© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Trả lời câu hỏi 2 SGK Ngữ văn 9 trang 72.

Thứ sáu - 29/09/2017 06:51
Qua đoạn trích tác phẩm, em cảm nhận hình ảnh người anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ như thế nào? Theo em nguồn cảm hứng nào đã chi phối ngòi bút tác giả khi tạo dựng hình ảnh người anh hùng dân tộc này?.
a. Hướng dẫn tìm hiểu

Hình ảnh người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ được tác giả khắc hoạ chủ yếu qua đoạn văn: “Nhắc lại, Ngô Văn sở sau khi... “đến giữa trưa hôm ấy, vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo vào thành”. Cần đọc kỹ văn bản và các chú thích trong sách giáo khoa để hiểu nội dung và các từ khó. Hình ảnh nhân vật được tác giả khắc hoạ qua những chi tiết nào: về ngoại hình, cử chỉ, lời nói...

b. Gợi ý trả lời

Đọc những câu thơ:

Đánh Ngọc Hồi, quân Thanh bị thua trận 
Bỏ Thăng Long, Chiêu Thống trốn ra ngoài


Ta như được sống lại những giờ phút lịch sử hào hùng của dân tộc vào cuối năm Mậu Thân (1788), đầu năm Kỉ Dậu (1789) khi Lê Chiêu Thống đã rước 29 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu, kéo sang xâm lược nước ta. Trong không khí lịch sử ấy, hình ảnh người anh hùng áo vải đất Tây Sơn xuất hiện như một vị cứu tinh của dân tộc (Nguyễn Huệ).

Đoạn trích mở đầu bằng sự kiện Ngô Văn Sơ - một tướng của đội quân Tây Sơn - lui quân về án ngữ tại Biện Sơn và Tam Điệp. Một tình thế khá nguy cấp. Trong bối cảnh đó Nguyễn Huệ xuất hiện với vai trò của một vị thủ lĩnh đại tài, có tầm nhìn chiến lược và quyết đoán. Khi nghe tin Nguyễn Văn Tuyết cấp báo Ngô Văn Sở đã lui về Tam Điệp thì Nguyễn Huệ “giận lắm, liền họp các tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay”. Là một vị thống lĩnh đại quân Tây Sơn đang trên đà tiến quân đánh bại giặc Thanh cướp nước và bè lũ bán nước Lê Chiêu Thống, nhưng lại phải tạm thời lui quân, hỏi sao Nguyễn Huệ không sốt ruột, lo lắng cho được.

Nhưng với sự sáng suốt, điềm tĩnh, luôn lắng nghe ý kiến của cấp dưới, Nguyễn Huệ đã cân nhắc lời khuyên của tướng sĩ: “Trước hết hãy chính vị hiệu, ban lệnh ân xá khắp trong ngoài, để yên kẻ phản trắc và giữ lấy lòng người, rồi sau sẽ cất quân ra đánh dẹp cõi Bắc cũng chưa là muộn”. Lời khuyên đó được vị chủ soái chấp nhận. Bởi Nguyễn Huệ lúc đó mới chỉ là một thủ lĩnh của phong trào nông dân, đại diện cho một giai cấp.

Như vậy, nếu không “Chính vị hiệu”, thì chưa thể thu hút được sự ủng hộ của quần chúng và gây tiếng vang cho phong trào, danh chưa chính thì ngôn không thể thuận. Một quyết định được đưa ra vô cùng nhanh chóng, chỉ một ngày sau khi Nguyễn Văn Tuyết cấp báo, 25 tháng Chạp Nguyễn Huệ đã “đáp đàn ở núi Bân tế cáo trời đất cùng các thần sông, thần núi... lên ngôi hoàng đế”, lấy niên hiệu Quang Trung. Đó là một quyết định hết sức sáng suốt mở đầu cho chuỗi thành công vang dội của nghĩa quân Tây Sơn.

Dường như thần tốc, dứt khoát là phẩm chất hàng đầu ở vị thủ lĩnh tối cao này, ngay hôm sau lễ đăng quang, vua Quang Trung đã ra lệnh xuất binh và tự mình thống lĩnh đại quân theo hai đường thủy bộ tiến ra Bắc. Mới nghe thì tưởng như lệnh xuất quân ấy có vẻ nóng vội. Nhưng thật ra, lệnh xuất binh ấy đã dựa trên những cơ sở thực tế của nó, từ sự xem xét, đánh giá hết sức kĩ lưỡng. Mặc dù ở vị trí lãnh đạo tối cao nhưng Quang Trung không chủ quan quyết định một cách liều lĩnh bởi cuộc tiến công này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp giải phóng đất nước, báo hiệu những nguy cơ, khó khăn rất lớn khi phải chọc thẳng vào sào huyệt của giặc và đối chọi với 29 vạn quân “chuyên nghiệp” của Tôn Sĩ Nghị. Quang Trung đã cẩn thận chia sẻ lo toan của mình cho cố vấn quân sự La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Trước lời quả quyết của vị cố vấn: “Chúa công đi ra chuyến này, không quá mười ngày, quân Thanh sẽ bị dẹp tan” vua Quang Trung thấy được sự đồng lòng, đồng tâm và càng tin tưởng vào quyết định của mình.

Phương châm của Nguyễn Huệ là “quân không cốt đông mà cốt tinh nhuệ” nhưng để chống chọi số lượng 29 vạn quân Thanh, chưa kể lực lượng của Lê Chiêu Thống, cũng cần phải có một đội quân hùng hậu. Một kế hoạch tuyển binh được đưa ra một cách rất kịp thời “cứ ba suất đinh lấy một người”. Do được sự ủng hộ, hợp tác chặt chẽ từ phía nhân dân nên chẳng mấy lúc quân đã lên tới một vạn người. Dù tác giả không miêu tả nhưng chỉ qua chi tiết nhỏ cũng cho thấy sự phối hợp nghĩa quân Tây Sơn và quần chúng nhân dân rất chặt chẽ, đi đến đâu cũng được dân chúng ủng hộ, cưu mang.

Tài thao lược của Nguyễn Huệ không chỉ thể hiện việc điều binh khiển tướng mà còn ở việc chăm lo đến công tác động viên chính trị hết sức kịp thời bằng nhiều biện pháp rất linh hoạt và hiệu quả. Đe khích lệ tinh thần quyết tâm chiến đấu của quân sĩ, vua Quang Trung đã vạch trần tội ác dã man của giặc Thanh “mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải”, chúng còn có âm mưu hết sức thâm độc: “lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện” của chúng. Như vậy, đại quân Tây Sơn khởi nghĩa là thuận theo lẽ trời, đại diện cho nhân nghĩa, cho toàn thể dân tộc vùng lên giải phóng đất nước. Đó chính là sự noi gương tiếp nối truyền thống tốt đẹp hào hùng của dân tộc. Những lời lẽ ấy thể hiện tầm nhìn sâu rộng và tấm lòng yêu nước thương dân của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.

Nhưng Quang Trung còn thu phục lòng người bằng chính sự chính trực, nghiêm minh, thưởng phạt rõ ràng. Trong những lời trách máng rất dứt khoát, nghiêm khắc của vua Quang Trung với hai tướng Sở và Lân: “Tội của các ngươi đều đáng chết một vạn lần” vẫn chứa đựng sự khoan dung, tấm lòng cao cả của một thủ lĩnh. Đó cũng là một “bí quyết” trong cách dùng người của Nguyễn Huệ khiến quân sĩ vừa nể sợ lại vừa yêu mến kính phục, một lòng một dạ cùng vị thủ lĩnh vào sinh ra tử, chịu bao khổ cực gian nan. Thấu hiểu lòng trung thành của quân sĩ, Nguyễn Huệ thường xuyên chăm lo đời sống và động viên tinh thần của họ hết sức kịp thời. Dù trong những ngày tháng chiến đấu gian nan, cấp bách nhưng vua Quang Trung vẫn mở tiệc khao quân, cho tất cả quân sĩ ăn Tết trước để chuẩn bị cho cuộc tiến công quyết chiến chiến lược cuối cùng. Quyết định tấn công giặc đúng vào tối 30 Tết là một quyết định thiên tài của nhà quân sự kiệt xuất Nguyễn Huệ. Bởi đó là lúc quân tướng của Lê Sĩ Nghị vẫn đang say sưa chè chén, chìm đắm trong “niềm tin chiến thắng” (nhất là khi Nguyễn Huệ gửi thư giả hàng). Chớp thời cơ là một yếu tố vô cùng quan trọng trong nghệ thuật quân sự. Và trên cơ sở sự chuẩn bị kĩ lưỡng, sự phân tích sáng suốt về thế của ta và địch, Nguyễn Huệ khẳng định niềm tin tất thắng: “Đến ngày mồng 7 năm mới thì vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng”. Một tiên đoán thiên tài và cũng là một quyết tâm sắt đá. Quyết tâm đó đã biến thành hành động thực tế bằng cuộc tiến công thần tốc vào kinh thành Thăng Long của năm đạo quân tinh nhuệ.

Đoạn văn miêu tả về thế tiến công như vũ bão, như nước triều dâng của đại quân Tây Sơn như một bản ca hùng tráng. Lời văn dồn dập, trào dâng cùng thế tiến công quân thù. Các chiến thắng liên tiếp vang dội ngày càng mạnh mẽ, rộng lớn: từ Hạ Hồi đến Ngọc Hồi, Đống Đa và cuối cùng là vua Quang Trung đã tiến binh đến Thăng Long. Một sức mạnh như vũ bão, một sức tấn công bất ngờ không thể chống cự được và sự đại bại của quân Thanh là hoàn toàn tất yếu.

Với niềm tự hào mãnh liệt, cảm hứng hùng tráng, tác giả Hoàng Lê nhất thống chí đã dựng lại hình ảnh người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ oai phong, lẫm liệt. Chỉ qua đoạn trích củng đủ cho chúng ta thấy tài năng quân sự vào loại bậc nhất của dân tộc, của vị thủ lĩnh kiệt xuất. Quang Trung - Nguyễn Huệ đã đi vào lịch sử dân tộc như một biểu tượng chói lọi về tài năng, đức độ và lòng yêu nước của con người Việt Nam.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây