© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Dàn ý: Bình giảng hai câu thơ viết về quê hương đau thương trong chiến tranh của Nguyễn Đình Thi: “Ôi những cánh đồng quê chảy máu …Dây thép gai đâm nát trời chiều”.

Thứ sáu - 30/06/2017 00:00
Dàn ý chi tiết đề bài: Bình giảng hai câu thơ viết về quê hương đau thương trong chiến tranh của Nguyễn Đình Thi: “Ôi những cánh đồng quê chảy máu …Dây thép gai đâm nát trời chiều”.

I. Mở bài

Bài thơ Đất nước (1948 - 1955) được Nguyễn Đình Thi thai nghén trong tám năm, gần như suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Pháp. Cảm hứng về “đất nước” được ấp ủ, tích lũy và đã “chín” trong hồn thơ ông. Đó là một cảm hứng thơ tổng hợp - khái quát để có thể dựng lên một tượng đài Đất nước. Ngay cả hình ảnh đất nước đau thương trong chiến tranh cũng được nhà thơ cô đúc lại trong hai câu thơ hàm chứa nhiều ý nghĩa:

Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều

II. Thân bài

1. Chỉ hai câu thơ với mười bốn chữ mà thi sĩ đã dựng lên đầy đủ, sâu sắc và gợi cảm hình ảnh đất nước đau thương trong chiến tranh, trong sự hủy diệt tàn bạo của quân thù. Câu trên nói về đất, câu dưới nói về trời. Đất chảy máu. Trời bị đâm nát. Cả đất trời quê ta đều bị hủy diệt bởi chiến tranh tàn bạo của quân giặc cướp nước. Những cánh đồng quê chảy máu là hình ảnh của nỗi đau vật chất, còn dây thép gai đâm nát trời chiều là cuộc sống tinh thần, tình cảm đã bị chà đạp thảm thương. Vậy là cả đất trời Tổ quốc ta, cả cuộc sống vật chất và tinh thần của dân ta đều bị chiến tranh hủy diệt tan tành. Nỗi xót đau như đúc lại trong từng hình ảnh thơ, nén lại trong từng chữ. Một nỗi đau toàn diện, chứa chất căm hờn.

2. Nguyễn Đình Thi không nói đến những cánh đồng quê cụ thể mà ở đây là những cánh đồng quê - đất nước đã chảy máu. Cánh đồng quê đã được khái quát mang ý nghĩa biểu trưng cho đất nước, cần chú ý cách nói của thi sĩ: cánh đồng quê chảy máu. Trong đất chỉ có nước, không có máu thì sao cánh đồng quê lại có thể chảy máu được? Đó chính là cơ thể tổ quốc đang chảy máu dưới bom đạn huỷ diệt của quân thù. Hình ảnh thơ giàu sức gợi và sức liên tưởng, cánh đồng quê và chảy máu là hình ảnh khái quát sâu sắc về nỗi đau lớn trong chiến tranh. Nỗi đau càng lớn thì tội ác quân thù càng chồng chất. Hẳn là Nguyễn Đình Thi đã chứng kiến nhiều cánh đồng quê bị tàn phá như thế nên đã khái quát lại thành hình ảnh những cánh đông quê chảy máu trong câu thơ đầy ấn tượng này.

3. Đến câu thứ hai lại là một cách nói mới mẽ và hiện đại của thi sĩ:

Dây thép gai đâm nát trời chiều

Dây thép gai là hình ảnh tàn bạo của chiến tranh hiện đại. Hình ảnh này đã đi vào câu thơ Nguyễn Đình Thi với cách nói cùng rất hiện đại trong sự đối lập với trời chiếu. Trời chiều là khoảng trời âm u, bình lặng, là khoảnh khắc thời gian dành cho cuộc sống tâm hồn. tình cảm của con người, gợi nhớ thương, hi vọng - là biểu tượng cho hạnh phúc bình thường mà ai cũng có, ở đây dây thép gai đã dâm nát trời chiều. Chiến tranh đã ủy diệt đến cả đời sống tinh thần, tình cảm của con người, không buông tha những khoảng trời chiều xanh yên ả thanh bình. Một chữ đâm nát mà nhói đau, mà căm uất. Nhà thơ thực đã nói lên cái nỗi đau tận cùng và cũng tố cáo đến tận cùng tội ác của quân thù trong chiến tranh hủy diệt. Đó là nhờ cách nói nhân hóa mới mẻ và sáng tạo mang dáng dấp những câu thơ hiện đại phương Tây. Thi sĩ đã vẽ ra một nhân vật cụ thể, sắc nhọn (dây thép gai) đâm nát một vật êm ả, thơ mộng, trừu tượng (trời chiều) nhằm tăng thêm sự dã man tàn bạo của quân giặc, tăng thêm sức tố cáo chiến tranh phi nghĩa. Ta thường gặp những câu thơ như thế của Nguyễn Đình Thi, ngay trong bài Đất nước:

Xiềng xích chúng bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bán được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà

III. Kết bài

Chỉ hai câu thơ mà dựng lên được hình ảnh đất nước đau thương trong chiến tranh thật hàm súc và gợi cảm. Đó là tài năng và tâm hồn của nhà thơ. Nhưng trước hết và quan trọng nhất, là do thi sĩ đã sống sâu sắc trong lòng dân tộc, đã hiểu và yêu tha thiết tổ quốc mình, đã “chín” trong cảm hứng thơ về “đất nước”, để có thể khái quát thành những hình ảnh thơ cô đúc, nhiều dư vị và âm vang. Người ta nói Nguyễn Đình Thi có sở trường khi nói về đất nước đau thương trong chiến tranh là như thế.

© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây