© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Những chiếc xe không kính đã làm nổi bật hình ảnh người lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Em hãy phân tích hình ảnh người lái xe trong bài thơ.

Thứ tư - 04/10/2017 06:17
Phân tích hình tượng người lính ở các khía cạnh: tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm bất chấp khó khăn, nguy hiểm, niềm vui sôi nổi của tuổi trẻ trong tình đồng đội, ý chí chiến đấu vì miền Nam.
Tứ thơ được gợi từ hình ảnh những chiếc xe không kính. Mỗi khổ thơ là một phát hiện của ông về những “kết quả” tất yếu của việc xe không có kính. Gió làm cay mắt, “bụi phun tóc trắng như ngươi già”; ướt áo, “mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời”... Đó là những khó khăn, vất vả do việc thiếu thốn phương tiện gây ra. Nhưng tác giả không xoáy sâu vào đó. Bằng con mắt lạc quan, ông đã biến nó thành cái cớ rất hợp lí để thể hiện vẻ đẹp của ngươi lính lái xe. Họ là những con người tinh nghịch, trẻ trung, sôi nổi. Dường như chưa có ai ngoài Phạm Tiến Duật đưa được tiếng cười “ha ha” sảng khoái, hồn nhiên như thế này vào tác phẩm:

Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha

Cái dáng điệu vắt vẻo “phì phèo châm điếu thuốc”, cái ý nghĩ “Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa, Mưa ngừng gió lùa khô mau thôi”, và cái hành động “bắt tay qua cửa kính vỡ rồi” đã làm hiện lên một cách sống động tâm hồn trẻ trung, lạc quan của người lính. Họ nhìn những khó khăn, gian khổ ở khía cạnh đẹp nhất, đáng yêu nhất. Dường như họ không cần cố gắng để vượt qua những thiếu thốn ấy, vượt qua những vất vả vì bụi, vì mưa, vì gió ấy... bơi vì đôi với họ đó không còn là khó khăn nữa, đó là niềm vui.

Người lính lái xe trong thơ Phạm Tiến Duật có một tư thế rất hiên ngang, bất khuất:

Ung dung buồng lái ta ngồi 
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
... Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời;
... Võng mắc chông chênh đường xe chạy.


Trong cái nhìn “nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng” của người lính cảm tưởng như chứa chất tất cả sức mạnh, sự ngang tàng của tuổi trẻ, cả lòng dũng cảm, quyết liệt nơi người chiến sĩ. Tư thế ấy đẹp quá, có thể gọi không ngoa là một tượng đài dành riêng cho người lính lái xe.

Hình ảnh bếp Hoàng cầm giữa trời và cánh võng tròng trành mắc vội trên đường không hiểu sao cũng gợi mở về nếp sống rất phóng khoáng, một tâm thế rất vững vàng. Trên con đường mòn Hồ Chí Minh đầy bom đạn, dưới bầu trời Trường Sơn không ngớt bóng máy bay, sao con người ta có thể an bình, thanh thản đến thế? Phải chăng đó là nhờ có sức mạnh của lòng dũng cảm? Chính nó chứ không phải lí do nào khác đã giải thoát con người ta khỏi những nỗi sợ hãi để mà tận hưởng niềm vui, vẻ đẹp của cuộc đời. Đến đây, rất dễ dàng để hiểu tại sao những khó khăn vì xe không có kính được người lính nhìn một cách thi vị và lạc quan đến vậy.

Cùng chung dòng mạch thơ văn viết về người chiến sĩ, Phạm Tiến Duật cũng khai thác thể hiện tình đồng chí, đồng đội của họ. Ông viết về nét đẹp ấy một cách bình dị:

Những chiếc xe từ trong bom rơi 
Đã về đây họp thành tiểu đội 
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới 
Bắt tay qua của kính vỡ rồi 
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời 
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy.


Tình đồng chí xuất phát từ sự đồng cảnh ngộ, nảy nở giữa chiến trường bom đạn ấy vừa có nét trẻ trung của những người đồng trang lứa (bắt tay...), vừa có cái đằm thắm thương yêu của tình cảm gia đình ruột thịt (chung bát đũa...). Nét độc đáo nhất trong hình tượng người lính ở bài thơ này là sự lãng mạn, tinh tế. Ngồi trong buồng lái không có kính, người chiến sĩ cảm giác như con đường chạy thẳng vào tim. Cảm giác đó rất thực nhưng phải tinh tế mới nhận thấy. Thêm vào đó, anh còn nhận ra:

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim 
Như sa, như ùa vào buông lái


Hình ảnh thơ tuyệt đẹp bởi con mắt nhìn bay bổng và lãng mạn. Cũng chính với tâm hồn ấy, người lính đi giữa đạn bom vẫn luôn nhìn thấy màu xanh của hi vọng, của sự sống đang ngời lên phía trước:

Lại đi, lại đi trời xanh thêm

Đây chính là cái lãng mạn, hồn nhiên mà hơn một lần Phạm Tiến Duật thể hiện trong thơ:

Đường ra trận mùa này đẹp lắm 
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây...
... Em xuống núi nắng vàng rực rỡ 
Cái nhành cây gạt nỗi riêng tư.


Tất nhiên, đã là người lính, hẳn không thể không mang trong tim tình yêu đất nước quê hương, thứ tình cảm thiêng liêng khiến họ sẵn sàng hiến. tặng cả cuộc đời mình. Viết về tình yêu đó, Phạm Tiến Duật gói rất gọn vào mấy câu thơ cuối:

Không có kính rồi xe không có đèn 
Không có mui xe thừng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.


Bằng cách đối lập rất nhiều cái “không” với một cái “có” ở cuối cùng, tác giả đã làm nên thế đối sánh đầy hiệu quả. Người lính có thể vượt qua tất cả những khó khăn trên kia nhờ sức mạnh của tình yêu hướng tới miền Nam ruột thịt. Bao gồm trong hai chữ “trái tim” ấy là bao nhiêu tình cảm, bao nhiêu hi sinh, bao nhiêu máu thịt... Nhà thơ kết thúc tác phẩm ở đó, không nói thêm gì nữa, dồn sức nặng vào hai tiếng cuối cùng, khiến chúng bỗng mang một sức nặng thiêng liêng, khơi gợi sự xúc động trong lòng người đọc. Cũng chính ở khổ thơ này, giọng thơ nghiêm lại, trầm lắng, không còn vẻ bông đùa như những khổ trên nữa, khiến bài thơ mang thêm sắc thái thiết tha.

Như vậy, từ tứ thơ: những chiếc xe không kính đang băng băng trên đường ra trận, Phạm Tiên Duật đã khắc họa rất đậm, rất đẹp hình tượng những người lính lái xe thời chống Mĩ: vui vẻ, lạc quan, trẻ trung, lãng mạn, dũng cảm, hiên ngang và chan chứa yêu thương.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây