© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Lí thuyết và bài tập Ngữ Văn 12, Bài 11. Vợ Nhặt - Kim Lân

Chủ nhật - 12/04/2020 10:53
Câu 1: Ý nghĩa của nhan đề, tình huống truyện của tác phẩm Vợ nhặt
Câu 2: Phân tích hình tượng nhân vật bà cụ Tứ để thấy được trái tim nhân đạo của nhà văn Kim Lân.
Câu 3: Phân tích nhân vật Tràng để thấy được vẻ đẹp của con người lao động.
Câu 4: Phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ nhặt.
Câu 5: Phân tích nhân vật vợ nhặt
I. Nội dung
- Phản ánh tình trạng thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 do thực dân Pháp và phát xít Nhật gây ra.
- Cận kế bên cái chết nhưng người nông dân vẫn khao khát sống hạnh phúc.
- Đối mặt với tình cảnh khốn cùng, người nông dân vẫn có niềm tin mãnh liệt, bất diệt vào cuộc sống, vẫn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

II. Nghệ thuật
- Sáng tạo tình huống truyện độc đáo.
- Miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật hết sức tinh tế.
- Ngôn ngữ đối thoại góp phần thể hiện tính cách, tâm lí nhân vật.

II. Bài tập
Câu 1: Ý nghĩa của nhan đề, tình huống truyện của tác phẩm Vợ nhặt
* Ý nghĩa nhan đề Vợ nhặt.
“Vợ nhặt” là một nhan đề giản dị mà giàu ý nghĩa gợi nhiều suy nghĩ đối với người đọc.
- Người ta có thể nhặt được đồ vật gì đó, hoặc tiền nhưng nhặt được vợ thì chưa thấy. Nhan đề này đã gợi tình huống truyện đặc biệt.
- Người đọc sẽ tự hỏi: lấy vợ là sự kiện lớn lao của đời người, thường được tiến hành một cách thận trọng, tại sao lại có người nhặt được vợ như nhặt được một vật bé nhỏ, như một sự ngẫu nhiên vậy?
- Nhan đề này đã gợi lên số phận bi thảm của nhân vật - người vợ nhặt và cũng khiến người đọc phải chăm chú dõi theo số phận của nhân vật. Vợ nhặt là một nhan đề hay phù hợp với nội dung của tác phẩm và cuốn hút người đọc.
• Ý nghĩa của tình huống truyện Vợ nhặt
- Vai trò của tình huống đối với truyện ngắn: Xây dựng được một tình huống độc đáo có ý nghĩa quan trọng đối với một tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn. Tình
huống sẽ làm nổi bật từ không khí truyện, đến số phận, tâm lí nhân vật, chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
- Vậy tình huống là gì? Tình huống chính là hoàn cảnh các nhân vật gặp gỡ, từ hoàn cảnh đặc biệt là tình huống ấy các nhân vật sẽ bộc lộ tính cách, và cũng từ đó chủ đề tư tưởng của tác phẩm được toát lên.
Sức hấp dẫn của Vợ nhặt chính là từ tình huống truyện độc đáo, tình huống đã được gợi lên từ nhan đề.
- Tình huống: Giữa lúc đói khát thê thảm, bao nhiêu người chết vì đói mà anh Tràng ở xóm ngụ cư - một gã trai nghèo khổ, thô kệch vốn đang ế vợ lại bỗng dưng nhặt được vợ nhờ 4 bát bánh đúc như người ta nhặt được một vật nhỏ mọn tầm thường nào đó. Cô dâu quần áo tả tơi, mặt mày hốc hác theo Tràng về làm vợ một người đàn ông xa lạ để tránh chết đói.
- Đó là một tình huống éo le, bi thảm mà thấm đẫm tình người, một tình huống vui buồn, âu lo lẫn lộn.
+ Giữa lúc đói quay, đói quắt, hai con người khốn khổ đã gặp nhau.
+ Con người quá tồi tàn, rẻ rúng, lấy chồng để tránh chết đói. Vì đói mới lấy được vợ, thật thê thảm!
+ Những con người khốn khổ sẽ nương tựa vào nhau, cưu mang nhau, họ sẽ làm gì để không chết đói? Thật là một tình huống oái ăm, éo le không biết nên mừng hay nên lo, đáng cười, hay đáng khóc?

Câu 2: Phân tích hình tượng nhân vật bà cụ Tứ để thấy được trái tim nhân đạo của nhà văn Kim Lân.
* Hướng dẫn lập ý
- Xác định những đặc điểm nổi bật của hình tượng nhân vật bà cụ Tứ, nhân vật thể hiện chiều sâu giá trị nhân bản của tác phẩm.
+ Người mẹ già nua, nghèo khổ.
+ Người mẹ nhân hậu thương con.
+ Người mẹ giàu niềm tin.
- Tổng hợp, phân chia thành những ý hợp lí để triển khai thành những đoạn văn tương ứng.
* Lập ý:
(1). Người mẹ già nua, nghèo khổ
+ Xuất hiện trong bóng chiều chạng vạng bên rặng tre, trước ngôi nhà rúm ró mọc đầy cỏ hoang.
+ Bà mẹ già nua khốn khổ “lọng khọng đi vào, vừa đi, vừa lẩm bẩm” với đôi mắt “hấp háy, ướt nhoẻn”.
(2) . Người mẹ nghèo khổ nhưng vô cùng nhân hậu và thương con:
Thể hiện qua diễn biến tâm trạng khi bà biết con trai nhặt được vợ.
+ Việc Tràng có vợ làm cho bà cụ Tứ vô cùng ngạc nhiên: Ai thế nhỉ?
+ Khi hiểu ra bà cụ Tứ vừa mừng vừa tủi, vừa thương cảm lo âu: người ta có đến nước này, con mình mới có vợ. Bà xót thương cho những con người đói khổ “chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá”, bà là chỗ dựa để nâng đỡ, an ủi vợ chồng Tràng. Bà là người duy nhất khi biết Tràng nhặt được vợ lại không coi người đàn bà đó là một miệng ăn...
(3). Người mẹ giàu niềm tin và hi vọng.
Khi cần kề bên cái chết đói mà tâm hồn bà cụ Tứ vẫn bừng sáng ngọn lửa lạc quan + Bà vui với triết lí lạc quan của dân gian “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”.
+ Trong bữa cơm thảm hại ngày đói nhưng bà nói toàn chuyện vui, chuyện sau này: chuyện con cái chúng mày về sau; chuyện đan phên ngăn nhà, chuyện nuôi gà..

Câu 3: Phân tích nhân vật Tràng để thấy được vẻ đẹp của con người lao động.
* Hướng dẫn lập ý:
- Xác định những đặc điểm nổi bật của hình tượng nhân vật Tràng - nhân vật thể hiện khát vọng hạnh phúc.
+ Tràng, con người nghèo khó, thô kệch của xóm ngụ cư.
+ Tràng, con người nghèo khổ nhưng nhân hậu, trọng nghĩa tình.
+ Tràng, con người khát khao hạnh phúc.
- Tổng hợp, phân chia thành những ý hợp lí để triển khai thành những đoạn văn tương ứng.
* Lập ý:
(1). Tràng, con người nghèo khó, thô kệch của xóm ngụ cư.
+ Ngoại hình xấu xí, thô kệch “lưng to bè như lưng gấu”, lại có tật vừa đi vừa lẩm bẩm.
+ Là dân ngụ cư, sống bằng nghề kéo xe bò thuê để nuôi mẹ già.
+ Tràng nghèo và xấu nên đang ế vợ.
(2). Tràng, con người nghèo khổ nhưng nhân hậu và trọng nghĩa tình.
Tình huống Tràng nhặt được vợ thật chua xót, nhưng chính trong hoàn cành đó người nông dân đã thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của mình.
+ Chỉ vì câu hò cho vui trong lúc một mà Tràng gặp một người đàn bà rách rưới, đói khát.
+ Người đàn bà đói gợi ý được ăn, Tràng không từ chối, sẵn sàng cho ăn mà còn vỗ túi nói “rích bố cu”
+ Thấy người đàn bà nghèo khó hơn mình quyết theo mình, Tràng không từ chối dù trong lòng rất lo “đến cái thân mình nuôi không nổi lại còn đèo bòng”.
+ Khi đi bên người đàn bà nghèo đói ấy, Tràng “bổng quên hết đói khát ê chề”, trong hắn chỉ còn “tình nghĩa giữa hắn với người đàn bà đi bên”.
(3). Tràng con người khát khao hạnh phúc
+ Sáng hôm sau thức dậy, Tràng thấy “trong người êm ái, lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”.
+ Tràng nhận ra xung quanh “có cái gì vừa thay đổi... thu dọn sạch sẽ gọn gàng”.
+ Tràng đã tìm thấy hạnh phúc của mình. Hạnh phúc dâng lên trong lòng Tràng. Từ khi có vợ, Tràng thấy gắn bó với ngôi nhà của mình bởi “hắn đã có một gia đình, hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy”.
+ Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bám riết lấy tâm trí Tràng đã thể hiện sự nhận thức của người nông dân về Đảng, về con đường đổi đời của mình.

Câu 4: Phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ nhặt.
* Hướng dẫn lập ý
- Xác định những nội dung cơ bản thuộc giá trị nhân đạo được nhà văn Kim Lân thể hiện trong tác phẩm Vợ nhặt.
+ Cảm thông sâu sắc với cuộc sống khốn khổ của người nông dân trong nạn đói.
+ Miêu tả đầy xót thương số phận bi thảm của người người dân nghèo trước nạn đói
+ Gián tiếp tố cáo tội ác của bọn xâm lược.
+ Phát hiện những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân trong cảnh khốn cùng.
+ Đặt niềm tin vào khát vọng sống mãnh liệt không gì dập tắt nổi của họ.
- Tổng hợp, phân chia thành 3 ý hợp lí để triển khai thành những đoạn văn tương ứng nhằm làm nổi bật giá trị nhân đạo của tác phẩm.
* Lập ý:
Giá trị nhân đạo của Vợ nhặt được tập trung thể hiện trong 3 ý chính sau đây:
(1). Cảm thông sâu sắc với nỗi khổ của người nông dân trước nạn đói khủng khiếp đồng thời gián tiếp tố cáo tội ác tày trời của bọn phát xít.
- Khung cảnh xóm Ngụ cư trong ngày đói thật ảm đạm: không khí gây mùi xác chết, người chết đầy đường, người sống xanh xám như những bóng ma.
- Bóng đen của sự chết chóc bao trùm khắp nơi, đến trẻ con cũng không buồn nhúc nhích.
- Nỗi thương cảm sâu sắc của nhà văn được thể hiện qua việc miêu tả đầy ám ảnh tình huống nhặt được vợ, bữa cơm đón cô dâu mới trong gia đình bà cụ Tứ.
+ Anh cu Tràng nghèo khổ, thô kệch ế vợ bỗng nhiên nhặt được vợ ngoài chợ mà không cần cưới hỏi. Người đàn bà không cần biết gia cảnh nhà Tràng đã vội bám theo làm vợ để tránh cái chết đói đang đến gần từng ngày.
+ Cô dâu rách rưới tả tơi, mặt mày hốc hác vì đói về nhà chồng trong bóng chiều chạng vạng, trong ánh sáng của hai hào dầu, trong mùi đống rấm của nhà có người chết và tiếng khóc tỉ tê, với bữa cơm chỉ có cháo loãng ăn với muối và rau chuối thái rối cùng nồi cháo cám...
+ Mạng người thật rẻ rúng, thảm hại. Những con người đói khổ nương tựa vào nhau trong ngôi nhà rúm ró liệu có qua khỏi nạn đói?
(2). Yêu thương những kiếp người khốn khổ, trái tim nhân đạo của Kim Lân đã phát hiện ra những phẩm chất tốt đẹp ở họ trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất.
- Tràng, con người nghèo khó, thô kệch nhưng nhân hậu, trọng nghĩa tình.
- Thị - người vợ nhặt, thân phận bị cái đói đẩy trôi dạt tứ phương vẫn là người vợ hiền thảo nết na, hết lòng chăm chút cho hạnh phúc của mình.
- Người mẹ già nua, nghèo khổ nhưng vô cùng nhân hậu và thương con đã được nhà văn tập trung thể hiện qua diễn biến tâm trạng khi bà biết con trai nhặt được vợ.
+ Việc Tràng có vợ làm cho bà cụ Tứ vô cùng ngạc nhiên: ai thế nhỉ?
+ Khi hiểu ra bà cụ Tứ vừa mừng vừa tủi, vừa thương cảm lo âu: người ta có đến nước này, con mình mới có vợ. Bà xót thương cho những con người đói khổ “chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá”; bà là chỗ dựa để nâng đỡ, an ủi vợ chồng Tràng. Bà là người duy nhất khi biết Tràng nhặt được vợ lại không coi người đàn bà đó là một miệng ăn...
(3). Kim Lân đặt niềm tin mãnh liệt vào những con người nghèo khổ. Dù cái đói, cái chết đang rình rập từng ngày nhưng không gì dập tắt được khát vọng hạnh phúc, khát vọng sống, khát vọng đổi đời ở họ.
- Khát vọng hạnh phúc được thể hiên đậm nét ở nhân vật Tràng, ở diễn biến tâm trạng của anh ta khi đi bên người vợ nhặt, trong buổi sáng đầu tiên làm chồng, đắm mình trong hạnh phúc ngọt ngào của con người.
- Khát vọng sống, niềm tin mãnh liệt vào tương lai, luôn hướng tới tương lai được thể hiện qua nhân vật bà cụ Tứ. Người mẹ giàu niềm tin và hi vọng. Khi cận kề bên cái chết đói mà tâm hồn bà cụ Tứ vẫn bừng sáng ngọn lửa lạc quan. Bà vui với triết lí lạc quan của dân gian “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Trong bữa cơm thảm hại ngày đói nhưng bà nói toàn chuyện vui, chuyện sau này.

Câu 5: Phân tích nhân vật vợ nhặt
* Hướng dẫn lập ý:
- Như đã hướng dẫn ở các đề trên: từ nhận xét khái quát về nhân vật, xác định đặc điểm của nhân vật.
+ Con người khốn khổ, đói khát, trôi dạt tứ phương.
+ Con người chao chát, chỏng lỏn, chỉ gợi ý được ăn.
+ Ý thức bám riết lấy sự sống
+ Người phụ nữ hiền thục chăm lo cho hạnh phúc gia đình.
- Chia các đặc điểm thuộc nhân vật thành 3 ý lớn để triển khai thành những đoạn văn tương ứng.
* Lập ý:
(1). Con người khốn khổ, đói khát, trôi dạt tứ phương gợi lên bao kiếp sống đau khổ khác trong cảnh đói năm 1945.
- Người đàn bà không tên mang sức khái quát, ám ảnh tâm can người đọc.
- Thị xuất hiện trong đám người tìm việc cơ nhỡ khốn khổ: rách rưới, hốc hác.
- Thị đã trôi dạt khắp nơi từ Thái Nguyên về đồng bằng để kiếm sống.
(2). Con người khao khát sống, luôn bám riết lấy sự sống.
- Chỉ vì câu hò đùa trong lúc làm việc mà thị bám riết lấy Tràng để chờ đợi, để mắng là “điêu”“mất mặt”.
Gặp Tràng, Thị gợi ý được ăn và đã ăn một chặp 4 bát bánh đúc.
- Tràng nói đùa một câu và Thị đã theo người đàn ông xa lạ để tránh chết đói.
- Khi nhìn thấy gia cảnh nhà Tràng, Thị đã mấy lần thở dài bởi nỗi lo chưa chắc đã tránh khỏi chết đói.
(3). Người phụ nữ hiền thục chăm lo cho hạnh phúc gia đình.
- Được sự cưu mang đùm bọc nhân hậu của bà cụ Tứ, Thị đã sống đúng với mình.
- Người phụ nữ vợ Tràng - là Thị đã dịu dàng chăm lo quét tước, thu dọn nhà cửa.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây