© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Trả lời câu hỏi 2 SGK Ngữ văn 9 trang 130

Thứ tư - 04/10/2017 05:52
Sáu dòng đầu bài thơ đã nói về cơ sở hình thành tình đồng chí của những người lính cách mạng. Cơ sở ấy là gì?
a. Hướng dẫn tìm hiểu
Đọc kĩ sáu câu thơ đầu của bài thơ. Những câu thơ này viết về những nhân vật nào? Mối quan hệ giữa họ và cơ sở (điểm chung) gì đã tao nên mối quan hệ đó? Cũng cần phải chú ý đến biện pháp nghệ thuật, cách dùng từ ngữ, hình ảnh của tác giả ở đoạn thơ này. 

b. Gợi ý trả lời
Chính Hữu đã mở đầu bài thơ của mình bằng những hình ảnh hết sức giản dị nhưng lại có sức khái quát:

Quê hương anh nước mặn đồng chua 
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.


Hai câu thơ cấu trúc song hành, đối xứng làm hiện lên hai gương mặt người chiến sĩ mối gặp gỡ như đang cùng nhau tâm sự. Những dòng tâm sự ấy xuất phát từ tâm hồn chân chất, bộc trực của những anh nông dân mặc áo lính. Họ kể với nhau về quê hương, bản quán của mình rất tự nhiên, không chút ngại ngần bơi họ đều xuất thân từ nông thôn. Họ đến từ những miền quê khác nhau: người từ miền biển (nước mặn đồng chua) người từ vùng đồi núi (đất cày lên sỏi đá) nhưng điểm chung giữa họ là đều lớn lên từ nghèo khó, lam lũ, vất vả. Kì lạ và xúc động khi chính cái nghèo, cái khổ đã là sợi dây kết nối hai tâm hồn xa lạ ấy bỗng trở nên gần gũi với nhau:

Anh với tôi, đôi người xa lạ 
Từ phương trời chẳng hẹn quen nhau.


Thật là một sự tình cờ rất thú vị. Dù ở những phương trời khác nhau, không hề sắp đặt, hẹn trước lại gặp nhau nơi đây cùng trở thành những người lính chiến đấu vì quê hương, đất nước. Và có lẽ cũng chính lời tâm sự chân thành, dung dị về miền quê nghèo khổ đã kéo họ lại gần nhau hơn, đồng cảm, hiểu nhau hơn. Đây chính là cơ sở đầu tiên đó tạo nên sự gần gũi, sẻ chia và mở đầu cho một tình bạn đẹp.

Khi hai người chiến sĩ họ tiếp tục nuôi dưỡng, phát triển nó trở thành một tình bạn gắn bó keo sơn:

Súng bên súng, đầu sát bên đầu 
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.


Hai câu thơ giản dị nhưng đã gợi lên bao kỉ niệm đẹp của đôi bạn trong những ngày kháng chiến. “Súng bên súng” là cách nói hàm súc, hình tượng nói về những con người cùng chung lí tưởng, ý chí chiến đấu; “Anh với tôi” hai con người từ hai vùng quê khác nhau nhưng cùng ra trận để bảo vệ đất nước quê hương, vì độc lập tự do và sự sống còn của dân tộc; “Đầu sát bên đầu” là hình ảnh diễn tả ý hợp tâm đầu của đôi bạn tâm giao. Trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt, trong khói lửa của chiến tranh, gian khổ và thiếu thôn “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” những con người xa lạ lại trở thành “đôi tri kỉ”, một cách tự nhiên, dung dị. Chất thơ, chất lãng mạn ấm áp của tình người, tình đồng chí vút lên từ chính hiện thực đầy gian khổ của những ngày chiến đấu nơi núi rừng Việt Bắc. Và sự “đồng cam cộng khổ”, mới là cơ sở sâu xa nhất cho một tình bạn gắn bó keo sơn. vần thơ của Chính Hữu giản dị, dân dã từ ngôn ngữ đến hình ảnh nhưng lại hàm súc và có sức lay động tâm hồn. Bỏi đó là ngôn từ được chắt lọc từ tâm hồn của nhà thơ - chiến sĩ đã từng trải nghiệm qua gian khổ, thiếu thốn của cuộc kháng chiến và cũng từng được sống trong sự ấm áp, chở che của tình đồng đội. Tấm chăn mỏng nhưng ấm áp tình tri kỉ, tình đồng chí ấy mãi mãi là kỉ niệm đẹp của người lính.

c. Mở rộng kiến thức

Cuộc chiến đấu của những người chiến sĩ trong khó khăn gian khổ nơi núi rừng Việt Bắc đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tác thi ca.

Nhà thơ Thâm Tâm trong Chiều mưa đường số 5 đã có những vần thơ đầy xúc động:

Ôi núi thẳm rừng sâu 
Trung đội cũ về đâu 
Biết chẳng chiều mưa mau 
Nơi đây chăn giá ngắt 
Nhớ cái rét ban đầu 
Thắm mối tình Việt Bắc...
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây