© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Bình giảng hai dòng thơ cuối trong bài “Khóc Dương Khuê” của Nguyễn Khuyến: “Tuổi già hạt lệ như sương, Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!”

Thứ hai - 04/04/2022 11:30
Bình giảng hai dòng thơ cuối trong bài “Khóc Dương Khuê” của Nguyễn Khuyến: “Tuổi già hạt lệ như sương, Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!”
Tuổi già hạt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!

Hai dòng thơ này là con mắt, trái tim của bài thơ nổi tiếng Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến.
Nước mắt là cái hữu hình biểu hiện cái tâm trạng vô tình. Trong văn chương có nhiều từ ngữ khác nhau để diễn tả nước mắt như: giọt lệ, giọt châu, giọt hồng, giọt tương, dòng châu, lệ hoa (Nguyễn Du), hai hàng tình lệ (Phạm Thái), hai hàng lụy nhỏ (Nguyễn Đình Chiểu)... Riêng Nguyễn Khuyến lại viết là hạt lệ - hạt lệ như sương. Nước mắt tuổi trẻ thì đầm đìa chứa chan, Phạm Thái khóc Trương Quỳnh Như: sụt sùi hai hàng tình lệ (Văn tế Trương Quỳnh Như). Thuý Kiều buồn tủi uất ức mà lệ hoa mấy hàng (Truyện Kiều - Nguyễn Du). Nước mắt người già còn đâu mà chảy thành dòng, thành hàng. Cho nên ông già Nguyễn Khuyến khóc bạn bằng hạt lệ như sương. Từ hạt lệ đã nâng giọt nước mắt của Nguyễn Khuyến lên thành hình tượng nghệ thuật. Tác giả đã sử dụng kết hợp biện pháp ẩn dụ (hạt lệ) với biện pháp so sánh (như sương) khiến cho giọt nước mắt hóa thành ngọc long lanh. Nó là kết tinh của tâm trạng xót đau, thương tiếc mang tính thẩm mĩ. Đọc Thương nhớ tài hoa của Nguyễn Vũ Tiềm, tôi bắt gặp hai dòng thơ:

Vợ con vuốt mắt cho lần cuối
Vướng mãi điều gì cộm ở mi.

Cái cộm ở mi là nước mắt, kết tinh tâm trạng của các tài hoa văn chương luôn đau đáu khôn nguôi với cuộc đời, dường như chết không nhắm mắt được.

Hình ảnh hạt lệ như sương không chỉ làm tâm trạng mà trong sâu thẳm là một tình bạn trong sáng, thuỷ chung sâu nặng, vẻ đẹp đó lấp lánh trong toàn bộ bài thơ.

Tuổi già hạt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan

Tình bạn trong sáng biểu hiện ở những thú vui tao nhã. Họ từng cùng nhau thưởng ngoạn vẻ đẹp trong sáng của thiên nhiên. Chơi nơi dặm khách để lắng nghe tiếng suối róc rách bên đèo. Họ cùng say mê thú vui con hát lựa chiều cầm xoang. Họ cùng chấp giọt rượu ngon để tận hưởng cái hương vị của đất trời kết tinh trong đó. Hai thi nhân tương tri, tương đắc trong thú vui bàn soạn câu văn. Họ vừa bình thơ vừa xướng họa cùng nhau.

Hai tâm hồn trong trẻo hòa hợp trong một tình bạn trong sáng. Hạt lệ như sương cũng ánh lên vẻ đẹp của tình bạn thuỷ chung, sâu nặng.

Trong gần bốn mươi bài thơ viết về tình bạn (một hiện tượng lạ). Nguyễn Khuyến đã dành cho Dương Khuê tới năm bài. Qua những bài thơ đó, ta thấy họ luôn quan tâm tới nhau, xúc động chân thành trước những biến đổi đời sống của nhau. Dương Khuê đi làm Đốc học ở Nam Định, Nguyễn Khuyến có thơ Thư kí Nam đốc Dương niên ông. Dương Khuê đi nhậm chức Bố chính tỉnh Bắc, Nguyễn Khuyến làm bài Bắc phiên Dương niên ông hành thứ... Trong những bài thơ đó có những dòng thơ tha thiết nhớ nhung như tình yêu đôi lứa:

Tha nhật đồng khan sơn thượng nguyệt
Thủ tình bất đoạn ngẫu trung ti.
(Bữa khác hẹn ngắm trăng đầu núi
Tình này vẫn vấn vương như tơ ngó sen)

Vậy nên, lúc nghe tin Dương Khuê mất, Nguyễn Khuyến đau đớn đến bàng hoàng:

Chợt nghe tôi bỗng chân tay rụng rời!

Nỗi đau tinh thần mà cảm nhận được một cách cụ thể như nỗi đau cơ thể của chính mình vậy.

Hạt lệ như sương tượng trưng cho tình bạn cao đẹp của Nguyễn Khuyến trong bài Khóc Dương Khuê, cũng giống như hạt ngọc trai tượng trưng cho tình yêu trong sáng của Mị Châu trong Mị Châu, Trọng Thuỷ. Nó là hình tượng nghệ thuật giàu tính thẩm mĩ, gây xúc động hàng triệu con tim đương thời và hậu thế. Rất tiếc, một số bài phân tích, một số sách hướng dẫn học tập đã không đề cập đến, bỏ quên mất hạt ngọc quý này mà tác giả đã đặt ở vị trí chủ chốt: kết thúc bài thơ.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây