© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Lí thuyết và bài tập Ngữ Văn 12, bài 9 Người lái đò Sông Đà

Thứ hai - 06/04/2020 11:46
Lí thuyết và bài tập Ngữ Văn 12, bài 9 Người lái đò Sông Đà
Câu 1: Phân tích hình tượng con sông Đà qua cảm nhận của ngòi bút tài hoa, uyên bác Nguyễn Tuân.
Câu 2: Phân tích hình tượng người lái đò sông Đà
1. Nội dung
Người lái đò Sông Đà thể hiện rõ lòng yêu quý vẻ đẹp thiên nhiên đất nước và con người lao động Việt Nam của Nguyễn Tuân.
Tác giả tập trung khắc hoạ hai hình tượng nghệ thuật chính:
- Hình tượng con Sông Đà với hai nét tính cách trái ngược: hùng vĩ, hung bạo và thơ mộng trữ tình.
- Hình tượng người lái đò Sông Đà ngoan cường, tài trí - người nghệ sĩ trong nghệ thuật vượt thác được thể hiện qua ba cuộc thuỷ chiến với thác dữ trên Sông Đà.

2. Nghệ thuật
- Khám phá con người và thiên nhiên ở phương diện thẫm mỹ, chú ý những hiện tượng gây cảm giác mãnh liệt.
- Sáng tạo: ngôn từ, các biện pháp tu từ độc đáo.
- Huy động kiến thức nhiều lĩnh vực để xây dựng hình tượng văn học.

3. Bài tập
Câu 1: Phân tích hình tượng con sông Đà qua cảm nhận của ngòi bút tài hoa, uyên bác Nguyễn Tuân.
* Hướng dẫn lập ý:
- Xác định những đặc điểm nổi bật của hình tượng Sông Đà: Sông Đà là một hình tượng nghệ thuật đặc sắc mang những nét tính cách trái ngược nhau đã thể hiện vẻ đẹp chất “vàng mười” của thiên nhiên Tây Bắc.
- Tổng hợp, phân chia thành những ý hợp lí.
+ Sông Đà dữ dội, hung bạo.
+ Sông Đà thơ mộng, trữ tình.
+ Nghệ thuât đặc sắc xây dựng hình tượng.
- Sông Đà dữ dội, hung hạo: đầy đá nổi, đá chìm và thác dữ là biểu tượng cho sức mạnh dữ dội và vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên đất nước.
+ Sông Đà với vẻ đẹp độc đáo, phóng túng, cá tính ngang tàng, bứt phá, không chịu khuôn mình theo quy luật chung đã cuốn hút Nguyễn Tuân (Chúng thuỷ giai đông tẩu, Đà giang độc bắc lưu).
+ Sông Đà luôn bứt phá đổi thay, dậy đá, dậy sóng làm nổi bật vẻ đẹp dữ dội của riêng mình: nhiều quãng hiểm trở, lòng sông sâu và hẹp “con nai, con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia”.
+ Sông Đà có những quãng ghềnh dài hàng cây số “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió....gùn ghè suốt năm như lúc nào cùng đòi nợ xuýt”.
+ Ấn tượng nhất là những hút nước, xoáy nước trên sông Đà “nước ằc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”.
+ Tiếng thác nước trên dòng sông mới ghê sợ làm sao! Âm thanh của chúng đã được ngòi bút tài hoa ghi lại “nghe như là oán trách gì, rồi lại nhự là van xin.. như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo...nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vẩu rừng tre nứa nổ lửa”.
+ Đá ở lòng sông Đà cũng thật đáng sợ, chúng là “những thạch trận đầy nguy hiểm...mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược” như những sinh thể có hành vi, có tâm địa đang bộc lộ mọi uy lực để đe doạ con người.
- Sông Đà thơ mộng, trữ tình.
Sau những bút phá phóng túng, sông Đà trở nên dịu dàng, thơ mộng khi chảy vào thung lũng.
+ Sông Đà gắn bó thân thiết và đầy tình cảm với Nguyễn Tuân “con sông Đà gợi cảm... đằm đằm, âm ấm như gặp lại cố nhân”.
+ Nguyễn Tuân đã từng “say sưa làn mây mùa xuân bay trên sông Đà” và phát hiện ra sự thay đổi diệu kì màu nước trên dòng sông ấy “mùa xuân dòng xanh màu ngọc bích...mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ”.
+ Nguyễn Tuân quan sát từ tầm cao đã phát hiện vẻ đẹp kiều diễm của sông Đà “con sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo”.
+ Cảnh sắc đôi bờ cũng ánh lên ...màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu” đầy chất thơ gợi nhớ những câu thơ Đường cổ kính. Có khi lại “hoang dại như một bờ tiền sử... hồn nhiên như mỗi niềm cổ tích ngày xưa, bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình”. Sông Đà của Tây Bắc không chỉ thơ mộng mà còn gắn bó với con người, còn ẩn chứa bao nhiêu điều mà con người chưa khám phá hết được.
+ Từ ngữ đặc sắc giàu giá trị tạo hình, nghệ thuật nhân hoá, so sánh bất ngờ.
+ Huy động kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực như hội hoạ, điện ảnh, lịch sử, địa lí, thể thao chiến trận để xây dựng hình tượng con sông Đà.

Câu 2: Phân tích hình tượng người lái đò sông Đà
- Xác định những đặc điểm nổi bật của hình tượng người lái đò sông Đà – nghệ sĩ trong nghệ thuật vượt thác, một tay lái ra hoa - vẻ đẹp chất “vàng mười” của Tây Bắc.
- Tổng hợp, phân chia thành những ý hợp lí.
+ Người lái đò với ngoại hình của con người sống trên sông nước.
+ Người lái đò tài hoa đầy trí dũng.
+ Nghệ thuật đặc sắc xây dựng hình tượng.

* Lập ý:
- Người lái đò trên sông Đà của Tây Bắc được Nguyễn Tuân giới thiệu với những nét ngoại hình in đậm dấu ấn nghề nghiệp.
+ Con người khoẻ khoắn, dẻo dai và vô cùng vững chắc: gần 70 tuổi, quắc thước, thân hình cao to, đặc quánh chất sừng, chất mun.
+ Một thân hình in đậm dấu ấn của nghề sông nước: tay dài lêu nghêu, hai chân khuỳnh khuỳnh như kẹp cuống lái.
+ Ông lái đò sống gắn bó với sông Đà hiểu biết tường tận về nó: sông Đà như một trường thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả những dấu chấm than, chấm câu và những đoạn xuống dòng.
- Người lái đò – nghệ sĩ trong nghệ thuật vượt thác đầy tài trí được thể hiện qua ba cuộc thuỷ chiến trên sông Đà.
+ Cuộc vượt thác lần thứ nhất:
Con sông Đà bày thạch trận rồi đánh úp quật vu hồi, nước hò reo làm thanh viện cho đá nhưng ống lái vẫn giữ chặt lấy cuống lái, tiếng chỉ huy ngắn gọn tỉnh táo. Người lái đò đầy bản lĩnh, những uy lực mà con sông Đà bày ra không làm con người nao núng.
+ Cuộc vượt thác lần thứ hai:
Sông Đà dữ dội hơn “cửa sinh bố trí lệch”, dòng thác hùm beo hồng hộc nhưng ông lái đã đổi chiến thuật bởi ông hiểu đối phương và nắm chắc binh pháp. Có lúc ông lái như một kỵ binh điêu luyện đang điều khiển một chiến mã.
+ Lần vượt thác thứ ba:
Người lái đò phải đối mặt với sự nguy hiểm vô cùng, sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc: “bên phải, bên trái đều là luồng chết, luồng sống ở ngay giữa bọn đá hâu vệ” mà con thuyền vẫn “phóng vun vút, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được, lượn được”. Những hành dộng tài hoa, chính xác đã chứng minh tài trí của con người trước thiên nhiên dữ dội, hùng vì.
- Nghệ thuật đặc sắc
+ Ba cuộc vượt thác đựơc miêu tả biến hoá không lặp lại, đầy kịch tính làm nổi bât hình tượng người lái đò - người lao động bình dị như một vị tướng, một nghệ sĩ tài  hoa trên sông nước.
+ Phát hiện vẻ đẹp của con người lao động ở phương diện tài hoa nghệ sĩ.
+ Thể hiện quan niệm tiến bộ của Nguyễn Tuân về người nghệ sĩ: làm bất cứ công việc gì, nghề nghiệp gì nhưng khi đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật của nghề đó, con người trở thành nghệ sĩ.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây