© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Đề kiểm tra học kì II, Ngữ Văn 6 (Đề số 6)

Thứ sáu - 05/04/2019 06:33
Đề kiểm tra học kì II, môn Ngữ Văn 6, gồm hai phần: Trắc nghiệm và tự luận, có đáp án và hướng dẫn chấm.
1. TRẮC NGHIỆM (7 điểm)
Đọc kĩ đoạn văn, sau đó trả lời bằng cách chọn ý đúng nhất:
 
“Mấy hôm nọ, trời mưa lớn, trên những hồ ao quanh bãi trước mặt, nước dâng trắng mênh mông. Nước đầy và nước mới thì cua cá cũng tấp nập xuôi ngược, thế là bao nhiêu cò, sếu, vạc, cốc, le, sâm cầm, vịt trời, bồ nông, mòng, két ở các bãi sông xơ xác tận đâu cũng bay cả về vùng nước mới để kiểm mồi. Suốt ngày, họ cãi cọ om bốn góc đầm, có khi chỉ vì tranh một mồi tép, có những anh cò gầy vêu vao ngày ngày bì bõm lội bùn tím cả chân mà vẫn hếch mỏ, chẳng được miếng nào”.
( Bài học đường đời đầu tiên - NV6 tập 2)
 
Câu 1: Đoạn văn trên sử dụng phương thức biểu đại nào là chủ yếu?
A. Miêu tả
B. Tự sự
C. Thuyết minh
D. Biểu cảm
 
Câu 2: Lòng yêu nước của thầy giáo Ha-men trong văn bản “Buổi học cuối cùng” (An-phông-xơ Đô-đê) được biểu hiện như thế nào?
A. Yêu mến, tự hào về vùng quê An-dat của mình.
B. Căm thù sục sôi kẻ thù đã xâm lược quê hương.
C. Kêu gọi mọi người cùng đoàn kết, chiến đấu chống kẻ thù.
D. Yêu tha thiết, tiếng nói của dân tộc.
 
Câu 3: Trong nhũng câu thơ sau đây, câu thơ nào thể hiện hình tượng Bác Hồ tuyệt đẹp? (Chỉ chọn một hình ảnh)
A Người cha mái tóc bạc.
B. Bóng Bác cao lồng lộng
Ấm hơn ngọn lửa hồng. 
C. Bác vẫn ngồi đinh ninh
Chòm râu im phăng phắc

Câu 4: Chỉ tiết nào sau đây chứng tỏ cầu Long Biên là một nhân chứng “đau thương và anh dũng”?
A. Nó được xây dựng không chỉ bằng mồ hôi mà còn bằng xương máu của bao con người.
B. Những ngày đầu năm 1947, cái ngày người dân Thủ đô cùng Trung đoàn yêu dấu của mình ra đi bí mật.
C. Chiếc cầu thân thương ngày ấy trở thành mục tiêu ném bom dữ dội nhất cửa không lực Hoa Kì.
D. Những nhịp cầu tả tơi ứa đầy máu nhưng cả cây cầu vẫn sừng sững giữa mênh mông trời nước.
 
Câu 5: Các từ “mênh mông, tấp nập, xơ xác” thuộc loại từ gì?
A. Từ ghép
B Từ láy
 
Câu 6: Các câu văn sau đây có phải là câu trần thuật đơn?
- Tre vẫn mang khúc nhạc tâm tình.
- Tre sẽ càng tươi những cổng chào thắng lợi.
- Những chiếc đu tre vẫn dướn lên bay bổng.
 
A. Đúng
B. Sai
 
2. TỰ LUẬN
Hãy tả quang cảnh lớp học trong giờ viết bài Tập làm văn.
 
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
 
1. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)
Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm.
Câu 1 2 3 4 5 6
Đáp án A D B D B A
 
2. TỰ LUẬN (7 điểm)
Dàn bài
a. Mở bài (0,5 điểm)
- Giới thiệu quan cảnh lớp học. Ở đâu: Ở trường em. Lúc nào: Trong giờ viết bài tập làm văn.
b. Thân bài (5 điểm)
* Cảnh trước lúc làm văn: (1 điểm)
- Cô giáo (thầy giáo) vào lớp...
- Không khí lớp ....
- Quang cảnh chung của phòng học.
* Cảnh trong lúc làm văn: (3 điểm)
- Cảnh phía trước bảng: Cô giáo ghi đề làm văn trên bảng ... (chữ viết chuẩn mực).
- Cô giáo hướng dẫn lại những yêu cầu khi làm văn ... (giọng rõ ràng, trầm ấm).
- Cảnh phía dưới: Học sinh lấy giấy ghi đề làm văn.
- Học sinh bắt đầu làm bài ....(gương mặt suy nghĩ, tay nắn nót viết....)
- Cô giáo đi lên đi xuống uốn nắn những sai sót ...
* Cảnh cuối giờ làm văn: (1 điểm)
- Cảnh cô giáo nhắc nhở học sinh xem lại bài đã viết ...
- Cảnh học sinh nộp bài văn.
c. Kết bài: (0,5 điểm)
- Nêu cảm nghĩ:
- Tình cảm: yêu thích học môn văn.
+ Suy nghĩ: hiểu được ý nghĩa của tiết tập làm văn.
- Hoạt động: quyết tâm học tốt để sau này xây dựng đất nước giàu đẹp.
* 1 điểm giành cho bài viết sạch sẽ, văn phong sáng sủa, chữ viết rõ ràng.
 
Bài làm tham khảo
 
Tùng, tùng, tùng... tiếng trống báo hiệu giờ học bắt đầu. Sân trường vắng lặng. Chỉ có tiếng gió lao xao và tiếng chim ríu rít trong vòm lá. Không khí trong lành, thoáng đãng, nắng sớm vàng tươi chiếu từng vệt dài trên nền bê tông lát đát lá vàng rơi.
 
Cô Xuân thong thả bước vào lớp. Chúng em đứng nghiêm chào cô. Hôm nay, cô mặc chiếc áo dài màu xanh da trời thật đẹp. Trông cô thanh thoát, dịu dàng. Cô tươi cười gật đầu đáp lại rồi bảo chúng em lấy giấy bút ra làm bài. Cô đọc trước một lần đề bài rồi chép lên bảng: “Em hãy tả lại quang cảnh lớp học trong giờ làm bài tập”. Từng dòng chữ mềm mại, rõ ràng hiện dần trên nền bảng đen. Cả lớp ồ lên mừng rỡ vì cô giáo đã cho làm nhiều bài tập về văn tả cảnh. Hơn nữa, đây là một đề khá “mở”, lại sát với thực tế nên chúng em có điều kiện chọn lựa và miêu tả.
 
Hơn ba mươi mái đầu xanh đăm chiêu suy nghĩ trước tờ giấy trắng, im lặng tuyệt đối. Có thể nghe rõ tiếng chú ong bay rì rì bên cửa sổ. Cô giáo nhẹ nhàng nhắc nhở: “Các em đọc kĩ đề, xác định đúng yêu cầu của đề rồi lập dàn ý sơ lược vào giấy nháp trước khi viết. Hãy làm theo đúng các bước mà cô đã dạy”.
 
Em chọn tả quang cảnh lớp trong giờ làm văn. Còn bạn bên cạnh chọn tả quang cảnh lớp trong giờ làm toán, … Từng hình ảnh quen thuộc của lớp, của thầy cô, của bạn bè lần lượt hiện lên trong tâm trí. Em dồn tất cả tinh lực, sự kính trọng vào từng chữ, từng câu. Dần dần, bức tranh toàn cảnh giờ làm bài hiện lên trang trọng, nghiêm túc nhưng không kém phần căng thẳng.
 
Bên cạnh em, bạn Hằng cũng đang cắm cúi viết. Bạn ấy tả quang cảnh làm toán, thầy Hùng thật nghiêm khắc và đáng kính. Thỉnh thoảng, Hằng lại bật lên một tiếng cười khẽ. Chắc là bạn ấy nhớ lại chi tiết thú vị nào đó về thầy giáo kính cận đẹp trai của lớp mình.
 
Thời gian lặng lẽ trôi, em đã viết gần xong bài. Chà! Mỏi tay quá! Em đưa mắt nhìn khắp lớp. Các bạn vẫn cắm cúi viết. Chắc các bạn cũng có suy nghĩ và cảm xúc giống như em khi chọn tả quang cảnh lớp trong giờ làm bài. Chợt tiếng cô giáo vang lên: “Còn năm phút nữa. Các em hãy kiểm tra lại bài viết trước khi nộp cho cô”. Cô vừa dứt lời thì tiếng xôn xao nổi lên đây đó: “Thưa cô! Em chưa xong ạ!”, “Thưa cô! Cô cho thêm vài phút nữa ạ!”. Rồi tiếng hỏi nhau từ bàn nọ sang bàn kia: “Hoàng ơi! Xong chưa?”, “Tớ xong rồi! Còn cậu?”. “Tớ cũng xong rồi!”. Cô Xuân gõ nhẹ thước kẻ xuống bàn, thay cho lời nhắc nhở: “Trật tự, trật tự , ai nấy cố gắng hoàn thành bài viết của mình”.
 
Tùng, tùng, tùng... tiếng trống hết giờ vang lên giòn giã. Cô bảo chúng em dừng bút rồi bạn lớp trưởng lần lượt đi thu bài từng bàn. Lớp trưởng nộp bài cho cô, cô ân cần hỏi chúng em có làm được bài không. Cả lớp đồng thanh đáp: “Có ạ!”. Trên gương mặt hiền hậu của cô bỗng nở nụ cười rạng rỡ, trìu mến.
 
Em chưa thật thoả mãn về bài viết của mình, vì còn một số chi tiết về cô chưa kịp tả hết, nhưng trong lòng vẫn nuôi hi vọng được cô cho điểm khá. Nghĩ đến lúc cầm trong tay bài văn được 8 hay 9 điểm, em mừng lắm! Em sẽ đưa cho mẹ xem đầu tiên và nói thầm với mẹ rằng: “Mẹ ơi! Con có món quà nhỏ này tặng mẹ!”. Chắc mẹ em sẽ ngạc nhiên và vui thích vô cùng!

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây