© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Nghị luận về một câu danh ngôn mà em tâm đắc

Thứ hai - 24/10/2022 11:19
Nghị luận về một câu danh ngôn mà em tâm đắc
Tôi thật sự rất tâm đắc chân lí sống của Nazim Hikmet: “Nếu tôi không cháy lên, nếu anh không cháy lên, nếu chúng ta không cháy lên thì làm sao bóng tối có thể thành ánh sáng.”
Là một học sinh chuyên văn tôi thường được thầy cô truyền đạt lại rất nhiều kiến thức thú vị và bổ ích về môn học của mình. Đặc biệt tôi rất thích những lời giảng của thầy cô về những câu danh ngôn của những nhân vật nổi tiếng trên thế giới hoặc cũng có thể là của những con người vô danh. Họ đều đã để lại cho nhân loại những triết lí sống, những lẽ sống cao đẹp mà họ đã rút ra từ cuộc sống của mình. Và tôi thật sự rất tâm đắc chân lí sống của Nazim Hikmet: “Nếu tôi không cháy lên, nếu anh không cháy lên, nếu chúng ta không cháy lên thì làm sao bóng tối có thể thành ánh sáng.”

Đó là một triết lí sống, một lẽ sống vô cùng cao đẹp và đầy ý nghĩa. “Cháy lên” chính là sự phát sáng, bùng cháy, là sự toả hoi ấm, sức nóng khắp cả một không gian, chỉ với hình ảnh đon giản đó thôi nhưng lại có thể gợi ra biết bao ý nghĩa. Nhà thơ Thổ Nhĩ Kì đã mượn hình ảnh “cháy lên” để nói đến sự bứt phá, sự toả sáng của mỗi con người, đồng thời đó còn là sự có gắng vươn lên, ý chí nghị lực vượt qua hoàn cảnh khó khăn của mỗi cá nhân, và đó cũng là sự hành động, sự xả thân, dấn thân, dám chấp nhận, dám đương đầu của mỗi con người. Nazim Hikmet dường như muốn gửi thông điệp ấy đến tất cả mọi người: tôi, anh, chúng ta. Vậy giả thiết mà nhà thơ đặt ra là gì? Nếu tôi không cháy lên, nếu anh không chạy lên, nếu chúng ta không cháy lên thì điều gì sẽ xảy ra? Câu trả lời chỉ đơn giản thôi, nếu những điều ấy không xảy ra thì làm sao bóng tối có thể thành ánh sáng. Bóng tối là màn đêm bóng đêm mà ai cũng cảm thấy sợ khi sống giữa không gian đó. Nó biểu trưng cho những cái phản nhân văn, cái xấu, cái ác, lực lượng thù địch, những thói hư tật xấu, nó đối lập hoàn toàn với ánh sáng là những cái tiến bộ, lòng khoan dung, sự hoà bình. Mượn những hình ảnh đó Nazim Hikmet muốn gửi đến cho tất cả mọi người một bức thông điệp: Nếu chúng ta không dám hành động, không dám xả thân, không dám vươn lên, thì bóng đêm mãi mãi là bóng đêm, cái ác mãi mãi ngự trị, ánh sáng không thể tồn tại cũng như những điều tót không thể có trên cuộc đời này.

Đó là một lời nhắn gửi rất có ý nghĩa, đặc biệt đối với thế hệ trẻ, những bạn đồng trang lứa như tôi trong việc đề ra lí tưởng sống cho chính mình. Đó là một lí tưởng sống rất đúng đắn vì nó đã giúp tôi ý thức được chính bản thân mình. Tôi đã làm được như vậy chưa? Tôi đã thực sự cháy lên chưa? Tôi đã thật sự dám đối mặt với tất cả khó khăn và thử thách có thể xảy đến với mình chưa? Tôi đã tự kiểm điểm lại mình tất cả, tất cả và tôi thấy mình còn thiếu sót quá nhiều. Khi làm bài bị điểm kém tôi không có ý chí khắc phục, khi bài tập ở trường quá nhiều tôi thường nản lòng, khi gặp những bài tập khó tôi thường xếp nó qua một bên và không quan tâm gì nữa... Kết quả là giờ đây tôi thấy có những môn học dường như mình bị hổng kiến thức khá nhiều. Câu danh ngôn đã khiến tôi kịp thời sửa chữa lại chính mình. Tôi không thể mãi mãi sống trong bóng tối do chính mình tạo ra, tôi sẽ rèn luyện cho mình nghị lực, tinh thần vượt khó và tôi sẽ tìm được ánh sáng trên con đường mà mình đã chọn.

Không chỉ riêng đối với cá nhân tôi mà đối với một tập thể, cộng đồng, câu danh ngôn ấy cũng mang đầy ý nghĩa. Nó khuyên con người ta phải sống tốt, sống đẹp, “sống sao cho không uổng những năm tháng đã sống hoài, sống phí”. Phải biết hi sinh, biết dấn thân để đạt thành quả cho riêng mình. Êđixơn đã từng bán hết cơ nghiệp để làm biết bao thí nghiệm và ông đã thành công. Ngô Bảo Châu đã kiên trì ngày đêm để nghiên cứu một mệnh đề toán học và ông đã đạt được giải thưởng Field vô cùng danh giá. Những thủ khoa đại học hằng năm đa số vẫn là những tấm gương học sinh nghèo vượt khó... Họ đã thực sự cháy lên. Họ đã làm chủ cuộc đời mình bằng ý chí nghị lực phi thường. Vậy tại sao chúng ta không noi gương theo họ? Rất đáng buồn là trong cuộc sống ngày hôm nay, bên cạnh những con người sống nghị lực, sống cống hiến, sống xả thân thì vẫn có những con người sóng bàng quan, sống ích kỉ, không dám hành động... Họ sống theo kiểu “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”, đó là lối sống ích kỉ và đáng phê phán. Hi vọng họ sẽ đọc được câu danh ngôn mà tôi đã nêu trên, ý thức lại bản thân mình và sửa chữa kịp thời. Xã hội này luôn cần có những cá nhân biết toả sáng, đem ánh sáng của mình để giúp cho đời. “Giọt nước chỉ hoà vào biển cả mới không cạn mà thôi” (lời Phật dạy). Để làm nên được một thế giới toả sáng thì không phải chỉ riêng mỗi cá nhân mà còn có sự chung tay góp sức của cả một tập thể, một cộng đồng.

Lời khuyên mà Nazim Hikmet đã gửi cho chúng ta thật ý nghĩa. Tôi giật mình nhìn lại và thấy những khuyết điểm của mình. Lời khuyên ấy sẽ là một lí tưởng sống cho bản thân tôi. Còn bạn thì sao, bạn đã tìm được lí tưởng sóng cho mình chưa? Nếu chưa thì hãy nhanh chân lên bởi vì “sống là không chờ đợi” và hãy nhớ rằng: “Chính vị trí cánh buồm chứ không phải hướng gió sẽ quyết định chúng ta đi đến đâu.”...

Bài Kiểm Tra, Nguyễn Lê Hạnh Dung

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây