© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích nhân vật Chí Phèo và Thị Nở trong mối tình trần trụi và lãng mạn của họ

Thứ bảy - 28/05/2022 10:15
Phân tích nhân vật Chí Phèo và Thị Nở trong mối tình trần trụi và lãng mạn của họ
Nam Cao tin rằng: dẫu con người có bị chìm sâu vào thảm trạng rùng rợn nhất - thảm trạng tha hóa, thì trong đáy sâu tinh thần vẫn có một hạt than nhỏ ngậm lửa ý thức, lương tri... Nghèo khổ, đau khổ, khùng điên... chỉ như một lớp tro trấu phủ kín bên ngoài. Hạt lửa nhỏ ý thức vẫn âm ỉ cháy ở bên trong như là một sức mạnh bất diệt. Gặp điều kiện thuận lợi, hạt lửa nhỏ sẽ cháy thành ngọn lửa.
Bằng niềm tin ấy, Nam Cao đã không kết thúc tác phẩm Chí Phèo khi nhân vật cùng tên đã nằm bất tỉnh dưới đáy của tha hóa. Ông đã đưa nhân vật này tiếp đi qua quá trình thứ hai - quá trình vãn hồi ý thức, nhân tính. Đó là một đỉnh cao của chủ nghĩa hiện thực. Nó được tạo lập bằng một thái độ nhân vật đượm chất lãng mạn. Nó làm cho chủ nghĩa hiện thực của Nam Cao không dừng lại nơi giới hạn phủ định.

Để miêu tả một hiện thực trong cảm hứng nhân vàn lãng mạn, Nam Cao đã đặt trên vai nhân vật Thị Nở trọng trách “đánh thức” Chí Phèo. Và thị đã thực thi trọng trách ấy bằng một cuộc tình. Nghiêm chỉnh mà nói: trong văn học Việt Nam thời 1930 - 1945 có nhiều mối tình đẹp, nhưng chưa có mối tình nào lại đẹp bằng mối tình Thị Nở - Chí Phèo. Ở những mối tình khác, trai gái trao cho nhau sự sống tinh thần đã sẵn. Ở mối tình này, thị Nở đã giúp Chí Phèo lấy lại sự sống từ cái đã tàn lụi, từ cái chết.

Khi bước vào tác phẩm, Thị Nở thấy một hiện thực tha hóa ngổn ngang quá. Thực trạng làng Vũ Đại sa vào thảm trạng còn tồi tệ hơn nhiều so với làng Đông Xá (Tắt đèn - Ngô Tất Tố). Chị Dậu đói khổ và đau khổ tận cùng. Chị đã phải bán hết tài sản, bán cả đứa con gái... Nhưng chị vẫn vẹn toàn nhân phẩm.

Cuộc sống làng Vũ Đại tối tăm, xiêu vẹo. Từng con người, tùng số phận đi qua, đi lại vật vờ, vất vưởng... Họ đều đi về phía cái huyệt sâu của tha hóa. Năm Thọ rồi Binh Chức, đến Chí Phèo... họ đều phẫn nộ cuồng điên. Nhất là Chí Phèo. Hắn liều lĩnh, uống rượu tràn cơn say này sang cơn say khác. Hắn sống như một con vật và hắn trở thành “con quỉ dữ” của làng Vũ Đại.

Đi trong cái hiện thực xiêu đổ, loang lổ ấy, Thị Nở cũng là một tính cách xiêu vẹo. Khi phân tích nhân vật Thị Nở, đã có người buộc tội Nam Cao là đã rơi vào chủ nghĩa tự nhiên. Họ quên rằng ngoại hình, tính cách, số phận... nhân vật đâu phải do tùy nghi chủ quan tác giả định đoạt. Tất cả đó đều phải là sự hiện thân của cái logic cuộc sống khách quan. Theo kiểu phê bình ấy thì các tác giả bình dân cũng đã rơi vào chủ nghĩa tự nhiên và đã vẽ ra một Trương Chi quá xấu!

Thị Nở quái dị lại mang trọng trách làm thức tỉnh một Chí Phèo tha hóa. Và trong công việc ấy, Thị cũng đã tự đánh thức mình.

Đánh thức một con người đã nằm say khướt tận đáy li rượu, một con người đã vấy máu tội ác đầy tay... đâu phải là một công việc dễ dàng. Biết vậy, trước màn thức tỉnh thật sự, Nam Cao đã cho Chí Phèo đi qua một “cảnh-ngang-nối”. Đó là cuộc uống rượu của Tự Lãng với Chí Phèo. Hiện thực trần trụi ở đây đã bắt đầu dang đôi cánh lãng mạn. Đó là cuộc rượu của đôi tri kỉ cuồng chất đầy men say lung linh ánh trăng... Họ đã như những “thi sĩ thoát tục”! Tự Lãng triết lí:

“... Cứ uống! Cứ uống, cứ uống đi ông bạn lạc đường ở cung trăng xuống ạ! Uống thật tợn, uống đến đái ra rượu thì mới thịch. Nhịn uống để làm gì? Có giàu, có sang, có làm nên ông cả bà lớn nữa, chết cũng không ai gọi là “cụ lớn mả”!...”

Xong cuộc rượu, Chí Phèo ra bờ sông... Khi hắn ập cái thân thể của hắn xuống thân thể Thị Nở thì chỉ là thời gian của một hiện thực trần trụi bản năng. Đôi cánh tình yêu bắt đầu dang ra khi “Thị Nở bỗng nhiên bật cười”. Cười xong, “Thị Nở vừa rủa vừa đập tay lên lưng hắn. Nhưng đó là cái đập yêu, bởi vì đập xong cái tay ấy lại dúi lưng hắn xuống. Và chúng cười với nhau...”.

Chí Phèo bị bệnh. Thị dìu Chí vào lều, đặt hắn lên chõng, thu vén chiếu rách đắp lên người hắn... Xong, Thị ra về.

Đêm trằn trọc không ngủ đầu tiên trong đời của một người tâm thần, bệnh mất ngủ này được miêu tả: “Thị bỗng nhiên nghĩ rằng: Cái thằng liều lĩnh kể ra thì đáng thương... Giá thử đêm qua không có Thị thì hắn chết. Thị kiêu ngạo vì đã cứu sống cho một người. Thị thấy như yêu hấn: Đó là cái lòng yêu của một người làm ơn. Nhưng có cả lòng yêu của một người chịu ơn...”

Rồi, chưa sáng, Thị đã dậy nấu cháo hành cho người tình.

Chí Phèo thì sau cuộc trao yêu rồi bị bệnh, ngủ thiếp đi... Bây giờ, hắn đang đi vào một buổi sáng đẹp - buổi sáng đầu tiên của quãng đời được tái sinh. Ý thức chập chờn trở về nơi cõi tinh thần một con người đã vứt bỏ ý thức từ lâu. Và buồn, một nỗi buồn của mặc cảm đơn côi, cô quạnh... Chí Phèo đã trở về chất người đầu tiên nên biết buồn. Nam Cao đã đưa một con người tha hóa trước đây, nay biết đường đi về ý thức, đi về cả với chính bản thân mình, Chí buồn muốn khóc... “Cũng may Thị Nở vào. Nếu Thị không vào, cứ để hắn vẩn vơ nghĩ mãi thì đến khóc được mất”. Thị cắp rổ đựng nồi cháo hành còn nóng nguyên. Chí Phèo hết sức ngạc nhiên và mắt bỗng rơm rớm ướt... Lần thứ nhất trong đời, hắn tự nhiên được cho. Hắn nhìn bát cháo hành bốc khói mà băng khuâng.... Thế rồi, cùng với hơi thơm cháo hành lan tỏa là những trạng thái tâm lí, tình cảm, suy tư... chen lẫn, nhập hòa đan dệt, chồng chéo, liền mạch, đứt đoạn... Quá khứ sâu thẳm, hiện tại chập chờn... buồn, vui... “Và một cái gì nữa giống như là ăn năn”.

Khi Chí Phèo húp cháo thì hiện thực lúc ấy là trần trụi.

“Hắn thấy đẫm mình bao nhiêu là mồ hôi. Mồ hôi chảy ra trên đầu, trên mặt, những giọt to như giọt nước. Hắn đưa tay áo quệt ngang một cái, quệt mũi cười rồi lại ăn...”

Nhưng hiện thực cũng đang dang cánh tay từ những giọt mồ hôi ấy. Thị Nở nhìn Chí ăn, lòng Thị dịu lại trong một niềm thương yêu trìu mến. Chí Phèo lại thấy “lòng thành trẻ con”. Rồi hắn làm nũng với Thị. Khi đã là trẻ con thì lòng con người sẽ hiền. “Ôi sao mà hắn hiền, ai dám bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn dập đầu, rạch mặt mà đâm chém người”. Từ đó, một ước vọng bay lên: “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao!... Họ sẽ nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện...”

Có đôi cánh lãng mạn nào trong văn chương thời bấy giờ lại đẹp như vậy không? Hiện thực làm nền càng trần trụi, đôi cánh lãng mạn càng mãnh liệt!

Chí Phèo tung tất cả tinh thần của mình vào cuộc tình với cách của anh. “Bây giờ thì mấy bát cháo hành ý chừng đã ngấm... Hắn béo Thị Nở một cái làm Thị nẩy người hẳn lên”. Chúng quấn lấy nhau, nô đùa nhau “với cách âu yếm bình dân hơn”.

Nơi đâu trong túp lều nghèo hèn này cũng là trần trụi nhưng chính nơi đó chất lãng mạn bay cao. Đó là đời, là mộng.

Ước mơ gãy cánh, Thị Nở đến nhà Chí Phèo “trút lên mặt hắn tắt cả những lời bà cô”. Chí hiểu sau cơn sửng sốt. Nỗi đau của giấc mơ nhỏ nhoi mà vẫn bị cự tuyệt. Anh là một tính cách bi kịch của vở diễn lãng mạn.

Từ đây, hiện thực hai tầng hiện ra.

Chí Phèo những tưởng uống để say và quên. Nhưng rượu không thể làm say một con người đã vãn hồi ý thức.

Ở tầng thứ nhất, Chí Phèo say lẩm bẩm đòi đi giết “con khọm già”, lăm lăm dao trong tay ra đi...

Nhưng ở tầng thứ hai, Chí Phèo lại không rẽ vào nhà bà cô Thị Nở, hắn lại đến thẳng nhà Bá Kiến. Dưới một cơn say bồng bềnh ở bên trên, có một ý thức rất mực tỉnh táo. Bằng ý thức ấy Chí Phèo đã đối diện với Bá Kiến lần cuối cùng. Lần này không có ngôn ngữ lè nhè của kẻ say, không có lời hăm dọa của kẻ liều. Ngôn ngữ Chí dõng dạc như tuyên ngôn.

Như vậy, động lực thúc đẩy Chí Phèo giết Bá Kiến không trực tiếp từ bi kịch tha hóa mà từ bi kịch bị cự tuyệt quyền được làm người lương thiện, từ nỗi đau khổ vì đã biết lãng mạn.

Có lẽ đó cũng chính là cảm hứng độc đáo của Nam Cao, một tài năng sâu lắng.

 

Hoàng Thiệu Khang

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây