© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Ngữ Văn 12, Bài 5. Thực hành một số biện pháp tu từ Ngữ Pháp

Thứ hai - 01/06/2020 10:42
Giải câu hỏi và bài tập Ngữ Văn 12, Bài 5. Thực hành một số biện pháp tu từ Ngữ Pháp:
- Những biện pháp tu từ ngữ pháp thường dùng trong thơ và văn xuôi tiếng Việt là phép lặp cú pháp, phép liệt kê, phép chêm xen (ngoài ra còn có phép đảo cú, phép chiết cú, phép liên kết câu...).
- Phép lặp cú pháp (phép điệp cú, phép sóng đôi, song hành cú pháp) là phép lặp lại kiểu cấu trúc cú pháp của câu và thường kèm thêm lặp từ để làm trọn vẹn hoặc nhấn mạnh ý nghĩa và gia tăng cảm xúc.
Vì lợi ích mười năm trồng cây
Vì lợi ích trăm năm trồng người (Hồ Chí Minh)
+ Có nhiều kiểu điệp cú: Điệp nguyên vẹn (Người người thi đua/ Ngành ngành thi đua) và điệp bộ phận (“Không ! Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước , nhất định không chịu làm nô lệ” (Hồ Chí Minh)
Có kiểu điệp liên tục: “Tóc này khác nào thịt da, máu xương tim óc. Tóc này khác nào mẹ cha, cô bác, chị anh. Tóc này khác nào rặng dừa, luỹ tre, ruộng lúa, bãi biển, khác nào những dòng sông Trà Khúc, Thu Bồn. những núi rừng Ba Tơ, An Khê, Công Tum, Đắc Lắc”. (Anh Đức)
+ Phép điệp cú là cơ sở của phép đối. Dựa vào điệp cú mới có thể đối ý , đối thanh, đối lời:
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
(Bà Huyện Thanh Quan)
+ Tác dụng của phép điệp cú: Phép điệp cú pháp thường được dùng trong văn chính luận nhằm gây sự chú ý, nhấn mạnh một nội dung thông báo nào đó và tăng sức thuyết phục đối với người nghe. Phép điệp cú được sử dụng phổ biến trong tục ngữ để dễ nhớ và dễ truyền tụng.
- Gần mực thì đen gần đèn thì sáng
- Ăn cỗ đi trước / lội nước theo sau

- Phép liệt kê là sắp xếp nối tiếp những đơn vị cú pháp cùng loại để mở rộng câu theo hướng cụ thể hoá nội dung thông báo nhằm tạo ấn tượng đối với người đọc.
Ví dụ: Cái vất vả của người nông dân được khắc họa bởi phép liệt kê liên tiếp
“... phải lao động bằng cổ, bằng vai, bằng đỉnh đầu, bằng mông, bằng gối, bằng cả gan bàn chân, gót chân lúc rũ đất bó mạ tươi, chân tay mình mẩy quần quật phối hợp mấy động tác...” (Nguyễn Tuân)
Phép liệt kê có thể phối hợp với phép lặp cú pháp để tạo được những hiệu quả biểu đạt bất ngờ: Bình giá về sự vật hiện tượng, gây ấn tượng bởi hiệu quả biểu cảm, cảm xúc.
Ví dụ: - Phép chêm xen là sử dụng một thành phần có tác dụng giải thích, mở rộng, nói rõ thêm một phương diện nào đó liên quan gián tiếp nội dung thông báo của câu hoặc bình phẩm về sự việc được nói đến giúp người đọc hiểu rõ hơn nội dung câu. Thành phần chêm xen thường được ngăn cách với nòng cốt câu bằng dấu gạch ngang, dấu ngoặc đơn hoặc dấu phẩy khi viết; bằng quãng ngắt ngắn và hạ giọng khi đọc.

* CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
Câu 1. Tác dụng của phép lặp cú pháp đối với giá trị biểu đạt của văn bản? Phân biệt phép lặp cú pháp và lặp từ vựng?
Lặp cú pháp thường dùng để nhấn mạnh ý nghĩa biểu đạt hoặc làm gia tăng cảm xúc.
Lặp cú pháp khác lặp từ vựng ở chỗ lặp cú pháp là lặp lại một kiểu cấu trúc ngữ pháp trong cách diễn đạt. Còn lặp từ vựng (điệp từ, điệp ngữ) là lặp lại một số từ ngữ đã dùng ở trước để nhấn mạnh nội dung đang nói tới.
Ví dụ:
Anh đã tìm em, rất lâu, rất lâu
Cô gái ở Thạch Kim Thạch Nhọn
Khăn xanh, khăn xanh phơi đây lán sớm
Sách giây mở tung trắng cả rừng chiều
[…]
Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa
Thương em, thương em, thương em biết mấy.
(Phạm Tiến Duật) 
Tuy nhiên, trong văn bản lặp cú pháp thường kết hợp với lặp từ vựng để nhấn mạnh nội dung diễn đạt.

2. Phép liệt kê có tác dụng gì đối với giá trị biểu đạt của văn bản?
Trong văn bản, liệt kê có tác dụng cụ thể hoá nội dung thông báo, gây ấn tượng đối với người đọc bằng mức độ cụ thể hoá các khía cạnh, các phương diện của vấn đề được nói tới.
VD: Nhạc công dùng các ngón đàn trau chuốt như ngón nhấn, mổ, vỗ, vả, ngón bấm, day, chớp, búng, ngón phi, ngón rãi. (Ca Huế trên sông Hương - Hà Ánh Minh). Trong ví dụ trên phép liệt kê đã cho ta biết nhiều ngón đàn cụ thể của các nhạc công dùng trong ca Huế.

3. Có ý kiến cho rằng: thành phần phụ chú thường được dùng trong phép chêm xen để giải thích, mở rộng một nội dung nào đó của văn bản. Ý kiến này có đúng không? Vì sao?
Phần phụ chú (còn gọi là phần chêm xen) là một bộ phận biệt lập với nòng cốt (C - V) của câu thường dùng để bổ sung, giải thích thêm về một phương diện, một khía cạnh nào đó của nội dung thông báo được nói ở trước đó. Phần phụ chú được dùng như một phương tiện tu từ cú pháp trong phép chêm xen.

4. Chỉ ra và phân tích tác dụng của phép lặp cú pháp trong bài ca dao sau:
Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống dát.
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai.
Đèn thương nhớ ai
Mà đèn không tắt.
Mắt thương nhớ ai
Mà mắt không nguôi.

Phép lặp cú pháp trong bài ca dao diễn tả nỗi nhớ nhung day dứt không nguôi, cứ trở di trở lại trong tâm tư của nhân vật trữ tình. Khi tâm trạng đã ngập tràn trong nỗi nhớ thì hình như những sự vật xung quanh cũng đồng cảm với lòng người: khăn nhớ, đèn nhớ, mắt nhớ...

5. Chỉ ra và phân tích tác dụng của phép liệt kê trong các đoạn sau:
“Xứ Huế vốn nổi tiếng với các điệu hò (...). Chèo cạn, bài thai, hò đưa linh buồn bã, hò giã gạo, ru em, giã vôi, giã điệp, bài chòi, bài tiệm, nàng vung náo nức nồng hậu tình người. Hò lơ, hò ô, xay lúa, hò nện gần gũi với dân ca Nghệ Tĩnh.”
(Ca Huế trên sông Hương - Hà Ánh Minh)

“Bên cạnh ngài, mé tay trái, bát yến hấp đường phèn, để trong khay khảm, khói bay nghi ngút; tráp đồi mồi chữ nhật để mở, trong ngăn bạc đầy những trầu vàng, cau đậu, rễ tía; hai bên nào ống thuốc bạc, nào đồng hồ vàng, nào dao chuôi ngà, nào ống vôi chạm, ngoáy tai, vỉ thuốc, quản bút, tăm bông trông mà thích mắt.
(...) Ngoài kia, tuy mưa gió ầm ầm, dân phu rối rít, nhưng trong này xem chừng tĩnh Mịch, nghiêm trang lắm...” (Sống chết mặc bay - Phạm Duy Tốn)

Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
Em đã sống lại lại rồi, em đã sống!
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Không giết được em, người con gái anh hùng!
(Người con gái Việt Nam – Tố Hữu)

Hiệu quả của phép liệt kê:
- Đoạn văn trong bài Ca Huế trên sông Hương, hàng loạt các làn điệu hò Huế được liệt kê giúp người đọc thấy được sự phong phú, đa dạng của dân ca xứ Huế.
- Đoạn văn trong Sống chết mặc bay: Kể ra hàng loạt những đồ dùng cầu kì phục vụ cho việc đánh bạc của viên quan phụ mẫu, phép liệt kê đã dựng lên một bức tranh đối lập giữa cảnh sung túc, đủ đầy, xa xỉ của viên quan phụ mẫu với cảnh đói rét, thiếu thốn, hoảng loạn của những người dân quê trong cơm bão lũ, trước cái hoạ vỡ đê đang đe dọa.
- Đoạn thơ trong bài Người con gái Việt Nam: dùng phép liệt kê để dẫn ra hàng loạt những cực hình tra tấn dã man của quân thù đối với chị Trần Thị Lý (điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung), tác giả đã khắc họa thành công chân dung của người con gái Việt Nam anh dũng kiên cường, không khuất phục trước uy lục của kẻ thù.

6. Chỉ ra và phân tích tác dụng của phép chêm xen trong đoạn thơ sau:
Cô bên nhà bên (có ai ngờ)
Cũng vào du kích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi)
(Quê hương - Giang Nam)

Tác dụng của biện pháp chêm xen trong đoạn thơ của Giang Nam: thành phần chêm xen (có ai ngờ) bổ sung thêm về thái độ bất ngờ của tác giả trước sự việc cô bé nhà bên mới ngày nào còn là một cô bé con nay đã là một cô du kích. Thành phần chêm xen (thương thương quá đi thôi) là tình cảm trìu mến của tác giả dành cho cô bé nhà bên.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây