© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

Thứ bảy - 12/10/2019 13:22
Ta thường thấy có nhiều tổ chức, nhiều đoàn thể phải tan rã trước khi đạt đến mục đích cuối cùng. Là vì hội viên, đứng trước công cuộc chung, gặp bước khó khăn, đã sớm nản lòng thoái chí. Có phải vì họ vấp phải quá nhiều trở ngại mà thành tan vỡ không? Điều đó chỉ đúng có một phần, cái chính là không biết hợp nhau lại để vượt trở ngại đó thôi.
Trong trường hợp ấy, để khuyên răn người ta nên hợp đoàn, hợp sức, luân lý bình dân đã có câu ca dao hết sức cụ thể:

Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

Câu này nghĩa đen chẳng có gì là khó! Một cây dù to lớn đến đâu, nếu đứng riêng ra thì chỉ một cơn giông bão là đủ bứng rễ nằm nghiêng. Nhưng nếu nhiều cây dù bé, dù nhỏ thế nào đi chăng nữa mà cành nọ nương cành kia, gốc nọ dựa gốc kia thì cuồng phong có ác liệt thế nào cũng khó mà lay chuyển nổi. Thật là một hình ảnh hết sức cụ thể, nói lên sức mạnh của sự đoàn kết.

Loài người chúng ta từ thời thượng cổ sinh ra cô độc, lẻ loi, không áo quần, không khí giới hỏi làm sao sinh tồn được trên trái đất mênh mông, đầy bí hiểm này nếu không nhờ có đoàn kết? Thật thế, để chống lại với thiên nhiên, thú dữ, loài người đã biết quây quần nhau lại, biết hợp thành bộ lạc, chủng tộc, để rồi mỗi ngày một phát triển, mỗi ngày một văn minh như ta có ngày nay. Mở trang lịch sử nước nhà, ta hẳn không quên hội nghị Diên Hồng, trong đó toàn dân đồng lòng giết giặc chứ không chịu hàng. Thế rồi người Việt đứng lên, muốn lòng nhất một, đem khí giới thô sơ để chống lại đoàn quân bách thắng. Kết quả là ba phen Mông Cổ tan tành nhục nhã bỏ chạy về Tàu.

Những thí dụ về đoàn kết cũng không thiếu gì trong xã hội hằng ngày. Bác phu xe một mình ì ạch không lên nổi dốc cao. Nếu không được thêm người giúp sức đẩy cho, bác dành uất ức khoanh tay ngồi khóc. Một quãng đường lầy lội, mùa mưa cản trở lưu thông. Nhưng nếu cả xóm cùng nhau sửa chữa, góp tiền, góp lực, đắp cao, bê tông hóa, thì chỉ ít ngày đã được một con đường rộng, bằng phẳng dễ đi. Học sinh một trường muốn giúp đỡ một người gặp cảnh ngộ khó khăn, các lớp chung tay vào đóng góp, kẻ ít người nhiều, cũng được một món tiền kha khá, đủ để người ấy vượt qua khó khăn. Khu núi rừng hoang vu là thế, mà với mươi vạn cánh tay đồng bào cùng đào mương, cuốc đất, dọn cỏ, khai hoang nay đã biến thành một miền trù phú, hoàn thành tốt đẹp kế hoạch định điền.

Trên đây chỉ là vài ví dụ trong muôn ngàn ví dụ khác, nhưng cũng đủ để ta rõ bài học “đoàn kết là sức mạnh” của câu ca dao quý báu và nhiệm mầu kia. Trong thời đại ngày nay câu ca dao trên là phương châm duy nhất để đưa đất nước tiến lên, đáp trả dũng mãnh các hành động hung hăng, gây hấn của ngoại bang. Góp phần bảo vệ Tổ quốc biên cương, biển đảo quê hương đời đời bền vững.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây