© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Phân tích văn bản “Ôn dịch, thuốc lá” theo bốn phần của văn bản

Thứ năm - 03/10/2019 11:46
Văn bản “Ôn dịch, thuốc lá” của Nguyễn Khắc Viện có thể được chia làm 4 phần, nội dung của mỗi phần có thể tóm tắt như sau:
Phần 1: từ Dịch hạch, thổ tả ... còn nặng hơn cả AIDS”.
Tác giả đặt vấn đề, nêu tầm quan trọng và tính chất nghiêm trọng của vấn đề được nêu trong văn bản.
Dựa vào kết luận của hơn năm vạn công trình nghiên cứu, tác giả đưa ra nhận định và xem như đó là một tiên đề: Ôn dịch, thuốc lá đang đe dọa sức khỏe và tính mạng của loài người còn nặng hơn cả bệnh AIDS.

Phần 2: từ Ngày trước Trần Hưng Đạo ... sức khỏe cộng đồng.
Cách thức mà thuốc lá làm hại đến sức khỏe của con người, nó không làm người ta lăn đùng ra chết nên không dễ nhận biết. Do vậy, thuốc lá là một kẻ thù tiềm tàng, có thể gây hại bất cứ lúc nào.
Để cụ thể hơn, tác giả đã so sánh việc chống thuốc lá với chống giặc ngoại xâm. Tác giả đã mượn lời của thiên tài quân sự Trần Hưng Đạo để nói về tác hại của thuốc lá. Nếu giặc đánh như vũ bão thì không đáng sợ, đáng sợ là giặc gặm nhấm như tằm ăn dâu. Dâu được ví với con người, tằm ví với khói thuốc lá, Tằm ăn dâu dần dần, tuy nhiên, nếu tằm ăn dâu thì có thể nhận biết ngay là đến đâu, nhưng tác hại của khói thuốc lá cho con người thì không thể thấy được. Những công trình nghiên cứu đã cho thấy trong khói thuốc lá có đến 4000 loại hóa chất trong khói thuốc lá có thế gây bệnh hiểm nghèo. Tiếc thay nhiều người cảm thấy sảng khoái khi nhả khói phì phèo, thậm chí còn xem đó là một biểu tượng cho sự sang trọng.
Sau khi nêu tác hại ghê gớm của khói thuốc lá đối với sức khỏe của con người, tác giả nêu lên một thiệt hại khác đó là về mặt kinh tế và xã hội. Chẳng hạn, chỉ vì bệnh viêm phế quản, chúng ta có thể mất đi bao nhiêu ngày công lao động.

Phần 3: từ Có người bảo ... mà còn nêu gương xấu.
Nếu trong phần thứ hai tác giả nêu tác hại của khói thuốc đối với bản thân người hút thì trong phần này tác giả lại đề cập đến tác hại đối với những người không hút thuốc nhưng phải hứng chịu khói thuốc từ chung quanh. Đây là điều mà không phải ai cũng biết. Để làm nổi bật điều này, tác giả đã mở đầu bằng lời biện minh thường gặp ở những người hút thuốc: “Tôi hút, tôi bị bệnh, mặc tôi!”. Bằng những lập luận chặt chẽ, dẫn chứng sinh động và cả tình cảm nhiệt thành, tác giả đã bác bỏ luận điểm sai lầm ấy.
Có hai khái niệm được giới khoa học dùng phổ biến là hút thuốc lá chủ động và hút thuốc lá bị động. Không hút thuốc nhưng để cho khói thuốc gây tác hại đến bản thân gọi là hút thuốc lá bị động hoặc hút thuốc lá thụ động.
Những người hút thuốc làm cho những người chung quanh sẽ hút thuốc lá bị động, đó là một tấm gương xấu về mặt đạo đức.

Phần 4: phần còn lại.
Trình bày cảm nghĩ và lời bình của tác giả: “Nghĩ đến mà kinh! Đã đến lúc mọi người phải đứng lên chống lại, ngăn ngừa nạn ôn dịch này”. Tác giả đã so sánh tình hình hút thuốc lá ở Việt Nam và các nước Âu - Mĩ. Ta nghèo hơn các nước Âu - Mĩ rất nhiều nhưng xài thuốc lá tương đương với các nước đó. Đó là điều không thể chấp nhận. Để chống tệ hút thuốc lá, các nước đó đã tiến hành những chiến dịch, thực hiện những biện pháp ngăn ngừa quyết liệt hơn ta. Đó là điều thứ hai đáng để suy nghĩ.
Sự so sánh ở phần này của văn bản vừa có tác dụng làm rõ hơn tính đúng đắn của những điều được thuyết minh ở các phần trên, vừa tạo đà thuận lợi, cơ sở vững chắc cho tác giả nêu lên lời phán xét cuối cùng.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây