© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Giải bài tập Ngữ Văn 12, Bài 6. Nhân vật giao tiếp

Thứ sáu - 05/06/2020 10:45
- Nhân vật giao tiếp là những người tham gia vào hoạt động giao tiếp trong vai người nói (người viết) hoặc người nghe (người dọc). Ở dạng nói hội thoại, giữa các nhân vật giao tiếp thường có sự đổi vai và luân phiên lượt lời với nhau. Người nghe có thể là một hoặc nhiều người, người nghe thường hỏi đáp lại lời người nói, cũng có thể không hồi đáp lời người nói.
- Những đặc điểm về vị thế, quan hệ thân - sơ, lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, vốn sống, văn hoá... của người nói luôn để lại dấu ấn trong lời nói của họ (thể hiện ở nội dung và hình thức ngôn ngữ).
- Trong giao tiếp, mỗi người phải tuỳ thuộc hoàn cảnh và tình huống giao tiếp cụ thể để lựa chọn cho mình cách giao tiếp cho hiệu quả nhất.

* CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Trình bày những hiểu biết của em về quan hệ vị thế và quan hệ thân - sơ giữa các nhân vật giao tiếp?
Quan hệ vị thế là quan hệ tôn ti trong xã hội, tạo thành các vị thế trên - dưới, cao - thấp theo cấp bậc. Quan hệ này được đặc trưng bằng yếu tố quyền lực.
- Quan hệ vị thế chỉ mang tính tương đối: A có thể ở vị thế cao hơn so với B nhưng lại thấp hơn so với C, hoặc có khi A cao hơn B ở phương diện này nhưng lại thấp hơn B ở phương diện khác. Ví dụ: Ông giám đốc ở công ty là người có vị thế cao hơn anh nhân viên lái xe nhưng khi ông ta theo học một lớp học lái xe ô-tô thì cũng chỉ có vị thế như bất kì học viên nào trong lớp học đó. Cũng có thể ở tình huống giao tiếp này A là người có vị thế cao hơn B nhưng ở tình huống khác A lại thấp hơn B về vị thế. Chẳng hạn, một ông vua khi ngồi trên ngai vàng là người có vị thế cao nhất nhưng khi đi vi hành không ai biết ông ta là vua thì vị thế cũng chỉ như mọi người dân.
- Quan hệ vị thế phụ thuộc các yếu tố khách quan như cương vị xã hội, tuổi tác, giới tính... hoặc các yếu tố chủ quan mang dấu ấn cá nhân như khả năng giao tiếp, khẩu khí, âm lượng, sự chủ động trong giao tiếp...
- Các dấu hiệu thể hiện quan hệ vị thế:
+ Dấu hiệu bằng lời: Người nói nhiều hơn và mỗi lần nói nói dài hơn thường có vị thế cao hơn. Người hay xen lời và hay cắt lời người khác cũng thường có vị thế cao hơn. Cách tổ chức cuộc thoại như ai mở thoại, ai hồi đáp, ai kết thúc... cũng phản ánh quan hệ vị thế. Các hành vi ngôn ngữ, hành vi hội thoại, sự thể hiện phép lịch sự, việc lựa chọn sử dụng các từ tình thái cũng thể hiện quan hệ vị thế. VD: Sử dụng các từ: à, ạ. dạ, vâng.... thường là người có vị thế thấp. Dùng các từ hả, hử... trong câu hỏi thường là người có vị thế cao.
+ Dấu hiệu ngoài lời: Tư thế, cử chỉ điệu bộ, âm lực và âm lượng giọng nói, không gian giao tiếp, hình thức trang phục... cũng thể hiện vị thế.
- Quan hệ thân - sơ được đặc trưng bằng yếu tố “khoảng cách” - một ẩn dụ biểu trưng cho sự gần gũi hoặc xa cách trong quan hê. Quan hệ khoảng cách có thể thay đổi và điều chỉnh trong quá trình hội thoại (từ xa lạ đến thân mật hoặc ngược lại).
- Những dấu hiệu biểu thị quan hệ thân - sơ:
+ Dấu hiệu bằng lời: Việc sử dụng các từ dùng để xưng hô cũng thể hiện mức độ gần gũi hay xa cách, tôn trọng hay khinh thường của các nhân vật giao tiếp với nhau (dùng mày /tao) có khi là thể hiên sự thân mật suồng sã, có khi là thể hiện sự coi thường, hách dịch). Việc chọn đề tài giao liếp có khi cũng thể hiện mức độ thân mật gần gũi giữa những người giao tiếp (những chuyện riêng tư thầm kín của cá nhân thường chỉ được nói giữa những người có quan hệ thân thiết).
+ Dấu hiệu ngoài lời: Khoảng cách giữa các nhân vật giao tiếp cũng thể hiện quan hệ giữa họ (những người có quan hệ thân mật thường đứng gần nhau hơn, thậm chí ôm vai bá cổ nhau khi hội thoại). Những dấu hiệu cử chỉ như vổ vai, bắt tay, ôm nhau, khoác vai, giang tay đón chào, nắm tay, xoa đầu... thường thể hiện quan hệ thân thiết, suồng sã, thoái mái giữa các nhân vật giao tiếp. Thậm chí cách thể hiện những dấu hiệu cử chỉ như gật đầu, mỉm cười, bắt tay, ánh mắt, nét mặt, nụ cười... cũng thể hiện mức độ thân thiết và tình cảm của những người tham gia giao tiếp. Ngoài ra, cường độ, âm lực, tốc độ nói năng... cũng ít nhiều phản ánh mức độ thân thiết giữa các nhân vật giao tiếp.

2. Em hiểu thế nào là sự luân phiên lượt lời trong hội thoại?
Luân phiên lượt lời là sự liên tục đổi vai giữa người nói và người nghe trong một cuộc giao tiếp, thường là giao tiếp hội thoại (lúc A là người nói thì B là người nghe và ngược lại). Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để phân biệt giao tiếp hội thoại và giao tiếp đơn thoại (độc thoại).

3. Xác định các nhân vật giao tiếp và phân tích quan hệ thân - sơ, quan hệ vị thế giữa các nhân vật giao tiếp trong các đoạn hội thoại sau:
Đoạn 1:
“Trẻ con trong xóm, cứ thấy cái thân hình to lớn, vập vạp của hắn từ dốc chợ đi xuống là ùa cả ra vây lấy hắn, reo cười váng lên:
- A a a... Anh Tràng! Anh Tràng đã về chúng mày ơi!
- Anh Tràng bế em mấy...
- Anh Tràng đã uống rượu chưa?
- Anh Tràng ơi!...
Đứa túm đằng trước, đứa túm đằng sau, đứa cù, đứa kéo, đứa lôi chân không cho đi. Tràng chỉ ngửa mặt lên cười hềnh hệch.
(...) một buổi chiều người trong xóm bỗng thấy Tràng về với một người đàn bà nữa (...) Mấy đứa trẻ đứng dừng lại, nhìn Tràng, đột nhiên có đứa gào lên:
- Anh Tràng ơi!- Tràng quay đầu lại. Nó lại cong cổ gào lên lần nữa – Chông vợ hài.
Tràng bật cười:
- Bố ranh” (Vợ nhặt - Kim Lân)

Đoạn 2:
“Tơ 1: - Thưa cậu, bà Cửu có nhà không ạ?
Hàn 1: - Thưa có, vâng! Mẹ tôi có nhà. Mời cô vào chơi.
Hàn 2: - Mời cô cứ vào, tôi đánh chó ... Mời cô đi trước kẻo chó cắn.
Tơ 2: Cháu vô phép cậu...
Hàn 3: Vâng ạ, mời cô cứ di.
Hàn 4: - Thưa mẹ, có khách.” (Nam Cao)

Đoạn 1: Các nhân vật giao tiếp trong đoạn trích này gồm anh cu Tràng và những đứa trẻ trong xóm chợ. Qua cách sử dụng cặp từ xưng hô anh-em cho ta thấy người có vị thế (tuổi tác) cao là anh cu Tràng, bọn trẻ có vị thế (tuổi tác) thấp hơn. Qua cách nói năng và sử dụng các dấu hiệu ngoài lời trong cuộc giao tiếp này, ta thấy giữa Tràng và bọn trẻ có mối quan hệ thân thiện từ lâu (bọn trẻ ùa cả ra vây lấy hắn, reo cười váng lên, đứa túm đằng trước, đứa túm đằng sau, đứa cù, đứa kéo, đứa lôi chân, còn Tràng thì chỉ ngửa mặt lên cười hềnh hệch, mắng yêu khi bọn trẻ trêu mình: - Bố ranh!)
Đoạn trích chủ yếu miêu tả lời của bọn trẻ, anh cu Tràng chỉ có một lượt lời duy nhất (- Bố ranh!)

Đoạn 2: Nhân vật giao tiếp là anh Hàn - một anh trai làng được lên tỉnh học, nghỉ hè về quê và cô Tơ - một cô thôn nữ đến hỏi mua lá dâu ở vườn nhà anh Hàn.
Qua cách sử dụng từ ngữ xưng hô (cậu - cháu, cô - tôi ta thấy quan hệ vị thế giữa hai người có sự chênh lệch: trong con mắt của cô Tơ, anh Hàn là con nhà quyền quý, được học hành, đi đây đi đó nên được xưng hô rất tôn trọng (cậu - cháu) theo cách người ta thường gọi những công tử con nhà giàu thời phong kiến, mặc dù về tuổi tác thì hai người không chênh nhau bao nhiêu. Anh Hàn cũng rất lịch sự khi xưng hô cô - tôi với cô Tơ (chủ yếu là vì Hàn không muốn có sự cách biệt đó để có thể có quan hệ tình cảm với cô Tơ). Cách sử dụng từ xưng hô cùng với việc sử dụng những từ ngữ thể hiện phép lịch sự mang tính xã giao: thưa cô, thưa cậu, mời cô, vô phép,... cho thấy rõ đây là cuộc giao tiếp giữa những người chưa có quan hệ gần gũi, thân mật và giữa họ vẫn có một khoảng cách. Trong đoạn trích này các lượt lời được luân phiên nhau liên tục, nghĩa là việc đáp lời rất được tôn trọng thể hiện phép lịch sự trong giao tiếp. Điều đó cũng cho thấy quan hệ giữa hai người vẫn chưa đủ độ thân một để có thể giao tiếp thoải mái hơn.

4. Trong các đoạn hội thoại sau đây những đặc điểm về vị thế của các nhân vật giao tiếp đã thể hiện trong việc sử dụng ngôn ngữ của họ như thế nào?
“Anh Mịch nhăn nhó, nói:
- Lạy ông, ông làm phúc tha cho con, mai con phải đi làm trừ nợ cho ông Nghị, kẻo ông ấy đánh chết.
Ông Lí cau mặt, lắc đầu, giơ roi song to hằng ngón chân cái lên trời, dậm dọa:
- Kệ mày, theo lệnh quan, tao chiếu sổ đinh thì lần này đến lượt mày rồi.
- Cắn cỏ con lạy ông trăm nghìn mớ lạy, ông mà bắt con đi thì ông Nghị ghét con, cả nhà con khổ.
- Thì mày hẹn làm ngày khác với ông ấy, không được à?
- Đối với ông Nghị, con là chó đầy tớ, con sợ lắm. Con không dám nói sai lời, vì là chỗ con nhờ vả quanh năm, nếu không, vợ con con chết đói.
- Chết đói hay chết no, tao đây không biết, nhưng giấy quan đã sức, tao cứ phép tao làm. Đứa nào không tuân, để quan gắt, tao trình thì rũ tù.
- Lạy ông, ông thương phận nào thì con nhờ phận ấy.
- Mặc kệ chúng bay, tao thương chúng bay, nhưng ai thương tao. Hôm ấy mày mà không đi, tao sai tuần đến gô cổ lại, đừng kêu.”
(Tinh thần thể dục – Nguyễn Công Hoan)

- Quan hệ vị thế trong cuộc thoại này là quan hê của người có vị thế xã hội cao (ông Lí) và người có vị thế thấp (anh Mịch). Quan hệ vị thế thể hiện ở cách dùng cặp từ xưng hô (ông - con) , (mày - tao). Anh Mịch tự biết mình có thân phận “thấp cổ bé họng” hơn so với ông lí cho nên đã gọi ông Lí bằng ông xưng con. Còn ông Lí tự cho mình là bề trên của anh Mịch nên gọi anh Mịch bàng mày xưng tao. Vị thế chênh lệch còn thể hiện ở cách nói năng của anh Mịch: Lạy ông... cắn cỏ con lạy ông trăm nghìn mớ lạy... ông thương phận nào tôi nhờ phận ấy... hoặc lời của ông Lí: Kệ mày... đứa nào không tuân... tao trình thì rũ tù... mày mà không đi... tao sai tuần đến gô cổ lại... Quan hệ giữa ông Lí và anh Mịch là mối quan hệ không thân thiện.

5. Trong các đoạn hội thoại sau đây những đặc điểm về vị thế, quan hệ, tuổi tác, văn hoá ... của các nhân vật giao tiếp đã thể hiện trong việc sử dụng ngôn ngữ của họ như thế nào?
“Bà lão láng giềng lại lật đật chạy sang:
- Bác trai đã khá rồi chứ?
- Cảm ơn cụ, nhà cháu đã tỉnh táo như thường. Nhưng xem ý hãy còn lề hề lệt bệt chừng như vẫn còn mỏi mệt lắm.
- Này, bảo bác ấy có trốn đi đâu thì trốn. Chứ cứ nằm đấy, chốc nữa họ vào thúc sưu, không có, họ lại đánh trói thì khổ. Người ốm rề rề như thế, nếu lại phải một trận đòn, nuôi mấy tháng cho hoàn hồn.
- Vâng, cháu cũng đã nghĩ như cụ. Nhưng để cháo nguội, cháu cho nhà cháu ăn lấy vài húp đã. Nhịn suông từ sáng hôm qua đến giờ còn gì.
- Thế thì phải giục anh ấy ăn mau đi, kẻo nữa người ta sắp sửa kéo vào rồi đấy!
Rồi bà lão lật dật trở về với vẻ mặt băn khoăn.” (Tắt đèn - Ngô Tất Tố)

Quan hệ vị thế giữa vợ chồng chị Dậu và bà lão hàng xóm là quan hệ giữa những người tuy chênh lệch về tuổi tác nhưng lại có quan hệ thân mật, gần gũi trong tình làng xóm láng giềng. Họ đều có vị thế chung là những người nông dân nghèo khổ đang phải chịu sự áp bức của các thế lực phong kiến. Quan hệ đó thể hiện ở cách xưng hô (cháu - cụ) bác trai, anh ấy, các từ gọi đáp này, vâng cũng thể hiện sự thân mật gần gũi. Nội dung lời nói của bà cụ cũng thể hiện sự quan tâm lo lắng cho anh Dậu một cách hết sức chân thành.
Lời nói và cách nói của các nhân vật cũng cho thấy rõ tính cách của mỗi nhân vật giao tiếp. Bà cụ là người quan tâm lo lắng cho người khác, thương người.
Chị Dậu là người hiền lành, thương chồng, rất cảm kích trước tấm lòng của bà lão hàng xóm. Giữa hai con người nghèo khổ ấy vẫn ngời lên những phẩm chất đáng quý của con người Việt Nam, những vẻ đẹp văn hoá mang truyền thống Việt Nam. (nhiễu điều phủ lấy giá gương / người trong một nước phải thương nhau cùng). Tuy không giúp gì được nhau về vật chất nhưng một lời thăm hỏi lúc hoạn nạn cũng khiến người trong cuộc như chị Dậu cảm kích nói lời cám ơn.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây