© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Cảm nhận sâu sắc của em về tình yêu quê hương và gia đình trong ca dao truyền thống.

Thứ ba - 19/01/2021 06:07
Cảm nhận sâu sắc của em về tình yêu quê hương và gia đình trong ca dao truyền thống.
... Ôi, tiếng Việt như bùn và như hoa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ...
(Tiếng Việt - Lưu Quang Vũ)

Nhè nhẹ lan trên dòng Hương Giang câu hò mái nhì xứ Huế, mơn man bóng tre xanh những khúc hát ru ngọt ngào, mấy đứa trẻ mục đồng thổi sáo chăn trâu... Tất cả, tất cả đều hội tụ kết tinh lại trong vòm nôi ca dao dịu dàng, tha thiết. Ca dao là tiếng lòng thổn thức, là đôi mắt trong veo. Và trong đôi mắt ấy, men say của cuộc sống thấm nhuần, quyện vào tình yêu quê hương, gia đình ấm nồng ngọn lửa thời gian.
Từ thuở ban sơ của đất mẹ Việt Nam, ca dao đi vào trái tim từ cụ già cầm ống điếu, cô thôn nữ “đội bông như thể đội mây về làng”, anh thanh niên “xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài yên” cho đến đứa trẻ thơ tóc còn để chỏm. Hoà trong nhịp sống lao động vất vả, khổ cực nhưng chan hoà tiếng hát yêu thương, ca dao nhịp nhàng cùng tiếng chày giã gạo, càng tròn trong những hạt lúa chín mẩy. Thời gian trôi đi bao nỗi muộn phiền, chỉ còn lắng lại nơi tâm hồn vần ca dao tâm tình, thỏ thẻ. Cũng chính từ trong cuộc sống lao động ấy, tình yêu đất mẹ, tình yêu gia đình trỗi dậy, mang một sức sống tiềm tàng mạnh mẽ, mang nhịp đập và hơi ấm con tim. Quả thật, sức mạnh vô hình của ca dao là từ những cái hữu hình dệt nên. Ánh mắt, tiếng cười trong trẻo hay sự lay động khẽ khàng của chiếc lá rơi... ca dao như có tâm linh nắm bắt được tất cả. Nói một cách khác, ca dao là hơi thở của cuộc sống, là bầu sữa nóng nuôi dưỡng tâm hồn, là bể sâu của tình yêu và trí tuệ. Hôm qua, hôm nay và mãi mãi những ngày sau, ca dao luôn là người bạn tri âm, tri kỷ không gì thay thế được.

Yêu quê hương là yêu ngọn cỏ, bờ mương, là yêu con đò sớm mai qua sông, yêu vầng trăng “vương vấn một đời tiếng Việt”. Tuyệt tác mà nhân dân lao động dệt nên là công trình kiến trúc ca dao, lộng lẫy mà đơn sơ, sôi nổi mạnh mẽ mà dịu dàng trầm lắng. Đất nước phôi thai mấy ngàn năm từ dòng sữa ca dao ấy, con người lớn lên từ xứ “non xanh nước biếc như tranh hoạ đồ” ấy. Trải lòng ra tận thủ đô, có nghe chàng tiếng hát:

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói toả ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.

Làn gió đưa cành trúc hay đưa hồn người đến với Hồ Tây? Một vẻ đẹp mong manh, huyền ảo trong sương khói. Một nét chấm phá khẽ khàng mà lay động đất trời của tự nhiên. “Cành trúc la đà”, một hình ảnh, một sự lay động nhẹ nhàng, mơ mộng. Chính cái vẻ nửa như mở ra, nửa như khép lại ấy là chất men làm say lòng lữ khách đi qua. Bức tranh thu nhỏ của Thăng Long giữa buổi sớm mờ sương mang cái vẻ ngái ngủ êm ái của đứa trẻ thơ, đồng thời lại khoác chiếc áo trầm mặc cổ kính. Bốn câu ca dao thôi, thật ngắn gọn và súc tích nhưng lại mở ra chân trời bát ngát, mênh mông. Thời gian cứ lướt nhẹ từng bước, trốn trong cơn gió để mơn nhẹ cành trúc thanh tao. Không chỉ là bước đi của thời gian mà còn là sự chuyển mình của cuộc sống. Thiên nhiên và con người giao hoà trong nhịp thở của thời gian. Mảng tối dần biến đi nhường chỗ cho mảng sáng phủ lên vật. Đẹp quá! Thi vị quá! Ngay cả âm thanh cũng chuyển đổi cho nhau! Tiếng chuông chùa Trấn Vũ dần tan ra cùng tiếng trống điểm canh. Sức sống con người bừng dậy, rộn ràng trong nhịp chày Yên Thái. Bóng dáng con người được tôn lên trên nền cảnh của cuộc sống lao động. Không còn là sự “mịt mù” sương khói nữa, hừng dương hé rạng qua làn nước Tây Hồ, trong trẻo toả “mặt gương”. Ta hình dung ra cái tinh tế, ý nhị trong tâm hồn của người nghệ nhân dân gian. Thoảng bên tai làn gió nhè nhẹ, mơn man trong thanh âm cuộc sống. Cơ hồ như đôi mắt Hồ Tây ấy, sau một đêm dài êm giấc đã mở ra, thu hồn cảnh vật trên thuỷ tinh thể trong veo, phẳng lặng. Chao ôi, cái xao xác rung động lòng người ấy, ngoài ca dao có mấy ai đem đến được? Thảo nào cũng từ ca dao, tiếng lòng ai đó vang lên:

Người di nhớ cảnh ngẩn ngơ
Bút hoa xin chép bài thơ lưu truyền.

Nhớ cảnh mà phải “ngẩn ngơ” như cái “ngẩn ngơ” duyên dáng của tình yêu đôi lứa:

Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai, ai nhớ bây giờ nhớ ai.

Mấy mươi cuộc bể dâu trôi qua, hậu thế sau này có ai lại không cảm nhận được cái “ngẩn ngơ”, chết mê chết mệt lòng người ấy. Ca dao tiếp cho con người hơi ấm, sức sống. Ca dao vỗ về nhịp đập trái tim. Ai đã viết nên những vần ca dao diệu huyền ấy? Là tất cả mà cũng không là ai cả, câu trả lời lửng lơ như làn sóng nhấp nhô của ca dao. Có thể nói, trải qua hàng ngàn năm chiến đấu, lao động và sinh tồn, cái khối ngọc trong vẻo veo của ca dao được đúc kết bởi nước mắt, mồ hôi và cả xương máu nữa. Giá trị bất biến, vĩnh hằng cùng thời gian của ca dao không thể nào phủ nhận được. Tưởng như những lúc dân tộc ta giãy giụa dưới màn đêm của chế độ phong kiến, thực dân, ca dao cũng thoi thóp thở, như ánh nắng chiều sắp tắt. Nhưng không! Từ trong hoàng hôn nhập nhoạng, ca dao vươn dậy mãnh liệt như ý chí bao người Việt Nam muôn đập tan xiềng xích. Chính từ trong chốn đau thương nhất, vần ca dao vực dậy những con người, giúp ta nhận ra chân giá trị cuộc sống mà cha ông bao năm đúc kết. Dân tộc Việt Nam “thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay” ấy, hẳn xa xưa và hôm nay vẫn luôn được ca dao nâng cánh. 

Có khi, cảnh vật hiện lên như trong giấc mộng:
Thon thon hai mũi chèo hoa
Lướt đi lướt lại như là bướm bay.

Sức âm vang trong ca dao là những nhịp điệu dịu dàng, êm ả. Qua đôi mắt thắm đượm tình yêu quê hương, người dân lao động đã phả vào bức tranh hơi thở tình quê ấm áp đến nỗi mũi chèo như nở hoa và những con thuyền như bướm bay. Những con đò, dòng sông cũng ngọt ngào, đẹp đẽ tâm tình yêu thương. Tự hào về cảnh đẹp non sông đất nước, đôi khi lòng tự hỏi lòng:

Đài Nghiên tháp Bút chưa sờn,
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?

Một câu hỏi của mến yêu, đằm thắm. Nhân dân lao động quả thật là những bậc kì tài về ngôn ngữ. Ca dao đẹp bởi sắc màu đỏ tươi của con tim, tươi xanh muôn đời bởi dòng phù sa đất mẹ. Đắm mình trong ca dao, có phải chúng ta đang lắng mình trong bể thời gian, tình cảm đẹp trong ca dao tập trung bao sức sống, bao nhiệt huyết say mê.

Con người trường tồn mãi cũng nhờ vào lao động. Nhịp sống yêu quê hương cũng là nhịp lao động hào hứng, nên thơ:

Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?

Hay:
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.

Khung cảnh sinh hoạt gần gũi, yêu thương ấy là sợi dây vô hình nối kết con người, xuyên qua tường thành của không gian và làn gió cuốn bay của thời gian. Có gì xa lạ đâu cái cảnh dưới đêm thanh cô thôn nữ tát nước? Có gì ngạc nhiên đâu cảnh cấy lúa cày bừa? Thế mà qua nét cọ dân gian, tất cả bỗng hiện lên với vẻ sống động, xôn xao. Cái ánh trăng vàng ấy đang làm đẹp không gian hay tô vẽ mối tình thơ mộng của chàng trai và cô gái kia? Cái không gian mênh mông “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu” ấy có phải đang tấu lên nhịp điệu cuộc sống hăng say, náo nức? Hơi thở chợt như phập phồng, con tim chợt như thổn thức, sao mà tài tình đến thế hỡi người nghệ sĩ dân gian? Có biết đâu triệu triệu tâm hồn đang say sưa theo dòng cảm xúc, đi vào cái thế giới như thực như mơ, như mờ như ảo? Ca dao dạy ta yêu thương, ca dao dạy ta biết lao động vun đắp cuộc sống. “Mẹ ru con bên nôi, trai gái tự tình bên cối gạo... Chợt hiện lên trong khối ngọc trong veo ấy bóng dáng con người Việt Nam” một nhà thơ đã có những nhận định rất tinh tế như thế, hẳn ông đã cảm nhận hết cái sự “keo sơn gắn bó” giữa ca dao và con người.

... Để ngàn năm sau vầng trăng tiếng Việt mãi còn.
(Nghĩ thêm về Nguyễn - Chế Lan Viên)

Phải! Vầng trăng tiếng Việt ấy tự khi nào đã óng ánh sắc vàng trong ca dao. Thiêng liêng những tình cảm cao đẹp, ca dao nhắn nhủ với chúng ta: 

Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Về mối yêu thương, đùm bọc giữa những con người cùng chung sống dưới bầu trời nhân loại, đẹp hơn là trong phạm vi một đất nước và nhỏ nhất là “tế bào của xã hội”: gia đình. Sức khái quát của một câu ca dao rộng hơn là thế, cũng có khi đi vào ngõ ngách sâu kín của lòng người:

Đói lòng ăn hột chà là
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.

Hay:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều.

Hoặc:
Non xanh bao tuổi mà già
Bởi vì sương tuyết hoá ra bạc đầu.

Gần gũi và yêu thương với chúng ta là ông bà, cha mẹ. Ca dao phản ánh những sắc màu lấp lánh trong cuộc sông nhiều mật. Nhỏ nhẻ như lời tâm tình nhưng ý nghĩa giáo dục là vô tận. Chút cơm dành cho mẹ để dành phần mình chỉ là hột chà là, ca dao không đơn thuần phản ánh mà thấm giá trị nhân bản sâu sắc. Sự hiếu thảo ấy mang nét đẹp truyền thông mà bao đời nay, tổ tiên cha ông đã dày công vun đắp. Đi vào ca dao, nét đẹp ấy óng ánh diệu kỳ, cháy lên thành ngọn lửa của cách sống cao đẹp. Lại thêm nữa người con gái lây chồng xa xứ, nhớ về quê mẹ mà nỗi đau quặn thắt: “ruột đau chín chiều”. Từ cái thời gian “chiều chiều” gợi cảm giác buồn hiu hắt cho đến sự lẻ loi đơn chiếc trước dòng sông thinh lặng, nỗi nhớ nhà trong cô gái bừng lên, da diết niềm riêng. Có phải không tìm được bến bờ hạnh phúc trọn vẹn nên cô hầu mong tìm được niềm an ủi từ quê mẹ. Nhưng hỡi ơi, “trông trăng trăng khuyết, trông người người xa”, một màn nước mênh mông như phủ sóng lên tâm hồn cô gái, để rồi cảm nhận được cái nỗi nhớ như được đúc thành khôi vô tận trong không gian. Người ta bảo ca dao vừa gần gũi, vừa thần kì cũng vì lẽ đó. Nó gợi lên trong ta làn sóng âm huyền diệu của những điệp trùng thương nhớ. Cảm động thay cái băn khoăn, day dứt của người con trước “sương tuyết”“non xanh” - cha mẹ phải gánh chịu. Đừng sống theo kiểu “Công anh bắt tép nuôi cò. Cò ăn cò lớn cò dò lên cây” mà sống sao cho trọn đường hiếu nghĩa. Tình cảm gia đình trong ca dao hiện lên trong vắt. Dường như làn sóng của tình cảm vô cùng dư ba ngôn ngữ, chở thuyền lòng hội tụ trên mảnh đất ngọt ngào tình người.

Nhẹ như cơn gió, mát như giọt mưa, ca dao thắp lên trong ta bao ảnh hình tuyệt đẹp:

Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người. 

Hay:
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi ai câu
Ai sầu ai thảm
Ai thương ai cảm
Ai nhớ ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non.

Lời khẳng định “mặc người áo gấm xông hương” ấy là sự son sắt, thuỷ chung cao đẹp. “Tình đôi ta như nắm xôi nhuyễn chặt. Chung trái tim không xẻ làm đôi” kia mà. Mối dây mơ rễ má trong tình cảm con người quả thật phức tạp, nhưng cảm nhận được hết cái nghĩa tình gắn bó mặn nồng, cái đắng cay nghèo khổ cùng chia sẻ thì vợ chồng mãi bền vững, sá gì thứ “áo gấm xông hương” kia? Câu ca dao sau mang âm điệu buồn như giãi bày thổn thức nỗi tâm sự. “Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non”, sao mà ý nhị sao mà tinh tế và thấm thía tình yêu quê hương đất nước. Giữa con người và cảnh vật dường như không biên giới, không có thế lực nào ngăn cản sự gắn bó, quyện hoà. “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Khi con tim đã cùng chung nhịp đập, cảnh và con người lại càng cảm thông sâu sắc khi có cùng chung nỗi sầu. “Chạnh lòng nước non”, chút xao nhẹ của dòng sông bởi mái đẩy như cũng ngập ngừng, lắng đọng cùng nỗi sầu thẳm trước cảnh nước non vơi đầy. Chỉ là “chạnh” thôi nhưng viết lên từ vần ca dao ấy, khúc ru đời cao đẹp xiết bao! Có phải vì thế mà ca dao tự ngàn xưa đến nay vẫn luôn là tiếng nói tâm tình tha thiết nhất!

Cuộc sống chúng ta muôn màu, ca dao vì thế cũng lấp lánh nhiều vẻ khác nhau. Ca dao dõi cùng nhịp thăng trầm của đất mẹ, rung động cùng phím đàn cảm xúc của con người. Người ta nghe thấy trong làn sóng ngôn ngữ ấy, tiếng mẹ ru hời, tiếng xao động khẽ khàng của chiếc lá hay tiếng hót lảnh lót, khao khát niềm yêu đời. Vang vọng ở đó là sóng âm của tình yêu quê hương, gia đình. Con người ai cũng sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của đất mẹ, ai cũng được chìm trong giấc ngủ à ơi tiếng ru. Và cũng chính từ những yêu thương đằm thắm ấy, nảy sinh trong tâm hồn bao tình cảm đẹp đẽ, thanh cao. Không có giới hạn về thời gian cũng như không gian, ca dao mang đến cho con người bao cảm xúc nồng nàn, bao trìu mến thân thương. Chính con người dệt nên tấm thảm ca dao để rồi gửi hồn vào đó, như hoà nhập làm một, như giao hoà và tan mãi trong vần điệu dân gian. Ngày nay, nhìn nhận những giá trị đáng quí mà ca dao mang lại, chúng ta lại càng thêm yêu, thêm quí “vầng trăng tiếng Việt” ấy. Không chỉ khởi nguồn cho những cảm xúc yêu mến, ca dao còn dạy cho ta biết sống ý nghĩa, biết nuôi dưỡng những tình cảm đẹp đẽ mà hơn hết chính là tình yêu đối với quê hương, đất nước, đối với gia đình ruột thịt máu mủ. Thêm yêu ca dao tức là thêm yêu cuộc sống. Muôn đời ca dao vẫn sông mãi. 

Ngày nào đó chợt nghe trong tim lao xao tiếng hát:

“... Nghe nắng hạ thổi buồn để mình ngồi, nhớ luỹ tre xanh dạo quanh, khung trời kỷ niệm chợt thèm rau đắng nấu canh...” thì trong ca dao bỗng hiện lên những cây rau, những luỹ tre xạc xào uốn quanh đường làng. Ôi, có phải mọi thanh âm cuộc sông đều bắt nguồn từ ca dao mà ra!

“Ca dao... ca dao...”, những lời ca đã bao năm làm xao động đất trời, xao động lòng người. Mãi mãi trong tim chúng ta, men nồng của tình yêu quê hương, gia đình vẫn luôn cháy bỏng trong những vần ca dao. Bao tình cảm đẹp đẽ ấp ủ trong ca dao khởi nguồn, bắt mạch cho dòng chảy cuộc đời êm đềm, nhịp sống đầm ấm, thương yêu. Lấp loáng trong những câu ca ngàn đời lời ru của mẹ, những hình ảnh diệu kì của đất nước dấu yêu. Phải chăng ca dao là:

Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về...
(Lưu Quang Vũ)
 
Đậu Thị Quỳnh Giang
Trường chuyên Lê Hồng Phong - TP. Hồ Chí Minh
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Thành phố năm 2014

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây