© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Đáp án đề thi THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ Văn

Thứ năm - 22/06/2017 00:00
Đề thi và đáp án Môn Ngữ Văn kì thi THPT Quốc gia năm 2017 của Bộ giáo dục và đào tạo.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ THI CHÍNH THỨC
 KÌ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2017
Môn thi : NGỮ VĂN
Thời gian làm bài : 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm. Thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ. Giống như cái lạnh thấu tủy hay cái đau thấu xương, thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ, và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét. Khả năng đọc được tâm trí và tâm hồn của người khác là một khả năng phát triển ở những người mẫn cảm. Thấu cảm khiến ta hồi hộp khi quan sát một người đang đi trên dây ở trên cao, làm chúng ta cùng vui buồn với một nhân vật trong truyện.

Thấu cảm xảy ra trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Một đứa trẻ ba tuổi chia con gấu bông của mình cho em bé sơ sinh đang khóc để dỗ nó. Một cô gái nhăn mặt khi theo dõi bạn mình trên giường bệnh chật vật uống một viên thuốc đắng. Mùa EURO 2016 kết thúc với một hình ảnh đẹp: một cậu bé Bồ Đào Nha tiến tới an ủi một fan người Pháp cao to gấp rưỡi mình, đang ôm mặt khóc vì đội Pháp thua trận chung kết. Anh người Pháp cúi xuống ôm cậu bé mà người vẫn rung lên nức nở. Cậu đợi cho tới khi anh đi khuất hẳn rồi mới tiếp tục phất cờ mừng chiến thắng.


(Trích Thiện, Ác và Smartphone – Đặng Hoàng Giang, NXB Hội nhà văn, 2017, tr.275)

Câu 1: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2: Theo tác giả, thấu cảm là gì?
Câu 3: Nhận xét về hành vi của đứa trẻ ba tuổi, cô gái có bạn bị ốm, cậu bé Bồ Đào Nha được nhắc đến trong đoạn trích.
Câu 4: Anh/ Chị có đồng tình với ý kiến : Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm? Vì sao?           

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1: (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống.

Câu 2: (5.0 điểm)
Đất là nơi anh đến trường 
Nước là nơi em tắm 
Đất Nước là nơi ta hò hẹn 
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi "con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc" 
Nước là nơi "con cá ngư ông móng nước biển khơi" 
Thời gian đằng đẵng 
Không gian mệnh mông 
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ 
Đất là nơi Chim về 
Nước là nơi Rồng ở 
Lạc Long Quân và Âu Cơ 
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng 
Những ai đã khuát 
Những ai bây giờ 
Yêu nhau và sinh con đẻ cái 
Gánh vác phần người đi trước để lại 
Dặn dò con cháu chuyện mai sau 
Hàng năm ăn đâu làm đâu 
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ 


(Trích Đất Nước, trường ca Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ Văn 12, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2016, tr.118-119)

Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, bình luận quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.
-----------------------------------
HƯỚNG DẪN GIẢI

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1:  Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích là nghị luận.

Câu 2: Theo tác giả, thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ để có sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn khiến người thấu cảm hiểu được những suy nghĩ của người khác, cảm được những cảm xúc của người khác, tất cả xảy ra mà không có sự phán xét.

Câu 3:  Hành vi của đứa trẻ 3 tuổi, cô gái có bạn bị ốm, cậu bé Bồ Đào Nha được nhắc đến trong đoạn trích là những biểu hiện sống động của sự thấu cảm, nói lên sự cảm thông, ý muốn sẻ chia của họ trước nỗi buồn, nỗi đau của người khác.

Câu 4:  Em rất đồng tình với ý kiến: Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm. Bởi vì khi có sự thấu cảm, người ta dễ dàng có sự quan tâm, cảm thông cũng như có ý muốn chung vui, sẻ chia nỗi buồn của người khác (một trong những biểu hiện của lòng trắc ẩn).

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Yêu cầu chung:

- Đảm bảo đúng yêu cầu viết một đoạn văn nghị luận (có thể theo kiểu diễn dịch, quy nạp hoặc tổng phân hợp,…).
- Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống.
- Câu này kiểm tra năng lực viết một đoạn văn nghị luận xã hội của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải kết hợp được những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ quan điểm riêng của mình để làm bài.
- Thí sinh có thể triển khai vấn đề theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ quan điểm của mình, nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội. Sau đây là một trong những gợi ý cụ thể:

Yêu cầu cụ thể:

Thấu cảm là khả năng hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn cảm xúc, suy nghĩ của một ai đó. Thấu cảm là một sự thông cảm sâu sắc với tha nhân, có một ý nghĩa lớn lao đối với con người và cuộc sống. Khi có sự thấu cảm, người ta dễ dàng nhận biết được một cách thấu đáo hoàn cảnh, suy nghĩ của người khác. Trên cơ sở đó, người ta hiểu được niềm vui, nỗi buồn của người khác trong hoàn cảnh cụ thể. Sự hiểu biết ấy sẽ khơi nguồn cho sự cảm thông, sẻ chia nỗi buồn…. của người khác. Điều này sẽ góp phần nói lên bản chất tốt đẹp của con người và giúp cho cuộc sống xã hội có một diện mạo nhân ái, lành mạnh. Vì trong xã hội đó, người với người có quan hệ tương thân tương ái như Tố Hữu đã từng hình dung: Có gì đẹp trên đời hơn thế - Người yêu người, sống để yêu nhau. Khi người ta không có sự thấu cảm, con người dễ trở nên lạnh lùng, dửng dưng, vô cảm. Nếu thiếu sự thấu cảm đôi khi chúng ta có những sự giận dữ vô lý. Sự giận dữ không đúng là một hình thức tự hành hạ mình bằng những cảm giác khó chịu. Người ta dễ rơi vào sự ích kỷ và không biết quan tâm đến niềm vui cũng như nỗi buồn của người chung quanh. Khi đó, con người dễ trở nên xấu xa và cuộc sống xã hội cũng vì thế dễ trở nên tồi tệ, người với người dễ trở thành dã thú và đầy thù hằn với nhau… Có sự thấu cảm, người ta sẽ tránh được suy nghĩ và thái độ cực đoan đối với người khác. Thế giới vẫn còn đầy những cuộc chiến tranh man rợ chính vì thiếu sự thấu cảm đó. Vì vậy, sống trên đời cần có một tấm lòng, cần có sự thấu cảm. Mỗi người đừng để cái tôi của mình lấn át những tình cảm tốt đẹp. Nếu mỗi người đều biết tự đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy nghĩ và cảm thông chắc chắn sẽ mang lại nhiều điều hữu ích cho xã hội và thế giới loài người sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Câu 2 (5,0 điểm)
* Yêu cầu chung:

- Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm bài nghị luận văn học về kiểu đề cảm nhận về một đoạn thơ.
- Bài viết có bố cục đầy đủ, rõ ràng, viết có cảm xúc, thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt, đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

* Yêu cầu cụ thể:
Học sinh có thể làm theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo các ý sau:

1. Giới thiệu tác giả - tác phẩm:
- Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân.
- Tiêu biểu là trường ca Mặt đường khát vọng, ra đời ở chiến khu Trị Thiên (1971), thành công nhất là đoạn trích Đất nước, phần đầu của chương V thể hiện cảm nhận mới mẻ của tác giả về đất nước, cụ thể là đoạn:

“Đất là nơi anh đến trường
…..
 Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”.


2. Cảm nhận về đất nước:
* Đất nước được cảm nhận theo chiều rộng không gian: (6 dòng thơ đầu).
- Nhà thơ thể hiện không gian đất nước gần gũi với nhân dân:
+ Dòng 1,2: Nghệ thuật tách từ “Đất – Nước”, sau đó lại ghép Đất – anh và Nước – em làm đất nước có trong mỗi chúng ta.
+ Tạo dựng đất nước gắn với không gian địa lý: Dòng 3, 4 với nghệ thuật nhập từ “Đất Nước” kết hợp với “ta – em” gợi nhớ đến ca dao của dân gian để đưa người đọc về với cội nguồn của dân tộc Việt Nam.
- Dòng 5, 6: Vẫn là nghệ thuật tách từ “Đất – Nước” kết hợp với không gian địa lý “con chim phượng hoàng… con cá ngư ông móng nước biển khơi”.
* Phần chuyển (dòng 7, 8) tạo sự liên kết trong cảm nhận về đất nước.
* Đất nước được cảm nhận theo thời gian lịch sử:

- Đất nước có cả chiều sâu văn hóa và bề dày lịch sử được nhận thức từ huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ, từ truyền thuyết Hùng Vương và ngày giỗ tổ: “Đất là nơi chim về - Nước là nơi rồng ở - Lạc Long Quân và Âu Cơ – Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”.

* Nhiệm vụ đối với đất nước (7 dòng cuối):

- Kết nối giữa quá khứ - hiện tại - tương lai: “ai đã khuất – ai bây giờ - con cháu mai sau”, truyền thống của nhân dân trở thành sợi tơ kết chặt nhiều thế hệ.
- Từ đó nhà thơ khẳng định nhiệm vụ của thế hệ hôm nay: “yêu nhau và sinh con đẻ cái – gánh vác phần người đi trước – dặn dò con cháu chuyện mai sau”.
- Không quên cội nguồn tổ tiên, nhớ ơn người đi trước “Hằng năm ăn đâu làm đâu, cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”.

3. Bình luận:
- So sánh quan niệm về đất nước của người xưa:
+ Đất nước là của vua: “Sông núi nước Nam, vua Nam ở” (quan niệm thời phong kiến).
+ Phan Bội Châu xác định: “Dân là dân nước, nước là nước dân” (thời hiện đại).
+ Nguyễn Khoa Điềm: “Đất Nước là của Nhân Dân”.

- Thơ luận đề thường khô khan khó hiểu nhưng Nguyễn Khoa Điềm lấy tư liệu từ đời sống nhân dân để giải thích vấn đề mang tính chính luận khiến thơ ông đậm chất trữ tình, dễ đi vào lòng người đọc, dễ tìm được sự đồng thuận và cảm phục.

4. Kết luận:
- Ấn tượng về tác giả, tác phẩm: Tấm lòng yêu nước, gắn bó với nhân dân, đặc biệt là sự trân trọng đối với lịch sử, văn hóa, văn học dân gian. Kết hợp với tài hoa trong việc làm thơ trữ tình chính luận, Nguyễn Khoa Điềm đã tạo nên những áng thơ sống mãi với muôn đời.

Nguyễn Thị Mai - Lý Thị Tú Anh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây