© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Lí thuyết và bài tập Ngữ Văn 12, Văn học nước ngoài, Bài 3. Số phận con người - M. Sôlôkhốp

Thứ tư - 06/05/2020 23:33
Lí thuyết và bài tập Ngữ Văn 12, Văn học nước ngoài, Bài 3. Số phận con người - M. Sôlôkhốp
Câu 1: Cái mới của truyện ngăn “Số phận con người” trong việc miêu tả cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô.
Câu 2: Phân tích hình tượng nhân vật Xô-cô-lốp trong đoạn trích.
1. Nội dung
- Sôlôkhốp (1905 - 1984) là nhà văn lỗi lạc của nước Nga và được coi là một trong “những nhà văn xuôi lớn nhất thế kỉ XX”. Năm 1957, Sô-lô-khốp viết “Số phân một con người” mô tả chiến tranh trong bộ mặt thật của nó. Trong khi lên án chiến tranh xâm lược, biểu dương khí phách anh hùng của nhân dân, nhà văn không ngần ngại nói lên cái giá rất đắt của chiến thắng, những đau khổ tột cùng mà con người phải chịu đựng trong chiến tranh. Từ đó, khám phá chiều sâu tính cách Nga bình dị, nhân ái. Tất cả được biểu hiện bằng một bút pháp nghệ thuật độc đáo đầy sáng tạo, hấp dẫn vô cùng.
- Qua bút pháp hiện thực táo bạo, nhà văn dũng cảm khám phá sự thật và thể hiện sự tin tưởng rằng ý chí, nghị lực của con người có thể khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, vượt qua số phận éo le.

2. Nghệ thuật
- Truyện ngắn “Số phận con người” được xây dựng theo lối truyện lồng trong truyện. Ở đây có hai người kể chuyện, người thứ nhất là tác giả thuật lại câu chuyện của Xô-cô-lốp, người thứ hai là Andrây Xô-cô-lôp kể chuyên đời mình cho tác giả nghe. Nhà văn đã sáng tạo ra hình thức tự sự độc đáo với sự xen kẽ nhịp nhàng giọng điệu của hai người kể, sự quyện chặt chẽ chất trữ tình của tác giả và chất trữ tình của nhân vật sự hoà quyện này mở rộng và tăng cường đến tối đa cảm xúc, suy nghĩ và những liên tưởng phong phú trong người đọc.
Trong khuôn khổ thể loại truyện ngắn mà hình tượng Xô-cô-lốp lại hàm chứa một nội dung sâu sắc và to lớn: Xô-cô-lốp trở thành biểu tượng cho số phận con người trong thế kỉ XX. Qua cuộc đời và chiến công của nhân vật Xô-cô-lốp , tác giả đặt ra vấn đề nóng bỏng và bức thiết đối với nhân loại. Nhân loại có thể chiến thắng đau thương, chết chóc và mọi sự tàn phá huỷ diệt do chủ nghĩa phát xít gây ra hay không? Con người có thể vượt qua mọi thử thách tàn khốc của chiến tranh và phục hồi cuộc sống thanh bình trên đống hoang tàn của chiến tranh hay không?
-Với lối xây dựng hàng loạt tình tiết xâu chuỗi với nhau tạo thành một cốt truyện phong phú, hình thức kết cấu truyện kì thú như kiểu kết cấu bản giao hưởng: phần đầu, phán kết và ba chương để thể hiện cuộc đời gian nan của nhân vật chính. Xuyên suốt, gắn liền các chương, phần của truyện là hai chủ đề lớn, chủ đề anh hùng và chủ đề bi kịch. Tất cả đã khiến cho truyện ngắn này có tầm vóc truyện ngắn – sử thi.
Khép lại trang cuối, dòng trữ tình ngoại đề kết thúc truyện, người đọc không khỏi bồi hồi xúc động và suy tư. Con đường cuộc đời Xô-cô-lốp cho ta một cảm nhận rằng những đau thương mà con người trải qua càng lớn thì sức bật và sức vươn lên càng mãnh liệt, càng oai hùng biết bao.
- Ngoài cách kể chuyện, cách kết cấu truyện, tài nghệ của tác giả còn thể hiện ở cách tả cảnh, chọn lọc chi tiết, vẽ chân dung, theo dõi tâm trạng và trữ tình ngoại đề.

3. Bài tập
Câu 1: Cái mới của truyện ngăn “Số phận con người” trong việc miêu tả cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô.
- Truyện ngắn “Số phận con người” của Sôlôkhốp là cột mốc, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của văn học Xô viết. Sôlôkhốp thể hiện cách nhìn mới và cách mô tả mới hiện thực cuộc sống vô cùng phức tạp trong chiến tranh.
- Tác giả đã sáng tạo hình tượng người anh hùng kiểu mới mang trên vai trách nhiệm nặng nề trước sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước Xô Viết và trước sự nghiệp hoà bình, an ninh của toàn nhân loại.
- Sôlôkhốp miêu tả chiến tranh trong bộ mặt thật của nó, trong “đau khổ, chết chóc, máu me”. Nhân dân Liên Xô đã vượt qua muôn vàn khó khăn, hi sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng loài người khỏi nạn diệt chủng của bọn phát xít.
- Nhân vật Xô-cô-lốp , với thời gian cầm súng không nhiều, đã phải vượt qua bao gian khổ của thời chiến cũng như thời bình. Đó là người anh hùng vô danh, người chiến sĩ kiên cường với một trái tim nhân hậu.
- Đặc sắc nghệ thuật của truyện: cách xây dựng kết cấu truyện lồng trong truyện, cách kể chuyện, tả cảnh, vẽ chân dung, phân tích, miêu tả tâm lí nhân vật. Sự ngưỡng mộ và cảm thống của nhà văn được gửi gắm qua phong cảnh, cách miêu tả và lời trữ tình ngoại đề của người kể chuyện.

Câu 2: Phân tích hình tượng nhân vật Xô-cô-lốp trong đoạn trích.
- Hoàn cảnh của Xô-cô-lốp sau chiến tranh
+ Là người lính giải ngũ; bị thương nhẹ, mất hết vợ con, gia đình.
+ Không trở về quê mà đến nhà bạn, sau đi lái xe.
* Vẫn nhớ những kĩ niệm về vợ con đau đầu nên hay uống rượu.
- Xô-cô-lốp - một bản lĩnh kiên cường
+ Bản lĩnh ấy đã được rèn luyện trong chiến tranh: khi chiến đấu trên chiến trường, khi ở trại tù. Khí phách lẫm liệt của anh khiến tên phát xít phải kinh ngạc, khâm phục: “Mày là một thằng lính Nga chân chính. Tao cũng là lính và tao trọng những địch thù có khí tiết. Tao sẽ không bắn mày nữa”.
+ Bản lĩnh ấy được phát huy trong thời kì hậu chiến tranh: Anh tự kiếm sống bằng lái xe. Khi nhận đứa con trai bị mồ côi, anh đã kiên quyết nuôi dạy nó thật tốt trong điều kiện có thể của mình. Sau tai nạn rủi ro, anh lại cùng con trai bé bỏng lên đường tìm kế mưu sinh, cuốc bộ rong ruổi khắp nước Nga.
- Xô-cô-lốp - một tấm lòng nhân hậu.
+ Nhân vật Xô-cô-lốp mang chiều sâu tính cách Nga bình dị và nhân ái.
* Lửa chiến tranh đã tắt hơn một năm, anh vẫn không nguôi nỗi đau mất gia đình, vợ con.
* Gặp bé Vania sống bơ vơ, tình cảm người cha, tình thương đồng loại đã thức dậy. Anh quyết định nhận bé làm con.
• Trước những cử chỉ, lời nói ngây thơ của bé, anh xúc động vô cùng, đi đâu anh cũng nhớ và mong về nhanh để gặp con. Đời anh đã có sự thay đổi kì diệu “trái tim đã suy kiệt, đã bị chai sạn vì đau khổ, nay trở nên êm dịu hơn”.
+ Tầm vóc của Xô-cô-lốp , của người lính Nga trong máu lửa được miêu tả chân thực, làm cho “Số phận con người” mang vẻ đẹp anh hùng ca. Số phận, những phẩm chất cao đẹp của Xô-cô-lốp đã đem đến cho “Số phận con người” cái nhìn chân thực, thấm thía về số phận con người thời hâu chiến. Qua nhân vật Xờ-cô-lốp, người đọc cảm nhận được những ý tưởng sâu sắc mà nhà văn Sôlôkhốp gửi gắm qua kiệt tác này. Với lòng dũng cảm mà con người vượt qua nhũng thách thức chiến tranh, với lòng nhân ái có thể làm dịu bớt nỗi đau buồn mà chiến tranh gieo rắc để lại.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây