© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Lí thuyết và bài tập Ngữ Văn 12, Bài 15. Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu

Chủ nhật - 26/04/2020 11:44
Câu 1. Phân tích nhân vật người nghệ sĩ nhiếp ảnh để thấy được quan điểm của Nguyễn Minh Châu về nghệ thuật và về con người.
Câu 2. Phân tích nhân vật người đàn bà làng chài
Câu 3. Quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu qua hai tác phẩm Bức tranh và Chiếc thuyền ngoài xa.
1. Nội dung
- Chiếc thuyền ngoài xa là suy nghĩ của người nghệ sĩ nhiếp ảnh khi phát hiện ra sự thật: đằng sau bức ảnh rất đẹp về chiếc thuyền trong sương sớm mà anh tình cờ chụp được là số phận đớn đau của người phụ nữ, là bao ngang trái trong một gia đình vạn chài.
- Chiếc thuyền ngoài xa mang đến một bài học đắt giá về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: một cách nhìn đa diện nhiều chiều để phát hiện ra bản chất sau vẻ ngoài đẹp đẽ của hiện tượng.

2. Nghệ thuật
- Kết cấu độc đáo.
- Triển khai cốt truyện sáng tạo.
- Khắc hoạ nhân vật sắc sảo.

3. Bài tập
Câu 1. Phân tích nhân vật người nghệ sĩ nhiếp ảnh để thấy được quan điểm của Nguyễn Minh Châu về nghệ thuật và về con người.
* Hướng dẫn lập ý:
- Nhận định khái quát về nhân vật người nghệ sĩ nhiếp ảnh.
- Xác định, liệt kê những đặc điểm thuộc nhân vật.
+ Là con người.
+ Là người nhạy cảm trước cái đẹp.
+ Là con người căm ghét áp bức bất công, quý trọng sự công bằng.
- Tổng hợp, phân chia thành các ý hợp lí để triển khai thành đoạn văn tương ứng.

* Lập ý:
Phùng là nghệ sĩ khát khao sáng tạo và say mê nghề nghiệp, anh đã để lại nhiều suy nghĩ trong lòng người đọc về cách nhìn nhận, khám phá và phản ánh cuộc sống
(1) Phùng từ người nghệ sĩ quý trọng, say mê nghề nghiệp.
- Người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng được giao nhiệm vụ hoàn thành một cảnh tỉnh vật cho tờ lịch nghệ thuật có thuyền và biển của cơ quan.
- Anh đã bỏ ra rất nhiều công sức đi thực tế, suy nghĩ, trăn trở, kiếm tìm để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Phùng đã tới vùng biển từng là chiến trường cũ của anh, anh đã dự tính bố cục, đã kiên nhẫn “phục kích” mấy buổi sáng để “chộp” được một cảnh thật ưng ý.
(2) Phùng từ người nghệ sĩ yêu say đắm và nhạy cảm với cái đẹp, vẻ đẹp tâm hồn ấy, những phút giây rung động tuyệt đẹp ấy đã được tác giả thể hiện hết sức tinh tế.
- Đôi mắt nhà nghề của người nghệ sĩ đã phát hiện ra vẻ đẹp “trời cho” trên mặt biển mờ sương, vẻ đẹp mà cà đời bấm máy có lẽ anh chỉ diễm phúc bắt gặp được một lần “...trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu sương mù trắng như sữa cố pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào... Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới... toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hoà và đẹp”
- Trong phút giây đặc biệt ấy, người nghệ sĩ đã lắng nghe lòng mình và cảm thấy rất rõ những rung dộng từ trái tim người nghệ sĩ trước những giá trị cao đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người “tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự hoàn thiện... cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”.
-> Dường như trong hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa giữa biển mù sương, người nghệ sĩ đã bắt gặp cái tận Thiện, tận Mĩ, thấy tâm hồn mình như được gột rửa, trở nên trong trẻo, tinh khôi bởi cái đẹp hài hoà lãng mạn của cuộc đời.
-> Niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ chính là được khám phá, sáng tạo, được cảm nhận những giá trị đích thực của cuộc đời. 
(3) Phùng là con người căm ghét áp bức bất công, dám đối diện với cái ác để hành động, để đấu tranh cho sự công bằng.
Phùng đã làm cho tâm hồn người đọc phái rung động trước vẻ đẹp của cuộc đời, trước niềm hạnh phúc của tâm hồn trong ngần, nay anh lại khiến tâm can người đọc nhói đau trước những nghịch lí, bất công của cuộc đời.
- Anh sững sờ trước phát hiện thứ hai của mình trong khoảng khắc tưởng như tuyệt đẹp ấy: từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như trong mơ ấy bước ra một người đàn bà xấu xí, mệt mỏi và cam chịu; một lão đàn ông thô kệch dữ dằn, độc ác, coi việc đánh vợ như một phương cách để giải toả những uất ức khổ đau.
- Với bản chất của người lính, anh không thể làm ngơ trước nạn bạo hành, anh hành động như “tôi đã vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới”. Anh đã bị gã đàn ông vũ phu đánh bị thương.
- Dường như những gì Phùng chứng kiến trên bãi biển năm xưa: chiếc thuyền nghệ thuật ngoài xa và người đàn bà ở làng chài đau khổ vẫn luôn ám ảnh tâm trí anh bởi khi nhìn bức ảnh đen trắng ấy, anh vẫn thấy “ánh lên cái màu hồng của sương mai... người đàn bà đang bước ra khỏi tấm ảnh”.
-> Chứng kiến những cay đắng của một kiếp người, những ngang trái trong một gia đình, anh hiểu: chiếc thuyền nghệ thuật thì ngoài xa, nhưng sự thật cuộc đời lại ở rất gần. Đừng vì nghệ thuật mà quên cuộc đời. Trước khi là một nghệ sĩ hãy là một con người biết yêu, ghét, vui buồn để biết hành động cho một cuộc sống vì con người.
Nhân vật Phùng là người kể chuyên, là sự hoá thân của tác giả. Anh có vai trò quan trọng trong việc tạo ra một điểm nhìn trần thuật sắc sảo, tăng cường khả năng khám phá đời sống, tính khách quan, tính chân thực cho tác phẩm.
* Quan điểm của Nguyễn Minh Châu về nghệ thuật, người nghệ sĩ trước cuộc đời
- Về người nghệ sĩ:
+ Gắn mình với thực tế cuộc sống, khát khao say mê, sáng tạo, khám phá mới có thể phát hiện được những giá trị đích thực của cuộc sống.
+ Có tâm hồn nhạy cảm: rung động trước vẻ đẹp, trước những vấn đề của cuộc sống.
+ Người nghệ sĩ không chỉ phản ánh cuộc sống mà luôn trăn trở suy nghĩ, hành động vì cuộc sống.
+ Người nghệ sĩ phải nhìn cuộc sống đa diện, nhiều chiều để phát hiện được bản chất thực sự của sự việc đằng sau vẻ ngoài đẹp đẽ của hiện tượng.
- Về nghệ thuật:
+ Nghệ thuât không thể tách rời cuộc sống và con người.
+ Nghệ thuật chân chính phải chứa đựng các giá trị cao đẹp: chân, thiện, mỹ.
+ Nghệ thuật phải phản ánh được muôn mặt của đời sống.

Câu 2. Phân tích nhân vật người đàn bà làng chài
* Hướng dẫn lập ý:
- Nhận định khái quát về nhân vật người đàn bà làng chài.
- Xác định, liệt kê những đặc điểm thuộc nhân vật.
+ Người đàn bà làng chài thô kệch, khốn khổ, nhẫn nhục cam chịu.
+ Người đàn bà làng chài thô kệch thương con tha thiết.
+ Người đàn bà làng chài thô kệch khát khao hạnh phúc gia đình.
- Tổng hợp, phân chia thành các ý hợp lí để triển khai thành đoạn văn tương ứng.
Người đàn bà làng chài thô kệch đau khổ, nhẫn nhục và cam chịu đã khiến người đọc phải trăn trở suy tư: sao trên đời còn nhiều đau khổ và nghịch cảnh đến vậy !
(1). Người đàn bà làng chài thô kệch, khốn khổ, nhẫn nhục cam chịu
- Thân phận đau khổ của người phụ nữ bất hạnh hiện lên ngay trong hình hài dáng vẻ khi xuất hiện trong một khung cảnh thơ mộng, đó là “người đàn bà trạc ngoài 40, cao lớn với những đường nét thô kệch... khuôn mật mệt mỏi... tái ngắt”.
- Sự cam chịu của chị trong một khoảng thời gian ngắn dưới đòn roi của gã chồng độc ác đã nói lên bao điều về thân phận của những người đàn bà làng chài lênh đênh trên chiếc thuyên chật hẹp. Bị thắt lưng quật tới tấp, cùng bao lời nguyền rủa nhưng người đàn bà ấy “vẫn với một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục, không kêu, không chống trả, không tìm cách trốn chạy”.
- Nỗi đau khổ không kìm nén nổi không thể vùi lấp trong dáng hình cam chịu chỉ bộc lộ khi chị phải đối mặt với thằng con trai đang lăn xả vào bênh vực mẹ.
+ Chị “cảm thấy đau đớn - vừa đau đớn, vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã”, chị gọi con, ngồi xệp xuống, ôm chầm lấy, buông ra, rồi vái lấy vái để rồi lại ôm. Đó là chuỗi hành động của một nỗi đau không thể xua tan, không thể giải toả.
+ Những hành động của thằng bé đã khiến nó trở thành “viên đạn bắn vào người đàn ông, và bây giờ đang xuyên qua tâm hồn người đàn bà”. Chị đau bởi vì bảo vệ mẹ mà nó đánh lại cha nó, đau vì thằng bé phải chúng kiến thảm kịch của cha mẹ.
- Sự nhẫn nhịn đau đớn của người đàn bà cứ ám ảnh tâm trí người đọc chính là chi tiết: mụ cùng chồng lên thuyền ra bãi vắng để chồng đánh, rồi lại lặng im cùng nhau lên thuyền trở về. Ôi cái sự cùng nhau sao mà đau đớn thế ! Người ta có thể cùng nhau đi tới những nơi thơ mộng để tình tự, để nhớ lại những kỉ niệm xưa, chưa thấy người đàn bà nào cùng tới một nơi vắng vẻ với một người đàn ông để họ đánh cho tơi tả rồi lại cùng người đàn ông ấy đi về. Ôi một sự hi sinh, một sự nhịn nhục làm tim người đọc quặn thắt với bao nỗi niềm chua xót cho số phận những người phụ nữ bất hạnh!
(2). Người đàn bà làng chài thô kệch thương cơn tha thiết, nhẫn nhịn, hi sinh vì cuộc sống gia đình, vì những đứa con.
- Người đàn bà làng chài cam chịu để chồng đánh vì sự sống của gia đình, vì những đứa con cần ăn no.
- Chị thấu hiểu lẽ đời “ông trời sinh ra đàn bà là để đẻ con... người đàn bà ở thuyền phải sống cho con chứ không thể sống cho mình”,
+ Sự nhẫn nhịn ở chị là vì chồng chị không thể uống rượu để giải toả những tức tối.
- Chị đã khẩn thiết xin toà án đừng bắt bỏ người chồng vũ phu
(3). Trong sâu thẳm tâm hồn người đàn bà làng chài thô kệch là niềm khát khao hạnh phúc gia đình.
- Người đàn bà làng chài ấy cần có một người đàn ông khoẻ mạnh cho sự tồn tại đầy cam go trên biển của gia đình mình nên chị sẵn sàng chịu đựng, hi sinh bản thân.
- Chị thấu hiểu cuộc sống vất vả cực nhọc đã biến “anh con trai cục tính nhưng hiền lành” thành một người chồng vũ phu.
- Trong con người khốn khổ ấy niềm khao khát hạnh phúc không bao giờ tắt, nói đến gia đình “khuôn mặt xấu xí của mụ chợt bừng sáng lên như một nụ cười...”
- Lí do lớn nhất giúp chị chịu đựng được đòn roi của chồng là vì “ở trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hoà thuận, vui vẻ”. Người đàn bà đau khổ này luôn hướng về hạnh phúc, tương lai và không hề so đo giữa cái được với cái mà mình phải chịu đựng. Những phút giây đầm ấm hạnh phúc của những đứa con và cả gia đình được hưởng quan trọng còn hơn những đau đớn mà một mình chị chịu đựng, chị có thể gói kĩ, chôn sâu trong lòng.
-> Bao nổi khổ đau, lo toan cho sự sống của một gia đình đông đúc đã dồn tụ ở người đàn bà khốn khổ này. Một sự cam chịu, nhẫn nhục thật đáng để chia sẻ, cảm thông bởi “tình thương con cũng như nỗi đau... mụ chẳng bao giờ để lộ rõ rệt ra bề ngoài”. Thấp thoáng trong người đàn bà ấy có dáng dấp của bao người phụ nữ bao dung, giàu đức hi sinh và lòng vị tha.

Câu 3. Quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu qua hai tác phẩm Bức tranhChiếc thuyền ngoài xa.
* Hướng dẫn lập ý:
- Xác định thời điểm ra đời, quan điểm nghệ thuật mà tác giả thể hiện ở hai tác phẩm Bức tranhChiếc thuyền ngoài xa.
- Liệt kê các ý cụ thể về quan điểm nghệ thuật mà tác giả gửi gắm ở mỗi tác phẩm
+ Bức tranh:
• Cắt nghĩa sự thành công của nghệ thuật trong khoảnh khắc cảm xúc được thăng hoa: bức ảnh vẽ trong nửa giờ đã trở thành tác phẩm hội hoạ nổi tiếng.
• Con người hãy dũng cảm nhìn sâu vào bộ mặt bên trong của mình.
• Tâm sự của nhân vật “tôi” là quá trình tự tìm hiểu mình tự phán xét mình.
• Cách nhìn của chính nhà văn về con người: trong con người tồn tại cả “rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ”, còn nhiều mảng khuất lấp bí ẩn không dễ nhận ra được.
+ Chiếc thuyền ngoài xa: Xem ở câu 1
- So sánh đối chiếu quan điểm nghệ thuật ở hai tác phẩm để khái quát lên những điểm tương đồng gần gũi.
* Lập ý:
Bức tranhChiếc thuyền ngoài xa là hai tác phẩm viết sau năm 1975 của Nguyễn Minh Châu, cũng là hai tác phẩm thể hiện rõ sự tìm tòi, đổi mới tư duy nghệ thuật của nhà văn: văn chương không phản ánh cuộc sống đơn giản một chiều, mà phải nhìn cuộc sống đa chiều để phát hiện bản chất ẩn sâu bên trong sự vât hiện tượng, con người.
(1). Cắt nghĩa sự thành công của nghệ thuật trong khoảnh khắc đặc biệt (cảm xúc được thăng hoa ở Bức tranh: bức ảnh vẽ trong nửa giờ đã trở thành tác phẩm hội hoạ nổi tiếng; sự tìm tòi trong thực tế của Phùng để có đuợc vẻ đẹp trời cho trong Chiếc thuyền ngoài xa).
(2). Nguyễn Minh Châu không chấp nhận những quan niệm sơ lược giản đơn về cuộc đời và con người. Người nghệ sĩ cần phát hiện được bản chất thực sự của sự việc đằng sau vẻ ngoài đẹp đẽ của hiện tượng (Bức tranh: bộ mặt thật của người hoạ sĩ khi bức kí hoạ đươc đánh giá cao đã lờ đi người mẹ đang đau khổ vì ngộ nhận con trai mình đã hi sinh; Chiếc thuyền ngoài xa: đằng sau hình ảnh tuyệt đẹp của chiếc thuyền trong biển mù sương ở buổi ban mai là cảnh ngang trái của một gia đình làng chài. Một người vợ cam chịu những trận đòn của chồng cho ông ta hả cơn tức tối....).
(3). Người nghệ sĩ khi phản ánh cần nắm bắt được các quá trình biến động của tư tưởng, tình cảm, tâm lí để nắm bắt con người đích thực ở bên trong con người (Bức tranh: cuộc đấu tranh căng thẳng của người hoạ sĩ với chính bản thân mình và cuối cùng ông đã thức tỉnh dưới ánh sáng của lương tri; Chiếc thuyền ngoài xa: Khát vọng, những nỗi niềm của người đàn bà làng chài. Mụ không thể bỏ người chồng vũ phu vì cuộc mưu sinh trên biển không thể thiếu người đàn ông, vì bữa cơm no của những đứa con, vì gia đình mụ cũng có lúc vui vẻ hạnh phúc).
(4). Tác phẩm của Nguyễn Minh Châu luôn khơi gợi sự thức tỉnh lương tri của con người về cuộc sống.
- Bức tranh: cuộc đấu tranh của người hoạ sĩ với phần thấp hèn, ích kỉ trong chính con người mình. Lương tâm của người hoạ sĩ có lúc mai một đã thức tỉnh, anh phải tìm đến quán cắt tóc năm xưa để xét xử mình trước “toà án lương tâm”, nhận rõ mình đã thêm đau khổ cho người mẹ chiến sĩ và lừa dối anh chiến sĩ, kiếm tiền và tiếng tăm trên sự đau khổ của anh.
- Chiếc thuyền ngoài xa: Người nghệ sĩ không chỉ phản ánh cuộc sống mà luôn trăn trở suy nghĩ, hành động vì cuộc sống. Mãi sau này, khi nhìn bức ảnh con thuyền trên biển mù sương, Phùng vẫn thấy người đàn bà làng chài đang bước ra...

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây