái với bố mẹ.

2. Hậu quả của giao phối gần đối với kiểu gen và kiểu hình:
a. Đối với kiểu gen:

+ Tính chất đồng hợp của các gen tăng lên, giảm tính chất dị hợp của các gen.
+ Tạo ra các dòng thuần chủng có kiểu gen khác nhau.
Ví dụ: P: AaBb x AaBb => các dòng thuần chủng AABB, AAbb, aaBB, aabb.

b. Đối với kiểu hình:
+ Các tính trạng tốt được ổn định.
+ Trong các cặp gen đồng hợp có các đồng hợp lặn làm cho con lai bị thoái hóa như: Sinh trưởng phát triển chậm, sức sống giảm, năng suất thấp, phẩm chất xấu, đôi khi con lại bị chết; ở động vật, khi giao phối cận huyết, con lai có sức đẻ giảm, xuất hiện quái thai, dị hình.

3. Vai trò của giao phối gần:
+ Củng cố các tính trạng tốt ở trạng thái thuần chủng.
+ Tạo các dòng thuần chủng có kiểu gen khác nhau, làm vật liệu cho lai khác dòng để tạo ưu thế lai và giống, mới.
+ Căn cứ vào các dòng thuần chủng có thể kiểm tra, đánh giá các dòng, từ đó bồi dưỡng giống tốt để chọn lọc đầu dòng loại bỏ các giống xấu.
 
Câu 2. I. Quan niệm hiện đại về những dấu hiệu cơ bản của sự sống:

1. Là hệ thống mở: Nghĩa là thường xuyên trao đổi chất với môi trường, dẫn đến sự thường xuyên tự đổi mới thành phần tổ chức.

2. Vật thế sống còn có những dấu hiệu khác như sinh trưởng, cảm ứng, vận động, sinh sản. Chúng đều liên quan đến sự trao đổi chất và đây là dấu hiệu không thể có ở vật thể vô cơ.

3. Quá trình tự sao chép (tự nhân đôi) của ADN là cơ sở phân tử của sự di truyền và sinh sản, đảm bảo cho sự sống sinh sôi nẩy nở, duy trì liên tục.

4. Tự điều chỉnh: Là khả năng tự động duy trì và giữ vững ổn định về thành phần và tính chất. Mọi hệ sống ở các cấp độ tổ chức đều có khả năng tự đều chỉnh rất cao. Nhờ đó thích ứng được với môi trường thay đổi. Quá trình tự điều chỉnh nhờ sự có mặt các hệ enzim, các hoocmôn và suy cho cùng là thuộc về các gen trên ADN.

5. Tích lũy thông tin di truyền: ADN có khả năng tự sao đúng mẫu của nó, tuy nhiên dưới ảnh hưởng phức tạp của nhiều tác nhân trong cơ thể và môi trường ngoài. Cấu trúc của nó bị biến đổi (đột biến) và những biến đổi này dược sao chép lại. Đó là quá trình tích lũy thông tin di truyền, cơ sở phân tử của sự tiến hóa.
Kết luận: Các cật thể sống đang tồn tại trên quả đất có cơ sở vật chất chủ yếu là các đại phân tử prôtêin, axit nuclêic. Là những hệ thống mở, có khả nũng tự đổi mới, tự sao chép, tự điều chỉnh và tích lũy thông tin di truyền.

Câu 3. 1. Nguồn gốc chung của sinh giới:

+ Do tác động của chọn lọc tự nhiên theo nhiều hướng đã xảy ra sự phân li tính trạng tư dạng sinh vật ban đầu, hình thành loài mới theo nhiều con đường khác nhau (Sơ đồ phân li tính trạng).

+ Những loài có chung nguồn gốc hợp thành 1 chi.
+ Những chi có chung nguồn gốc hợp thành 1 bộ.
+ Những họ có chung nguồn góc hợp thành 1 bộ.
+ Những bộ có chung nguồn gốc hợp thành 1 lớp.
+ Những lớp có chung nguồn gốc hợp thành 1 ngành.
+ Những ngành có chung nguồn gốc hợp thành 1 giới.

Vậy: Toàn bộ sinh giới đa dạng, phong phú nhưng đều xuất phát từ nguồn gốc chung.

II. Các chiều hướng tiến hóa của sinh giới: Sinh giới tiến hóa theo 3 chiều hướng sau:

1. Ngày càng đa dạng: Từ một số dạng ban đầu, ngày nay bộ mặt sinh giới hết sức đa dạng với hơn 1,5 triệu loài động vật; 0,5 triệu loài thực vật.

2. Tổ chức cơ thể ngày càng phức tạp dần: Từ chưa có cấu tạo tế bào đến đơn bào rồi đa bào, sau đó là sự chuyển hóa về chức năng. Những loài sinh vật xuất hiện càng về sau càng có tổ chức cơ thể phức tạp và hoàn hảo.
Ví dụ: ở giới động vật có loài người, ở giới thực vật có thực vật hạt kín.

3. Thích nghi ngày càng hợp lí: Những dạng sinh vật ra đời càng về sau sẽ càng có đặc điểm thích nghi hợp lí hơn, đã thay thế những dạng trước đó kém thích nghi. Trong lịch sử tiến hóa đã có 25 vạn loài thực vật, 7,5 triệu loài động vật bị diệt vong vì không thích nghi trước sự thay đổi của hoàn cảnh sống.
Trong ba hướng, thích nghi là hướng cơ bản nhất. Do vậy, trong những điều kiện xác định, có nhiều dạng sinh vật vẫn duy trì tổ chức nguyên thủy (các hóa thạch sống) hoặc đơn giản hóa (nhóm ký sinh) mà vẫn tồn tại và phát triển. Điều này giải thích tại sao ngày nay có sự song song tồn tại những nhóm sinh vật có tổ chức thấp bên cạnh nhóm có tổ chức cao.
 
Câu 4. a. Chiều dài của gen đột biến:

Phân tử prôtêin do gen đột biến tổng hợp bị giảm xuống 1 axit amin chứng tỏ đã mất 3 cặp nuclêôtit trong gen.
- Số nuclêôtit của gen đột biến: 1170 - 6 = 1164 nuclêôtit.
- Chiều dài của gen đột biến: (1164 : 2) x 3,4 = 1978,8 Ao .

b. Dạng đột biến gen:
- Vì trong prôtêin do gen đột biến tổng hợp có thêm 2 axit amin mới. Do vậy, đã xảy ra mất 3 cặp nuclôôtit trong 3 bộ ba mã hóa liên tiếp nhau; 6 nuclêôtit còn lại trong mạch khuôn tổ hợp lại thành hai codon mới, quy định 2 axit amin mới.

c. Số nuclêôtit mỗi loại của gen đột biến:
- Số nuclêôtit mỗi loại cua gen trước đột biến:
A = 1/4G => G = 4A (1).       => Suy ra
A + G = 1170 : 2 = 585 (2)
A = T = 117 nuclêôtit; G = X = 468 nuclêôtit.
- Số liên kết hydrô của gen trước đột biến:
(117 x 2) + (468 x 3) = 1638 liên kết.
- Sau đột biến số liên kết hydrô đã giảm xuống: 1638 - 1630 = 8 liên kết.
8 = (3 x 2) + 2 => trong ba cặp nuclêôtit mất đi đã có 2 cặp nuclêôtit loại G - X và 1 cặp nuclêôtit loại A - T.
- Số nuclêôtit mỗi loại của gen sau đột biến:
A = T = 117 - 1 = 116 nuclêôtit; G = X = 468 - 2 = 466 nuclêôtit.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây