© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Em sẽ chọn tấm biển nào để treo ở cửa phòng riêng của mình trong hai tấm biển sau đây: 1. Cửa phòng con luôn mở. Xin mời bố mẹ vào! 2. “Vùng lãnh thổ” của con!

Thứ ba - 18/10/2022 10:47
Em sẽ chọn tấm biển nào để treo ở cửa phòng riêng của mình trong hai tấm biển sau đây: 1. Cửa phòng con luôn mở. Xin mời bố mẹ vào! 2. “Vùng lãnh thổ” của con!
Con đã quen với cuộc sống tự lập và nhất là đã cố gắng quen với sự thiếu vắng những chăm sóc chu đáo của bố mẹ. Tuy nơi đây có xa nhà nhưng mọi sinh hoạt hàng ngày của con vẫn bình thường như trước đây. Chỉ có điều trước cửa phòng trọ, con không thể treo tấm biển “Vùng lãnh thổ của con!” như khi con còn ở nhà nữa rồi...
Xuân Lộc, ngày 1 tháng 12 năm 2011.
Bố mẹ kính quý!

 
Xa nhà để vào học trường chuyên mới có bốn tuần mà sao con thấy nhớ bố mẹ quá. Gia đình ta dạo này thế nào ạ? Công tác của bố vẫn bình thường chứ bố? Mà mẹ ơi! Dạo này mẹ còn đau lưng nhiều không? Mẹ vẫn uống thuốc đều đặn chứ ạ? Con thương mẹ quá! Con sẽ học hành chăm chỉ. Còn thương con, mẹ đừng làm việc nhiều mẹ nghe! Phải giữ sức khoẻ để có dịp còn vào thăm con chứ mẹ. Gia đình không phải lo lắng nhiều cho con đâu. Con lớn rồi, có thể tự chăm sóc mình được, vả lại con vốn cởi mở nên mới vào trường con đã có rất nhiều bạn tốt. Con đã quen với cuộc sống tự lập và nhất là đã cố gắng quen với sự thiếu vắng những chăm sóc chu đáo của bố mẹ. Tuy nơi đây có xa nhà nhưng mọi sinh hoạt hàng ngày của con vẫn bình thường như trước đây. Chỉ có điều trước cửa phòng trọ, con không thể treo tấm biển “Vùng lãnh thổ của con!” như khi con còn ở nhà nữa rồi...

Bố mẹ hiểu cho con. Treo tấm bảng ấy lên không phải vì con không kính trọng bố mẹ hay không muốn bố mẹ xen vào cuộc sống của con. Thật sự con chỉ muốn căn phòng là không gian riêng của mình, được tự ý trang trí và sở hữu, được trải nghiệm cuộc sống “tự do”. Con nói thế không phải vì từ trước tới nay con bị bố mẹ kìm chặt hay giam giữ nhưng con muốn được thoải mái, thoải mái thật sự. Con chẳng thể nói hết thành lời những lí do mà con muốn khi treo tấm bảng có dòng chữ “Vùng lãnh thổ của con!” lên cửa phòng nhưng con đã thực sự rất vui khi bố mẹ tôn trọng quyết định của con. Con hạnh phúc lắm. Được sự cho phép ấy của bó mẹ, con đã lấy giấy hồng bọc lên che kín bức tường vôi trắng, treo chiếc chuông gió giữa trần nhà, bày những con thú nhồi bông lên khung cửa sổ. Lại còn tự bố trí chỗ để bàn học, giường, tủ đựng đồ nữa chứ. Giờ nghĩ lại con thấy buồn cười quá cả nhà nhỉ? Nhưng thật tình với nhận thức của một đứa con gái 13 tuổi như con, cuộc sống ấy thật thú vị!

Khi biết cuộc sống của mình sẽ thoải mái hơn nhờ đã được làm chủ cả một căn phòng, con đã ý thức được mình cần phải quan tâm và yêu mến căn phòng nhiều hơn, như một đức vua yêu mến đất nước nhỏ bé của mình vậy. Không hiểu sao lúc ấy con luôn có những lập trường vững chắc đến lạ. Nếu muốn điều gì, con đều cố gắng và bất chấp mọi thứ mà làm cho kì được, cả nhà còn nhớ việc tiến hành cải tạo “lãnh thổ” của con diễn ra như thế nào không? Con đã dành tất cả thời gian rỗi vào việc làm đẹp căn phòng. Quét hết mạng nhện bụi bặm cho căn phòng, con thấy vui vì bố mẹ đã cho con được quyền ấy. Và để cảm ơn, con đã lau sạch sẽ cho cả căn nhà. Con còn nhớ lần đầu tiên con giận vì không ai tán thành việc không được đưa dép vào nhà. Bố đã bảo với con rằng: “Nhà mình không có điều kiện để lát gạch hoa cho nền nhà nên đành láng xi măng. Mà nền xi măng rất dễ nhờn do hơi nước từ dưới bốc lên và dễ bám bụi. vì vậy không thể không đi dép vào nhà con à! Lại còn chuyện dép guốc nữa chứ! Tiền thì không có, lấy đâu ra mà mua dép đi trong nhà”. Giờ nghĩ lại con thấy mình thật vô lí. Tại sao lúc đó con lại khóc, khóc vì một chuyện cỏn con như vậy? Có lẽ vì con muốn cả nhà và thế giới thần tiên của con được sạch hết cỡ. Và rồi sự tức giận ấy lại biến thành một sức mạnh, một ý chí khi con đã quả quyết rằng: “Bố mẹ có thể đi dép vào nhà nhưng đừng đi dép vào phòng con”. Bố mẹ có biết con đã cố gắng thế nào để biến lời nói ấy thành sự thật không? Chắc bố mẹ cũng không ngờ con quyết tâm đến thế nào sau khi thấy con lấy giẻ ướt lau nền nhà thật sạch - không một vết nhơ để có thể đi chân trần. Có phải vì thấy con đã trưởng thành hơn nên bố mẹ đã chấp nhận sự cố gắng của con và mỗi lần gõ cửa vào phòng, bố mẹ lại để dép ở ngoài. Dù sao con cũng cám ơn bố mẹ vì đã tôn trọng con. Nhưng quái gở thay con lại không nghĩ đến em Giang. Nó ba lần bảy lượt đưa dép vào phòng, lại còn có lúc đưa cả dép của người khác vào nữa. Con tức lắm! Nhưng em nó nhỏ quá! Con càng mắng, nó lại càng thấy vui nên xem việc làm con giận là niềm vui, là cách giải trí có một không hai của nó. Và rồi khi không thể cố gắng thêm nữa, con đã từ bỏ chuyện lau nhà, dù không muốn tí nào.

Nhưng bố mẹ ơi! Có lẽ em Giang nó rất thích có một căn phòng riêng như con đấy! Có lần nó đứng ngắm căn phòng rất lâu rồi đợi con đi ra và bắt đầu... leo lên giường nằm ngủ. Trông em ngủ rất ngon giấc, và có khi nào nó đang mơ một giấc mơ đẹp, một giấc mơ có khung cảnh là phòng riêng tương lai của em nó chẳng hạn? Sao lúc đó con thấy con yêu em nhiều lắm và cũng tự hào về chính bản thân mình nữa. Sáng sáng ngủ dậy con ý thức được trách nhiệm làm đẹp cho góc nhỏ cuộc đời của con và mau chóng xếp gọn gàng chăn màn - những việc mà khi con ngủ với em, với mẹ con thật sự không muốn làm. Sách vở xếp gọn gàng theo quy định, áo quần được là phẳng phiu sạch sẽ. “Con đã thay đổi và trưởng thành lên nhiều”, chính bố mẹ đã nhận xét như vậy sau bao nhiêu việc con làm, bố mẹ còn nhớ không?

Mỗi khi có dịp trò chuyện về cha mẹ, chúng con - những đứa con - lại rôm rả kể về bố mẹ mình và tất nhiên không thể thiếu trọng tâm vấn đề “phòng riêng” của mỗi đứa. Con đã tự hào kể cho các bạn nghe rằng: “Tớ thấy bố mẹ yêu tớ nhiều lắm. Này nhé! Bố mẹ cho tớ tự sử dụng và “đối xử” với căn phòng của riêng mình. Tớ có thể thoải mái viết nhật kí và giấu đi để mẹ không đọc được. Lại còn được tự do và cảm thấy mình được tôn trọng trong mọi việc. Và này, các cậu thấy không? Nhờ thoải mái nên việc học của tớ khá lên nhiều đấy. Tớ có thể tập trung làm bài, học bài mà không sợ bị người khác quấy rầy. Mà tớ cũng thông minh lắm nha. Để người khác biết gõ cửa trước khi vào phòng, tớ đã treo tấm biển có dòng chữ “Vùng lãnh thổ của con!” lên cửa. Mỗi khi thấy tấm bảng người đó sẽ phải tự nhắc mình rằng: “À! Đây là phòng riêng của người ta, mình phải gõ của và nếu được đồng ý thì mới vào”. Không chỉ có thế, mỗi khi mời người khác vào phòng, lòng mình lại lâng lâng một cảm giác khó tả, vừa hạnh phúc vừa cảm thấy mình ít trẻ con đi một tí. Thích lắm!”.

Kể xong, bạn con đứa nào cũng lấy làm thích thú và muốn được cùng con chia sẻ niềm vui ấy. Bỗng trong nhóm cất lên một câu hỏi mà dường như sẽ chẳng bao giờ con quên: “Thế bố mẹ cậu không sợ cậu làm những việc không tốt trong phòng như đọc truyện, lơ là việc học à?”. Thì ra là câu hỏi của Lan - một cô bạn được xem như là góc khuất của lớp con. Chưa kịp trả lời thì bạn ấy lại nói tiếp: “Có lẽ bố mẹ cậu không quan tâm đến cậu!”. Niềm vui trong con bị câu hỏi ấy làm vỡ tan, con giận lắm nhưng câu nói sau còn khiến con quan tâm nhiều hơn. Con nói mà gần như là thét lên: “Không! Bố mẹ rất quan tâm đến tớ, nếu không, sao bố mẹ lại tôn trọng quyết định của tớ?”. Câu hỏi ngược lại của con không có câu trả lời...

Tối đó về nhà con đã suy nghĩ rất nhiều: Liệu những lời Lan nói có đúng là sự thật? Quả đúng là từ ngày có phòng riêng con không nhận được sự kèm cặp mỗi buổi tối học bài từ mẹ, ánh nhìn trìu mến thúc giục con làm bài của bố... Có lúc vừa ngồi học vừa suy nghĩ vẩn vơ, con chợt nhìn vào gương, thấy qua cánh cửa hé mở... bố đang chăm chú nhìn con. Đôi mắt lộ rõ vẻ thất vọng và hai hàng lông mày nhếch lên như tức giận. Con giật mình quay lại với bài vở để bố yên lòng. Một lúc sau, biết bố đã không còn ở đó, con gục đầu xuống bàn và tự hỏi “Phải chăng đêm nào bố mẹ cũng quan sát con học qua khe cửa?”. Rồi như chợt nhớ ra, giật mình, con lẩm bẩm “Vậy là những lúc mình chểnh mảng học hành, bố mẹ đều biết và ra hiệu bằng cách gõ cửa phòng. Đúng rồi! Thấy em Giang quý căn phòng này nên chẳng bao giờ mình khoá cửa. Vậy là tấm bảng trong những lúc ấy... không hữu hiệu?”... Mải nghĩ ngợi không biết con ngủ thiếp đi từ lúc nào... trên bàn. Sáng dậy, chuông đồng hồ kêu inh ỏi, con lấy tay dụi vào đôi mắt đang díu lại vì thức khuya. Con tự hỏi: “Sao mình lại ngủ trên giường? Ai mắc màn và thu dọn sách vở dùm mình...?”. Nhà ta chỉ có bốn người. Nếu không phải là bố mẹ thì ai làm đây? Chẳng lẽ là em Giang? Nhưng ngày nào bố mẹ cũng làm vậy sao? Ôi! Con hư quá! Con có lỗi với bó mẹ nhiều lắm! Bố mẹ vẫn luôn quan tâm đến con từng chút một sao con không biết?

... Ngay sau hôm ấy, gặp Lan ở trường, con đã kể hết cho Lan nghe và tất nhiên đã trả lời câu hỏi của bạn ấy. Lúc ấy con thấy thoải mái hơn cả khi con tự do tung hoành trong “lãnh thổ” của mình, vì con đã nhận ra: “Trong mọi hoàn cảnh, bố mẹ vẫn luôn có những cách chăm sóc, theo dõi con cái. Tâm tư của các bậc cha mẹ, những đứa trẻ làm sao hiểu hết”. Nghe xong chuyện, Lan thật sự xúc động và nói rằng “Bố mẹ cậu thật tuyệt!”. Từ sau giây phút ấy, chúng con đã trở thành bạn tốt của nhau đấy bố mẹ ạ!

Nhưng bố mẹ ơi, có một điều con đang rất muốn biết... Liệu bố mẹ có buồn không, nếu như khi ở nhà, con vẫn tiếp tục treo tấm biển ngày xưa lên cửa phòng? Bố mẹ nhớ viết thư trả lời con nhé!

Giang ơi! Em có vui khi được sở hữu phòng của chị? Mà em muốn chọn tấm biển có dòng chữ “Cửa phòng con luôn mở. Xin mời bố mẹ vào!” hay “Vùng lãnh thổ của con!” để làm vòng đeo cổ cho của phòng vậy? Chị tò mò quá!!! Cuối thư, chị chúc Giang học giỏi. Con mong bố mẹ mạnh khoẻ, tin tưởng vào con. Con yêu cả nhà nhiều!
 
Hôn bố mẹ
Con Phan Thị Thanh Huyền

Phan Thị Thanh Huyền

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây