© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Làm sáng tỏ những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua ca dao

Thứ tư - 20/01/2021 09:15
Làm sáng tỏ những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua ca dao
Góp thêm cho trang sử Việt Nam, có những người phụ nữ đã làm nên huyền thoại. Đó là Bà Trưng, Bà Triệu, Hồ Xuân Hương, là “bà má Hậu Giang”, chị Út Tịch... biểu trưng cho người phụ nữ “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm dang” từ xưa đến nay. Ngược dòng thời gian, khi câu ca dao còn ngân nga sau luỹ tre làng, chúng ta bắt gặp không chỉ những con người kiệt xuất ấy mà còn là hình ảnh của những người phụ nữ Việt Nam - hết sức dân dã, đời thường - vẫn sáng lung linh với biết bao phẩm chất cao quý.
Cuộc sông của người nông dân xưa, quanh năm gắn bó với ruộng đồng, với biết bao nhọc nhằn, vất vả - bát cơm được đong bằng mồ hôi. Tưởng như cái nghèo ấy thắt chặt trái tim con người, đẩy họ ra xa niềm hạnh phúc chân chất, giản dị. Thế nhưng, trong khó khăn ấy, trong chật vật ấy, người phụ nữ đã luôn một lòng thuỷ chung, son sắt, trước sau như một. Họ đã kề vai sát cánh bên người đàn ông, thắp sáng tình chồng nghĩa vợ trong “nhem nhuốc” bụi đời:

Rủ nhau lên núi đốt than
Chồng mang đèn gánh, vợ mang quang giành
Củi than nhem nhuốc với tình
Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên. 

Hay:
Núi Ngự Bình trước tròn sau méo
Sông An Cựu nắng đục mưa trong
Kìa ai lắng đục tìm trong
Chứ em đây chung thuỷ như nhất một lòng sơ giao.

Ngụp lặn, cay cực để tìm kế sinh nhai, người phụ nữ luôn san sẻ với chồng cho dẫu cuộc sống có khó khăn, bữa cơm có đạm bạc:

- Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.
- Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu, lạnh lòng thiếp cam.

Và cuối cùng, thật đáng quý thay khi vật chất đã không thắng nổi tấm lòng yêu thương, son sắt.

Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.

Sự đối lập giữa áo rách và áo gấm như thế đã toả sáng bừng lên phẩm chất thủy chung đẹp đẽ.

Không chỉ trọn vẹn trong tình yêu, người phụ nữ Việt Nam còn là tấm gương của sự tảo tần, chịu thương, chịu khó. Họ sẵn sàng hy sinh vì chồng, vì con. Đây là lời nói tâm tình, tha thiết của người vợ, người mẹ:

- Anh đi em ở lại nhà
Hai vai gánh vác mẹ già con thơ
Lầm than bao quản muối dưa
Anh đi anh liệu chen đua với đời.

- Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chày thức đủ vừa năm.

Rồi người chồng đi xa, người vợ lại không quản đường xa nhọc nhằn, với đòn gánh trên vai “lặn lội”, tiếp tục nuôi chồng:

Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.

Rõ ràng, người phụ nữ luôn gánh vác việc gia đình nặng nề. Nào nuôi “mẹ già con thơ”, lại “nuôi chồng”. Cái đòn gánh tre ấy, hình như đã “chín dạn hai vai” người phụ nữ Việt Nam tự bao đời! Thương thay, bờ vai nhỏ bé ấy, cái “thân cò” cũng mong manh như “tấm lụa đào” giữa chợ, nay như đứng giữa gió sương, cho bao nhọc nhằn quăng đi quật lại. Ấy vậy mà họ vẫn “lặn lội”, kiên trì và bền bỉ, để người chồng “chen đua với đời”. Thế mới thấy hết cái hy sinh cao cả của những người phụ nữ. Góp cho đất nước những người lính ra trận, những Hoàng giáp, Trạng nguyên... người phụ nữ đã như một ngọn đèn âm thầm cháy sáng, lặng lẽ đốt cháy mình để nâng bước chồng con:

Quả cau nho nhỏ
Cái vỏ vân vân 
Nay anh học gần
Mai anh học xa
Tiền gạo là của mẹ cha
Cái nghiên cái bút thực là của em.

Và thậm chí, họ còn hy sinh cả hạnh phúc cá nhân của mình:

Ai kêu, ai hú bên sông?
Tôi đang sắm sửa cho chồng xuống ghe
Chồng xuống ghe quạt che tay ngoắt
Cất mái chèo ruột thắt từng cơn.

Để rồi, sau thành công của người chồng, mấy ai biết được:

Vì chàng thiếp phải mò cua
Những như thân thiếp thì mua mấy đồng
Vì chàng thiếp phải long đong
Những như thân thiếp cũng xong một bề.

Không những vậy, đức tính nhẫn nhịn, chịu đựng thật không ai bằng người vợ, người phụ nữ làng quê:

Anh buồn có chốn thở than
Em buồn như ngọn đèn tàn thắp khuya.

Tảo tần - hy sinh - chịu đựng - tất cả đã làm nên tấm lòng vị tha của người phụ nữ - tấm lòng xứng đáng được viết bằng những chữ vàng truyền lại cho muôn đời.

... Kể đến bao nhiêu cho hết những câu ca thôn dã hát về triệu triệu người phụ nữ trên mảnh đất Việt Nam. Nói sao cho hết tấm lòng những người vợ, người mẹ mà ông Tú thành Nam đã đúc kết trong bài thơ Thương vợ nổi tiếng:

Một duyên hai nợ âu đành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công.

Họ - trong vai trò người phụ nữ nông thôn rất giản dị - đời thường đã khâu một sợi chỉ đỏ xuyên suốt hằng bao nhiêu thế kỷ. Chính họ trong mỏi mòn chờ đợi đã góp cho đất nước mình những Hòn Vọng Phu, đã “nâng khăn sửa áo” cho biết bao người chồng - từ anh học trò đến người lính ra trận, nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ mai sau qua những lời ru bền bĩ, ngọt ngào...

Trong ca dao hiện đại, người phụ nữ Việt Nam còn đẹp hơn nữa. Không chỉ trong những lo toan thường nhật, trong cuộc mưu sinh hay để giữ gìn và duy trì cái ấm êm gia đình, mà khi đất nước chuyển mình, người phụ nữ vẫn đi cùng bước đi của đất nước. Trong công cuộc giữ nước, họ đã chứng minh sự thuỷ chung của mình khi vượt qua thử thách gay gắt, tàn bạo của kẻ thù:

Tình thương gươm trường không sợ
Súng lục lên nòng duyên nạ không buông.

Và khái quát hơn là:
Đường dài ngựa chạy biệt tăm
Phải duyên chồng vợ nghìn năm cũng chờ. 

Cứ như thế, lớp lớp người trai ra trận, và người phụ nữ - ngọn đèn khuya leo lét dõi theo từng bước hành quân, đi suốt cuộc kháng chiến trường kỳ. Không những vậy, các cô gái còn góp phần đánh giặc giữ nước:

Chị em du kích Thái Bình
Ca lô đội lệch vừa xinh vừa giòn.
Người ta nhắc chuyện chồng con
Lắc đầu nguây nguẩy em còn đánh Tây.

Rồi khi đất nước hoà bình, họ đã đóng góp trong lao động sản xuất tập thể:
Trên trời mây trắng như bông
Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây
Mấy cô má đỏ hây hây
Đội bông như thể đội mây về làng.

Người phụ nữ ngày nay kế thừa và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ xưa.

... Qua ca dao, hình ảnh người phụ nữ sáng lung linh với đức hy sinh, tảo tần, thuỷ chung, son sắt. Và cho đến khi nào, ca dao còn chảy trong lòng người dân đất Việt, thì khi đó, vẫn thấp thoáng dưới mỗi mảnh đời thường - hình bóng người phụ nữ Việt Nam cao đẹp.
 
Nguyễn Thị Thanh Tâm
Trường THPT Lê Quý Đôn, Sóc Trăng
Bài đạt giải Nhất kì thi Học sinh giỏi cấp Tỉnh năm 2015

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây