© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Đề kiểm tra trắc nghiệm Sinh học 9 (Đề số 1)

Thứ sáu - 20/01/2017 04:33
Đề kiểm tra trắc nghiệm Sinh học 9 (Đề số 1), có đáp án
A. PHẦN TỰ LUẬN
 
Câu 1. Hãy trình bày nội dung của phương pháp nghiên cứu di truyền của Menđen?
Câu 2. Nhiễm sắc thể là gì? Giải thích cấu tạo và chức năng của NST ?
Câu 3. Nêu khái niệm về tính trạng và về gen. Cặp tính trạng tương phản và cặp gen tương phản là gì? Cho thí dụ minh hoạ.
 
B. PHẦN TRẮC NGHIỆM
 
Câu 1. Phép lai nào tạo ra con lai đồng tính (tức chỉ xuất hiện duy nhất 1 kiểu hình)?
 
A. AaBB X Aabb
 
B. AAbb X aaBB
 
C. AABb X AABb
 
D. Aabb X aabb
 
Câu 2. Phép lai tạo ra 2 kiểu hình ở con lai là:
 
A. MMPP X mmPP
 
B. MmPp X MmPp
 
C. MMPP X mmpp
 
D. MmPp X MMPP
 
Câu 3. Trong nguyên phân, hiện tượng mỗi NST kép tách đôi ở tâm động để tạo thành hai NST đơn và phân li về hai cực của tế bào xảy ra ở kì nào?
 
Ạ. Kì đầu
B. Kì giữa
C. Kì sau
D. Kì cuối
 
Câu 4. Hiện tượng xảy ra trong tế bào vào kì cuối của nguyên phân là gì?
 
A. Thoi vô sắc biến mất.
B. Màng nhân và nhân con xuất hiện trở lại.
C. Màng tế bào chất phân chia để tạo ra 2 tế bào con từ tế bào mẹ.
D. Cả A, B và c đều đúng.
 
Câu 5. Đặc điểm của giống thuần chủng là gì?
 
A. Dễ gieo trồng
B. Có khả năng sinh sán mạnh
C. Nhanh tạo ra kết quả trong thí nghiệm
D. Có đặc tính di truyền đồng nhất và cho các thế hệ sau giống với nó
 
Câu 6. Đặc điểm nào của đậu Hà Lan tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu của Menđen?
 
A. Sinh sản và phát triển mạnh
B. Có chu kỳ ra hoa và vòng đời trong 1 năm
C. Số nhiễm sắc thể ít và dễ phát sinh biến dị
D. Có hoa lưỡng tính và khả năng tự thụ phấn cao
 
Câu 7. Chọn các cụm từ: hình thái, sinh lí, trái ngược nhau, tính trạng, tương phản, đồng nhất, nhân tố điền vào các chỗ trống thay cho các số 1, 2, 3,... để hoàn chỉnh các câu sau:
 
Tính trạng là những đặc điểm cụ thể về... (1), cấu tạo,... (2)..., của một cơ thể.
Cặp tính trạng... (3)... là hai trạng thái khác nhau thuộc cùng một loại tính trạng có biểu hiện...(4)...
Gen là...(5)... di truyền quy định một hoặc một số... (6)... của sinh vật.
 
Dòng hay giống thuần chủng là giống có đặc tính di truyền...(7)..., các thế hệ sau giống các thế hệ trước.

HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI

A. PHẦN TỰ LUẬN
 
Câu 1.
 
Menđen đề ra và thực hiện phương pháp phân tích các thế hệ lai bằng cách cho cặp bố mẹ lai với nhau rồi phân tích sự di truyền các đặc điểm của bố mẹ ở con lai.
 
Nội dung của phương pháp được tiến hành qua các giai đoạn sau đây:
 
- Tiến hành lai các cặp bố mẹ thuần chủng về một hoặc một số cặp tính trạng nào đó, rồi theo dõi sự di truyền riêng rẽ của từng cặp bố mẹ.
- Dùng thống kê toán học để phân tích các số liệu thu được. Từ đó, rút ra định luật về sự di truyền các tính trạng đó của bố mẹ cho các thế hệ của con cháu.
 
Câu 2.
 
NST là cấu trúc nằm trong nhân tế bào, dễ bắt màu khi được nhuộm bằng dung dịch thuốc nhuộm mang tính kiềm.
 
1. Cấu tạo NST
 
NST thường chỉ được quan sát rõ nhất ở kì giữa của quá trình phân bào. Vào thời kì này NST đóng xoắn cực đại và có dạng đặc trưng. Chúng gồm có hai crômatit giống hệt nhau dính nhau ở tâm động. Tại vị trí tâm động, NST có eo thứ nhất chia nó thành hai cánh. Trên cánh của một số NST còn có eo thứ hai.
 
Trong mỗi crômatit có chứa một phân tử ADN (axit đêôxi ribônuclêic) và một loại prôtêin được gọi là histôn.
 
2. Chức năng NST
 
NST có vai trò quan trọng trong di truyền, do có những chức năng sau:
 
- NST là cấu trúc mang gen. Gen nằm trên phân tử ADN của NST. Gen chứa thông tin quy định tính trạng di truyền của cơ thể.
- NST có khả năng tự nhân đôi để truyền đạt thông tin di truyền qua các thế hệ. NST nhân đôi được là nhờ phân tử ADN nằm trong nó nhân đôi.
 
Câu 3.
 
1. Khái niệm về tính trạng và gen
 
a. Tính trạng
 
Là các đặc điểm về hình thái, cấu tạo và sinh lí của cơ thể mà dựa vào đó, ta có thể nhận biết được nó và phân biệt nó với các sinh vật khác.
 
b. Gen
 
Là nhân tố di truyền nằm trên NST, trong nhân tế bào, quy định một hay một số tính trạng nào đó ở cơ thể.
 
2. Cặp tính trạng tương phản, cặp gen tương phản và thí dụ
 
a. Cặp tính trạng tương phản
 
Là hai trạng thái khác nhau của cùng một tính trạng nhưng biểu hiện trái ngược nhau.
 
Thí dụ: ở đậu Hà lan hạt màu vàng và hạt màu xanh là hai trạng thái khác nhau của cùng một tính trạng về màu sắc của hạt; thân cao và thân thấp là hai trạng thái khác nhau của cùng một tính trạng về chiều cao của thân v..v...
 
b. Cặp gen tương phản
 
Là hai trạng thái khác nhau của cùng một gen nằm ở vị trí tương ứng trên cùng một cặp NST tương đồng quy định một cặp tính trạng tương phản nào đó.
 
Thí dụ: Ở đậu Hà lan, gen A quy định hạt màu vàng, gen a quy định hạt màu xanh hoặc gen B quy định thân cao, gen b quy định thân thấp v..v...
 
B. PHẦN TRẮC NGHIỆM
 
Câu 1. B     Câu 2. D     Câu 3. C
Câu 4. D     Câu 5. D     Câu 6. D
 
Câu 7. 1. Hình thái ; 2. Sinh lí ; 3. Tương phản ; 4. Trái ngược nhau ;
5. Nhân tố ; 6. Tính trạng ; 7. Đồng nhất.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây