© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Dàn ý: Qua một số đoạn thơ trong “Truyện Kiều”, hãy phân tích và chứng minh bi kịch nội tâm của nhân vật, đồng thời cũng nói lên nỗi đau tự thương mình, thương người đến u uất của tác giả.

Thứ tư - 17/05/2017 23:08
Dàn ý chi tiết đề bài: Qua một số đoạn thơ trong “Truyện Kiều”, hãy phân tích và chứng minh bi kịch nội tâm của nhân vật, đồng thời cũng nói lên nỗi đau tự thương mình, thương người đến u uất của tác giả.
“Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.”

YÊU CẦU
 
- Thể loại
 
Kiểu bài tổng hợp, phân tích và chứng minh một nhận định (về nội dung thơ).
 
- Nội dung:
 
• Bi kịch nội tâm (nhân vật Thúy Kiều).
• Nỗi đau tự thương mình, thương đời (tác giả Nguyễn Du).
 
GỢI Ý
 
- Có thể coi hai câu thơ là nghệ thuật đặc sắc miêu tả bi kịch nội tâm nhân vật. Vì Thúv Kiều là người có ý thức cao về bản thân, lại không an phận nên khi bị đẩy vào tình huống bi thảm, nàng lại càng đau đớn, chua xót.
 
- Nỗi niềm cảm thông và đồng cảm của tác giả - một tâm hồn nghệ sĩ đích thực - với lòng yêu thương trân trọng người phụ nữ tài hoa bạc mệnh trong xã hội phong kiến.
 
- Ý kiến tranh luận theo hướng đồng tình với luận đề và phải dựa trên cơ sở phân tích dẫn chứng.
 
Thân bài có thể triển khai như sau.
 
A. BI KỊCH NỘI TÂM (NHÂN VẬT THÚY KIỀU)
 
1. Giải thích hai câu thơ
 
Thúy Kiều đang ở lầu Ngưng Bích thì Tú Bà lập mưu cho Sở Khanh dụ nàng đi trốn để bắt về ép Kiều phải tiếp khách. Thuý Kiều bị mắc lừa và buộc phải tiếp khách.
 
Câu lục nhịp 3/3 biểu hiện nỗi bàng hoàng khi sực tỉnh của Thúy Kiều. Nàng tỉnh rượu khi thời gian đã tàn canh, không gian vắng lặng tinh mịch. Đây là bối cảnh có ý nghĩa: Kiều tỉnh dậy lúc vắng lặng nhất để đối diện với chính mình, để nhận thấy mình. Câu bát ngắt nhịp 2/4/2 rất mạnh, điệp từ mình lặp lại ba lần tràn ngập tâm trạng cô đơn, xót xa đau đớn.
 
Tại sao Thúy Kiều lại giật mình. Đây là cái giật mình của con người vốn không ngỡ mình lại phải rơi vào cảnh bùn nhơ. Thúy Kiều phải chấp nhận đời mình vốn trong trắng nay đã bị vùi dập. Hai câu thơ diễn tả nỗi đau đớn, day dứt sâu thẳm của tâm hồn Thúy Kiều.
 
2. Bi kịch nội tâm nhân vật
 
Đời Kiều là một chuỗi bi kịch: Kiều bán mình chuộc cha, phải lỗi thề với Kim Trọng, Kiều phải làm gái lầu xanh hai lần, làm vợ lẽ Thúc Sinh, làm nô tì, Kiều mắc bẫy Hồ Tôn Hiến và cuối cùng nàng trầm mình trên sông Tiền Đường. Vì là người có khát vọng sống mãnh liệt, lại có ý thức rất cao về bản thân mình nên Thúy Kiều đã rơi vào một bi kịch tinh thần đau xót.
 
Có thể chọn một, hai dẫn chứng trong số các đoạn sau đây để phân tích, minh họa cho nỗi đau tự thương mình của nhân vật: Trao duyên, Kiều ở lầu Ngưng Bích, Nỗi thương mình, Kiều hầu đàn Thúc Sinh, Hoạn Thư, Kiều đánh đàn cho Hồ Tôn Hiến...
 
B. NỖI ĐAU TỰ THƯƠNG MÌNH, THƯƠNG NGƯỜI ĐỜI (TÁC GIÁ NGUYỄN DU)
 
Nguyễn Du đã thông cảm và đồng cảm với thân phận Thúy Kiều bằng tấm lòng thương yêu và trân trọng. Đó là sự cảm thông kì diệu của một tâm hồn nghệ sĩ với kiếp đời phụ nữ tài hoa bạc mệnh.
 
Bi kịch đời Kiều cũng là bi kịch của tác giả và của xã hội phong kiến. Vì vậy Thúy Kiều là một nhân vật có thật, sống thật trong lòng tác giả. Từ khi ra đời đến nay, Thúy Kiều vẫn sống mãi, cuộc đời nàng là lời tố cáo đanh thép các thế lực áp bức chà đạp nhân phẩm con người.
 
Chính tình thương yêu con người tài hoa lương thiện bị xã hội dập vùi và lòng căm giận xã hội xâu xa bạc ác đã hình thành cảm hứng nhân văn trong Truyện Kiều. Cảm hứng ấy khiến cho ngòi bút của ông như có “máu rỏ trên đầu ngọn bút, nước mắt thấm qua tờ giấy”.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây