© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Làng trong hoài vọng

Thứ ba - 25/10/2016 21:51
Làng trong hoài vọng
Một ngôi làng nhỏ bé, khiêm nhường nép mình bên nhánh sông đào bốn mùa phẳng lặng. Hai cây gạo mở cửa ra thế giới đầu làng, xù xì gốc ba bốn đứa trẻ ôm không xuể, tương truyền do các cụ từ xưa trồng để mơ ước cho làng đủ gạo ngày mấy bữa cơm. Tuổi thơ tôi ở đó - bè bạn cùng giỏ cua, vó, rọ, nơm, chài; đồng hành cùng đường xống trâu, áo tơi, nón lá...
Chẳng biết nguyên cớ gì, khi chợt nghĩ đến làng, lần nào cũng thế - dường như mùi bùn hoai hăng hắc cứ nghẹn dâng đầy ngực. Mỗi lần như thế tôi lại nhớ đến bà. "Suốt đời bà không đi đâu bởi xa làng một ngày là không chịu được". Được nghe bà nói nhiều lần nhưng tôi chẳng hiểu gì. Rồi một ngày bà tôi thăm thẳm theo ông, về cõi. Tôi lẫn vào đám trẻ cùng trang lứa trong làng, còm cọc, rồi cũng lớn lên như cỏ như cây, như khoai như lúa. Nhận giấy báo được vào đại học, tôi bùi ngùi thắp hương vái trước ban thờ: "Cháu xin phép từ mai xa bà, cháu sẽ đến trường chắc toàn người lạ, nhưng cháu lạy bà hãy yên tâm". Và tôi háo hức suốt đêm. Mờ sáng hôm sau, khi ngước nhìn hai cây gạo đầu làng, hít một hơi thở thật sâu, xao xuyến mùi khói sớm thân thuộc tôi mới bàng hoàng nhận thấy một nỗi buồn mơ hồ dồn nghẹt. Rời làng, lần đầu tiên trong đời tôi thấm thía lời bà nội, song không kịp nữa. Tôi lặng nhìn một vài chấm lửa bập bùng trong bếp nhà hàng xóm và nghe rộn rực những âm thanh quen thuộc của một ngày mới bắt đầu. Tôi ngoái nhìn ra nghĩa trang, có cảm giác bà tôi cũng đang mỉm cười nhìn theo cháu nội. 

Có một điều rất lạ: xa làng, cả khi trong mơ tôi cũng thấy làng rất rõ. Ngôi làng cổ như nhiều ngôi làng tôi biết, nhưng tôi cũng biết: chẳng nơi đâu giống được làng mình. Cũng "tiếng làng, tiếng nước" nhưng âm sắc của mỗi ngôi làng chẳng lẫn được đâu. Làng, dường như không chỉ là một đơn vị hành chính, một quần thể tụ họp dân cư mà còn ẩn chứa bao điều thiêng liêng hơn thế. Ngày xưa "phép vua thua lệ làng" - tôi nghe nói thời phong kiến lệ làng ngặt lắm. Người ngoài dẫu muốn, nếu không có mấy trăm viên gạch thất đâu dám rước gái làng tôi? Bởi vì làng giữ "lệ". Lệ xưa không phải là luật nhưng ai dám không theo? Cứ xem con cãi cha, xem người sống "xanh vỏ đỏ lòng" hay gặp khó làm ngơ... lập tức "bia miệng tiếng đời", cả làng tránh mặt! Cái cộng đồng nhỏ bé dẫu chỉ mấy chục mái tranh lẫn ngói quây quần bên nhau ấy tự hình thành chuẩn mực - một thứ chuẩn mực của tình làng nghĩa xóm, tắt lửa tối đèn "không ai nắm tay thâu ngày đến tối", một thứ chuẩn mực lấy thuần hậu bao dung làm gốc. Không lý luận cao siêu mà vững như đá tảng, như heo may đầu mùa thấu tận tâm can.

Thời gian trôi đi lặng lẽ, đem theo cả tiếng thở dài của nỗi người những khi giáp hạt, làng khi ấy là "một miếng khi đói bằng một gói khi no". Chuyện hay, gương tốt được làng truyền tụng, có khi theo suốt đời người. Nét đẹp tự nó có một giá trị vững bền. Điều chướng tai gai mắt không qua được dân làng. Thì đấy, cả làng cùng ăn nước trong một giếng, thức cùng một nỗi âu lo. Cái giếng đầu làng xây tự đời nảo đời nào, quanh năm trong mát, ai ở xa về vục lên nón nước, khoả mặt vào đấy sẽ thấy như được trút hết bụi trần, như lại bắt đầu một bầu trong khiết. Người làng tôi có giọng riêng sền sệt, như tín hiệu để nhận nhau ở mọi phương trời. Lũ trẻ con chúng tôi lớn lên từ sau luỹ tre làng, từ thế giới của rất nhiều chuyện kể mà sau này con cháu muốn nghe chắc không thể tìm trong thư viện. Nhưng đừng lo, bao giờ làng cũng có người cao tuổi - đó là thư viện của muôn đời. Bươn bả kiếm sống, có người mải mê, mụ mẫm quên lối về làng hoặc vì một lý do gì không thể trở về, nhưng làng vẫn đấy, tự nguyện một biểu tượng thuỷ chung chẳng khác một bến đò.

Hôm nay tôi về làng, kịp ăn rằm tháng bảy. Đứng dưới gốc cây gạo, tôi bồi hồi nghĩ đến những người đã qua đây. Niềm mơ ước ấm no của làng bây giờ vẫn sum suê toả bóng, mặc dù làng đã hết nỗi lo ăn. Rằm tháng bảy - ngày "xoá tội vong nhân", nhà ai cũng nhộn nhịp khác thường. Mâm cỗ dù to dù nhỏ, mua sắm dù ít dù nhiều, sang hèn bất luận nhưng nhà ai cũng nấu một nồi cháo hoa, múc bày la liệt để cúng những hương hồn lang thang vô chủ. "Trần sao âm vậy", tục làng truyền lại như một lời nhắn nhủ hãy biết động lòng trắc ẩn. Đêm, nằm trong ngôi nhà ăm ắp tuổi thơ, tôi không sao chợp mắt. Biết làm sao, khi đang ở giữa làng mình mà nhớ làng da diết. Cuộc sống nơi phố thị dẫu vật chất và tinh thần không quá thiếu, nhưng dường như nỗi nhớ làng là không gì bù đắp. Có phải vì mình là người nhà quê, cái "tiếng làng, tiếng nước" đã ăn vào máu thịt nên đã nghĩ quá đi chăng?

Nghe những đợt gió khe khẽ thổi từ khu vườn luồn qua song cửa, không nhìn ra tôi cũng có thể hình dung vườn trăng đang quạnh quẽ. Nhập nhoà bao gương mặt, nhập nhoà những tháng ngày thơ ấu thấm đẫm bần hàn và ngợp tràn hạnh phúc bên những người thân. Tiếng gà gáy sang canh rộn rã. Theo quy luật, từng thời khắc lại lặng lẽ trôi đi, nhưng nỗi đau đáu hoài vọng về làng thì nguyện đừng phai nhạt...

Nguyễn Trọng Hoàn

© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây