Thâm Tâm viết nhiều thể loại: truyện dài, ngắn, kịch, nhưng đặc sắc hơn cả là thơ. Tống biệt hành là bài thơ hay của ông và của nền thơ hiện đại Việt Nam. Bài thơ đã đi vào tâm hồn của nhiều thế hệ bạn đọc.
Trong kho tàng thơ ca chúng ta đã gập nhiều bài viết về đề tài tống biệt, nhất là trong thơ Đường và thơ của các sĩ phu yêu nước Việt Nam. Thâm Tâm cũng chọn đề tài này và viết theo thể hành, một thể thơ cổ phong có trước thơ Đường luật. Cho nên nói như Hoài Thanh, bài thơ đã làm “sống lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ... Nhưng vẫn đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại”. Khó hiểu vì trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân thống trị, nhà thơ không thể nói rõ tâm trạng thật của mình; lòng yêu nước sâu kín, tình cảm yêu mến, sự ngưỡng vọng đối với những người bạn, những chiến sĩ cách mạng đang ra đi vì việc lớn:
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Câu thơ đầu toàn vần bàng tạo nên cái bâng khuâng xao xuyến tiễn đưa. Ở câu 2 đột ngột nổi lên mấy vần trắc (có tiếng sóng) tưởng như có tiếng sóng thật trong lòng người và nghe trong tiếng sóng như cảm nhận được cả hơi lạnh của gió sông.
Dòng sông, bến đò được thơ xưa sử dụng như là biểu tượng của sự chia li, hoàng hôn là biểu tượng của nỗi buồn. Một buổi chiều đầy li biệt, một dòng sông tưởng tượng, những tiếng sóng trong lòng người. Tất cả đều buồn. Xưa Lí Bạch, Tiễn bạn cũng não nùng:
Chia phôi khác cả mối lòng
Người như mây nổi, kẻ trông bóng tà
Vẫy tay thôi đã rời xa
Nhớ nhau tiếng ngựa nghe mà buồn teo
(Tản Đà dịch)
Đỗ Phủ Tiễn Vi Phúng, đi làm việc nghĩa, mong dựng lại chính sự mà cũng không khỏi ngậm ngùi:
Gạt hàng lệ lúc trên sông tiễn bước
Trời cao cao man mác nghĩ buồn thay
Ai đi mở chính lệnh hay
Để ta mong đại lòng này bõ công.
(Á Nam dịch)
Cả hai vị “Thơ tiên” và “Thơ thánh” ấy đều viện đến chiều tà và dòng sông để giãi bày tâm trạng.
Vậy thì Thâm Tâm phải đứng trước một thử thách; vừa tiếp nối mà không lặp lại, vừa tiếp thu mà phải cách tân, học tập mà phải vượt lên. Thơ xưa thường mượn ngoại cảnh để nói nội tâm trong những ước lệ. Thâm Tâm cũng mượn ngoại cảnh và dùng ước lệ nhưng có thêm chi tiết, phần thực của cuộc đời; thêm một người mẹ, hai người chị, một người em. Người ra đi có một thái độ kiên quyết, dứt khoát “một giã gia đình, một dửng dưng...” đi không trở về như thái tử Yên Đan tiền tráng sĩ Kinh Kha bên bờ sông Dịch:
Li khách! Li khách! Con đường nhỏ
Chí lớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.
Đi làm việc lớn thì tình riêng, gia đình nhẹ như không. Giọng thơ có một chút khẩu khí nhưng vẫn dịu xuống khi nghĩ về người mẹ, về cái điều rất dễ mềm yếu lòng người đi mà dựng lại những cảnh chia tay khác của tráng sĩ với người thân, những cảnh chia tay trước đó, không ít bịn rịn thương cảm:
Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót
Ta biết người buồn sáng hôm nay
Trời chưa mùa thu tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ, đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...
Nhiều cảnh ngộ, nhiều tâm trạng đồng điệu, những cảnh chia tay này nằm trong một cuộc chia tay, bởi thế nỗi buồn như càng tâng lên gấp bội và bởi thế, đằng sau cái bề ngoài có vẻ “dửng dưng” ra đi kia là một thế giới nội tâm, là sự dằn lòng, quyết chí của li khách. Quyết chí nhưng không thể không buồn, khi người ra đi bị níu lòng từ nhiều phía; một mẹ già những người chị xác xơ, tiều tụy như sen cuối hạ, đã khuyên em nhiều, đã khóc nhiều để đến lúc chia tay, các chị cũng chỉ còn vài giọt “lệ sót” của li biệt; người em nhỏ ngây thơ cũng là một em gái “mắt biếc” tiễn anh, thương anh và chiếc khăn tay chắc cũng đầy nước mắt. Vả lại thời gian và không gian đưa tiễn cũng thật ảm đạm. Cảnh chiều hôm trước tàn tạ; cảnh sáng hôm nay thương và tiếc, và cảnh buổi chiều “không thắm không vàng vọt” li khách ra đi trời đất như đã hoàng hôn thì cái sự đi, cái chí lớn kia còn xa mờ lắm, còn gợi đến nhiều phấp phỏng, lo cho người ở lại.
Bài thơ kết thúc đột ngột đến ngơ ngác. Sự thực đã ập đến, người đã đi, kẻ ở lại ngổn ngang tâm sự:
Người đi? ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say.
“Mẹ thà coi như...”, “Chị thà coi như...” “Em thà coi như...” Những điệp từ ấy tàn nhẫn xót xa nhưng là một xúc cảm thực, một tâm sự thực nghĩ về sự nghiệp của người ra đi.
Tọng biệt hành có một giọng điệu riêng rất riêng: Bâng khuâng, rắn rỏi, quyết liệt. Giọng điệu này còn xuất hiện ở một số bài thơ khác của Thâm Tâm như Can trường hành, Vọng nhân hành, Tạm biệt hành...
Can trường hành biểu hiện một thời thế tao loạn, mỗi người mỗi nơi mà chàng trai ở đấy vẫn chỉ là một kẻ lang thang, buồn nản, gục đầu trong men rượu:
Cùng ta tri kỉ không ai ở
Vì đời ta cũng chẳng an cư,
Vì đời ta buồn như thế đấy
Cho nên tri kỉ tếch phương trời
Chén rượu, ngồi suông vắng cả người!
Đến lúc biết được đường lối cứu nước của Việt Minh thì Thâm Tâm đã bày tỏ lòng mình với người ra đi vì việc lớn. Bởi thế ở Tống biệt hành, nhà thơ đã bộc lộ một bước phát triển mới trong nhận thức, tình cảm của mình trước hiện thực đất nước, dù vẫn còn xa mờ. Và hình ảnh người chiến sĩ ra đi vì việc lớn (ly khách) ở đây vẫn ít nhiều mang cái dáng dấp của khách chinh phu trong thơ ca lãng mạn đương thời, vẫn giọng thơ ấy ở bài Vọng nhân hành. Người bạn ra đi, có nhiệm vụ, sự nghiệp còn lận đận nhưng ở đây đã chứa chan hi vọng, niềm tin:
Sông Hồng chẳng phải xưa sông Dịch
Ta ghét hoài câu: nhất khứ hề.
Thể hành với hình bóng một li khách đi tìm lí tưởng đã tạo nên một Thâm Tâm. Thâm Tâm đã thành công trong một kết hợp mới: thơ cổ thể nói những cung bậc tình cảm, những tình huống đa dạng của nội tâm, nhờ vậy tạo được cái đa thanh, phức điệu cho thơ.
Tống biệt hành “đứng” được với thời gian là còn nhờ ở nghệ thuật biết sử dụng, luân phiên các nguyên âm mở, phụ âm vang, những hô ngữ (li khách), câu hỏi tu từ (Người đi?...), những cảm thán (Không bao giờ trở lại!... người đi thực!) những điệp từ điệp cú (Sao có tiếng sóng... Sao đầy hoàng hôn... Ta biết người buồn...) của tác giả. Chính biện pháp nghệ thuật đan xen các ngôn ngữ thuật, tả và biểu hiện ấy đã làm tăng thêm chất nhạc và độ sâu cảm xúc, chống lại sự bào mòn của câu chữ quen tay.