© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Dàn ý: Phân tích bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính.

Thứ tư - 07/06/2017 06:39
Dàn ý chi tiết đề bài: Phân tích bài thơ “Tương tư” của Nguyễn Bính.
I. Mở bài
 
Trong các nhà Thơ mới, Nguyễn Bính được xem là nhà thơ thành công trong mảng thơ dân dã. Bài thơ dân dã nào của ông cũng dậy lên được hồn quê. Hồn quê ấy là sự hòa điệu của nhiều yếu tố thuộc cả nội dung và hình thức, nhưng nổi bật vẫn là sự hòa quyện giữa giọng điệu quê với lối nói quê và lời quê, đặc biệt là qua bài thơ Tương tư (Ghi lại bài thơ).
II. Thân bài
 
A. TƯƠNG TƯ
 
- Tương tư là nỗi nhớ nhau của tình yêu đôi lứa. Nhưng trên thực tế, từ “tương tư” thường dùng diễn tả nỗi nhớ đơn phương. Tương tư là tâm trạng nảy sinh khi có sự xa cách về không gian và cả về thời gian (cũng có nhưng khi chưa có xa cách thực, vẫn nảy sinh tương tư). Ngọn nguồn của nỗi tương tư là khao khát được gần kề, được chung tình.
 
Vì thế, tâm lí tương tư thường có hai mặt trái ngược và biện chứng với nhau. Một mặt, khoảng cách thực được nhân lên gấp bội, trở nên xa diệu vợi hơn sự thực. Mặt khác, nhớ thương chính là một nỗ lực để vượt lên khoảng cách, giăng qua thời gian và không gian như một nhịp cầu vượt qua mọi xa cách. Đồng thời, tâm lí tương tư cũng phức tạp: không chỉ có nhớ nhung, thương cảm, mà còn đầy những ước ao và có cả giận hờn, trách móc.
 
Vì vậy khi giãi bày nỗi tương tư, không chỉ có nhưng lời bộc bạch xuôi chiều, còn có cả nhưng lời dỗi hờn bóng gió, thậm chí nhưng lối nói mát mẻ, vòng vo, lấp lửng. Nhưng do xuất phát từ nỗi nhớ thương và khao khát dành cho nhau nên tất cả những lời ấy đều dễ thương, dễ nghe. Như vậy, tương tư chính là dạng thức sống động nhất của tình yêu, không chỉ biểu hiện nỗi nhớ nhung đơn thuần mà còn là một phức hợp cảm xúc đa dạng với những diễn biến không hề xuôi chiều.
 
- Nỗi tương tư trong bài thơ này diễn biến qua những sắc thái cảm xúc chính đan  xen và chuyển hóa nhau rất tự nhiên, chân thực:
 
• Nhớ nhung: câu 1 - câu 4.
• Băn khoăn hờn dỗi: câu 5, câu 6.
• Than thở: câu 7, câu 8.
• Hờn trách mát mẻ: câu 9 - câu 14.
• Nôn nao mơ tưởng: câu 15, càu 16.
• Ước vọng xa xôi: câu 17 - câu 20.
 
B. LỜI BỘC BẠCH CỦA CHÀNG TRAI
 
Trong bài thơ, chàng trai có ý trách cô gái.
 
- Bề ngoài, điều này là vô lí. Trong tình yêu, người chủ động phải là anh con trai, đằng này anh lại trong vai thụ động ngồi đợi chờ. Đã thụ động đợi chờ mà còn trách móc.
 
- Nhưng bên trong lại không vô lí. Tác giả tạo ra một tình huống trữ tình để bày tỏ nỗi niềm. Đặt chàng trai vào vai thụ động chờ đợi mới có thể bộc bạch được tâm trạng tương tư. Hơn nữa, chàng trai hờn trách vì yêu. Do nỗi nhớ dày vò, người trong cuộc dễ tưởng mình bị hờ hững, nên sinh ra “hờn ngược trách xuôi”. Nói khác đi, trách chỉ là một cách bộc bạch tình yêu, cũng gọi là “trách yêu”.
 
Nỗi tương tư của chàng trai và qua đó là mối nhân duyên của đôi trai gái càng đậm nét chân quê hơn vì gắn liền với cảnh vật chốn quê: thôn làng, Đoài - Đông, đò giang, đầu đình, bến đò, hoa bướm, giàn giầu, hàng cau... Tất cả tạo ra không gian quê kiểng cho nhân vật trữ tình bày tỏ mối tương tư, vừa là phương tiện vừa là ngôn ngữ để nhân vật trữ tình diễn tả tâm trạng tương tư của mình một cách tự nhiên, kín đáo, ý nhị. Và như thế, tình và cảnh sẽ quyện vào nhau.
 
C. ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT
 
- Thể thơ lục bát là dấu ấn sâu đậm trong phong cách thơ Nguyễn Bính. Trong bài Tương tư này, những câu lục bát của tác giả vừa hiện đại vừa phảng phất ca dao, mang được cái hồn của ca dao ở giọng điệu, cách ví von, cách lựa chọn và tổ chức lời thơ, cách đưa khẩu ngữ nhuần nhuyễn vào thơ.
 
- Tạo hình ảnh độc đáo: hình ảnh chàng trai thôn Đoài ngồi nhớ cô gái thôn Đông khiến cho thi sĩ mở rộng ra, khái quát lên thành thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông. Đây không chỉ đơn thuần là cách nói vòng, mà tạo ra hai nỗi nhớ song hành và chuyển hóa, gắn với hai chủ thể và hai đối tượng: người nhớ người và thôn nhớ thôn. Chính vì có người nhớ người mà có thôn nhớ thôn, tạo cơ sở cho thủ pháp nhân hóa: Thôn Đoài ngồi nhớ... Nhưng sâu xa hơn, lời thơ còn biểu đạt được một quy luật tâm lí. Khi tương tư, cả không gian bao quanh chủ thế cũng nhuốm nỗi tương tư ấy (nhìn theo con mắt người trong cuộc), vì thế mà có hai miền không gian nhớ nhau. Tràn đầy cả bầu không gian tạo ra bởi hai thôn ấy là một nỗi nhớ nhung.
 
- Nghệ thuật dùng chất liệu ngôn từ chân quê, dân gian: địa danh thôn Đoài, thôn Đông, thành ngữ chín nhớ mười mong, số từ “một”, “chín”, “mười”, “một”. Cách tổ chức lời thơ độc đáo đã đẩy đối tượng về hai đầu câu thơ tạo khoảng cách xa: Thôn Đoài... thôn Đông, Một người... một người. Nhất là câu sau, hai đối tượng ở hai đầu xa cách, giữa họ là nhịp cầu chín nhớ mười mong. Lối sử dụng ngôn ngữ này gợi được phong vị dân dã, góp phần thể hiện được giọng điệu kể lể rất phù hợp với việc bộc bạch nỗi nhớ mong.
 
III. Kết bài
 
Bài thơ Tương tư ghi đậm phong cách thơ Nguyễn Bính với thể lục bát tích hợp và phát huy một cách xuất sắc những truyền thống dân gian trong sáng tạo Thơ mới. Bài thơ cũng thể hiện tâm trạng tương tư của một chàng trai quê với những diễn biến chân thực mà tinh tế, trong đó mối duyên quê và cảnh quê hòa quyện với nhau thật nhuần nhị.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây