© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Hướng dẫn soạn Văn 11, Tiếng Việt từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân

Chủ nhật - 08/09/2019 10:23
Hướng dẫn soạn Văn 11, Tiếng Việt từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân, giải bài tập sách giáo khoa Ngữ Văn 11

Bài tập 1. Trong hai câu thơ sau có từ nào anh (chị) không biết:

Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây ngan ngát ngậm ngùi lòng ta
(Nguyễn Khuyến, Khóc Dương Khuê)

Riêng từ “thôi” in đậm đã được tác giả sử dụng với nghĩa như thế nào?
Là người Việt Nam, sử dụng tiếng Việt để giao tiếp, với hai câu thơ trên, tất cả các từ đều quen thuộc. Nhưng hai câu thơ lại cũng chính là sản phẩm cá nhân, mang đậm dấu ấn phong cách tác giả. Chính vì vậy, từ thôi in đậm đã được dùng với nghĩa: sự mất mát, sự đau đớn. Thôi là hư từ được nhà thơ dùng trong câu thơ nhằm diễn đạt nỗi đau của mình khi nghe tin bạn mất, đồng thời cũng là cách nói giảm để nhẹ đi nỗi mất mát quá lớn không gì bù đắp nổi.

Bài tập 2: Nhận xét về cách sắp đặt từ ngữ trong hai câu thơ sau. Cách sắp như thế tạo được hiệu quả giao tiếp như thế nào?

Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
(Hồ Xuân Hương, Tự tình II)


Hai câu thơ của Hồ Xuân Hương được sắp xếp theo lối đối lập: xiên ngang - đâm toạc; mặt đất - chân mây; rêu từng đám - đá mấy hòn, kết hợp vói hình thức đảo ngữ. Thiên nhiên trong hai câu thơ như cũng mang theo nỗi niềm phẫn uất của con người. Rêu là một sinh vật nhỏ yếu, hèn mọn nhưng cũng không chịu khuất phục, mềm yếu. Nó phải xiên ngang mặt đất. Đá vốn đã rắn chắc nhưng giờ cũng nhọn hoắt hơn để đâm toạc chân mây. Nhà thơ đã sử dụng biện pháp đảo ngữ để làm nổi bật tâm trạng phẫn uất của thiên nhiên mà cũng là sự phẫn uất của tâm trạng. Các động từ mạnh: xiên, đâm kết hợp với các bổ ngữ ngang, toạc thể hiện sự bướng bỉnh, ngang ngạnh của thi sĩ. Chính cách sử dụng lối đối lập, lối đảo ngữ, cách dùng các từ ngữ tạo hình ấy đã tạo nên ấn tượng mạnh mẽ, làm nên cá tính sáng tạo của Hồ Xuân Hương. Đó cũng là cách miêu tả về thiên nhiên trong thơ Hồ Xuân Hương: bao giờ cũng cựa quậy, căng đầy sức sống ngay cả trong những tình huống bi thảm nhất.

Bài tập 3: Tìm những ví dụ thể hiện được quan hệ giữa cái chung và cái riêng như quan hệ giữa ngôn ngữ chung của xã hội và lời nói riêng của cá nhân.
Có thể khẳng định: ngôn ngữ là tài sản chung của xã hội, lời nói là sản phẩm riêng của từng cá nhân. Có thể thấy mối quan hệ này qua bài thơ Cảnh khuya (Hồ Chí Minh):

Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.


+ Sức gợi, sự liên tưởng của từ ngữ đã khẳng định được sức sáng tạo của Bác, đặc biệt là từ lồng. Từ lồng gợi nhớ đến Chinh phụ ngâm: Hoa dãi nguyệt, nguyệt in một tấm/ Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng hông/ Nguyệt hoa, hoa nguyệt trùng trùng/ Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau. Từ lồng cũng gợi nhớ đến Truyện Kiều: “Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân”.
+ Cấu trúc so sánh mới lạ ở hai câu đầu (Theo cấu trúc so sánh thông thường thì câu thơ đầu là Tiếng hát xa trong như tiếng suối).
+ Điệp ngữ cuối câu 3 đầu câu 4 (chưa ngủ) như chờ một kết thúc bất ngờ, độc đáo: vì lo nỗi nước nhà (so sánh: nàng chinh phụ, nàng Kiều trước đêm trăng đẹp, không ngủ vì lo thân phận riêng tư).
Vì vậy, bài thơ là sản phẩm mang đậm dấu ấn phong cách sáng tạo của Bác, thể hiện được vẻ đẹp rất cổ điển nhưng cũng rất hiện đại của một thi sĩ – chiến sĩ.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây