© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Lí thuyết và bài tập Ngữ Văn 12, Bài 13. Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành

Thứ tư - 22/04/2020 10:38
Câu 1: Phân tích hình tượng rừng xà nu.
Câu 2: Phân tích hình tượng nhân vật Tnú.
Câu 3: Phân tích hình ảnh đôi bàn tay của Tnú.
1. Nội dung
Rừng xà nu đã đặt ra một vấn đề có ý nghĩa lớn lao của dân tộc và thời đại: để cho sự sống của đất nước và nhân dân mãi trường tồn, không còn cách nào khác hơn là phải đứng lên, cầm vũ khí chống lại và tiêu diệt kẻ thù tàn ác.
- Hình tượng rừng xà nu vừa mang ý nghĩa cụ thể vừa được xây dựng như một biểu tượng của sự sống đau thương nhưng kiên cường và bất diệt.
- Hình tượng Tnú, nhân vật trung tâm của tác phẩm, người anh hùng mà câu chuyện bi tráng của đời anh là sự thể hiện đầy đủ nhất cho chân lí lịch sử: chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo.
+ Tnú mang trong mình những phẩm chất cao đẹp của con người Tây Nguyên kiên cường: gan góc, mạnh mẽ, sớm giác ngộ cách mạng.
+ Tnú với bi kịch đau thương và khả năng vượt qua đau thương để đứng dậy chiến đấu.
+ Tnú chan chứa tình yêu thương.

2. Nghệ thuật
- Tạo dựng không khí nồng nàn hương sắc Tây Nguyên.
- Chất sử thi bi tráng.
- Ngôn ngữ nghệ thuật được trau chuốt kĩ càng.

3. Bài tập
Câu 1: Phân tích hình tượng rừng xà nu.
* Hướng dẫn lập ý.
- Xác định ý nghĩa khái quát của hình tượng rừng xà nu: là hình tượng nghệ thuật đặc sắc vừa mang ý nghĩa cụ thể vừa mang ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc được xây dựng bằng phép tu từ nhân hoá.
- Liệt kê những ý cụ thể
+ Rừng xà nu mang nỗi đau của chiến tranh.
+ Rừng xà nu - cây xà nu là loại cây sinh trưởng mạnh mẽ, ham ánh sáng đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên.
+ Cây xà nu có sức sống mãnh liệt ngay trong sự huỷ diệt.
+ Rừng xà nu - cây xà nu gắn bó với con người Tây Nguyên.
+ Đồi xà nu- Rừng xà nu biểu tượng cho sự lớn mạnh.
- Tổng hợp, phân chia các ý trên thành một số ý lớn hợp lí để triển khai thành những đoạn văn tương ứng.
* Lập ý:
(1) Rừng xà nu phân ánh nỗi đau thương của một thời đại, mang nỗi đau nặng nề
của chiến tranh như chính con người của vùng đất này.
- Rừng nằm trong tầm đại bác.
- Trúng đạn đổ ào như trận bão.
- Nhựa ứa ra bầm lại... cục máu lớn.

(2) Rừng xà nu không bao giờ bị huỳ diệt bởi trong loài cây này sự sống luôn mạnh hơn cái chết, luôn bất diệt trong sự huỷ diệt: cây xà nu gắn bó, là người bạn thuỷ chung với con người Tây Nguyên.
- Vết thương ở cây xà nu chóng lành như trên thân thể cường tráng.
- Cạnh một cây mới ngã gục, bốn, năm cây khác mọc lên vừa lên khỏi mặt đất đã nhọn hoắt như những mũi lê.
- Trong rừng ít có loài cây sinh trưởng mạnh mẽ như cây xà nu “ngọn xanh rờn hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”.
- Lửa xà nu trong mỗi bếp, đuốc xà nu trong đêm đồng khởi, ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn che chở cho dân làng.

(3) Đồi xà nu- Rừng xà nu hiểu tượng cho sự lớn mạnh của phong trào cách mạng của Tây Nguyên nói riêng của miền Nam và dân tộc Việt Nam nói chung.
- Đồi xà nu hút tầm mắt.
- Rừng xà nu hút tầm mắt.
Rừng xà nu được đặc tả bằng thủ pháp nhân hoá, được miêu tả song hành, tương chiếu với con người Tây Nguyên. Cây xà nu mang những phẩm chất của con người Tây Nguyên, các lớp cây xà nu chính là các thế hệ con người Tây Nguyên đang kiên cường vươn lên trên bom đạn tàn khốc của kẻ thù để lớn mạnh.

Câu 2: Phân tích hình tượng nhân vật Tnú.
* Hướng dẫn lập ý:
- Xác định ý nghĩa khái quát của hình tượng nhân vật
- Liệt kê những ý cụ thể
+ Sớm giác ngộ cách mạng.
+ Mạnh mẽ gan góc, táo bạo.
+ Chan chứa tình yêu thương.
+ Mang bi kịch gia đình đau đớn.
+ Vượt lên nỗi đau để hành động.
- Tổng hợp, phân chia các ý trên thành một số ý lớn hợp lí để triển khai thành những đoạn văn tương ứng.
Khái quát về nhân vật: Tnú là hình tượng nhân vật sử thi kết tinh những phẩm chất, khát vọng cao đẹp của công đồng của con người Tây Nguyên và dân tộc Việt Nam đồng thời khẳng định chân lí: kẻ thù cầm súng, mình phải cầm giáo.

(1) Tnú kết tinh những phẩm chất cao đẹp của con người Tây Nguyên: sớm giác ngộ cách mạng, táo bạo, mạnh mẽ vô cùng gan góc.
- Giặc khủng bố gắt gao, bà Nhan, anh Sút đã bị giết nhưng Tnú vẫn cùng Mai vào rừng tiếp tế cho cách mạng.
- Tnú ngay từ nhỏ đã ý thức phải học chữ để thay anh Quyết lãnh đạo cách mạng ở quê hương.
- Học chữ thua Mai tự lấy đá đập vào đầu mình.
- Đi liên lạc chọn chỗ khó nhất mà đi: lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang, vượt lên trên mặt nước, cưỡi lên thác.
- Bị giặc tra tấn không khai còn dám nhận là cộng sản, vượt ngục trở về là lập tức chuẩn bị vũ khí để khởi nghĩa.

(2) Tnú - con người mạnh mẽ kiên cường đã vượt lên bi kịch đau thương để hành động, để chiến đấu.
- Tnú mạnh mẽ mà không cứu được vợ con, Tnú còn bị giặc tra tấn đến nỗi mỗi ngón tay cụt một đốt. Đó là nỗi đau của con người chưa cầm vũ khí mà chỉ có lòng căm thù (chi tiết: bàn tay của Tnú là bó đuốc - bó đuốc của lòng căm thù...).
- Đau thương không thể quật ngã được Tnú, trái lại đau thương ấy đã hun đúc ý chí chiến đấu để trả thù: Tnú đã dùng đôi bàn tay bị cụt mỗi ngón một đốt để bóp chết những thằng Dục.
- Tnú đã chứng minh sức mạnh của dân tộc đã “cầm giáo” để chống lại kẻ thù “cầm súng”.
- Tnú gia nhập lực lượng chiến đấu, trở thành anh bộ đội có tính kỉ luật cao

(3) Tnú - người con thân yêu của người Xtrá, của làng Xô Man, là con người chan chứa tình yêu thương.
- Đôi bàn tay của Tnú đã thế hiển rõ đặc điểm này: bàn tay nắm lấy tay Mai để bày tỏ tình cảm.
- Tnú gắn bó với làng Xô Man, làng Xô Man, người xtrá đã nuôi Tnú khôn lớn.
- Xa làng đi chiến đấu Tnú nhớ làng da diết (chi tiết: nỗi nhớ ba năm là tiếng chày ấy...); Tnú trở về lòng hồi hộp, chân đi cứ vấp ngã...

Câu 3: Phân tích hình ảnh đôi bàn tay của Tnú.
* Hướng dẫn lập ý:
- Thống kê số lần hình ảnh bàn tay Tnú xuất hiện trong tác phẩm cùng ý nghĩa của nó (chú ý những điểm xuất hiện giàu ý nghĩa).
+ Đôi bàn tay cầm đá tự đập vào đầu mình khi học chữ thua Mai.
+ Bàn tay đặt lên bụng mình chỉ cộng sản.
+ Bàn tay đã nắm lấy tay Mai để bày tỏ tình cảm.
+ Đôi bàn tay bị tẩm dầu xà nu cháy thành bó đuốc.
+ Đôi bàn tay bị cụt mỗi ngón một đốt cầm vũ khí giết giặc, mười ngón tay ấy đã bóp chết kẻ thù.
- Tổng hợp, phân chia các ý trên thành một số ý lớn hợp lí để triển khai thành những đoạn văn tương ứng.

* Lập ý
Khái quát ý nghĩa hình tượng đôi bàn tay: đôi bàn tay của Tnú là một hình ảnh giàu ý nghĩa, là dụng ý nghệ thuật của Nguyễn Trung Thành. Qua hình ảnh đôi bàn tay, chúng ta có thể khám phá được vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Tnú.

(1) Đôi bàn tay của cá tính mạnh mẽ, gan góc táo bạo
- Bàn tay trồng tỉa trên rẫy, giấu gạo đi nuôi cán bộ Quyết ở rừng.
- Đôi bàn tay cầm đá tự đập vào đầu mình khi học chữ thua Mai.
- Bàn tay cầm thư đi liên lạc, bàn tay lên núi Ngọc Linh lấy đá mài để mài vũ khí chuẩn bị khởi nghĩa.
- Bàn tay chỉ đường, bàn tay của ý chí, tín nghĩa: bị kẻ thù tra tấn hỏi - Cộng sản ở đâu?. Tnú nói nhỏ: - Cởi trói đã tay mới chỉ được...Tnú để bàn tay ấy lên bụng mình nói: - Ở đây này.

(2) Đôi bàn tay của nỗi đau, bàn tay của lòng căm thù
- Bàn tay đã bứt đứt hàng chục trái vá khi phải chứng kiến cảnh kẻ thù tra tấn mẹ con Mai.
- Lao vào kẻ thù bằng hai bàn tay không, Tnú không cứu được vợ con.
- Bàn tay không nguyên vẹn: cụ Mết hỏi: Mười ngón tay mày vẫn cụt thế à? Ngón tay còn 2 đốt cũng bắn súng được.
- Thằng Dục tẩm dầu vào giẻ quấn lên mười ngón tay.
- Mười ngón tay đã thành bó đuốc.

(3) Đôi bàn tay của ý chí kiên cường
- Đôi bàn tay bị cụt mỗi ngón một đốt vẫn cầm vũ khí giết giặc đã chứng tỏ sự đàn áp dã man của kẻ thù không thể làm người Tây Nguyên khiếp sợ mà trái lại tội ác của chúng đã hun đúc ý chí và lòng căm thù của con người Tây Nguyên.
- Mười ngón tay chỉ còn hai đốt ấy đã bóp chết những thằng Dục đã khẳng định kẻ thù phải chết bởi tội ác của chúng gây ra.

(4) Đôi bàn tay chan chứa tình yên thương
- Mai cầm hai bàn tay Tnú, hai đôi bàn tay ấy đã nắm lấy nhau để bày tỏ tình cảm.
- Hai cánh tay rộng lớn như cánh lim rắn chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây