© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Đề kiểm tra học kì II, môn Ngữ Văn 7 (Đề số 4)

Thứ tư - 27/03/2019 12:00
Đề kiểm tra học kì II, môn Ngữ Văn 7, gồm hai phần: Trắc nghiệm và tự luận, có đáp án và hướng dẫn chấm.
1. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)
Cho đoạn văn sau:
...Bấy giờ ai nấy đều ở trong đình, đều nôn nao sợ hãi. Thốt nhiên một người nhà quê, mình mẩy lấm láp, quần áo ướt đầm, tất tả chạy xông vào, thở không ra lời:
- Bẩm... quan lớn... đê vỡ mất rồi!
Quan lớn đỏ mặt tía tai, quay ra quát rằng:
- Đê vỡ rồi!... Đê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày! Có biết không... Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy? Không còn phép tắc gì nữa à?
- Dạ, bẩm...
( Trích Ngữ Văn 7, tập 2, trang 78)
 
Chọn câu trả lời đúng nhất và ghi vào bài làm:
 
Câu 1: Đoạn văn trên của tác giả nào? Trích trong tác phẩm nào?
A. Phạm Duy Tốn, Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu
B. Nguyễn Ái Quốc, Sống chết mặc bay.
C. Phạm Duy Tốn, Sống chết mặc bay.
D. Hoài Thanh, Ca Huế trên sông Hương
 
Câu 2: Đoạn văn trên đã góp phần đắc lực cho việc
A. Tố cáo quan phụ mẫu tàn bạo, bất nhân.
B. Tố cáo tên quan phụ mẫu hống hách, vô trách nhiệm.
C. Sự sợ hãi hoảng hốt của mọi người trong đình và anh lính hầu vì đê đã vỡ.
D. Tả thái độ và tình cảm của mọi người trong đình khi nghe tin báo vỡ đê.
 
Câu 3: Đoạn văn trên thuộc kiểu văn bản nào?
A. Nghị luận chứng minh.
B. Nghị luận giải thích.
C. Miêu tả.
D. Tự sự.
 
Câu 4: Câu nào là câu rút gọn?
A. Đê vỡ rồi !
B. Dạ, bẩm...
C. Có biết không?
D. Lính đâu?
 
Câu 5: Dấu chấm lửng trong câu “Bẩm... quan lớn... đê vỡ rồi!” dùng để:
A. Thể hiện chỗ lời nói ngập ngừng, ngắt quãng.
B. Tỏ ý còn nhiều sự việc hiện tượng chưa liệt kê hết.
C. Làm giãn nhịp điệu văn bản, chuẩn bị cho sự xuất hiện của một từ ngừ bất ngờ hay hài hước châm biếm.
D. Tất cả đều đúng.
 
Câu 6: Các dấu gạch ngang trong đoạn văn trên dùng để:
A. Nối với các lời nói của nhân vật.
B. Giải thích rõ hơn lời nói của nhân vật hay của người viết.
C. Đặt đầu dòng để đánh dấu lời nói trực tiếp của nhân vật.
D. Nối các từ nằm trong một liên danh.
 
2. TỰ LUẬN (7điểm) .
Hãy giải thích câu tục ngữ: “Lá lành đùm lá rách”
 
 
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
 
 
1. TRẮC NGHIỆM (3 điểm) (Mỗi câu đúng 0,5 điểm).
Câu 1 2 3 4 5 6
Đáp án C B D B A C
 
2. TỰ LUẬN (7điểm)
a. Mở đầu (1 điểm)
- Tình yêu thương giữa con người với con người là truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc ta cần được phát huy. Tục ngữ có câu “Lá lành đùm lá rách”, đó là một chân lí.
 
b. Thân bài (4 điểm): Mỗi ý đúng 1 điểm.
- Câu tục ngữ mang một hình ảnh đẹp, gợi cảm. “Đùm” là sự bao bọc, che chở. Khi gói bánh, chiếc lá lành lặn xinh xắn bao giờ cũng được bao bên ngoài chiếc lá xấu, lá rách để đảm bảo vẻ đẹp về hình thức và giữ được thực phẩm bên trong không rơi vãi.
- Câu tục ngữ gợi những hình ảnh liên tưởng: lá lành chỉ người giàu có, sung sướng luôn gặp may mắn trong cuộc đời, lá rách chỉ kẻ nghèo khổ bất hạnh luôn gặp rủi ro. Câu tục ngữ mang ý nghĩa sâu sắc, người giàu có phải biết thông cảm, sẵn lòng yêu thương đùm bọc những người lao khổ.
- Tại sao phải như thế? Không ai có thể sống lẻ loi, đơn độc trên cuộc đời mà không cần sự trợ giúp của những người chung quanh. Sự thăng trầm của cuộc sống ở mỗi con người trong cuộc đời không ai có thể lường trước được. Thế nên chúng ta cần phải “tương thân, tương ái”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” để cùng nhau vượt qua những khó khăn, hoạn nạn.
+ Ta còn có những câu tương tự:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
- Chúng ta thực hiện lời khuyên như thế nào?
+ Hằng năm tham gia những đợt quyên góp vì người nghèo, ủng hộ những nạn nhân bị thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn,...
+ Một xã hội văn minh, hạnh phúc, tiến bộ là một xã hội mà ở đó con người luôn biết đoàn kết, yêu thương, quý trọng lẫn nhau: làm từ thiện.
+ Chúng ta chỉ sống yên lành khi những người xung quanh ta hạnh phúc.
 
c. Kết bài (1 điểm)
- Câu tục ngữ đúc rút kinh nghiệm về cuộc sống, cho ta một bài học sâu sắc về đạo lí làm người.
- Liên hệ bản thân.
* Hình thức trình bày: chữ viết đẹp, đúng chính tả, cách diễn đạt trong sáng (1 điểm).

Bài làm tham khảo
 
Dân tộc ta lớn lên trên dải đất hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương sóng gió. Người Việt Nam chịu đựng không biết bao nhiêu tai trời, ách nước: giặc ngoại xâm, bão lụt, hỏa hoạn, mất mùa, đói kém... Cứ mỗi lần vượt qua một khó khăn, nhân dân ta lại nhắc nhở nhau một cách sống: Lá lành đùm lá rách.
 
Câu tục ngữ gợi lên một bài học về đạo lí làm người, về quan hệ giữa con người với nhau. Người ta ở đời, có lúc gặp phải khó khăn, thiếu thốn, hoạn nạn. Lúc ấy nếu tự một mình xoay xở lấy thì thật khó mà vượt qua. Trong hoàn cảnh đó, sự giúp đỡ của người khác, sự chia sẻ của người khác là rất quan trọng. Sự đùm bọc lẫn nhau, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn là một cách sống cần thiết, đầy nhân ái.
 
Xét về giá trị của câu tục ngữ, ta thấy có một giá trị thiết thực. Nói “Lá lành đùm lá rách” là nói đến thái độ nhường cơm sẻ áo giữa những người cùng chung cảnh ngộ, trong cùng một cộng đồng trên cùng một đất nước. Tuy có “lành”, có “rách” nhưng cùng là “lá”. Đây là chia sẻ, là thông cảm. Khi một người bị hoạn nạn, thì những người không bị hoạn nạn cùng nhau giúp đỡ, đó là “lá lành đùm lá rách”, sự giúp đỡ có thể là không nhiều, nhưng sẽ rất có ý nghĩa, có thể giúp cho người hoạn nạn vượt qua cơn hoạn nạn. Khi một phường, một vùng gặp hoạn nạn, thì những vùng bên cạnh cùng hợp lại, mỗi người một ít, mỗi nhà một ít, mỗi phường, mỗi huyện, mỗi tỉnh một ít, kết quả tạo ra một sự góp sức rất to lớn.
 
“Lá lành đùm lá rách”, đó là cách sống và đạo lí đã có tự ngàn xưa của nhân dân Việt Nam. Có lẽ chính vì thế mà nhân dân Việt Nam đã vượt lên bao khó khăn có lúc tưởng chừng không vượt qua nổi để mãi mãi tồn tại vững vàng. Người ta nói: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Trong khi gặp hoạn nạn, người bị ít khó khăn còn chia sẻ cả với người nhiều khó khăn hơn. Giá trị nhân bản là ở đó.
 
Trải qua hơn ba mươi năm chiến tranh, rồi gần hai chục năm trở lại đây, truyền thống “Lá lành đùm lá rách” đã được nhân dân ta phát huy một cách mạnh mẽ. Chỉ nói riêng mấy năm gần đây, trên đất nước ta đã bao nhiêu lần thiên nhiên gây ra tai họa ghê gớm. Những trận bão ở miền Trung, rồi lũ lụt ở đồng bằng Nam Bộ..., làm cho nhiều đồng ruộng bị tàn phá. Lúa, hoa màu bị mất sạch, bao nhiêu nhà cửa, bệnh viện, trường học... bị phá huỷ. Những khi miền Trung, miền Nam gặp hoạn nạn, khó khăn, cả nước quan tâm theo dõi, kịp thời chia buồn và cứu trợ. Nhờ sự giúp đỡ kịp thời của cả nước, dần dần nỗi đau mất mát được xoa dịu, người dân trở lại với cuộc sống có cơm ăn áo mặc. Những tin tức về trận bão đã được loan báo, những lời kêu gọi đã được phát đi thì những hành động hưởng ứng đã đáp lại ngay. Có người góp vào quỹ cứu trợ hàng triệu đồng, cũng có bạn nhỏ tự mình mang đến một hai nghìn bạc vốn dành dụm từ món tiền ăn sáng của mình để góp phần giúp đỡ những người khó khăn.
 
Một khía cạnh nào đó, hành động “Lá lành đùm lá rách” không phải chỉ có ý nghĩa giúp đỡ người khác, mà còn chính là giúp đỡ mình. Thường khi gói bánh, lá lành nằm bên ngoài, lá rách nằm bên trong để gói. Gói như vậy thì chiếc bánh mới kín, mới cứng. Giúp người khác, chia sẻ với người khác cũng chính là giúp mình, làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn. Mỗi người khi vượt lên khó khăn, đứng vững hơn, chính là góp phần cho đất nước đứng vững, vượt lên. Cuối cùng, cái thành quả tốt đẹp ấy, mỗi người đều được hưởng. Bởi vậy, “Lá lành đùm lá rách” không còn là phương châm cho những hành động nhất thời, đặc biệt mà đã trở nên một cách sống tốt đẹp trong cuộc sống chúng ta. Hằng ngày, vẫn có người lặng lẽ quyên góp chút ít tiền bạc, quần áo cho một trại phong, một trại nuôi dưỡng người già neo đơn, một trại trẻ mồ côi, một gia đình khó khăn, một người tàn tật... Nhân những dịp tết, những người trong phường lại chạnh nhớ để chia sẻ với những bà con nghèo còn thiêu thốn.
 
“Lá lành đùm lá rách”, câu nói ngày xưa chỉ mang một ý nghĩa hẹp, nhằm kêu gọi sự đùm bọc lẫn nhau trong một nhà, một họ hay rộng lắm là một làng. Càng ngày, cùng với sự phát triển của đời sống, sự hiểu biết của con người, ý nghĩa của câu nói càng mang một nội dung nhân đạo sâu sắc và rộng rãi. Đây là một câu nói của tình thương đầy tính nhân đạo. Trong một xã hội, không có sức mạnh nào lớn hơn sức mạnh của tình thương. Tình thương phát triển thành tình cảm chung của mọi người, thành nếp sống phổ biến của xã hội thì tội ác cũng sẽ thu hẹp lại, xã hội sẽ ổn định hơn, tốt đẹp hơn. Cái thiện sẽ đẩy lùi cái ác.
 
Riêng bản thân em, câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” cũng gợi cho em nhiều suy nghĩ. Trong trường, trong lớp em, có không ít bạn hoàn cảnh khó khăn. Nhiều bạn đi học với chiếc áo vá, với cái bụng lép, ngoài giờ học còn phải vất vả phụ giúp cha mẹ kiếm sống hoặc tự nuôi mình. Nếu em bỏ đi một món mua sắm, tiêu xài chưa cần thiết, em cũng có thể giúp cho bạn mình đỡ chút khó khăn. Nhiều người làm được như vậy chắc chắn sẽ có ý nghĩa lớn hơn.
 
“Lá lành đùm lá rách” thật là một cách nói đầy sáng tạo và sâu sắc của người xưa. Tục ngữ không chỉ là văn chương mà còn là triết lí, sống là phải quan tâm đến người khác, phải chia sẻ khó khăn cùng người khác. Đạo lí ấy thật là tốt đẹp mà ngày nay ta cần nuôi dưỡng phát huy.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây