© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Giải thích lời khuyên trong câu tục ngữ: Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau

Thứ hai - 23/03/2020 11:01
Giải thích lời khuyên trong câu tục ngữ: Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
Trong cuộc sống, con người hơn con vật ở chỗ là biết dùng lời nói để trao đổi với nhau. Vì thế lời nói có giá trị đặc biệt đối với mỗi người. Để khuyên mọi người có một cách nói năng đứng đắn, ông cha ta đã căn dặn:
“Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.


Vậy lời nói là gì? Lời nói là hình thức giao tiếp bằng ngôn ngữ. Lời nói theo ta suốt cả cuộc đời. Ngay từ khi còn nằm trong nôi, chúng ta đã biết bập bẹ hóng chuyện, khi lớn hơn một chút, ta lại biết gọi bố, gọi mẹ, nói những tiếng đơn giản đầu tiên. Hơn nữa, trong muôn loài, chỉ có con người là biết nói, vì thế, chúng ta càng phải trân trọng lời nói và không nên sử dụng chúng tùy tiện.

Sở dĩ không được ăn nói tùy tiện là vì lời nói đánh giá trình độ văn hóa của mỗi con người. Thế nên mới cần “lựa lời”, là chọn lọc những từ ngữ đúng mực với mục đích câu nói. Khi giao tiếp, việc “lựa lời” là rất quan trọng. Chỉ cần chút sơ ý sẽ bị người khác hiểu lầm, dễ dẫn đến xích mích. Ăn nói dễ hiểu, dễ nghe sẽ khiến mọi người có cảm tình, vì phần lớn con người ta thích “nói ngọt lọt đến xương”. “Ngọt” chỉ đơn giản là để “cho vừa lòng nhau”.

Trong cuộc sống, lời nói rất quan trọng. Nó như một con dao hai lưỡi. Một mặt sẽ đem lại những hiệu quả tốt, mặt khác cũng có thể lại dẫn tới những hậu quả khôn lường. Một lớp trưởng có tài ăn nói sẽ được các thành viên trong lớp yêu mến, nể phục. Một người cha tốt là người biết cách dạy con bằng những lời nói chân thành, nhẹ nhàng, ý nghĩa chứ không phải roi đòn. Trái lại: một người giám đốc chỉ thích xu nịnh, vụ lợi, thường xuyên quát mắng nhân viên sẽ chỉ nhận được những ánh mắt khinh bỉ của người ngoài. Thực tế, nhân viên thường chỉ ấm ức, khinh ghét cấp trên trong lòng chứ họ không dám đứng lên đấu tranh. Một lần nữa, lại vì lời nói! Nó có thể cướp mất miếng ăn của họ. Lời nói quả thực là rất đáng sợ.

Nhưng cũng lại giả sử nếu trên thế giới không có lời nói. Khi đó mọi người sẽ phải sử dụng ngôn ngữ hình thể để trao đổi với nhau. Mọi việc trở nên rối tung và khó khăn hơn bao giờ hết. Không lời nói, không tiếng cười, không âm nhạc,... tất cả như chìm vào một khoảng lặng đáng sợ, băng giá, khô khốc. Lời nói dù đem đến nhiều điều khó xử nhưng cũng không thế thiếu trong đời sống được.

Vậy để thực hiện được lời nói này, chúng ta phải làm thế nào? Ta cần chọn lời nói, ngôn ngữ phù hợp với từng hoàn cảnh, đối tượng. Không những thế, ta cần biết kiềm chế cảm xúc của bản thân để tránh xảy ra xích mích, cãi vã. Nhưng muốn có khả năng ăn nói, giao tiếp hoàn hảo, ta lại phải trải qua một quá trình rèn luyện lâu dài nữa. “Nói” nghe thì dễ, nhưng để mà “cho vừa lòng nhau” thì không phải ai cũng làm được. Nhưng nếu nghe một lời nói dễ chịu mà giả dối thì cũng không đúng. Lời nói trước hết phải chân thật, sau đó mới tốt đẹp. Có khi, dù chỉ là vô tình, ta chọc ghẹo ai đó bằng những lời khó nghe, chỉ để sướng cái miệng của mình và đem lại tiếng cười cho những người khác mà không biết họ khó chịu và tủi thân thế nào. Từ đó ta mất giá trị trong mắt họ và trở thành đứa vô duyên, không biết cách ăn nói. Bởi vậy nên trước khi phát ngôn một điều gì đó, ta cần “uốn lưỡi bảy lần” để tránh nói ra những điều làm tổn thương người khác. Không cớ gì mà trong các cửa hàng buôn bán, người ta treo biển “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Người bán hàng sử dụng lời nói kéo khách hàng xích gần lại với mình hơn. Lời nói có khi đem lại hạnh phúc cho người khác, nhưng nếu bất cẩn nó lại khiến người ta cảm thấy đau khổ. Nếu phát ngôn bừa bãi là một thói quen rồi, xin hãy dừng lại và sửa chữa. Đừng nghĩ “Lời nói chẳng mất tiên mua” là lời nói được hạ thấp trở thành một thứ rẻ mạt mà sử dụng không chút suy nghĩ. Thực ra, nó rất quý giá mà không tiền nào có thể mua được. Một lời đã nói cho đi thì không thể lấy lại. Vì thế hãy quý trọng từng lời nói và sử dụng chúng vào những mục đích tốt đẹp, để giữ được nét đẹp và sự phong phú của ngôn ngữ, cũng như vẻ đạo đức của bản thân mình.

Câu ca dao là một bài học sâu sắc về lời nói. Mỗi người hãy tự rèn luyện để có được cách nói văn minh, lịch sự, đạt được mục đích như mong muốn.

Nguyễn Phương Thảo

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây