© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Soạn Văn 11, bài đọc thêm: Chạy Giặc - Nguyễn Đình Chiểu

Chủ nhật - 05/01/2020 09:33
Hướng dẫn soạn Ngữ Văn 11, bài đọc thêm: Chạy Giặc - Nguyễn Đình Chiểu, trả lời câu hỏi SGK.
Câu hỏi 1. Cảnh đất nước và nhân dân khi giặc Pháp đến xâm lược miêu tả như thế nào? Phân tích nét đặc sắc trong ngòi bút tả thực của tác giả.
Câu hỏi 2. Trong hoàn cảnh đó, tâm trạng, tình cảm của tác giả như thế nào? Qua đó nổi bật lên nội dung gì của bài thơ?
ĐỌC THÊM: CHẠY GIẶC
Nguyễn Đình Chiểu

HƯỚNG DẪN ĐỌC THÊM
Câu hỏi 1. Cảnh đất nước và nhân dân khi giặc Pháp đến xâm lược miêu tả như thế nào? Phân tích nét đặc sắc trong ngòi bút tả thực của tác giả.
Cảnh đất nước và nhân dân khi giặc Pháp đến xâm lược đã được nhà thơ miêu tả chân thực và sinh động trong từng câu, từng chữ của bài thơ. Mở đầu bài thơ là nỗi đau:

Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây
Một bàn cờ thế phút sa tay

Tan chợ không có nghĩa là chợ tàn, chợ hết người mà có nghĩa là tan nát, tan vỡ. Câu thơ mở đầu là lời trần thuật, tả thực về khung cảnh của đất nước khi giặc Pháp tấn công vào nước ta. Cũng không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ lại dùng hình ảnh chợ trong câu thơ để thông báo một hiện thực: tiếng súng ấy là sự mở màn cho cuộc xâm lăng đột ngột, bất ngờ của thực dân Pháp đối với đất nước ta. Chợ, trong quan niệm của người Việt là không gian văn hoá mang ý nghĩa cộng đồng, nơi gặp gỡ và giao lưu, nơi thể hiện đời sống kinh tế, văn hoá của cộng đồng. Nhưng không gian ấy bây giờ đã bị phá vỡ. Đất nước ta đã rơi vào thế nguy nan: “Một hàn cờ thế phút sa tay”. “Cờ thế” là cuộc chơi cờ quyết định thắng thua trong một nước đi. Hình ảnh ấy đã nói lên một cách thấm thìa tình thế hiểm nghèo của đất nước. Sai lầm trong nước cờ của triều đình nhà Nguyễn đã dẫn đất nước ta vào thế nguy nan.

Từ nỗi đau của đất nước, bốn câu thơ tiếp theo đã khắc hoạ nỗi đau của nhân dân, nỗi đau của những sinh linh bé nhỏ và vô tội:

Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
Mất ổ bầy chim dáo dác hay
Bến Nghé của tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh khói nhuốm màu mây

Hai câu thực tạo nên thế sóng đôi với nhau cả về ý, từ ngữ lẫn nhịp điệu: bỏ nhà – mất ổ; lơ xơ chạy – dáo dác bay; lũ trẻ – bầy chim. Hai chữ lơ xơ gợi lên dáng vẻ hốt hoảng, lếch nhếch, bơ vơ của những đứa trẻ, những thân phận biểu thị cho nỗi đau trong thời chiến. Hình ảnh “bầy chim dáo dác bay” có thể hiểu theo cả nghĩa thực và nghĩa biểu tượng. Ngay cả đến những cánh chim bây giờ cũng không tìm được chốn dung thân, nói gì đến con người?

Hai câu luận cũng tạo nên bởi những hình ảnh sóng đôi. Những miền đất, những địa danh được nhắc đến trong hai câu thơ càng làm cho nỗi đau của tác giả mà cũng là của nhân dân được đậm nét hơn. Bến Nghé, Đồng Nai vốn là những miền đất thanh bình bây giờ chỉ còn là nơi hoang tàn, đổ nát. Nhà thơ mù Đồ Chiểu đã nhìn đất nước bằng linh giác để nỗi đau ngoại cảnh thấm vào tận tâm linh của nhà thơ.

Câu hỏi 2. Trong hoàn cảnh đó, tâm trạng, tình cảm của tác giả như thế nào? Qua đó nổi bật lên nội dung gì của bài thơ?
Từ cảnh thực, bài thơ được khép lại bằng sự xót xa:

Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng
Nỡ để dân đen mắc nạn này?

Tâm trạng bao trùm bài thơ là nỗi đau. Nỗi đau ấy thấm sâu vào tận câu chữ nhưng đọng lại đậm nét nhất là hai câu kết. Đó là câu hỏi nhưng là câu hỏi tu từ. Câu hỏi nhưng cũng là lời mỉa mai, trách cứ. “Trang dẹp loạn” là cách nói trang trọng, thường để chỉ những đấng anh hùng, nhưng “trang dẹp loạn” đi liền sau câu hỏi “rày đâu vắng?” càng tăng thêm tính mỉa mai. Hai câu cuối còn là một tiếng kêu cứu. Vì vậy, bài thơ là nỗi đau, đau nước, đau dân, đau lòng. Trong nỗi đau ấy còn có cả nỗi đau của một tấm lòng trung quân đã cảm thấy sự đổ vỡ niềm tin vào triều đình phong kiến.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây