© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Trả lời câu hỏi 3 SGK Ngữ văn 9 trang 130

Thứ tư - 04/10/2017 05:58
Hãy tìm trong bài thơ những chi tiết, hình ảnh biểu hiện tình đồng chí, đồng đội làm nên sức mạnh tinh thần của những người lính cách mạng. Phân tích ý nghĩa, giá trị của những chi tiết hình ảnh đó.
a. Hướng dẫn tìm hiểu

Đọc đoạn thơ “Ruộng nương anh gửi bạn thân cày... Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”.
Trong đoạn thơ trên những hình ảnh, chi tiết nào thể hiện tình cảm giữa những người đồng chí? Bút pháp nghệ thuật nào đã được tác giả sử dụng để nói về hình ảnh đó?

b. Gợi ý trả lời

Theo mạch thơ, khi cái chăn mỏng đắp lại thì dòng tâm sự của họ mở ra: những người ấy mở lòng tâm sự, giãi bày với nhau, để anh hiểu tôi, tôi hiểu anh đến tận nỗi lòng sâu kín nhất. Dòng tâm sự của hai người đồng chí như trào dâng với những câu chuyện bình dị về quê hương bản quán, về cuộc sống chiến đấu gian khổ mà thấm đậm tình đồng chí, đồng đội. Hai tâm hồn cùng chung một nỗi nhớ da diết về ruộng nương, bạn thân, giếng nước gốc đa. Hình ảnh nào cũng thấm đượm tình quê vơi đầy:

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày 
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay


Câu thơ thể hiện sự thấu hiểu, sẻ chia đến cảm động. Dường như nhân vật “tôi” đã hiểu được cả tấm lòng, tâm sự của người bạn. Dù gắn bó sâu nặng, thiết tha với mảnh vườn, căn nhà nghèo khó của mình, nhưng anh đã sẵn sàng tự nguyện để ra đi một lòng vì chí lớn. Biết bao bộn bề lo toan nhưng anh đã kịp gửi gắm lại ngươi hậu phương để yên tâm lên đường chiến đấu. Hai câu thơ này như tiếp tục mạch tâm sự về nơi xuất thân từ những miền quê nghèo khổ, lam lũ mở ra từ những câu thơ đầu. Nhưng đây không còn là lời tự giới thiệu của “anh” nữa mà đã là sự cảm nhận của chính nhân vật “tôi”. Họ thấu hiểu cả đến những tâm sự thầm kín nhất nơi sâu thẳm tâm hồn của nhau. Thậm chí “tôi” như đọc được tấm chân tình tha thiết, sâu nặng của quê hương đáp lại người lính này:

Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.

Nhà thơ dùng những hình ảnh tiêu biểu và phổ biến của mọi làng quê Việt Nam như biểu tượng của quê hương những người lính gốc nông dân. Cảnh vật ở đây được nhà thơ tạo cho một linh hồn để hướng theo bước chân người lính. Gian nhà, giếng nước, gốc đa được nhân hoá đang đêm ngày dõi theo bóng hình người trai cày ra trận. Hay “người ra lính” vẫn ngày đêm ôm ấp hình bóng quê hương. Tình yêu quê hương đã góp phần tạo nên tình đồng chí, làm nên sức mạnh tinh thần lớn lao giúp họ vượt qua mọi thử thách, gian lao, ác liệt của thời máu lửa. Dù tác giả không miêu tả, không kể nhưng qua sự thấu hiểu đến tận những tâm sự sâu kín nơi đáy lòng của nhau đã đủ cho ta thấy tình cảm gắn bó sâu đậm giữa hai người đồng chí. Họ chia sẻ với nhau nỗi nhớ nhà và cả những gian lao, khổ cực của cuộc đời người lính:

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh 
.... Chân không giày...


Những câu thơ ngồn ngộn những chi tiết rất thực và những ngày đầu cuộc kháng chiến. Đó là những ngày cả dân tộc ta đối mặt với muôn vàn khó khăn: thiếu vũ khí, thiếu quân trang, lương thực, thuốc men. Người lính ra trận “Áo vải chân không đi lùng giặc đánh” áo quần rách tả tơi, ốm đau bệnh tật. Những cơn sốt rét rừng khủng khiếp hành hạ người lính với cơn “sốt run người vùng trán ướt mồ hôi”. Họ chia nhau sự nghèo khổ thiếu thốn làm ta cảm động rưng rưng nước mắt. 

Chữ “biết” trong đoạn thơ này cho thấy họ đã cùng chung nếm trải, cùng chung chịu gian nan thử thách. Các chữ “anh với tôi”, “áo anh... quần tôi” xuất hiện trong đoạn thơ như một sự kết dính, gắn bó keo sơn tình đồng chí thắm thiết cao đẹp. Câu thơ 4 tiếng với cấu trúc tương phản: “Miệng cười buốt giá” thể hiện sâu sắc tinh thần lạc quan của hai người chiến sĩ. Chất thơ, chất thép của tâm hồn bỗng thăng hoa từ chính hiện thực đầy khó khăn, thiếu thốn. Đoạn thơ đang dàn trải với dòng tâm sự về kỉ niệm chiến đấu bỗng trào dâng cảm xúc: “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Câu thơ giản dị mà có sức rung động mãnh liệt bởi chính cử chỉ yêu thương, thân thiết. Anh nắm lấy tay tôi, tôi nắm lấy tay anh, để động viên nhau, truyền cho nhau tình thương và sức mạnh, để vượt qua mọi thử thách, tiếp tục đi tới và làm nên chiến thắng...

Đến đây, người đọc mới cảm nhận được sức mạnh thực sự giúp những người lính nông dân vượt qua tất cả gian lao, khốc liệt thậm chí cả cái chết để chiến đấu và chiến thắng chính là tình đồng đội thắm thiết, keo sơn.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây