© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Bằng hiểu biết về các tác phẩm tiêu biểu của một trong các nhà văn Thạch Lam, Nam Cao, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, hãy bình luận và làm sáng tỏ ý kiến của Nguyễn Tuân

Thứ ba - 21/03/2017 21:55
Trả lời phỏng vấn của báo Văn Nghệ số tết Bính Dần (1986) Nguyễn Tuân nói: “Tôi quan niệm đã viết văn phải cố viết cho hay và viết đúng cái tạng riêng của mình. Văn chương cần có sự độc đáo hơn trong bất kì lĩnh vực nào khác”. Bằng hiểu biết về các tác phẩm tiêu biểu của một trong các nhà văn Thạch Lam, Nam Cao, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, hãy bình luận và làm sáng tỏ ý kiến trên.
Hình như từ khi con người tự ý thức về mình, có nhu cầu bộc lộ, giao tiếp thì văn chương đã ra đời, và thời nào người ta cũng bàn bạc, tranh cãi về chuyện văn chương. Mỗi nhà văn trên bước đường cầm bút của mình đều đưa ra một quan niệm riêng. Nguyễn Tuân quan niệm “đã viết văn phải cố viết cho hay và viết cho đúng cái tạng riêng của mình. Văn chương cần sự độc đáo hơn trong bất kì lĩnh vực nào khác”. Và quan niệm đúng đắn đó đã theo Nguyễn Tuân suốt cuộc đời cầm bút, tận tụy mà phóng túng !
 
Sinh ra trong gia đình nhà nho cuối mùa, cha là cụ tú kép tài hoa nhưng bất đắc chí, Nguyễn Tuân sớm ảnh hướng tính ngông nghênh, kiêu bạc của cha mình. Có thể nói cuộc đời ông gói trọn trong một chữ Ngông - Ngông theo kiểu của ông là phải ném ra ngoài cuộc đời một lối sống khác người. Lối sống của ông chẳng giống ai, “cái râu cái tóc ông chẳng giống ai” (Phạm Tiến Duật). Và văn chương của ông thì vô cùng độc đáo: “Cái độc đáo văn ông ngàn đời không lặp lại”. Hơn ai hết, Nguyễn Tuân rất coi trọng nghề văn và thấu hiểu đấy là cái nghề “khổ hạnh”, thấu hiểu tâm trạng văn nhân trước cái “pháp trường trắng” dang dở của cuộc đời mình. Ông quan niệm “đã viết văn phải cố viết cho hay và viết đúng cái tạng riêng của mình” bởi lẽ “văn chương cần sự độc đáo hơn trong bất kì lĩnh vực nào khác”.
 
“Đã viết văn” có biết bao trân trọng, thành kính, thiêng liêng trong câu nói ấy. Dường như Nguyễn Tuân hơi cao giọng để nhấn mạnh. “Đã” là một sự lựa chọn. “Đã” là một sự hi sinh. Và đã quyết cầm bút thì “phải cố viết cho hay”, “ Viết cho đúng cái tạng riêng của mình”. Ai cầm bút mà chả mong cho đứa “con tinh thần” của mình được đánh giá là “hay”. “Hay” tức là phải đạt đến một “độ” nào đó về cả nội dung và nghệ thuật. Nhưng viết được một tác phẩm văn chương như thế, khó lắm thay, cho nên văn nhân “phải cố”, phải nỗ lực, phấn đấu hết mình. Nguyễn Tuân đòi hỏi văn chương phải “hay”, cao hơn phải “đúng cái tạng riêng” của người viết. Tức là mỗi nhà văn phải mang vào tác phẩm một phong cách nghệ thuật riêng, một vẻ độc đáo, mới mẻ.
 
Đó là một quan niệm đúng đắn, được đúc rút, chiêm nghiệm từ một đời văn tài hoa. Cội nguồn thẳm sâu của văn học là cuộc đời. Cuộc đời là điểm xuất phát và đích hướng tới của văn học, cho nên văn học rất gần gũi với con người. Hơn nữa, những tác giả đầu tiên của văn học là những người nông dân hai sương một nắng. Kinh Thi là của họ, dân ca, tục ngữ, ca dao là của họ. Nói như thể để thấy rằng văn chương là lĩnh vực mà ai cũng có thể hiểu, tuy mức độ hiểu khác nhau, ai cũng có thể góp công xây dựng, tuy những đóng góp ấy có giá trị khác nhau. Một anh bán cháo, khi mẹ mất, cũng có thể làm một bài thơ khóc mẹ, dù anh chưa biết chữ:
 
“Khóc một tiếng, gọi một tiếng
Mẹ ơi !
Tiếng con mẹ quen thế
Sao gọi mẹ không thưa?”
 
Nhưng văn chương là cái đẹp, nó không dung nạp những thứ phi nghệ thuật, cho nên người viết “phải cố viết cho hay”. Thòi gian là quy luật loại trừ, chỉ những tác phẩm “hay” mới có chỗ dung thân. Mười thế kỉ đã trôi qua, nền văn học viết của chúng ta có biết bao tác phẩm, nhưng tồn tại được đến hôm nay có được bao nhiêu tác phẩm.
 
Hơn nữa “văn chương cần sự độc đáo hơn trong bất kì lĩnh vực nào khác” cho nên nhà văn không chỉ cố viết hay mà còn phải “viết đúng cái tạng riêng của mình”. Lĩnh vực khoa học nào mà chả cần sự độc đáo. Từ chiếc xe đạp đầu tiên, thô lậu của nhân loại, đến chiếc xe đạp ngày nay là cả một bước tiến dài. Từ những chiếc đồng hồ cồng kềnh, cổ lỗ xa xưa đến chiếc đồng hồ mỏng tang trên cổ tay con người ngày nay là biết bao sự cải tạo, độc đáo. Nhưng mỗi thành phần vật chất độc đáo ấy có thể đem ra mà sản xuất hàng loạt, còn văn chương lại là thứ sản phẩm tinh thần độc đáo, không lặp lại. Đối tượng của văn chương là thế giới tâm hồn con người đầy biến động. Nói như Lép Tônxtôi thì tâm hồn con người luôn “lưu chảy”. Lúc này anh ta có thể là thiên thần, lúc khác lại là ác quỷ. Lúc này anh ta có thể là một lực sĩ, lúc khác lại là một kẻ bất lực khôn cùng. Cứ soi vào tâm hồn Hộ (Đời Thừa) thì thấy ngay điều đó. Đối với Từ, anh ta vừa là ân nhân, vừa là tội nhân, vừa là một người chồng rất mực thương yêu, vừa là kẻ vũ phu tàn nhẫn. Với đối tượng phức tạp như thế, tất yếu văn chương cần sự độc đáo hơn trong bất kì lĩnh vực nào khác. Nhà văn không chỉ viết hay theo “một vài kiểu mẫu đưa cho” mà phải có phong cách riêng, một cái nhìn độc đáo với cuộc đời. Cho nên cùng viết về đề tài người nông dân trước cách mạng mà “Tắt đèn” (Ngô Tất Tố) khác “Bước đường cùng” (Nguyễn Công Hoan) và khác cả “Chí Phèo” của Nam Cao. Mỗi nhà văn với “cái tạng riêng của mình” đã đem đến cho ta cái nhìn mới về người nông dân.
 
Khi nhà văn viết không đúng “cái tạng” của mình, tác phẩm sẽ trở nên nhạt nhẽo, vô vị. Như ta đã biết, trước khi “Chí Phèo” ra đời năm 1941, Nam Cao đã cầm bút khá lâu mà chả ai biết đến. Đó là khi ông viết những vần thơ lãng mạn, đó là khi ông say theo thứ “ánh trăng lừa dối” trong khi mảnh đất đợi ông cày xới là hiện thực lầm than. Tìm đến với mảnh đất này, ngòi bút sắc lạnh mà đằm thắm, trữ tình của ông phát huy hết tác dụng và đưa ông lên vị trí đỉnh cao của văn học hiện thực nước nhà.
 
Thời gian thì cứ trôi đi lặng lẽ mà vô tình, nhưng thời gian cũng chính là thứ nước rửa ảnh, làm nổi bật lên những tác phẩm hay, độc đáo. “Tôi quan niệm đã viết văn phải cố viết cho hay và viết đúng cái tạng riêng của mình. Văn chương cần sự độc đáo hơn trong bất kì lĩnh vực nào khác”
 
Đến với những tác phẩm của Thạch Lam ta sẽ thấy rõ tính đúng đắn của quan niệm đó. Người ta bảo “tài hoa thì mệnh bạc” không biết có đúng thế không mà những văn sĩ tài hoa như Nam Cao, như Vũ Trọng Phụng ... lại thường chết trẻ. Thạch Lam cũng vậy. Tuy thời gian cầm bút quá ngắn ngủi song ông đã tạo được một diện mạo riêng nơi văn đàn. Viết văn, Thạch Lam tham gia nhiều thể loại, truyện ngắn có, truyện dài có, tuỳ bút có, phê bình tiểu luận có, nhưng ông thành công hơn với những trang truyện ngắn bàng bạc chất thơ. Cái tạng riêng nhẹ nhàng, tinh tế mà tài hoa đã chi phối những trang văn Thạch Lam, tạo nên một diện mạo riêng biệt. Trên văn đàn Việt Nam thời kỳ 1932 - 1945 có hai khuynh hướng sáng tác: khuynh hướng sáng tác hiện thực và khuynh hướng sáng tác lãng mạn. Các nhà văn lãng mạn quan niệm nghệ thuật chỉ “vị nghệ thuật”, nghệ thuật là cái đẹp, nên hay tìm đến những tình yêu thơ mộng, lãng mạn. Còn các nhà văn hiện thực, họ coi văn chương “là sự thực ở đời” - cái sự thực tối đen, quằn quại và đau khổ. Thạch Lam là một trong những thành viên trụ cột của “Tự lực văn đàn” - nhóm văn tiêu biểu cho khuynh hướng lãng mạn trên văn đàn, song bên cạnh những nét chung với các văn sĩ, thi sĩ “Tự lực”, ông vẫn tạo được phong cách riêng. Giọng điệu văn chương độc đáo ấy được thể hiện ngay từ cảm hứng sáng tác. Cảm hứng sáng tác của Thạch Lam bắt nguồn từ những cuộc đời bình dân nghèo đói. Thì đó cũng là cảm hứng chung của các nhà văn “Tự lực” và các nhà văn hiện thực. Một trong những tôn chỉ sáng tác của “Tự lực văn đàn”“Hướng về bình dân, không vương giả”, nên các nhà văn như Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo ... hết sức tuân theo chủ nghĩa bình dân. Họ tìm về nơi thôn dã mà sáng tác. Nhân vật của họ là những cô thôn nữ thơ ngây và xinh đẹp, dường như sống chỉ để mà yêu. Cảnh vật của họ chỉ là những luỹ tre xanh, những nếp rạ thanh bình và làn khói lam chiều êm ả. Họ có tuân theo chủ nghĩa bình dân, nhưng đó là thứ “bình dân” được nói cao giọng, được hô hào, kêu gọi bằng thái độ của người trên nhìn xuống, ở ngoài nhìn vào xót thương và cứu vớt chứ chưa có sự đồng cảm, xẻ chia.
 
Họ thấy những cô thôn nữ thơ ngây mà chưa thấy những cảnh làm việc tối mặt, tối mũi. Họ say những nếp khói lam chiều mà không biết trong bếp người ta nếu gì, đất sét khô (Làm mõ - Ngô Tất Tố) hay chỉ vài cái dãi khoai (Tắt Đèn - Ngô Tất Tố). Thạch Lam tuân theo chủ nghĩa bình dân, nhưng hai chữ “bình dân” ấy không bay theo những áng phù vân trôi nổi, hời hợt mà lúc nào cũng ấm áp hơi thở cuộc đời. Thạch Lam không hề cao giọng, rất lặng lẽ, khiêm nhường ông đến với cuộc sống của những kiếp đói nghèo bằng một niềm thương cảm chân thành, bằng một sự thấu hiểu sâu sắc. Đến với văn chương Thạch Lam, ta được đến với những bức tranh cuộc đời rất đỗi chân thật. Đó là chuyện một cơn giận, chuyện tối ba mươi, chuyện đói ... Đó là những cảnh đời nho nhỏ, những kiếp sống khốn cùng. Không có cốt truyện hấp dẫn, tình tiết li kì của truyện đường rừng, truyện kiếm hiệp rất thịnh hành lúc bấy giờ. Cũng không có những mâu thuẫn gay gắt, bức xúc của các nhà văn hiện thực như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Thạch Lam thường đi vào những bi kịch nhân sinh nho nhỏ mà ám ảnh, day dứt. Đó là cuộc đời hai đứa trẻ trong một phố huyện mênh mang bóng đêm và những kiếp người mờ mờ như những kiếp bóng. Đó là cô hàng xén mà cuộc đời cứ quẩn quanh trong phiên chợ huyện, xam xám, nhờ nhờ, và đầy u buồn. Đó là những đứa trẻ, trong cái gió lạnh đầu mùa chỉ mong một manh áo ấm - sao mà xa xôi, tận ngoài Hà Nội ! Đó là những người đàn bà phải lấy thân xác ra làm hiện vật buôn bán, tối ba mươi ôm nhau khóc bởi chẳng biết cúng ai.
 
Nhưng dường như hiện thực chưa phải điểm dừng cuối cùng, Thạch Lam đến với hiện thực đã cất lên tiếng lòng thương cảm với những kiếp người. Ông không tô hồng, cũng chẳng bôi đen cuộc sống. Ông đến với cuộc sống để tìm những nốt xanh. Những nốt xanh ấy khi thì là một niềm vui nho nhỏ, khi thì là những khoảnh khắc bình yên và dịu mát hương thơm cuộc đời. Một tác phẩm in đậm hiện thực khổ đau như “Nhà mẹ Lê” mà vẫn có những chiều êm ả để bắt chấy cho lũ con mười một đứa của mình. Trong phố huyện mênh mông bóng đêm mà vẫn có những bức tranh thiên nhiên thật đẹp, vẫn le lói khát vọng của con người. Chính những nốt xanh ấy, khiến cho những trang viết của Thạch Lam nhạy cảm yêu thương và cao đẹp trong tình người, tình đời.
 
“Cái tạng riêng” của Thạch Lam còn chi phối tới bút pháp xây dựng nhân vật trong tác phẩm. Các nhân vật của Thạch Lam không có tính cách điển hình và cũng không được đặt trong hoàn cảnh điển hình. Không cào mặt ăn vạ như Chí Phèo, cũng không xấu đến ma chê quỉ hờn như Thị Nở, nghĩa là các nhân vật của Thạch Lam không gây ấn tượng mạnh mẽ một cách trực diện, nhưng lại có sức ám ảnh mãi. Thạch Lam hay đặt nhân vật vào những khoảnh khắc - khoảnh khắc cuộc đời, khoảnh khắc thòi gian. Thời gian nghệ thuật của Thạch Lam thường chỉ là một đêm, một ngày, một buổi. Đó là ngày Thanh về thăm nhà (Dưới bóng hoàng lan).
 
Đó là một đêm đợi tàu ở phố huyện nghèo. Và nếu có mở rộng ra thì đó cũng chỉ là vài khoảnh khắc có ý nghĩa trong cuộc đời nhân vật: vài buổi chiều xóm nghèo, nhà mẹ Lê không có gạo, một thời xuân ngắn ngủi của cô hàng xén với mơ ước con con ... Không cần bắt nhân vật hoạt động liên tục như thằng rối Xuân Tóc Đỏ, cũng không cần nhiều biến cố, sự kiện, chỉ cần những dòng trôi nhẹ nhàng của thời gian nhưng nhà văn đã nói đúng những khoảnh khắc đáng nhớ, để chỉ bằng khoảnh khắc ấy trôi, nhân vật đã hiện ra, ấn tượng, ám ảnh. Mẹ Lê vô cùng quẫn bách nhưng rất mực thương con. Những cô gái điếm mà tâm hồn không đọa lạc, vẫn nghĩ đến tổ tiên, đến mái ấm gia đình.
 
Thạch Lam không tả, không kể, mà ông dùng bút pháp chấm phá gợi cảm để xây dựng nhân vật. Văn chương Thạch Lam là thứ văn đi từ chi tiết và nói bằng chi tiết, cho nên đọc văn Thạch Lam phải chậm rãi, suy ngẫm và chiêm nghiệm. Nhân vật của Thạch Lam chỉ được gợi lên từ vài nét phác thảo, vài chi tiết mong manh nhưng cũng đủ sức ảm ảnh lòng người. Chị em bé Sơn trong “Gió lạnh đầu mùa” chẳng hạn. Chỉ bằng hai chi tiết: cho áo và đòi áo, ta đã yêu mến biết bao những đứa trẻ quê rất nhân ái, hồn nhiên, đáng mến và chân thật. Trong “Hai đứa trẻ” chỉ bằng chi tiết đợi tàu, Thạch Lam đã nói với ta bao điều về cuộc đời con người nơi phố huyện buồn thảm. Nghệ thuật chấm phá gợi cảm ấy rất phù hợp với tạng riêng của Thạch Lam.
 
Hình như trong những trang văn của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, nhân vật nhiều hành động mà ít diễn biến nội tâm. Truyện của Thạch Lam thường không có cốt truyện mà bàng bạc cảm giác, tâm trạng. Ngòi bút Thạch Lam ít dùng những hình ảnh “ngoại hiện” mà có xu hướng hướng nội, đi sâu vào thế giới bên trong của cảm xúc, tâm tư. Về nghệ thuật “tả tâm” này, có thể nói Nam Cao cũng vô cùng sắc sảo. Ông thường đặt nhân vật trong những dòng cảm xúc phức tạp, đa chiều.
 
Nhân vật Thứ vừa trượt trên cái dốc “sống mòn” vừa cố cưỡng lại, vươn lên; Hộ vừa suy nghĩ “phải tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ” lại vừa chủ trương “kẻ mạnh phải là kẻ giúp đỡ người khác trên đôi vai của chính mình”. Từ Lão Hạc đến Hộ, Điền, Thứ ... thậm chí cả Chí Phèo, suốt cả cuộc đời chỉ toàn nghĩ suy, giằng xé, trăn trở, dữ dội, mãnh liệt. Dòng tâm trạng các nhân vật Thạch Lam không phức tạp, đa chiều như thế. Thạch Lam rất tinh tế khi diễn tả những biến thái tinh vi của con người trước ngoại cảnh. Từ bên ngoài cuộc đời phồn tạp, nắng nôi, bước vào sau cánh cửa gỗ nhà bà, Thanh thấy “mát hẳn cả người”, lòng chàng dịu lại với cảm giác những ngày thơ bé bên bà. “Dưới bóng hoàng lan” dường như chỉ là những dòng trôi cảm xúc của con người được trở về quê cũ “tắm trong cái không khí trong lành” cổ tích. Những cảm giác rất đời từ những chi tiết nhỏ nhất của cuộc sống ấy đã làm nên sức ám ảnh lớn với văn chương Thạch Lam.
 
Người ta bảo văn tức là người, đọc văn là thấy người. Không hiểu sao đọc những trang văn của Thạch Lam tôi cứ hình dung ra ông như một thư sinh nhỏ bé, mảnh khảnh ít nói và duyên dáng lạ lùng. Phải chăng là tại ngôn ngữ văn chương giàu cảm giác, nhẹ nhàng, tinh tế, trong lành của ông. Ngôn ngữ văn chường này bắt nhịp rất hài hoà với nhân vật, với đề tài của Thạch Lam, tạo nên một nét duyên riêng. Tìm đến với những trang văn thời kì 1932 - 1945 này, ta bắt gặp rất nhiều tiếng nói nghệ thuật độc đáo. Gân guốc, sắc lạnh mà đằm thắm, trữ tình là Nam Cao. Mạnh mẽ, sôi nổi là Ngô Tất Tố. Còn dịu dàng, nhỏ nhẹ, êm đềm như những câu thơ, thì đó chính là Thạch Lam. Nếu như Nam Cao gọi nhân vật của mình là “gã”, là “y”, là “hắn”, là “mụ”, là “thị”, rất lạnh lùng, khinh bạc, thì Thạch Lan nâng niu, trân trọng gọi Liên là “chị”, gọi mẹ Lê là “mẹ”. Cách xưng hô như thế khiến cho những trang văn của Thạch Lam nhẹ nhàng mà nồng ấm nghĩa tình. Đặc biệt ngôn ngữ văn chương của Thạch Lam rất huyền diệu, ngay cả những cảm giác khó gọi thành lời Thạch Lam cũng chuyển tải tới người đọc một cách tinh tế nhất. Đó là cảm giác của Thanh khi trở lại nhà xưa, đó là cảm giác của Liên nơi phố huyện khi chiều buông, khi ngàn sao lấp lánh ... Giữa hiện thực xã hội chó đểu, giữa những quằn quại và đau đớn, giữa trống thúc sưu thuế gióng thùng thùng, giũa bản thanh âm xô bồ, hỗn tạp ấy bỗng vang lên những thanh âm trong trẻo, ấy là văn chương Thạch Lam. Tôi yêu vô cùng những trang văn đậm đà chất thơ ấy. Câu chữ của Thạch Lam sao mà nhuần nhuỵ, uyển chuyển như mang nhạc điệu tâm hồn. “Chiều, chiều rồi ! Một buổi chiều êm ả như ru và thoảng qua gió mát, văng vẳng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng”. Để ý một chút, ta sẽ thấy những câu văn của Thạch Lam khá dài. Đoạn cuối của tác phẩm “Chí Phèo”, khi Chí Phèo giết Bá Kiến, chỉ có 66 chữ mà có tới 12 dấu câu, đủ cả chấm, hỏi, chấm cảm và hai chấm. Những câu văn dồn dập, căng thẳng để tái hiện phút bừng tỉnh cua Chí Phèo, cố gồng mình lên, gấp gáp như chỉ sợ mình lại tỉnh rượu mất. Văn Thạch Lam ít dấu câu hơn, cứ êm đến mơn man trong chất thơ bàng bạc. Tạo nên diện mạo riêng biệt của Thạch Lam trên văn đàn, có lẽ chủ yếu là bởi ngôn ngữ văn chương độc đáo này.
 
Có một nữ văn sĩ từng nói đại ý rằng: sẽ không bao giờ chúng ta gặp lại mình như chiều nay. Cũng như một triết gia từng đúc rút: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”. Mỗi khoảnh khắc trôi đi là không bao giờ trở lại. Sẽ chẳng bao giờ ta gặp lại một Nam Cao, một Nhất Linh, hay một Thạch Lam thứ hai trên cõi đời này nữa, bởi lẽ văn chương không bao giờ là sự lặp lại và mỗi nhà văn có một tạng riêng, một phong cách riêng. Với những trang viết “hay” , “đúng tạng riêng của mình”. Thạch Lam đã góp thêm một tiếng nói riêng cho văn học, làm phong phú thêm vườn hoa văn chương muôn hồng nghìn tía giai đoạn 30 - 45. Nhưng làm thế nào để viết được những trang văn như thế, lại không phải là điều đơn giản.
 
Trước tiên, văn chương đòi hỏi ở nhà văn một cái tâm sâu nặng, nhiều ưu tư, trăn trở với cuộc đời. Có như vậy mối viết được “văn”. Không xuất phát từ cõi tâm trăn trở yêu thương thì những câu chữ viết ra sẽ chỉ là thứ kĩ xảo, vòn vẽ. Đọc những trang Kiều, không hiểu sao tôi cứ thấy đằng sau mỗi câu chữ là hình dáng Nguyễn Du với mái đầu bạc, vò võ trai phòng vắng mà nhỏ lệ khóc thương Kiều. Phải chăng bởi những câu chữ ấy gan ruột quá? Nhưng chỉ có cõi tâm thôi thì chưa đủ, văn chương còn cần tài năng để đốt cháy cảm xúc thành nghệ thuật. “Ngọn lửa bùng cháy từ những cành cây khô”(Enxa Triôlê) sẽ rực sáng và ấm nồng. Đến với những tác phẩm văn chương như thế, người đọc không thể dửng dưng. Văn chương rất cần ở người tiếp nhận một tấm lòng đồng cảm, sẻ chia, tri âm và đồng sáng tạo, để có thể thấy hết được sự “độc đáo”, “tạng riêng” của mỗi nhà văn.
 
Kể từ khi Nguyễn Tuân nói những điều tâm huyết trên về nghề văn, nhà văn, hơn một thập kỷ đã trôi qua, với biết bao biến động. Nhiều sự việc đã đổi thay, nhiều quan điểm đã đổi khác. Song những người viết văn hôm nay, khi cầm bút vẫn luôn “cố viết cho hay”“viết đúng cái tạng riêng của mình” như một thời Nguyễn Tuân đã từng tâm niệm.

Trần Ánh Hà

© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây