© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Giải bài tập tiếng việt 3 tuần 10

Thứ sáu - 11/08/2017 04:51
Giải bài tập tiếng việt 3 tuần 10, chủ điểm: Quê hương.

Tập đọc: Giọng quê hương
A. Mục tiêu bài học

- Rèn kĩ năng đọc thành tiếng: Đọc trôi chảy toàn bài, phát âm đúng các từ khó: luôn miệng, dứt lời, nén nỗi xúc động, vui vẻ, xin lỗi, nghẹn ngào,... Biết thay đổi giọng đọc qua lời đôi thoại.
- Rèn kĩ năng đọc - hiểu: Hiểu nghĩa các từ: đôn hậu, thành thực, Trung kì, bùi ngùi. Hiểu nội dung truyện: Tình cảm gắn bó thiết tha giữa những người có cùng một giọng nói quê hương.
B. Tìm hiểu nội dung
Câu chuyện Giọng quê hương được chia thành ba đoạn:
- Đoạn 1: Giới thiệu mọi người cùng vào ăn ở một quán ở bên đường.
- Đoạn 2: Thuyên quên mang ví, sự xuất hiện của anh thanh niên khiến cho Đồng và Thuyên ngạc nhiên.
- Đoạn 3: Tình cảm thiết tha của các nhân vật đối với quê hương,
I. Hướng dẫn luyện đọc
Đọc toàn bài với giọng kể chậm rãi, chú ý phân biệt lời dẫn chuyện với lời nhân vật (anh thanh niên, Thuyên, Đồng). Ví dụ:
- Xin lỗi. // Tôi quả thật chưa nhớ ra anh là...// (giọng ngập ngừng kéo dài ở từ là).
- Mẹ tôi là người miền Trung...// Bà qua đời đã hơn 8 năm rồi. // (giọng đọc xúc động).
II. Hướng dẫn trả lời câu hỏi
1. Thuyên và Đồng cùng ăn trong quán với những ai?

Thuyên và Đồng cùng ăn trong quán với ba người thanh niên.
2. Chuyện gì xảy ra làm Thuyên và Đồng ngạc nhiên?
Thuyên và Đồng ngạc nhiên vì hai anh đang lung túng khi quên mang theo ví tiền thì một trong ba anh thanh niên xin được trả giúp tiền ăn.
3. Vì sao anh thanh niên cảm ơn Thuyên và Đồng?
Anh thanh niên cảm ơn Thuyên và Đồng vì hai bạn có giọng nói gợi cho anh nhớ đến người mẹ quá cố của mình trước đây ở miền Trung.
4. Những chi tiết nào nói lên tình cảm tha thiết của các nhân vật đối với quê hương?
Những chi tiết nói lên tình cảm tha thiết của các nhân vật đối với quê hương:
- Người trẻ tuổi: lẳng lặng cúi đầu, đôi môi mím chặt lộ vẻ đau thương.
- Thuyên, Đồng: bùi ngùi nhớ đến quê hương, yên lặng nhìn nhau, mắt rướm lệ.
5. Qua câu chuyện, em nghĩ gì về giọng quê hương
Qua câu chuyện, em nghĩ về giọng quê hương như sau:
- Giọng quê hương khiến người ta nhớ đến nơi mình đã sinh ra và lớn lên.
- Giọng quê hương khiến người ta nhớ về những người thân của mình.
- Giọng quê hương nhớ đến những kỉ niệm với quê hương.
- Giọng quệ hương làm gắn bó những người cùng quê hương.

Kể chuyện: Giọng quê hương
A. Mục tiêu bài học

- Rèn kĩ năng nói: Dựa vào trí nhớ và tranh kể lại được từng đoạn của câu chuyện.
- Rèn kĩ năng nghe: Nghe bạn kể biết nhận xét đánh giá và kể tiếp được lời kể của bạn.
B. Tìm hiểu nội dung (Hướng dẫn kể chuyện)
Dựa vào tranh minh họa (SGK trang 78), hãy kể lại câu chuyện Giọng quê hương.
Bài tham khảo

+ Tranh 1.
Thuyên và Đồng rời quê đi làm đã mấy năm nay. Một hôm hai người rủ nhau đi chơi xa nhưng đến giữa trưa thì lạc mất đường về. Hai người vào một cái quán bên đường để hỏi thăm đường tiện thể ăn luôn cho đỡ đói. Khi vào, họ đã thấy có ba thanh niên đang ăn uống trò chuyện rất vui vẻ.

+ Tranh 2.
Ăn xong, lúc đứng lên trả tiền Thuyên mới biết là mình quên mang ví, anh quay sang hỏi Đồng, Đồng cũng quên mang theo. Trong lúc hai người đang lúng túng, thì một trong ba anh thanh niên bước lại gần và nói:
- Xin hai anh vui lòng cho tôi được trả tiền.
Thuyên ngạc nhiên nhìn anh thanh niên rồi bối rối nói:
- Xin lỗi. Tôi quả thật chưa nhớ ra anh.
Người thanh niên vội nói:
- Dạ, không! Bây giờ tôi mới được biết hai anh. Tôi muốn làm quen.

+ Tranh 3.
Ngừng một lát, anh thanh niên nói tiếp:
- Hai anh đã cho tôi nghe lại giọng nói của mẹ tôi...
Bất ngờ trước tình cảm của người bạn mới, Thuyên chỉ biết nói:
- Xin cám ơn anh.
Anh thanh niên xua tay:
- Tôi phải cám ơn hai anh mới phải.
Rồi anh nghẹn ngào kể:
- Mẹ tôi là người miền Trung... Bà qua đời đã hơn tám năm rồi... Nói đến đây, người trẻ tuổi lặng đi, đôi môi mím chặt lộ vẻ đau thương.
Còn Thuyên và Đồng thì bùi ngùi nhớ đến quê hương, mắt rướm lệ.

Chính tả (Nghe - viết): Quê hương ruột thịt
A. Mục tiêu bài học

- Rèn kĩ năng chính tả: Nghe - viết đúng bài Què hương ruột thịt.
- Luyện tiếng có vần khó oai/oay, tiếng có âm đầu hoặc thanh dễ lẫn l/n; thanh hỏi/  thanh ngã / thanh nặng.
B.  Tìm hiểu nội dung
I. Hướng dẫn nghe - viết

- Đọc lại bài văn Quê hương ruột thịt, hiểu nội dung bài: Tình cảm yêu quê hương của chị Sứ.
- Bài văn có 3 câu. Chú ý viết các từ khó: da dẻ, ruột thịt, biết bao, quả ngọt...
II. Hướng dẫn làm bài tập
1. Nghe - viết:
Quê hương ruột thịt.
- Các chữ trong bài phải viết hoa: Quê, Chị Sứ, Chính, Và.
- Các chữ trên phải viết hoa vì đó là các chữ đầu tên bài, đầu câu, tên riêng.
2. Tìm 3 từ chứa tiếng có vần oai, 3 từ chứa tiếng có vần oay.
- Tiếng chứa vần oai: khoai lang, oai vệ, khoan khoái, bà ngoại, ngoái đẩu, quả xoài, thoải mái,...
- Tiếng chứa vần oay: loay hoay, xoay người, ngoáy tai, ngọ ngoạy,...
3. Thi đọc, viết đúng và nhanh:
a) Lúc Thuyên đứng lên, chợt có một thanh niên bước lại gần anh.
b) Người trẻ tuổi lẳng lặng cúi đầu, vẻ mặt buồn bả xót thương.
Các em vừa đọc vừa viết cho nhanh; chú ý dấu hỏi, dấu ngã, dấu nặng.

Tập đọc: Quê hương
A. Mục tiêu bài học

- Rèn kĩ năng đọc thành tiếng: Đọc diễn cảm bài thơ, phát âm đúng các từ: trèo hái, rợp bướm, con về, diều biếc, mỗi người, lớn nổi,... Ngắt đúng nhịp, nghỉ hơi sau mỗi dòng thơ, khổ thơ.
- Rèn kĩ năng đọc - hiểu: Hiểu nghĩa của các từ: quê hương, nón lá (loại nón hình chóp, vành rộng). Hiểu nội dung bài: Cảm nhận được vẻ dẹp giản dị, thân thuộc của cảnh vật quê hương.
B. Tìm hiểu nội dung
I. Hướng dẫn luyện đọc

Đọc diễn cảm toàn bài với giọng thong thả, nhẹ nhàng và tình cảm. Chú ý cách ngắt nhịp và nhấn giọng. Ví dụ:
Quê hương/ là chùm khế ngọt/
Cho con trèo hái/ mỗi ngày /
Quê hương/ là đường đi học/

Con về/ rợp bướm vàng bay. //
II. Hướng dẫn trả lời câu hỏi
1. Nêu những hình ảnh gắn liền với quê hương (ba khổ thơ đầu).

- Chùm khế ngọt
- Đường đi học rợp bướm vàng bay
- Con diều biếc thả trên cánh đồng .
- Cọn đò nhỏ khua nước ven sông
- Cầu tre nhỏ
- Nón lá nghiêng che
- Đêm trăng tỏ
- Hoa cau rụng trắng ngoài hè.
2. Vì sao quê hương được so sánh với mẹ (khổ thơ cuối).
Quê hương được so sánh với mẹ vì quê hương là nơi ta được sinh ra và lớn lên cũng giống như mẹ đã sinh ra ta và nuôi dưỡng ta khôn lớn.
3. Em hiểu nghĩa hai dòng cuối bài thơ như thế nào?
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người.

Hai dòng cuối bài thơ nhắc nhở chúng ta nếu ai không nhớ quê hương thì không thể trở thành người tốt được. Không nhớ quê hương tức là không nhớ không yêu mẹ, vì thế sẽ không trở thành người tốt được.
4. Học thuộc lòng bài thơ (Học sinh tự học).

Luyện từ và câu: So sánh – dấu chấm
A. Mục tiêu bài học

- Tiếp tục làm quen với so sánh (so sánh âm thanh với âm thanh).
- Tập dùng dấu chấm đế ngắt câu trong một đoạn văn.
B. Tìm hiểu nội dung (Hướng dẫn làm bài tập)
1. Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:

Đã có ai lắng nghe
Tiếng mưa trong rừng cọ
Như tiếng thác dội về
Như ào ào trận gió.

a) Tiếng mưa trong rừng cọ được so sánh với âm thanh của tiếng thác, tiếng gió.
b) Qua sự so sánh trên, em hình dung tiếng mưa trong rừng cọ rất to, rất mạnh và rất vang động; bởi mưa dội vào lá, các lá cọ lại va chạm vào nhau tạo nên những âm thanh đó.
2. Hãy tìm những âm thanh được so sánh với nhau trong mỗi câu thơ, văn dưới đây:
a) Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.

Ở đây tác giả so sánh tiếng suối chảy rì rầm với tiếng đàn cầm.

b) Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cồ thụ bóng lồng hoa.

Ở đây tác giả so sánh tiếng suối trong với tiếng hát xa.

c) Mỗi lúc, tôi càng nghe rõ tiếng chim kêu náo động như tiếng xóc những rổ tiền đồng. Chim đậu chen nhau trắng xóa trên những đầu cây mắm, cây chà là, cây vẹt rụng trụi gần hết lá.

Ở đây tác giả so sánh tiếng chim kêu náo động với tiếng xóc những rổ tiền đồng.
3. Ngắt đoạn văn dưới đây thành 5 câu và chép lại cho đúng chính tả.
Đoạn văn đã được ngắt thành 5 câu và chép lại đúng chính tả:
 Trên nương, mỗi người một việc. Người lởn thì đánh trâu ra cày. Các bà mẹ cúi lom khom tra ngô. Các cụ già nhặt cỏ, đốt lá. Mấy chú bé đi bắc bếp thổi cơm.

Tập viết: Ôn chữ hoa: hh (tiếp theo)
A. Mục tiêu bài học

- Củng cố cách viết chữ hoa h01. Viết tên riêng: h02

- Viết câu ứng dụng bằng chữ cỡ nhỏ.
B. Hướng dẫn viết
1. Luyện viết chữ hoa:
Các chữ hoa có trong bài: h01 7  (hoặc h01 8), h04

Chữ h01 8: Gồm 3 nét: 2 nét cong trái nối liền nhau (giống chữ h06 4) và một nét khuyết ngược (gần giống chữ h05) nét cuối của chữ h01 7 nối liền nét với con chữ i.
- Chữ h06: Gồm 2 nét: một nét cong kín tạo nên chữ h07 hoa và dấu phụ (dấu mũ).

- Chữ h08: Gồm một nét viết liền, là kết hợp của ba nét cơ bản: 2 nét cong trái và một nét lượn ngang.

Chữ h09: Gồm 3 nét (nét 1 là kết hợp của nét cong trái và nét lượn ngang, nét hai là nét lượn dọc, nét 3 là nét móc xuôi phải).

Chữ h10: Gồm một nét viết liền, là kết hợp của 3 nét cơ bản hai nét móc hai đầu và một nét xiên.

Viết vào vở chữ h01 8 1 dòng; chữ h11 1 dòng.

2. Luyện viết từ ứng dụng:
- Ông Gióng còn gọi là Thánh Gióng, quê ở làng Gióng (nay thuộc xã Phù Đống, ngoại thành Hà Nội) là người sông vào thời vua Hùng, đã có công đánh đuổi giặc Ân.
- Lưu ý cách viết liền mạch ở chữ Gióng.
- Viết vào vở tên riêng Ông gióng ở 2 dòng.
3. Luyện viết câu ứng dụng:
h13

- Hiểu được câu thơ: Tả cảnh dẹp của Hồ Tây (Hà Nội).
- Các chữ phải viết hoa trong câu ca dao: Gió, Tiếng (đầu dòng thơ) Trấn Vũ, Thọ Xương (tên riêng). Viết vào vơ câu ca dao 4 dòng.

Tập đọc: Thư gửi bà
A. Mục tiêu bài học

- Rèn kĩ năng đọc thành tiếng: Đọc trôi cháy bức thư, phát âm đúng các từ: dạo này, năm nay, ngày nghỉ, vẫn nhớ, kể chuyện cổ tích...
- Rèn kĩ năng đọc - hiểu: Bước đầu hiểu được cách viết thư. Hiểu được nội dung bức thư: Thấy dược tình cảm yêu mến bả của cháu.
B. Tìm hiểu nội dung
Khi viết một bức thư cần chú ý những vấn đề:
- Dòng đầu thư: Nơi gửi, ngày ... tháng ... năm ...
- Lời xưng hô với người nhận thư (ông, bà, chú, bác,...).
- Nội dung thư (Lời thăm hỏi, báo tin cho người nhận thư, lời chúc và hứa hẹn).
- Cuối thư: Lời chào, chữ kí và tên.
I. Hướng dẫn luyện đọc
- Đọc toàn bức thư với giọng nhẹ nhàng, tình cảm bộc lộ được tình yêu của người cháu đối với bà.
- Chú ý ngắt nghỉ hợp lí sau dấu câu. Ví dụ:
Hải Phòng,/ ngày 6/ tháng 11 năm 2003 (đọc rõ ràng, rành mạch).
Bà kính yêu!//
Lâu rồi, / cháu chưa được về quê, / cháu nhớ bà lắm. //
Dạo này bà có khỏe không ạ?//

(giọng đọc tình cảm, ân cần).
Cháu hứa với bà/ sẽ học thật giỏi,/ luôn chăm ngoan để bà vui. // Cháu kính chúc bà luôn mạnh khỏe,/ sống lâu. // Cháu mong chóng đến hè/ để được về quê thăm bà.// (đọc rõ, thể hiện sự quyết tâm).
II. Hướng dẫn trả lời câu hỏi
1. Đức viết thư cho ai? Dòng dầu bức thư, bạn ghi thế nào?

- Đức viết thư cho bà ở quê.
- Dòng đầu bức thư Đức ghi nơi viết, ngày, tháng, năm (Hải Phòng, ngày 6 thảng 11 năm 2003).
2. Đức hỏi thăm bà điều gì? Đức kể với bà những gì?
- Đức hỏi thăm sức khỏe của bà - Dạo này bà có khỏe không ạ?
- Đức kể với bà về tình hình của gia đình, kể về việc học tập của mình và những ngày nghỉ của gia đình (gia đình cháu vẫn bình thường. Năm nay cháu học lớp 3. Từ đầu năm học đến giờ cháu được 8 điểm 10. Ngày nghỉ, cháu thường được bố mẹ cháu cho đi chơi).
Đức còn kể cho bà nghe kỉ niệm năm ngoái về quê được thả diều cùng anh Tuấn và đêm đêm ngồi nghe bà kể chuyện cổ tích dưới ánh trăng.
3. Đoạn cuối bức thư cho thấy tình cảm của Đức với bà như thế nào?
Đoạn cuối bức thư cho thấy Đức rất kính trọng và yêu quí bà. Đức hứa với bà sẽ học thật giỏi, luôn chăm ngoan để bà vui và kính chúc bà mạnh khỏe, sống lâu. Đức ước mong mau chóng đến hè để được về quê thăm bà.

Chính tả (Nghe - viết): Quê hương
A. Mục tiêu bài học

- Rèn kĩ năng viết chính tả: Nghe - viết chính xác 3 khổ thơ đầu bài Quê hương. Biết cách trình bày bài thơ 6 chừ. Viết đúng các chữ có vần khó: et/oét. Tập giải câu đố để xác định cách viết một số chữ có âm thanh dễ lẫn: nặng - nắng; lá - là; cổ - cỗ; co - cò - cỏ.
B. Tìm hiểu nội dung
I. Hướng dẫn nghe - viết

Đọc lại 3 khổ thơ đầu của bài thơ Quê hương. Hiểu nội dung bài: Quê hương là những hình ảnh quen thuộc hàng ngày. Chú ý viết đúng các từ khó: trèo hái, rợp bướm, mỗi ngày, diều biếc, trăng tỏ.
II. Hướng dẫn làm bài tập
1. Nghe - viết:
Quê hương (3 khổ thơ đầu).
Những chữ trong bài phải viết hoa là những chữ ở đầu dòng thơ.
2. Điền vào chỗ trống et hay oet ?
- em bé toét miệng cười - mùi khét
- cưa xoèn xoẹt - xem xét
3 Viết lời giải câu đố sau:

a) - Để nguyên ai cũng lặc lè
Bỏ nặng, thêm sắc - ngày hè chói chang.

Lời giải: Là những chữ nặng - nắng.

- Có sắc - mọc ở gần xa
Có huyền – Vuốt thẳng áo quần cho em.

Lời giải: Là những chừ lá - là (quần áo).

B) – Để nguyên - giữa đầu và mình
Đổi sang dấu ngã sẽ thành bữa ngon

Lời giải: Là những chừ cổ - cỗ.

- Không dấu - trời rét nằm cong
Thêm huyền - bay lả trên đồng quê ta
Có hỏi - xanh tươi mượt mà
Trâu bò vui gặm nhẩn nha từng đàn

Lời giải: Là nhừng chừ co - cò - cỏ.

Tập làm văn:  Tập viết thư và phong bì thư
A. Mục tiêu bài học

- Biết viết một bức thư ngắn (khoảng 8 - 10 dòng) để thăm hỏi, báo tin cho người thân.
- Diễn đạt rõ ý, biết trình bày đúng hình thức một bức thư và ghi rõ nội dung trên phong bì thư.
B. Tìm hiểu nội dung (Hướng dẫn làm bài tập)
Dựa theo màu bài tập đọc Thư gửi bà, em hãy viết một bức thư ngắn cho người thân.

Các em có thể gửi thư cho ông bà, cô bác, cậu mợ...
Đề bài: Em hãy viết một bức thư gửi ông ngoại của em
Bài tham khảo

TP. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 12 năm …….
Ông kính mến!

Đã lâu rồi, cháu chưa được ra Hà Nội thăm ông, cháu nhớ ông vô cùng.

Ông dạo này có được khỏe không ạ? Cái chân của ông có còn sưng lên nữa không? Cháu lo mùa đông này trời lạnh sẽ làm chân ông đau.

Mẹ con cháu ở trong này vẫn bình thường. Năm nay, cháu lên lớp ba rồi đấy. Năm học này cháu học rất giỏi, cháu được rất nhiều điếm 10 ông ạ! Vào những ngày nghỉ, cháu được mẹ chở đi hiệu sách Nguyễn Huệ để xem và mua sách. Cháu thích đọc sách lắm. Cháu nhớ năm ngoái cháu ra thăm ông, ông thường đọc sách cho cháu nghe. Cháu còn nhớ lời ông nói: "Muốn học giỏi, hiểu biết nhiều thì phải đọc sách". Bây giờ cháu đang biến lời nói của ông thành sự thật.

Ông ơi! Cháu sẽ hứa với ông học thật giỏi, chăm ngoan để ông vui. Cháu kính chúc ông luôn mạnh khỏe, sống lâu muôn tuổi. Hè này, cháu nhất định xin phép bố mẹ ra thăm ông.

                                                                                  Cháu của ông Long

                                                                                    Hồ Thành Long

Tập ghi trên phong bì thư
h0000

© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây