© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích chi tiết bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi

Thứ hai - 14/03/2022 11:05
Phân tích chi tiết bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi
Mở đầu là tư tưởng nhân nghĩa: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Giữa bài là tư tưởng nhân nghĩa: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”. Cuối bài là tư tưởng nhân nghĩa: “Mở đường hiếu sinh, để nhân dân nghỉ sức”.
I. Tác giả và tác phẩm
Nguyễn Trãi (1380-1442) là con Nguyễn Phi Khanh, cháu ngoại Trần ! | Dán (Tể tướng nhà Trần). Ông quê ở Nhị Khê, Thường Tín.

Năm đầu đời Hồ (1400), ông đậu Thái học sinh đồng khoa với Lí Tư I III. Vu Mộng Nguyên.

Nguyễn Trãi có làm quan đời Hồ, cùng với cha. Khi giặc Minh sang cướp nước ta, Nguyễn Phi Khanh bị bắt đem đi, Nguyễn Trãi bị giam lỏng ở Đông Quan (Hà Nội). Bị giặc đe dọa, mua chuộc, Nguyễn Trãi vẫn không chịu làm quan với chúng. Năm 1417, ông trốn khỏi Đông Quan, tìm đến Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, giúp Lê Lợi về quân sự, chính trị, ngoại giao và đã đuổi được quân Minh ra khỏi bờ cõi.

Hoà bình lập lại, ông thảo bài Bình Ngô đại cáo thay cho Bình định Lê Lợi, tuyên bố cho trong và ngoài nước biết cuộc đấu tranh chính nghĩa đã thắng lợi. Ông được ban quốc tính (họ Lê), tích cực tham gia xây dựng chế độ chính trị, sửa sang pháp luật, đấu tranh để chính quyền mới không phản lại quyền lợi của nhân dân.

Sang đời Lê Thái Tông, Nguyễn Trãi vẫn cố giữ vững đường lối “giản chính, khoan hình”, chống nghi thức lễ nhạc lố lăng, phiền phức của bọn hoạn quan trong triều. Tính cương trực, tấm lòng vì nước vì dân của ông, giữa nơi có bọn quyền thần như Lương Đăng, Lê Sát, Lê Ngân, là một mối đe dọa cho tính mệnh ông. Ông xin lui về Côn Sơn là nơi xưa kia ông đã từng sống với ông ngoại Trần Nguyên Đán.

Năm 1440, Thái Tông đã lớn, lại mời ông ra giúp nước. Năm 1442, Thái Tông đi Đông Triều về, ghé thăm ông ở Côn Sơn, rồi mất ở Vươn Vải (làng Đại Lai, Gia Bình, Hà Bắc). Nguyên phi Nguyễn Thị Anh vốn bị ông và người thiếp Nguyễn Thị Lộ cản trở việc gây tội ác đối với bà Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao, bèn dựa vào bọn quyền thần, buộc tội ông ( cùng Thị Lộ đầu độc nhà vua, khép vào án tru di tam tộc. Mãi đến năm 1467, Lê Thánh Tông (con bà Ngọc Dao) thấu nỗi oan của ông mới truy phong Tế Văn Hầu và tìm con cháu ông bổ dụng.

Nguyễn Trãi không chỉ là một vị anh hùng dân tộc, một nhà quân sư lỗi lạc, một nhà chính trị tài ba, mà còn là một văn hào lớn.

Tác phẩm của người bị khép vào tội giết vua tất không ai dám tài trữ. Tuy vậy số còn lại vẫn không ít và đều đặc sắc. Có thể kể: Quân trung từ mệnh tập (khoảng 70 bài văn từ lệnh viết thời kháng chiến 10 năm), Ức trai di tập, Chí Linh sơn phú, Lam Sơn thực lục (tập lịch sử kí sự Lam Sơn khởi nghĩa), Dự địa chí (tập sách địa lí vào loại cổ nhất của ta). Về thơ có: Ức trai thi tập (105 bài thơ chữ Hán ngũ ngôn, thất ngôn Quốc ăm thi tập (254 bài thơ Nôm, số lượng vào loại cao nhất trong văn học cổ Việt Nam).

Văn thơ của ông là một đóng góp lớn vào sự phát triển của lịch sử tư tưởng nước ta, vào sự phát triển văn học về cả nội dung lẫn hình thi nghệ thuật.

2. Phân tích Cáo bình Ngô
- Quan hệ đồng nhất (chủ đề)
Đầu thế kỉ 15, nhà Minh Trung Quốc, lấy cớ phục hồi ngai vàng cho họ Trần, đem quân sang chiếm nước ta, đặt nền thống trị, gây vô vàng tội ác.

Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi khởi nghĩa, chiến đấu 10 năm (1418-1427). Cuối năm 1427, 15 vạn quân Minh tiếp viện bị đánh tan tành. Vương Thông buộc phải giảng hòa. Đầu năm 1428, Nguyễn Trãi thay Lê Lợi viết bài Cáo nói rõ với nhân dân cả nước vì sao ta chiến thắng và ta đã chiến thắng như thế nào. Ta thắng vì ta có nhân nghĩa, vì ta anh hùng. Ta đã thắng huy hoàng, trọn vẹn.
- Cấp độ (bố cục) bài Cáo có 5 phần:
1. Tư tưởng nhân nghĩa (2 câu đầu): tư tưởng chủ đạo, chỉ đạo toàn bài
2. Vị trí của nước ta (14 câu tiếp): nước ta là một nước độc lập, có chủ quyền, có cương vực riêng, có nền văn hiến, có phong tục riêng, đã từng song song tồn tại với phương Bắc dưới bao triều vua. Bọn vua chúa phương Bắc không chịu công nhận thực tế đó đã bị trừng trị đích đáng.
3. Tội ác của giặc, nỗi khổ của nhân dân (từ “Vừa rồi...” đến “Ta đây...” Giặc Minh cùng bọn tay sai bán nước đã vơ vét, bóc lột, giết chóc trong suốt 20 năm, tàn sát nhân dân, hủy hoại đến cả côn trùng cây cỏ. Tội ác của chúng trời đất không tha, thần dân không chịu nổi.
4. Diễn biến của cuộc kháng chiến (từ “Ta đây...” đến “Chẳng những mưu kế kì diệu...”): Lúc đầu ta yếu, địch mạnh. Nhưng vì ta biết lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, biết lấy đại nghĩa, chí nhân thay cho cường bạo mà lực lượng kháng chiến ngày càng tăng, chiến thắng ngày càn lớn cho đến trận thắng vang dội cuối cùng.
5. Kỉ nguyên hòa bình (từ: “Chẳng những mưu kế kì diệu...” đến hết): giang sơn từ đây đổi mới, nền thái bình vững chắc muôn đời.
- Yếu tố lựa chọn để phân tích (những yếu tố then chốt)
Tư tưởng nhân nghĩa là tư tưởng quán xuyến: (Khai thác từ “nhân nghĩa” và những ý niệm tương đương, khai thác mối quan hệ đồng nhất giữa nhân nghĩa với những ý niệm nhân dân bàng bạc khắp bài Cáo).

Mở đầu là tư tưởng nhân nghĩa: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Giữa bài là tư tưởng nhân nghĩa: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”. Cuối bài là tư tưởng nhân nghĩa: “Mở đường hiếu sinh, để nhân dân nghỉ sức”.

Nhân là biết bảo vệ hạnh phúc của nhân dân. Hạnh phúc lớn nhất, thông thường nhất là được sống trong hòa bình, được yên ổn làm ăn, không lâm vào cảnh lìa tan, chết chóc là nỗi đau đớn xót xa nhất của kiếp người. Nội dung cơ bản nhất của nhân là “cốt ở yên dân” (yếu tại an dân).

Muốn yên dân thì khi có kẻ phá hoại hòa bình, khi giặc ngoại xâm gieo rắc tai họa cho nhân dân thì điều lo trước nhất là làm thế nào diệt được lực lượng tàn bạo đó: “trước lo trừ bạo”. Đó là nghĩa.
- Nhân nghĩa và nền độc lập, tự chủ: Dân phải có nước, nhân nghĩa còn là việc bảo vệ chủ quyền của đất nước. Ý này không nêu trực tiếp, nhưng tư tưởng toàn bài, cách bố cục, cách chuyển từ phần đầu sang phần hai cho phép liên tưởng đến mối quan hệ giữa tư tưởng nhân nghĩa với nền độc lập, tự chủ của dân tộc.

Từ buổi đầu dựng nước, Lạc Long Quân đã “điếu dân phạt tội”. Dân là các dân tộc anh em sinh ra từ cái bọc trăm trứng của bà Âu Cơ. Tội là mưu đồ cướp bóc của bọn Đế Lai phương Bắc đến quấy nhiễu. Và cũng vì lo cho dân yên ổn làm ăn mà vua Rồng xứ Lạc đã trừ diệt lũ yêu tinh, ma quái dưới biển, trên đất, trên rừng những Ngư tinh, Hồ tinh, Mộc tinh. Tư tưởng nhân nghĩa đã chỉ đạo đường lối chính trị, đối nội, đối ngoại suốt hơn hai nghìn năm thời Hồng Bàng trên đất Văn Lang của liên minh bộ tộc Lạc Việt.

Đến đêm dài nghìn năm Bắc thuộc, khi cái giống “Hoa Hạ” tối cao tự đại phình to mãi cái bụng nhái bén mà nuốt cho hết những tộc sâu bọ “Man, Di” quanh nó, thì tư tưởng nhân nghĩa cũng là tư tưởng soi sáng cho những cuộc vùng dậy liên tiếp, từ những cuộc khởi nghĩa của các vị anh hùng khăn yếm bà Trưng, bà Triệu đến các cuộc đứng lên của Phùng Hưng, Phùng Hải, Lê Phụng Hiểu, Lí Bôn... Tất cả những hành động vì “yên dân mà trừ bạo” ấy làm đà cho lịch sử tiến đến chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938 mở ra kỉ nguyên Đại Việt, kỉ nguyên độc lập tự chủ trên một cương vực vững vàng với những giá trị tinh thần đã thành truyền thống:
Như nước Đại Việt ta từ trước Vốn xưng nền văn hiến đã lâu...

Nhân nghĩa là gốc. Có nhân nghĩa thì thành công. Không có nhân nghĩa thì thất bại. Quá khứ xa xưa đã chứng minh. Quá khứ gần và hiện tại cũng đã chứng minh.
Trước kia, vua Nam Hán là Lưu Cung “bị thất bại”, tướng nhà Tống là Triệu Tiết bị “tiêu vong”, Toa Đô, Ô Mã Nhi, kẻ bị giết, người bị bắt sống, đều là do bọn họ đã mưu toan gây tội ác, phá hòa bình. Họ không có nhân nghĩa:

Việc xưa xem xét
Chứng cớ còn ghi

Xưa là như vậy. Giờ cũng là như vậy. “Bọn cuồng Minh” sở dĩ phải chịu cái cảnh “thây chết đầy đường, máu trôi đỏ nước” cũng là do chúng đã thừa cơ đục nước béo cò, trải hai mươi năm “gây binh kết oán... bại nhân nghĩa nát cả đất trời”. Bị đánh bại, chúng vẫn ngoan cố đưa tiếp viện đến để “chuốc tội gây oán... gây vạ cho bao nhiêu kẻ khác”. Quân dân ta thắng là vì biết:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo.

- Nhân Nghĩa và chủ nghĩa anh hùng: (Khai thác hình tượng tâm tư và hình tượng tính cách của hai nhà lãnh đạo cuộc kháng chiến trong mối quan hệ với nhân dân). Vì “cốt yên dân”, vì “lo trừ bạo”, vì có nhân nghĩa mà Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã đạt tới đỉnh cao chói lọi của chủ nghĩa anh hùng. Cáo bình Ngô đã phản ánh một cách tiêu biểu, sâu sắc chủ nghĩa anh hùng đó.

Chủ nghĩa anh hùng chính là tinh thần “điếu phạt”, ở đây, chủ yếu là tinh thần dám đánh kẻ hung bạo. Hơn ai hết, những người lãnh đạo thấy sự chênh lệch quá đáng trong tương quan lực lượng giữa địch và ta:
Vừa khi cờ nghĩa dấy lẽn
Chính lúc quân thù đang mạnh

Cái mạnh của kẻ thù là do chúng đã đặt được nền thống trị, chúng đã có chỗ đứng, có bộ máy chính quyền để đàn áp, có lũ tay sai bán nước đầu trâu mặt ngựa, có lực lượng hậu phương là kho người, kho của vô tận, là cỗ xe xâm lược lúc nào cũng ở tư thế chuyển bánh, là tư tưởng bành trướng bá quyền và kinh nghiệm thực hiện nó: Cái thế của giặc tương phản với thực lực của tình hình khởi nghĩa, số quân còn ít, tuấn kiệt nhân tài thì “như sao buổi sớm, như lá mùa thu”. Sự chênh lệch ấy khiến người lãnh đạo không khỏi “đau lòng nhức óc”, suy nghĩ nung nấu suốt hàng chục năm trời, phải trải qua những thử thách gớm ghê: ba lần bỏ căn cứ địa Chí Linh, một lần bị vây ba tháng, tuyệt lương thực, bị giặc đánh úp phải mở đường rút lui, Lê Lai hi sinh cứu chúa:
Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần,
Khi Khôi Huyện quân không một đội

Đúng là cảnh “nếm mật, nằm gai, há phải một hai sớm tối”.

Dám đánh vẫn chưa đủ, còn phải biết đánh. Dám đánh là dũng, biết đánh là trí. Trí dũng là phẩm chất cơ bản trong nội dung của chủ nghĩa anh hùng chân chính với động cơ vì dân.

Biết đánh là biết “lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều”. Thế trận phải bất ngờ, dùng quân phải biết mai phục. Biết đánh là biết làm thay đổi tương quan lực lượng, càng đánh càng mạnh, càng lớn lên, để cuối cùng quật ngã quân thù. 

Tính hùng ca đậm sắc nhất ở phần kết thúc bài Cáo, tức là bước phát triển cao trong quá trình thể hiện chủ nghĩa anh hùng của những người lãnh đạo và của toàn quân trong cuộc chiến đấu là ở giai đoạn tấn công.

Quang cảnh kết thúc thật là hùng vĩ. Cả nước ra quân, cờ không kịp may, lấy cần trúc mà dựng cờ: “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới”. Toàn quân là một khối nhất trí, đồng cam cộng khổ trong mối quan hệ thắm thiết giữa tướng và quân: “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Lực lượng thì hùng hậu, lòng quân thì hăm hở, cuộc chuẩn bị như lay động đất trời: “Gươm mài đá, đá núi cũng mòn, voi uống nước, nước sông phải cạn”. Chưa bao giờ, trong lịch sử chế độ phong kiến lại diễn ra một cảnh hào hùng đến thế. “Yên dân, trừ bạo” là một giải đồng tâm thắt chặt trên dưới, là sức mạnh đoàn Kết của một cộng đồng mà quan hệ giữa người với người là quan hệ anh em, cha con, vì nghĩa lớn mà chiến đấu.

Chiến thắng như được báo trước, nhất định sẽ vang dội dồn dập: “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật, miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”. Rồi nào lã “trút sạch lá khô, phá toang đê vỡ”, nào là “đánh một trận sạch không Kinh ngạc, đánh hai trận tan tác chim muông”. Trong thế tấn công thần tốc của quân ta “Ngày mười tám trận Chi Lăng, Liễu Thăng thất thế, ngày hai mươi, trận Mã Yên, Liễu Thăng cụt đầu, ngày hăm lăm bá tước Lương Minh đại bại tử vong”. Ba ngày sau “thượng thư Lí Khánh cùng kế tự vẫn”. Giặc chết hàng vạn, bị chém, bị giết. Chỗ này “máu chảy thành sông, thây chết đầy nội”, chỗ kia “thây chết đầy đường, máu trôi đỏ nước”. Chết nhiều, mà chết nhục nhã. Số phận bọn bành trướng bá quyền xưa kia là vậy, ngày nay cũng là vậy. Giặc ngoại xâm, đứa bị bêu đầu, đứa bỏ mạng, đứa cụt đầu, đứa tự vẫn: “Nước sông nghẹn ngào tiếng khóc, cỏ “ôi đầm đìa máu đen”. Không chỉ đại bại ở chiến trường, mà còn đại bại nơi tư cách, nhân phẩm. Không một tên nào còn chút khí phách của quân tướng “thiên triều”. Tướng tá, đô đốc, thượng thư, bá tước, đứa thì “lê gối dâng tờ tạ tội”, đứa thì “trói tay để tự xin hàng, vẫy đuôi xin cứu mạng”. Có khi quân ta chưa tới mà giặc đã “nghi ngờ khiếp vía mà vỡ mật”, “xéo lẽn nhau chạy để thoát thân”.

Chiến tranh kết thúc. Những tên chỉ huy cao nhất như Mã Kì, Phương Chính được cấp thuyền ra đến biển mà vẫn “hồn bay phách lạc”. Trên bộ thì Vương Thông, Mã Anh được phát vài nghìn cỗ ngựa “về đến nước mà vẫn tim đập chân run”. Giặc đại bại thảm hại, chiến thắng thuộc về những người vì mục đích “yên dân” mà lo “trừ bạo”. Cái lượng trời biển mở đường hiếu sinh cho kẻ đã chém giết mình, cái lượng vươn cánh từ bi ra tận biển khơi, đến tận trái tim phương Bắc lại thêm ánh sáng nữa cho bản hùng ca nhân nghĩa. Và bản hùng ca còn một lần nữa được thêm ánh sáng ở triển vọng tươi sáng, hướng về tương lai, khi những người chiến thắng được quyền nghĩ:
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu,
Muôn thuở nền thái bình vững chắc.
Bốn phương biển cả thanh bình...
Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới

3. Kế thừa và phát huy: (bài Cáo gợi liên tưởng đến những thời kỳ chống giặc trước đó. Khai thác sự liên tưởng đó ở những tác phẩm then chốt).

Cáo bình Ngô vừa kế thừa vừa phát huy những tinh hoa của tư tưởng thời phong kiến phồn vinh. Tinh hoa ấy, về văn học, được chung đúc trong hai tác phẩm tiêu biểu ở hai vương triều tồn tại lâu bền trước kia. Hai tác phẩm ấy là bài “thơ thần” bốn câu của Lí Thường Kiệt và bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn. Liên hệ đối chiếu để thấy sự trưởng thành trong bước đi lên của chế độ phong kiến.

Bài Cáo đã kế thừa hai tác phẩm trên về ba nội dung chính sau đây:
Một là, ý thực về độc lập và chủ quyền. Nói “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” là nói nước Nam có núi sông của mình, có cương vực, bờ cõi riêng. Đó là hình thức Nam đế là nội dung, là cái chứa. Cái vỏ Việt Nam phải có cái chứa Việt Nam. Nam quốc là dành cho Nam đế. Nói như ngày nay, phải có sự thống nhất giữa hình thức và nội dung, cần ghi thêm: Có thấy Đế là danh hiệu mà bọn bành trướng dành niêm riêng cho “thiên tử” Trung Hoa thi mới thấy hết cái tự hào, thách thức của Nam đế.

Ở bài Hịch, Trần Quốc Tuấn cũng nói tương tự. Khác nhau là ở chỗ trong mối quan hệ giữa ông với tướng sĩ thì Đế được thay bằng chủ: “Nay các ngươi nhìn chủ nhục mà không biết lo...”

Ý thức về độc lập và chủ quyền trong bài Cáo là sự tách bạch rạch ròi về hình thức lẫn nội dung giữa hai quốc gia, không có sự mập mờ: “Núi sông bờ cõi đã chia”, nhất là “phong tục Bắc Nam cũng khác”. Phong tục, tập quán, một mái tóc dài hay ngắn, một hàm răng trắng hay đen, một sắc áo màu nâu hay tía, một chắp tay vái trước bàn thờ tiên tổ, một tấm bánh chưng, bánh dầy dùng vào ngày Nguyên đán... những nét bình thường trong sinh hoạt, tưởng chừng không quan trọng, thực ra có ý nghĩa lớn. Vì đó là những đặc thù phân biệt các nền văn hóa khác nhau. Đó là những vẻ đẹp riêng, là chiều sâu tâm hồn, là niềm tự hào chính đáng của một cộng đồng. Một nghìn năm mưu đồ đồng hóa của phong kiến phương Bắc đã hoàn toàn thất bại là vì thế. Bọn xâm lược nhà Minh cũng có ý đồ tiêu diệt nền văn hóa Đại Việt. Cướp nước ta được mấy năm, vua nhà Minh ra lệnh cho Trương Phụ, Trần Húc tiêu hủy tất cả sách vở, những bản xin sách, bia đá... của ta, Năm 1419 chúng vơ vét hết sách vở đưa về Kim Làng (Nam Kinh). Năm 1414, Hoàng Phúc bắt người nam phải để tóc dài, không được cắt tóc, phụ nữ phải mặc áo ngắn quần đài như người phương Bắc. Bản “Tuyên minh giáo hóa” quy định tỉ mỉ cách ăn mặc cho quan lại, cho các viên chức ở xã, cho sinh viên, v.v...

Hai là, quyết tâm bảo vệ độc lập và chủ quyền. Quyết tâm này là hệ luận của ý thức kia. Đã có độc lập và chủ quyền thì kẻ xâm lược đến tất phải đánh và phải thắng. “Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” của bài “Thơ thần” cũng cùng một ý với câu “Giặc với ta là kẻ thù không đội trời chung” trong bài Hịch. Không đội trời chung, tất phải một mất một còn, mà mất chính là bọn xâm lược. Bài Cáo cũng nói như thế: “Ngẫm thù lớn há đội trời chung, căm giặc nước thề không cùng sống”.

Ba là, ý thức trách nhiệm của người có ý thức về nhiệm vụ của mình. Những người tổ chức và chỉ huy ba cuộc kháng chiến ở ba thời kỳ đều có ý thức rất rõ về mình, những kẻ trượng phu mà vận mệnh gắn chặt với vận mệnh của chế độ. Đánh giặc là nhiệm vụ của họ. Cảnh cáo quân Tống, Lí Thường Kiệt muốn nói chính ông sẽ đánh bại chúng. Trong bài Hịch, chủ thể được biểu lộ trực tiếp “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đềm vỗ ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa”. Bài Cáo không nói khác: “Đau lòng nhức óc, chốc đã mười mấy năm trời... Tự ta, ta phải dốc lòng”.

Không chỉ kế thừa, nội dung ở bài Cáo còn được nâng cao. Bước phát triển mới sở dĩ thể hiện được sâu sắc là do một số đặc điểm về người viết và hoàn cảnh viết.

Người viết, Nguyễn Trãi, có cha bị giặc bắt. Nợ nước kết hợp với thù nhà, lời dặn của cha canh cánh bên lòng, tác động đến tình cảm của nhà thơ, ảnh hưởng tốt đến cách nhìn của ông về thời cuộc. Ông lại là một văn hào lỗi lạc, có tâm hồn phong phú, đức cả tài cao, có khả năng diễn đạt đặc sắc và mãnh liệt những cảm nghĩ tiêu biểu cho thời đại của mình.

Thời đại là đỉnh cao của chế độ phong kiến. Từ Ngô, Đinh suốt hơn năm trăm năm xây dựng, giữ gìn đất nước, mở rộng bờ cõi để đưa xã hội đến đỉnh cao, vai trò tích cực của quần chúng nhân dân đã rõ ràng. Cơ sở hiện thực của bài Cáo, trong phạm vi hẹp hơn, là cuộc kháng chiến chống quân Minh. Cuộc kháng chiến lúc đầu là một cuộc khởi nghĩa, một mốc nổi dậy từ trong lòng địch. Tính chất của cuộc chiến đấu buộc những người cầm đầu phải đi sâu vào nhân dân, để được họ che chở, ủng hộ và phát động họ cầm vũ khí. Đi vào nhân dân, Nguyễn Trãi cũng như Lê Lợi càng xót xa về vô vàn nỗi khổ do tội ác của giặc gây nên.

Sử chép: “Trong hai mươi năm thống trị (1407 - 1427), quân Minh thiết lập một bộ máy thống trị quân sự và dùng những hình pháp cực dã man như rút ruột người treo trên cây, nấu thịt người lấy dầu thắp đèn trong quân, nướng sống người làm trò chơi cho quân lính, phanh thây đàn bà có thai làm hai mảnh, kẹp tre rút lên không, chất thây người làm mồ kỉ niệm”. Không chỉ thấy nỗi khổ của nhân dân để mà thương, ông còn thấy được bản chất anh hùng của họ để mà quý trọng: “là lật thuyền mới biết sức dân như nước”.

Bài Cáo lại được viết sau khi chiến tranh kết thúc, viết để bố cáo cho toàn dân biết. Người viết đã được tắm trong không khí chiến thắng, đã dược thấy bằng mắt, nghe bằng tai những biểu hiện rực rỡ nhất của chủ nghĩa anh hùng (bài “Thơ thần” và bài Hịch đều viết trước chiến thắng). Cáo là một thể loại có luật, viết theo một thể thức quy phạm. Hình thức biền ngẫu, đối xứng, đòi hỏi phải cô đúc hiện thực. Mỗi vế, mỗi câu chứa đựng một nội dung súc tích. Đồng thời bài Cáo phải làm sống lại quá trình chiến đấu, phải miêu tả, tường thuật, không thể chỉ có những ý trừu tượng, khái quát như ở bài Hịch, bài “Thơ thần”. Do những đặc điểm trên, bài Cáo đã tổng hợp được, ở một bước cao hơn, phong phú và cụ thể hơn, những giá trị tích cực nhất của cao trào dân tộc nửa đầu thế kỉ 15.

Bước phát triển mới biểu hiện cụ thể ở cả hai mặt: nhận thức và tình cảm:
- Về nhận thức, chưa bao giờ có một niềm tự hào lớn lao và rộng rãi về Tổ quốc như bài Cáo. Nước Việt là một quốc gia vĩ đại. Nước Đại Việt đã chặt xiềng xích từ lâu, tách khỏi phương Bắc: “Núi sông bờ cõi đã chia”.
 
Cái khung bờ cõi của Đại Việt không thể là cái mà phong kiến phương Bắc có thể tùy tiện kéo về mình. Cùng với hình thức là một nội dung độc lập, tự chủ. Ở bài “Thơ thần”, nội dung đó được thu gọn trong hình tượng một ông vua. Ở bài Hịch, nội dung đó là triều đình, là ông chủ ban ơn cho kẻ dưới: “Các người không có mặc thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho cơm”. Bài Hịch có nhắc đến những anh hùng hào kiệt nhưng là những Kĩ Tín, Dự Nhượng, Do Vu, những con người không phải của lịch sử Việt Nam. Ở bài cáo, cái nội dung mà người Việt làm chỉ là những giá trị tinh thần lớn lao, là phong tục tập quán, là một nền văn hiến đã có từ lâu đời “vốn dựng nền văn hiến đã lâu”, là những anh hùng hào kiệt liên tục xuất hiện “đời nào cũng có”. Một đất nước như thế thì các triều đại của nó kém gì các vương triều phương Bắc. Trong lịch sử phát triển của nước Đại Việt, các vương triều hai nước song song tồn tại, song song phát triển như hai lực lượng đối diện:
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần, bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên hùng cứ một phương.

Hơn thế, các triều đại Việt Nam, mỗi lần có đụng độ, đều chiến thắng. Nhà Hán, nhà Tống, nhà Nguyên đã thua thảm hại. Hoằng Thao, con vua Nam Hán, thất bại, Triệu Tiết, tướng nhà Tống bị tiêu vong. Nguyên gây chuyện với Trần thì Toa Đô, ô Mã, kẻ bị bắt sống, kẻ bị giết tươi. Và ngày nay nữa, Minh đánh Lê, thì kết quả như thế đấy!

- Về tình cảm: Tình cảm trong bài Cáo. Chủ nghĩa yêu nước, động lực cơ bản của chủ nghĩa anh hùng, là đỉnh cao phát triển của chính sách thân dân, vốn là chính sách chung của các triều đại trước, Nguyễn Trãi coi việc chăm lo đến quyền lợi, đời sống của nhân dân, đến nền văn hóa dân tộc, là nội dung chính của chủ nghĩa yêu nước, về biểu hiện, chủ nghĩa yêu nước ở đây vừa khái quát lại vừa cụ thể, vừa có thương yêu vừa có căm thù. Bài Cáo nói đến nước Đại Việt, đến nền văn hiến, đến các triều đại, đến “nhân dân bốn cõi” là những ý niệm. Nhưng đồng thời, lòng yêu thương, niềm đau xót cũng được gửi vào những đối tượng cụ thể: dân đen, con đỏ, kẻ góa bụa, phu phen. Trong những hình ảnh như có máu, nước mắt thấm vào (nướng dân đen trên ngọn lửa, vùi con đỏ xuống dưới hầm, dòng lưng mò ngọc trai, nheo nhóc thay kẻ góa bụa, tan tác cả nghề canh cửi...).

Lòng căm thù khi thì được nói lên trực tiếp, khi thì toát lên từ những hình ảnh thật mạnh? “Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán”. Mũi nhọn căm thù bay vút cắm thẳng vào “thằng nhãi con Tuyên Đức”, thủ phạm chính của bao nỗi đau thương.

Yếu tố quan trọng nhất, ở đỉnh cao của bài Cáo, là tư tưởng nhân - nghĩa. Tư tưởng này không chỉ quán xuyến toàn bài, mà trong thực tiễn toàn cuộc chiến, trong suốt cuộc đời của Nguyễn Trãi, cũng là tư tưởng chỉ đạo. Trong những lá thư trả lời Phương Chính hoặc dụ Vương Thông, tư tưởng đó trở đi trở lại nhiều lần. “Đạo làm tướng, lấy nhân nghĩa làm gốc... Phàm mưu đồ việc lớn, phải lấy nhân nghĩa làm gốc... Ham thế lớn, thích công to, sao bằng làm đạo quân nhân nghĩa...” Góp ý với vua về : các việc dùng binh, pháp lí, giao tế, cả đến việc soạn nhạc, Nguyền Trãi đều xuất phát từ nhân nghĩa: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc... Dám mong bệ hạ rủ lòng thương yêu và chăn nuôi muôn dân, khiến cho thôn cùng xóm vắng, không có một tiếng hờn giận oán sầu, đó tức là giữ được cái gốc của nhạc vậy”.

Tư tưởng nhân nghĩa trong bài Cáo có phẩm chất cao đẹp hơn nhiều với tư tưởng chính thống Nho giáo.

Nhân nghĩa Khổng Mạnh là một nguyên lí chính trị, đạo đức nhằm củng cố quan hệ trong nội bộ thống trị và xác định sự thống trị đối với nhân dân. Nhân là tình cảm về ngũ luân, về năm mối quan hệ: vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bè bạn. Nghĩa là nhiệm vụ thực hiện ngũ luân. Thời Xuân Thu, Chiến Quốc, thời nội chiến, nhân nghĩa có mục đích vãn hồi trật tự xã hội.

Ở Nguyễn Trãi, nhân nghĩa là nhân nghĩa thời chiến tranh yêu nước mà hàng ngũ chỉ huy có dân nghèo như Nguyễn Xí, Nguyễn Chích, Trịnh Khả, có cả gia nô như Lê Ngã. Nhân là lòng thương yêu thật sự những người bình thường nhất, những kẻ manh lệ (người làm ruộng và người đi ở), những “dân đen”, những “con đỏ”, những người “làm nghề canh cửi”, những “kẻ phu phen”, tức đông đảo nhân dân, và nói chung là cả dân tộc dưới ách thống trị nhà Minh. Nhân còn là lòng bao dung độ lượng đối với cả bọn người phương Bắc trong đội quân xâm lược. Nghĩa là yên dân và trừ bạo, là chủ nghĩa anh hùng để thực hiện nhân, bảo vệ hạnh phúc nhân dân, tiêu diệt những lực lượng chà đạp lên hạnh phúc. Khi giặc tan, thì nhân nghĩa là sự cố gắng thể hiện ước mong có một xã hội “vua sáng tôi hiền”, thương yêu dân chúng, làm những việc khoan dân. Đó là chủ nghĩa nhân đạo của dân tộc biết quý trọng con người, biết hòa hiếu với các dân tộc khác.

Tư tưởng nhân nghĩa là tư tưởng lớn nhất của Nguyễn Trãi, cũng là tư tưởng lớn nhất của thời đại. Đó thực sự là chính nghĩa, là đường lối chính trị, quân sự, ngoại giao của những con người thấy được sức mạnh của một dân tộc anh hùng, tin vào quá khứ, hiện tại, sau chiến thắng có tư thế của đấng trượng phu trong cách xử sự với đối phương. Nó là một đóng góp lớn lao cho sự phát triển của lịch sử tư tưởng Việt Nam.
Nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là cái cầu bắc nhịp với ngày nay. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, sau đại thắng mùa xuân 1975, xuân 1979, mỗi lần đọc lại Cáo bình Ngô, ta càng xúc động, tưởng chừng Nguyễn Trãi đang đứng bên ta.

Tuy nhiên, Nguyễn Trãi vẫn khó thoát li hoàn toàn khỏi ý thức phong kiến. Quan điểm nhân dân trong tư tưởng nhân nghĩa của ông chưa thể hoàn toàn như của chúng ta ngày nay. Ông có thấy nhân dân, thấy họ đau khổ, biết tập hợp họ lại, nhưng vẫn không thấy được vai trò quyết định của họ. Cái ta của người bố cáo vẫn trùm lên nhân dân, cái tôi vẫn lớn tuy không như trong bài Hịch. Và cả những khi, đáng phải nghĩ tới nhân dân, thì Nguyễn Trãi lại nghĩ tới những lực lượng siêu hình quen thuộc:
Trời thử lòng trao cho mệnh lớn,
Ta gắng chí khác phục gian nan.

Cuối bài Cáo, quần chúng nhân dân, lực lượng chiến thắng vĩ đại nhất, chân chính nhất vẫn không được nhắc tới. “Trời đất” từ nơi xa, “tổ tông” từ chốn cũ lại là những nhân tố tạo nên chiến thắng: “Âu cũng nhờ trời, đất tổ tông khôn thiêng ngầm giúp đỡ mới được như vậy”.

Những hạn chế trên không làm giảm bước phát triển trong nội dung bài Cáo. Bước phát triển này tạo giá trị hiện đại cho một tác phẩm xưa. Bài Cáo là một bài học còn nóng hổi giúp chúng ta khẳng định sâu sắc hơn một số chân lí về bản chất của kẻ xâm lược, về nguyên nhân tất thắng của chiến tranh nhân dân. Trước kia, cũng như ngày nay, bọn xâm lược, kẻ thù của hòa bình, của nhân dân, là những tên man rợ, khát máu, hùng hổ khi còn sức mạnh, ngoan cố lì lợm trước lẽ phải, thua trận thì lộ hết bản chất tham sống sợ chết đến vứt bỏ hết nhân phẩm, hèn nhát đến thảm hại. Bài Cáo cho phép rút ra nhiều kết luận bổ ích về quy luật của chiến tranh nhân dân. Khi người lãnh đạo biết vì dân mà hành động, biết lấy dân làm gốc để dựa vào dân thì có thể dùng chiến lược “mưu phạt, tâm công”, bí quyết khiến cho thắng lợi cuối cùng thuộc về nhân dân, dù cho kẻ thù có lực và có thế.

Bài Cáo bình Ngô là một tác phẩm văn học lớn trong truyền thống văn học nhân nghĩa, anh hùng của dân tộc ta.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây