© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Lí thuyết và bài tập Ngữ Văn 12, bài 10. Ai đã đặt tên cho dòng sông (Hoàng Phủ Ngọc Tường)

Thứ bảy - 11/04/2020 12:06
Câu 1. Phân tích hình tượng dòng sông Hương.
Câu 2: Phân tích những đặc sắc nghệ thuật của Ai đã đặt tên cho dòng sông.
Câu 3: So sánh hình tượng con sông Đà của Nguyễn Tuân với hình tượng dòng sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường để thấy được nét tương đồng và nét đặc sắc riêng của cây bút tài hoa, uyên bác.
1. Nội dung
Tình yêu, niềm tự hào tha thiết, sâu lắng của tác giả dành cho dòng sông quê hương, cho xứ Huế thân yêu và cũng là cho đất nước.
- Sông Hương được nhìn tự cội nguồn hùng tráng, dữ dội, mãnh liệt và hoang dại, đầy cá tính.
- Sông Hương trong mối quan “hệ với kinh thành Huế là người tình dịu dàng, thuỷ chung với vẻ đẹp sâu lắng, trữ tình.
- Sông Hương trong mối quan hệ với lịch sử dân tộc, Sông Hương là một bản anh hùng ca ghi dấu những thế kỉ vinh quang và còn là nhân chứng cho những thăng trầm của cuộc đời.

2. Nghệ thuật
Ai đã đặt tên cho dòng sống là một bút kí giàu trí tuệ tổng hợp của một cây bút uyên bác, mê đắm và tài hoa.
Huy động vốn kiến thức sâu rộng về văn hoá, lịch sử, địa lí.
- Văn phong tao nhã, hướng nội tinh tế, tài hoa.
- Kết hợp nhuần nhuyễn kể, tả với cái nhìn nhân hoá.

3. Bài tập
Câu 1. Phân tích hình tượng dòng sông Hương.
* Hướng dẫn lập ý:
- Nhận định khái quát về hình tượng nghệ thuật dòng sông Hương.
- Liệt kê đặc điểm thuộc hình tượng sông Hương.
+ Sông Hương hùng tráng, dữ dội, mãnh liệt và hoang dại, đầy cá tính.
+ Sông Hương dịu dàng, thuỷ chung với vẻ đẹp sâu lắng, trữ tình.
+ Sông Hương là một bản anh hùng ca ghi dấu những thế kỉ vinh quang.
+ Sông Hương là nhân chứng cho những thăng trầm của cuộc đời.
- Tổng hợp, phân chia các đặc điểm trên 3 hoặc 4 ý hợp lí để triển khai thành các đoạn văn tương ứng.
* Lập ý:
Từ tình yêu, niềm tự hào tha thiết, sâu lắng của tác giả dành cho dòng sông quê hương, cho xứ Huế thân yêu và cũng là cho đất nước, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tạc vào lòng người đọc một hình tượng nghệ thuật đặc sắc: dòng sông Hương.
(1). Sông Hương được nhìn từ cội nguồn hùng tráng, dữ dội, mãnh liệt và hoang dại đầy cá tính.
Đó là vẻ đẹp trong sâu thẳm tâm hồn của dòng sông mà chính nó không muốn bộc lộ và nếu chỉ mải miết ngắm nhìn dòng sông nơi kinh thành ta không bao giờ phát hiện được điều này.
- Vẻ đẹp cá tính của sông Hương không chỉ thể hiện ở nét hùng tráng dữ dội, mà còn ở cái vẻ dịu dàng lắng đọng ẩn hiện trong chính sự mãnh liệt và hoang dại. Ấy là lúc nó “dịu dàng và say đắm ... giữa chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên”, lúc sông Hương là “cô gái đẹp ngủ mơ màng” giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại.
- Trong mối quan hệ sâu sắc với cội nguồn - dãy Trường Sơn, sông Hương “là một bản trường ca của rừng già”, lúc lại vô cùng hùng tráng và dữ dội bởi khi “rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn”, lúc lại “cuộn xoáy như cơn lốc vào những đầy vực bí ẩn”.
- Đến với Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường, ta mới được biết một sông Hương của xứ Huế nơi khúc thượng nguồn tựa “cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại” với một “bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng”.
(2). Sông Hương trong mối quan hệ với kinh thành Huế, trong cái nhìn tinh tế và lãng mạn của tác giả:
Sông Hương là người tình dịu dàng, thuỷ chung với vẻ đẹp sâu lắng, trữ tình.
- Trong sự chuyển dòng liên tục và những khúc quanh của sông Hương, tác giả đã thấy bừng lên sức trẻ và nỗi khao khát của tuổi thanh xuân. Sông Hương vừa “chuyển dòng” lại “vòng giữa khúc quanh đột ngột”, lại vẽ, lại ôm, vượt qua rồi mới “đi giữa âm vang”.
- Chỉ trong những khúc quanh của dòng sông quê hương mà Hoàng Phủ Ngọc Tường đã phát hiện ra bao nhiêu điều kì diệu. Trong dáng mềm mại như tấm lụa có tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu, có cả những khoảng khắc tâm trạng chợt xuất hiện của người đang yêu còn “những điều chưa kịp nói”, còn “nỗi vương vấn”. “một chút lắng lơ kín đáo của tình yêu”.
- Sông Hương đã được cảm nhận ở nhiều góc độ, nhiều lĩnh vực nghệ thuật nên nó quyến rũ vô ngần “đẹp như một điệu slow”, là người tình dịu dàng và thuỷ chung.
(3). Sông Hương trong mối quan hệ với lịch sử dân tộc:
Sông Hương là một bản anh hùng ca ghi dấu những thế kỉ vinh quang và còn là nhân chứng cho những thăng trầm của cuộc đời.
- Sông Hương mang vẻ đẹp của một bản anh hùng ca ghi dấu những thế kỉ vinh quang từ thuở các vua Hùng đến cuộc chiến tranh Vệ quốc sau này.
- Nó biết cách tự hiến đời mình làm một chiên cồng, để rồi nó trở về với cuộc sống bình thường, làm một người con gái dịu dàng của đất nước.

Câu 2: Phân tích những đặc sắc nghệ thuật của Ai đã đặt tên cho dòng sông.
* Hướng dẫn lập ý:
- Nhận định khái quát về nghệ thuật của tác phẩm.
- Liệt kê những nét nghệ thuật đặc sắc và lựa chọn dẫn chứng tiêu biểu cho chúng.
+ Huy dộng vốn kiến thức sâu rộng về văn hoá, lịch sử, địa lí.
+ Văn phong tao nhã, hướng nội, tinh tế, tài hoa.
+ Kết hợp nhuần nhuyển kể, tả với cái nhìn nhân hoá.
+ Quan sát, cảm nhận đối tượng ở nhiều góc độ nghệ thuật.
* Lập ý:
Ai đã đặt tên cho dòng sông là một bút kí giàu trí tuệ tổng hợp của một cây bút uyên bác, mê đắm và tài hoa - Hoàng Phủ Ngọc Tường.
(1). Huy động vốn kiến thức sâu rộng về văn hoá, lịch sử, địa lí để khám phá, cảm nhận vẻ đẹp của dòng sông quê hương.
- Kiến thức về văn hoá: góc nhìn âm nhạc, góc nhìn hội hoạ.
- Kiến thức địa lí: phát hiện vẻ đẹp đa dạng của sông Hương khi chảy trên từng địa hình khi qua: thượng nguồn, qua rừng, vào thành phố và các chi lưu của sông.
- Kiến thức vể lịch sử: dòng sông Hương là nhân chứng, là thành viên tham gia các cuộc kháng chiến.
(2). Văn phong tao nhã, hướng nội tinh tế, tài hoa
- Từ ngữ chọn lọc, gợi cảm tạo nên những trang viết làm mê đắm lòng người đọc.
- Những đoạn văn hướng nội tịnh tế tài hoa tạo nên những trang viết giàu chất thơ phát hiện được vẻ đẹp đặc trưng có chiều sâu của sông Hương.
(3). Kết hợp nhuần nhuyễn kể, tả, với cái nhìn nhân hoá
- Bút pháp kể, tả kết hợp nhuần nhuyễn ở phần 2 làm nổi bật một sông Hương đẹp bởi sự phối cảnh kì thú giữa nó với nhiên nhiên xứ Huế phong phú mà hài hoà.
- Cái nhìn nhân hoá đã khiến sông Hương không còn là một sự vật trong thiên nhiên mà là một sinh thể có linh hồn gắn bó tha thiết với con người nơi đây.

Câu 3: So sánh hình tượng con sông Đà của Nguyễn Tuân với hình tượng dòng sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường để thấy được nét tương đồng và nét đặc sắc riêng của cây bút tài hoa, uyên bác.
* Hướng dẫn lập ý:
- Xác định đặc điểm của 2 hình tượng nghệ thuật.
- Phát hiện nét tương đồng, khác biệt ở 2 hình tượng và các thủ pháp nghệ thuật, từ ngữ mà 2 tác giả đã sử dụng trong tác phẩm.
* Lập ý:
- Liệt kê đặc điểm của 2 hình tượng nghệ thuật:
+ Hình tượng sông Đà
• Sông Đà hùng vĩ, hung bạo
• Sông Đà thơ mộng trữ tình
+ Hình tượng sông Hương
• Sông Hương hùng tráng, dữ dội, mãnh liệt và hoang dại, đầy cá tính.
• Sông Hương dịu dàng, thuỷ chung với vẻ đẹp sâu lắng, trữ tình.
• Sông Hương trong mối quan hệ với lịch sử và thi ca.
- So sánh để thấy nét tương đồng và khác biệt trong việc sử dụng các thủ pháp nghệ thuật để xây dựng hình tượng văn học của 2 cây bút.
+ Tương đồng
• Hai nhà văn đều chọn thể loại tuỳ bút để thể hiện cảm xúc về dòng sông.
• Huy động kiến thức nhiều lĩnh vực để xây dựng hình tượng văn học.
• Sử dụng thành công nghệ thuật nhân hoá, so sánh.
- Khác biệt:
• Nguyễn Tuân khám phá hai nét tính cách của con sông Đà và chú ý những đặc điểm đập mạnh vào giác quan người nghệ sĩ gây cảm giác mãnh liệt (thác, ghềnh, xoáy nước, đá ngầm...); vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của sông Đà thể hiện qua điểm nhìn từ trên cao; từ ngữ của Nguyễn Tuân rất ấn tượng giàu sức tạo hình.
• Hoàng Phủ Ngọc Tường đặc biệt chú ý phát hiện vẻ đẹp của sông Hương ở nét đặc biệt được tạo nên bởi những khúc quanh, những chi lưu; Hoàng Phủ Ngọc Tường với từ ngữ, hình ảnh gợi cảm, hướng nội mê đắm, phát hiện vẻ đẹp chiều sâu của dòng sông Hương.
• Mỗi dòng sông đều được gắn với một vùng đất cụ thể mang nét đặc trưng của vùng đất ấy (Sông Đà dữ dội; sông Hương dịu dàng).

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây