© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Dàn ý: Tả cái trống trường em, có bài mẫu kèm theo

Thứ ba - 15/01/2019 10:18
Dàn ý: Tả cái trống trường em. Mỗi lần đến trường, em thường được nghe âm thanh quen thuộc báo hiệu giờ ra, vào lớp của tiếng trống. Hãy tả lại cái trống trường em và nêu cảm nghĩ của mình.
1) Mở bài:
Giới thiệu cái trống của trường mình: Trống có tự bao giờ, còn mới hay cũ, thuộc loại trống đại hay trống trung. Vị trí đặt (treo) cái trống?
 
2) Thân bài:
* Tả khái quát về cái trống:
+ Trống thường được làm bằng chất liệu gì?
+ Hình thù của trống ra sao?
+ Trống dùng để làm gì trong trường học?
* Tả từng bộ phận:
+ Thân trống được cấu tạo như thế nào? Hình dáng kích thước ra sao? Trống gồm những thân gỗ được ghép lại theo cách thức nào? Thân trống được thắt đai bằng những sợi mây chắc chắn ra sao? Thân trống được quét lớp sơn màu gì, còn mới hay đã phai màu?
+ Mặt trống: Được làm bằng loại da gì? Được đính với thân trống ra sao? Ở giữa hai mặt trống có vẽ hình gì?
* Cảm xúc của em về cái trống.
 
3) Kết bài:
Nêu những nhận xét về giá trị của cái trống ở trong trường học.
------------------
BÀI MẪU

Cũng không rõ cái trống có tự bao giờ, hồi vào lớp Một em đã thấy trống ngồi chễm chệ trên cái giá đặt ngay ở phòng bảo vệ. Và bây giờ trống vẫn nằm ở đấy. Hơn ba năm rồi, trống vẫn thủy chung với chúng em, đếm từng vòng quay của chiếc kim đồng hồ trên tường để báo hiệu giờ ra vào lớp cho chúng em học tập, sinh hoạt, vui chơi...
 
Sáng nay, đến lượt em và Hương trực nhật. Chúng em đến lớp sớm hơn mọi ngày. Trực nhật xong rồi mà vẫn không nghe tiếng trống. Lúc này đã là bảy giờ kém mười lăm phút. Lẽ ra giờ này, các khối lớp đã chuẩn bị tề tựu đông đủ dưới sân cờ. Bỗng ba hồi còi dài vang lên. Em quay lại hỏi Hương:
 
- Sao không đánh trống mà lại thổi còi nhỉ?
- Mình cùng chẳng biết nữa!
 
Không chỉ có em và Hương băn khoăn thắc mắc mà các bạn ở các khối, lớp khác cũng nhao nhao lên hỏi. Sau khi đội ngũ đã chỉnh tề, thầy tổng phụ trách Đội thông báo:
 
- Hôm nay, thầy phải dùng còi thay cho hiệu lệnh trống. Thứ bảy vừa rồi, mặt trống bị thủng, nhà trường đã đưa đi sửa, vài ngày nữa sẽ có trống!
 
Hương quay sang em thầm thì:
- Vắng tiếng trống có một ngày mà không khí trường mình cảm thấy như lắng xuống Oanh nhỉ!
- Ừ, không chỉ lắng xuống mà mình cảm thấy buồn buồn thế nào ấy!
 
Thế là suốt cả ngày hôm đó và mấy ngày tiếp theo, chỉ có tiếng còi làm hiệu lệnh. Mỗi lần nghe tiếng còi vang lên, em cảm thấy rờn rợn trong người, cảm giác như tiếng còi của một chú công an giao thông đường phố thổi phạt một người nào đó vi phạm luật lệ giao thông. Không biết ngày mai đã có trống chưa?
Sáng nay, vừa mới bước tới cổng trường, đã nghe các bạn reo ầm lên: “Có trống rồi! Có trống rồi!”. Em chạy ù vào lớp, bỏ cặp xuống hộc bàn rồi rủ Hương và một số bạn trong lớp đến phòng bảo vệ xem trống.
 
Chú vẫn chễm chệ trên cái giá như thuở nào. Bộ áo khoác bạc màu, loang lổ đã được thay bằng một tấm áo đỏ chói. Cái thân hình trụ được ghép bằng những thanh gỗ quý, phình to ở giữa, làm cho cái bụng của chú lúc nào cũng căng tròn như bụng phệ của một chú tiệm phở, hủ tiếu vậy. Bấy giờ em mới có dịp ngắm chú kĩ càng hơn. Chú có đến hai mặt. Các mặt đều được bịt bằng những tấm da bò hay da trâu, đính vào thân trống với vô số những chiếc đinh bằng tre cật, ở giữa mặt trống, người ta vạch một đường tròn vành vạnh tượng trưng cho cái miệng của chú. Hễ cứ vỗ vào cái miệng lúc nào cũng mở tròn ấy là chú có thể cất lên những khúc nhạc trầm ấm, vang vọng cả một vùng. Khi thì hối hả thúc giục, khi thì hò reo náo động, khi thì nghiêm trang trầm mặc, khi thì lưu luyến thiết tha... thật kì diệu biết bao!
 
Không phải riêng chúng em mà các anh, các chị những lớp trước đã từng học ở đây, mỗi lần nghe tiếng trống trường điểm nhịp, đều gợi lại cho mình biết bao những kỉ niệm. Ba hồi trống náo nức rộn ràng buổi tựu trường. Một nhịp trống ba rộn rã niềm vui giờ giải lao. Và một hồi dài ngân vang tha thiết như lưu luyến tiễn đưa chúng em trở về nhà sau một buổi học căng thẳng nhưng thú vị.
 
Chiếc trống trường em là vậy đấy. Nó như một người bạn đồng hành của đời học sinh chúng em và cũng là người nhạc trưởng chỉ huy “bản hợp xướng học tập” vô cùng tài giỏi ở trường em, tạo cho mọi hoạt động học tập, sinh hoạt, vui chơi đi vào nề nếp kỉ cương.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây