© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Đề thi thử tốt nghiệp THPT năm 2022, Môn: Ngữ Văn

Thứ tư - 15/06/2022 09:57
Đề thi thử tốt nghiệp THPT năm 2022, Môn: Ngữ Văn
Đề thi thử tốt nghiệp THPT năm 2022, Môn: Ngữ Văn. Có đáp án và hướng dẫn giải. Mời anh (chị) cùng tham khảo và luyện tập.
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm) 
Đọc đoạn trích sau:
            Xã hội và đời sống đã có nhiều thay đổi thì dù ít dù nhiều nếp nhà có biến đổi cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng, quan trọng nhất là hồn cốt của gia phong vẫn còn được giữ, có giá trị định hình, nuôi dưỡng nhân cách của mỗi thành viên, đặc biệt là con cái.
          Nếp nhà là sự gắn bó giữa các thành viên, là những người trong gia đình phải biết yêu thương nhau, nhường nhịn nhau, nhưng đùm bọc không có nghĩa là chấp nhận những việc làm sai trái của những người trong gia đình mình. Bao bọc nhau bằng cách là bảo ban giữ những điều tốt đẹp và để ứng xử với người trong gia đình, với người ngoài xã hội. Nếp nhà mà giữ không tốt thì đừng nói chuyện giữ cho xã hội tốt đẹp được. Điều đáng nói, giữ nếp nhà là giữ những điều tốt đẹp, chứ không phải tự vun vén cho riêng gia đình mình. Quan trọng để giữ nếp nhà là người lớn phải là tấm gương soi chiếu để cho con cái học theo. Cha mẹ mà không tốt – như bây giờ đang có hiện tượng xã hội xảy ra là cha mẹ có quyền có chức mà cố vơ vét rồi tham nhũng khi làm quan – thì con cái không thể nên thành được.
          …Cho nên, gia đình là cái mốc đầu tiên, gia đình rồi mới tới làng xã, rồi tới môi trường rộng lớn hơn là xã hội. Xã hội có tốt đẹp hay không thì phải xuất phát từ cái gốc quan trọng nhất là gia đình. Văn hóa gia đình mà không lo giữ thì xã hội cũng sẽ loạn.
          (Dẫn theo Tuổi trẻ online ngày 25.02.2018, Người lớn phải là tấm gương soi chiếu, Nguyễn Sự)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích?
Câu 2. Theo tác giả, nếp nhà là gì?
Câu 3. Từ nội dung đoạn trích, anh/chị hãy chỉ ra mối quan hệ giữa gia đình và xã hội?
Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với quan điểm “Xã hội có tốt đẹp hay không thì phải xuất phát từ cái gốc quan trọng nhất là gia đình” không? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
           Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về cách giữ gìn văn hóa gia đình trong xã hội hiện đại.
Câu 2. (5,0 điểm)
      – Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
        Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?


– Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi
       Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…
(Trích Việt Bắc, Tố Hữu, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2008, tr. 109)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét về tính dân tộc trong thơ Tố Hữu.
-------------------HẾT------------------


----------------------------------------
HƯỚNG DẪN GIẢI
 
Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 3,0
1 Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận. 0,75
2 Theo tác giả, nếp nhà là sự gắn bó giữa các thành viên, là những người trong gia đình phải biết yêu thương nhau, nhường nhịn nhau, nhưng đùm bọc không có nghĩa là chấp nhận những việc làm sai trái của những người trong gia đình mình. 0,75
 
3 - Gia đình và xã hội có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó và tác động qua lại với nhau.
+ Gia đình là một tế bào của xã hội. Có nhiều gia đình mới có môi trường xã hội rộng lớn
+ Xã hội là bức tranh tổng quát, là môi trường để các thành viên trong gia đình phát triển, bộc lộ phẩm chất, năng lực, giá trị của mình.
->Không có gia đình thì không có xã hội. Không có xã hội rộng lớn thì cũng không có môi trường để gia đình phát triển, hoàn thiện.
1,0
4 Thí sinh có thể bày tỏ quan điểm cá nhân là đồng ý/ không đồng ý . Có cách lí giải hợp lí.Chẳng hạn:
- Đồng ý với quan điểm: “Xã hội có tốt đẹp hay không thì phải xuất phát từ cái gốc quan trọng nhất là gia đình”.
- Vì:
+ Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội. Gia đình bao gồm các thành viên, mỗi thành viên cũng chính là một công dân.
+ Khi gia đình có nền tảng tốt, có những thành viên ưu tú thì xã hội sẽ phát triển tốt đẹp. Ngược lại, nếu gia đình đi xuống thì xã hội cũng sẽ kém phát triển, tụt lùi.
0,5
 
II   LÀM VĂN 7,0
  1 Từ nội dung đoạn trích ở phần đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về cách giữ gìn văn hóa gia đình trong xã hội hiện đại. 2,0
Yêu cầu chung  
- Câu này kiểm tra năng lực viết đoạn nghị luận xã hội, đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết về đời sống xã hội, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ thái độ và chính kiến của mình để làm bài.
-Thí sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; được tự do bày tỏ chủ kiến của mình nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.
 
Yêu cầu cụ thể  
Hình thức:
-Viết đúng 01 đoạn văn, khoảng 200 từ.
-Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu,...
0,25
Nội dung:  
a.Nêu vấn đề cần nghị luận: Cách giữ gìn văn hóa gia đình trong xã hội hiện đại. 0,25
b.Giải thích
- Văn hóa gia đình được hiểu là những cách ứng xử, là lời ăn tiếng nói, là tình yêu đối với truyền thống văn hóa gia đình (truyền thống kính trọng người già, tôn sư trọng đạo, nếp hiếu học, là tình yêu với nghề gia truyền, nét văn hoá kinh doanh, trách nhiệm với di sản của thế hệ trước để lại…)
0,25
c. Bàn luận: Thí sinh đưa ra lí lẽ và dẫn chứng hợp lí, thuyết phục. Có thể tham khảo ý sau:
- Xã hội cần giáo dục, tuyên truyền để mỗi người dân có ý thức giữ gìn, bảo vệ văn hóa gia đình trong sự hội nhập là cấp thiết.
- Người lớn trong gia đình (ông bà, cha mẹ) cần làm gương để con cái noi theo.
- Con cái cần hiếu nghĩa với cha mẹ, cư xử đúng chuẩn mực.
- Tất cả các thành viên trong gia đình cần biết tôn trọng nhau hướng đến xây dựng gia đình văn hóa.
- Ca ngợi những gia đình, những cá nhân biết trân trọng và giữ gìn gia phong. Phê phán những cá nhân sống ích kỉ, chỉ biết lợi ích bản thân quên đi giá trị cốt lõi của gia đình.
1,0
d. Bài học nhận thức và hành động
Văn hóa gia đình là yếu tố quan trọng góp phần hình thành văn hóa xã hội.
- Cần trân trọng và có ý thức giữ gìn văn hóa gia đình từ những hành động nhỏ nhất hay trong chính lời ăn, tiếng nói hằng ngày, xa hơn là cách đối nhân xử thế...
0,25
2 Cảm nhận về đoạn trích trong bài thơ "Việt Bắc". 5,0
  Yêu cầu chung  
  - Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học, đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về tác phẩm văn học, lí luận văn học, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng cảm thụ văn chương để làm bài.. .
-Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng, không được thoát li văn bản tác phẩm.
 
  Yêu cầu cụ thể  
  a Đầy đủ bố cục 3 phần:
- Mở bài: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tám câu thơ đầu là lời đối đáp giữa kẻ ở và người về gợi lên khung cảnh chia tay bịn rịn, lưu luyến, nghĩa tình tại chiến khu Việt Bắc. Đoạn thơ bộc lộ đậm nét tính dân tộc, một đặc điểm tiêu biểu trong phong cách thơ Tố Hữu.
- Kết bài: Khẳng định lại vấn đề.
0,25

 
  b Khái quát về tác giả, tác phẩm
-Tác giả:
+Tố Hữu là một trong nhà lá cờ đầu của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam.
+ Đường đời, đường thơ Tố Hữu luôn song hành cùng con đường cách mạng của cả dân tộc.
+ Phong cách thơ ông chính là sự hòa quyện giữa nội dung trữ tình chính trị, khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn và nghệ thuật biểu hiện đậm đà tính dân tộc
-Tác phẩm:
+ "Việt Bắc" là khúc tình ca về cách mạng, về kháng chiến mà cội nguồn sâu xa là tình yêu đất nước, niềm tự hào về sức mạnh của nhân dân, là truyền thống ân nghĩa, đạo lí thủy chung của dân tộc.
+ Bài thơ được viết vào tháng 10/1954, đây là khúc giao thời của lịch sử: Cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc thắng lợi, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, các cơ quan trung ương của Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc để trở về Hà Nội.
0,5
  c Cảm nhận đoạn trích
*Khái quát chung về đoạn thơ
- Đoạn trích nằm ở phần đầu bài thơ, tái hiện một Việt Bắc trong tình yêu và nỗi nhớ của người cán bộ miền xuôi. Đó là khúc ân tình trong bài ca trữ tình, chính trị “Việt Bắc” đằm thắm vào bậc nhất của thơ ca Việt Nam hiện đại.
*Nội dung chính:
 - Bốn câu đầu là lời người ở lại:
+ Người ở lại lên tiếng trước hỏi người cán bộ về xuôi  "có nhớ ta?" “, “có nhớ không?”
+ Điệp từ “nhớ” luyến láy trong cấu trúc câu hỏi tu từ đồng dạng, tràn đầy thương nhớ. Bốn lần "nhớ" như để diễn tả cảm xúc hết sức dồn dập, mãnh liệt, da diết.
->  Đây không chỉ là người ở đòi hỏi yêu thương, mà còn là sự phân thân của chủ thể trữ tình, những câu hỏi xoáy vào tâm can của người hỏi, thể hiện trách nhiệm của nhân vật trữ tình.
+ Cách xưng hô “mình – ta” mộc mạc, thân thiết gợi liên tưởng đến lời ca dao:
“Mình về ta chẳng cho về
Ta nắm dải áo, ta đề bài thơ”.
+ “15 năm” là chi tiết thực chỉ độ dài thời gian tính từ năm 1940 thời kháng Nhật và tiếp theo là phong trào Việt Minh, đồng thời cũng là chi tiết gợi cảm – nói lên chiều dài gắn bó thương nhớ vô vàn.
+ Câu thơ mang dáng dấp một câu Kiều – Mười lăm năm bằng thời gian Kim – Kiều xa cách thương nhớ mong đợi hướng về nhau
Những là rày ước mai ao
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình
-> Cảm xúc đậm đà chất dân gian, đậm đà chất Kiều. Âm điệu ngọt ngào, giọng thơ nồng ấm, tình cảm do vậy dạt dào thiết tha.
+  Câu hỏi chất chứa tình cảm lưu luyến, bao hàm lời dặn dò kín đáo người về đừng quên cội nguồn Việt Bắc – cội nguồn cách mạng.
=> Nỗi nhớ tràn ngập cả thời gian Mười năm năm, cả không gian “cây – núi, sông – nguồn”
 - 4 câu sau là lời của người đi:
+“Bâng khuâng, bồn chồn” là hai từ láy gợi cảm, diễn tả trạng thái tâm lí tình cảm buồn vui, luyến tiếc, nhớ thương, chờ mong… lẫn lộn cùng một lúc.
+ Ba từ láy “tha thiết”, “bâng khuâng”, “bồn chồn” đã tạo ra hiệu quả nghệ thuật đặc biệt : sự hô ứng đồng vọng của cảm xúc đã được biểu thị bằng bước chân ngập ngừng, dùng dằng níu kéo.
+ Từ “ai” là một đại từ phiếm chỉ, như ám chỉ hình ảnh tiếng hát da diết và mộc mạc của người dân vùng núi Việt Bắc, người cất bước ra đi nhưng vọng trong hoài niệm, trong nhung nhớ vẫn luôn nghĩ về ân tình Việt Bắc.
-> Mười lăm năm Việt Bắc cưu mang người cán bộ chiến sĩ, mười lăm năm gian khổ có nhau, mười lăm năm đầy những kỉ niệm chiến đấu, giờ phải chia tay rời xa để làm nhiệm vụ mới về tiếp quản tại thủ đô Hà Nội (10-1954), biết mang theo điều gì, biết lưu lại hình ảnh nào, tâm trạng của người về do vậy không tránh khỏi là nỗi niềm bâng khuâng khó tả.
+ “Áo chàm đưa buổi phân li” là một hoán dụ, màu áo chàm, màu áo xanh đen đặc trưng của người miền núi Việt Bắc – tác giả hướng nỗi nhớ Việt Bắc qua hình ảnh cụ thể “áo chàm”. Tấm áo vốn dành để tượng trưng cho con người, rưng rưng kỉ niệm. Màu chàm : màu của đất, của thiên nhiên, màu của Việt Bắc
+ Câu thơ “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay…” đầy tính chất biểu cảm – biết nói gì không phải không có điều để giãi bày mà chính vì có quá nhiều điều muốn nói không biết phải nói điều gì.
+Những cái bắt tay mặn mà tình cảm, những tấm áo chàm là hoán dụ cho nhân dân Việt Bắc, cầm tay thôi là đã nói lên tất cả, ngôn ngữ dần như cũng ngưng đọng lại, bồi hồi vì cảm xúc mà không nói thành lời.
+ Ba dấu chấm lửng đặt cuối câu là một dấu lặng trên khuôn nhạc để tình cảm ngân dài, sâu lắng…
=>Đoạn thơ là lời tâm tình của kẻ ở người đi trong thời khắc chia tay, qua đó, nhà thơ tái hiện khung cảnh chia tay rất bịn rịn, lưu luyến diễn ra giữa đồng bào Việt Bắc và người cán bộ cách mạng về xuôi.

0,25





1,0
























1,0











 
    *Nghệ thuật đặc sắc:
- Sử dụng nhuần nhuyễn thể thơ lục bát;
- Giọng thơ sôi nổi, hào hùng;
- Chọn lựa những hình ảnh, từ ngữ có sức gợi cảm;
- Sử dụng linh hoạt các biện pháp tu từ (điệp, so sánh, cường điệu, liệt kê,…).
0,5

 
  d  Nhận xét về tính dân tộc trong đoạn trích
- Tính dân tộc trước hết thể hiện ở thể thơ lục bát quen thuộc, nhờ nó, ý thơ vốn uyển chuyển và đầy chất trữ tình của Tố Hữu càng được bộc lộ một cách rõ nét. Không những thế, Tố Hữu đã vận dụng khéo léo lối đối đáp vốn là hình thức quen thuộc trong ca dao, ngôn ngữ mượt mà, uyển chuyển, đặc tả tình cảm giữa mình – ta ngọt ngào sâu lắng, mà ta vốn thường hay gặp trong những câu ca dao viết về tình yêu lứa đôi.
- Những hình ảnh mang đậm tính dân tộc cũng được tả rõ nét, đó là “nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn” những cây, những núi, sông, nguồn, là những hình ảnh quen thuộc, vốn đã đi vào tiềm thức của người dân ta muôn đời.
- Những hình ảnh mang đậm tính dân tộc như “áo chàm” “cầm tay” mang một vẻ đẹp đơn sơ, giản dị nhưng ấm cúng nghĩa tình như tình cảm của người Việt Bắc.
=> Tính dân tộc trong thơ Tố Hữu góp phần đặc tả vẻ đẹp thủy chung, nghĩa tình, son sắt của người dân quê hương. "Việt Bắc" là sự kế thừa trọn vẹn những tinh hoa của văn chương muôn đời.
1,0
  e Nhận xét, đánh giá
 - Đoạn trích sử dụng nhuần nhuyễn thể thơ lục bát; giọng thơ lưu luyến, bâng khuâng; chọn lựa những hình ảnh, từ ngữ có sức biểu  cảm cao góp phần tái hiện rõ nét cuộc chia tay giữa đồng bào việt bắc và người cán bộ về xuôi rất bịn rịn, thân thương. Từ đó, đoạn thơ cũng thể hiện rõ tính dân tộc trong thơ Tố Hữu.
0,5
  g Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo qui tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. 0,25
  h Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận 0,25

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây