© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Lí thuyết và bài tập Ngữ Văn 12, Văn học nước ngoài, Bài 2. Thuốc - Lỗ Tấn

Thứ năm - 14/05/2020 10:24
Lí thuyết và bài tập Ngữ Văn 12, Văn học nước ngoài, Bài 2. Thuốc - Lỗ Tấn
Câu 1. Ý nghĩa của những chi tiết: nghĩa địa người chết chém bên trái, nghĩa địa người chết bệnh, chết nghèo bên phải, chia cắt bởi một con đường mòn.
Câu 2: Hình tượng người cách mạng Hạ Du.
1. Nội dung
- Lịch sử hiện đại Trung Quốc được mở đầu bằng phong trào Ngũ Tứ, nổ ra vào ngày 4/5/1919 mang tính chất phản đế, phản phong triệt để. Truyện “Thuốc” của Lỗ Tấn ra đời vào tháng 5/1919, giữa cơn xoáy lịch sử của phong trào Ngũ Tứ nên nó mang một hàm nghĩa sâu sắc. Thuốc đề cấp tới mâu thuẫn dân tộc, thời đại, khơi dậy nỗi ưu quốc ưu dân. Nó đánh trúng căn bệnh trầm trọng của dân tộc.
- Truyện “Thuốc” thể hiện tình trạng u mê, tê liệt của quần chúng và bi kịch của người cách mạng tiên phong trong xã hội Trung Quốc đầu thế kỉ XX.
Chủ đề thứ nhất của truyện là phê phán tư tưởng mê tín, tập quán chữa khỏi bệnh phản khoa học, phê phán sự mê muội của quần chúng.
Chủ đề thứ hai của truyện đã thể hiện sâu sắc bi kịch của người cách mạng tiên phong.
- Qua truyện “Thuốc”, Lỗ Tấn muốn lên tiếng thức tỉnh cho nhân dân của mình thoát khỏi tình trạng u mê, tê liệt để chữa một loại bệnh “tinh thần” cho dân tộc để “cứu vong” đất nước, đồng thời “Thuốc” còn là một dự cảm về con đường cách mạng bão táp. Lỗ Tấn bày tỏ niềm tin vào tương lai, nhân dân sẽ thức tỉnh, hiểu cách mạng và làm cách mạng.

2. Nghệ thuật
- Lỗ Tấn là một nhà văn viết truyện ngắn nổi tiếng trên thế giới, đã cống hiến cho nhân loại những hình thức dân tộc không thể bắt chước được. “Thuốc” là một truyện ngắn nổi tiếng của ông, một truyện ngắn đa nghĩa. Truyện kể theo hai tuyến, vợ chồng lão Hoa Thuyên mua bánh bao tẩm máu tử tù để làm thuốc chữa bệnh cho con; chuyện Hạ Du làm cách mạng và bị chết chém.
Truyện “Thuốc” được trần thuật trong không gian hẹp với một quán trà, một pháp trường và một bãi tha ma. Ở nghĩa địa, mộ dày khít như “bánh bao nhà giàu ngày mừng thọ”, có tiếng mẹ khóc con thảm thiết, tiếng quạ kêu não nùng. Không gian nghệ thuật ấy tiêu biểu cho một nước Trung Hoa trì trệ, bế tắc đầu thế kỉ XX.
Thời gian nghệ thuật của truyện là thời gian vận động từ mùa thu đến mùa xuân, từ lúc tử tù bị chém, thằng Thuyên ho lao rồi chết đến tiết thanh minh, trên ngôi mộ Hạ Du - người tử tù và những nấm mộ khác lác đác có vài nụ hoa, cành dương liễu đâm ra mấy mầm non. Đó là mầm xanh hứa hẹn, hi vọng. Kết cấu truyện “Thuốc” đạt đến sự vững chãi trong một hình thức biểu hiện đơn thuần, bình dị, chứa đựng được một nội dung phong phú. Kiểu kết cấu của “Thuốc” là chớp lấy khoảnh khắc của bức tranh cuộc sống, dùng đối thoại nhân vật, qua hành động, ngôn ngữ mật; đối chiếu so sánh giữa các nhân vật, các thời kì khác nhau của nhân vật làm rõ đặc trưng tính cách nhân vật và tư tưởng chủ đề.
Truyện “Thuốc” chỉ xoay quanh vài nhân vật. Câu chuyện thương tâm dồn tụ lại ở hai người mẹ già, hai đứa con xấu số thiệt phận nhưng đã có sức chứa ghê gớm, giàu hình ảnh biểu tượng thể hiện hai chủ đề lớn mang tầm tư tưởng của thời đại đất nước Trung Hoa những năm đầu thế kỉ XX. “Thuốc” vừa có ý nghĩa cụ thể là chữa bệnh lao, vừa có ý nghĩa hàm ẩn là chữa bệnh cho dân tộc.

3. Bài tập
Câu 1. Ý nghĩa của những chi tiết: nghĩa địa người chết chém bên trái, nghĩa địa người chết bệnh, chết nghèo bên phải, chia cắt bởi một con đường mòn.
* Gợi ý:
- Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm “Thuốc” của Lỗ Tấn
Thuốc được viết năm 1919, đúng vào lúc cuộc vân động Ngũ Tứ bùng nổ. Câu chuyện Thuốc nói về căn bệnh “đớn hèn” của dân tộc Trung Hoa do nhân dân thì mê muội mà những người cách mạng thì xa rời nhân dân. Tác giả cảnh báo: Người Trung Quốc cần suy nghĩ, nghiên cứu về một “phương thuốc” để cứu dân tộc.
- Cùng là nghĩa địa để chôn cất người chết, nhưng có mộ phân biệt, chia cắt bởi con đường mòn: đó là hình ảnh Lỗ Tấn hay đề cập, nó có ý nghĩa biểu tượng, tượng trưng cho những tư tưởng u mê, sự nhận thức ẩn từ của quần chúng trước hiện thực lịch sử... Họ không thể phân biệt được những người tử tù chết chém vì làm cách mạng và chết chém vì những tội phạm khác. Cứ hễ bị chết chém là đáng cười, đáng khinh, đáng lên án, trái pháp luật, là xấu phải ở nghĩa địa bên trái. Còn nhũng người chết nghèo, chết bệnh - những cái chết thường tình thì ở nghĩa địa bên phải. Cuối truyện, qua một thời gian giác ngộ, hai bà mẹ bước qua con đường mòn để đến với nhau.

Câu 2: Hình tượng người cách mạng Hạ Du.
* Gợi ý:
Nhân vật Hạ Du (hình ảnh tượng trưng cho những người Cách mạng Tân Hợi) không xuất hiện trực tiếp, được miêu tả qua các nhân vật khác.
- Nguồn gốc lai lịch của Hạ Du: “người họ Hạ”, “con nhà bác Tứ chứ con nhà ai”. Hạ Du cùng là người làng, mọi người đều biết họ, tên, gốc gác.
- Hành động của Hạ Du
+ Hạ Du bị bắt, nằm trong ngục, trước lúc ra pháp trường còn cả gan tuyên truyền cách mạng cho lão Nghĩa “mắt cá chép”, rủ lão đề lao làm “giặc” nên đã bị lão ta “đánh cho hai cái bạt tai”.
+ Những người cách mạng tiên phong như Hạ Du, có lí tưởng chống phong kiến triều đình Mãn Thanh “Thiên hạ nhà Mãn Thanh chính là của chúng ta”, họ sẵn sàng xả thân vì đại nghĩa, hi sinh vì cách mạng, vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Nhưng giũa đông đảo quần chúng u mê, họ chiến đấu một cách đơn độc.
- Hạ Du trong con mắt quần chúng.
+ Người dân trong làng tụ tập ở quán trà bình luận về Hạ Du: “thằng quỷ sứ”, “thằng nhãi ranh con”, “thằng khốn nạn”.... Với bác Cả Khang thì Hạ Du là “đáng thương hại”; với lão râu hoa râm thì “hắn điên thật rồi”; với cậu Năm gù thì Hạ Du đúng là một kẻ “điên thật rồi”.
+ Cái chết của Hạ Du mang lại cho một số ít người món hời: May nhất là lão Hoa Thuyên đã mua được “thuốc” (bánh bao tẩm máu Hạ Du) để chữa bệnh lao phổi; rồi đến cụ Ba đưa cháu ra đầu thú để lĩnh thường “25 lạng bạc trắng xoé”, tránh cho “cả nhà không bị mất đầu”; lão Nghĩa đề lao được cái áo tử tù cởi ra trước lúc lên đoạn đầu đài; bác Cả Khang được mấy đồng bạc bán “thuốc” cho lão Thuyên.
+ Ngay cả bà mẹ Hạ Du cũng không hiểu con, là “kêu than oan con lắm Du ơi”, nguyền rủa “chúng nó”. “Trời còn có mắt, chúng nó giết con thì rồi trời báo hại chúng nó thôi, Du ơi!”. Quần chúng u mê, không hiểu sự nghiệp của những người cách mạng như Hạ Du nên xa lánh, có cái nhìn không đúng đắn, thâm chí sai lệch khiến người cách mạng phải chiến đấu một thân một mình đơn độc, không có sự ủng hộ, đoàn kết, thiếu sức mạnh tập thể.
- Ngôi mộ Hạ Du
+ Ngôi mộ của Hạ Du được đặt ở nghĩa địa của người chết chém, bên trái đường mòn. Đây là hình ảnh biểu trưng có ý nghĩa: sự nghiệp, sự hi sinh của nhũng người cách mạng như Hạ Du trong thời điểm đó, “đi trước buổi bình minh, giác ngộ sớm” vẫn không được quần chúng nhìn nhận một cách đúng đắn bởi sự u mê, tê liệt của họ. Cần phải cố một liều “thuốc” tinh thần chữa bệnh cho dân tộc, căn bệnh “quốc dân tính” vào lúc này.
+ Trên ngôi mộ của Hạ Du, người mẹ già loà ngạc nhiên, ngỡ ngàng nhìn thấy rất rõ vòng hoa vô danh với “những cánh hoa trắng hoa hồng”, “hoa không nhiều lắm, xếp thành vòng tròn, không lấy gì làm đẹp, nhưng cũng ngay ngắn”.
+ Hình ảnh vòng hoa trên ngôi mộ trong tiết thanh minh cùng với khung cảnh mùa xuân xung quanh: “những cây dương liễu mới đâm ra dược những mầm non hằng nửa hạt gạo”, “những nấm mộ khác xung quanh... lác đác vài nụ hoa bé tí, trắng trắng, xanh xanh” là hình ảnh mang tính biểu trưng. Mặc dù quần chúng nói chung vào thời điểm ấy ở trong trạng thái tê liệt, u mê nhưng không phải tất cả, vẫn có những người hiểu, nhớ đến, tiếc thương, ngưỡng mộ tấm gương người cách mạng tiên phong đã hi sinh vì đại nghĩa; người dân rồi sẽ được thức tỉnh dần, cách mạng rồi có xu thế phát triển, có tiền đồ.
Tóm lại, Hạ Du là người chiến sĩ cách mạng tiên phong, sẵn sàng hi sinh vì sự nghiệp chống phong kiến, ngay cả khi là tử tù vẫn tuyên truyền, vận động cách mạng. Người chiến sĩ ấy đã hi sinh vì lí tưởng, vì sự nghiệp cách mạng, cái chết “gieo mầm” sự sống.
Truyện không đặt mặt cách mạng vào vị trí chủ yếu mà đặt ở tuyến ngầm với một dụng ý: Khi quần chúng chưa giác ngộ thì máu của người cách mạng đổ ra thật vô nghĩa. Truyện vạch trần sự đần độn của tư tưởng phong kiến, nhằm thức tỉnh số đông quần chúng đang mê muội.
Thuốc là tiếng nói cổ súy, tự uy cho những người cách mạng đang bôn ba buổi ban đầu, vừa là bộc bạch tâm huyết của một ngòi bút lạc quan, tin tưởng.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây