© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Trả lời câu hỏi 1 SGK Ngữ văn 9 trang 130

Thứ tư - 04/10/2017 05:46
Dòng thứ bảy của bài thơ có gì đặc biệt? Mạch cảm xúc và suy nghĩ trong bài thơ được triển khai như thế nào trước và sau dòng thơ đó?
a. Hướng dẫn tìm hiểu

Đọc toàn bộ bài thơ và tìm ra bố cục của tác phẩm để nắm được vị trí của câu thơ thứ bảy. Sự đặc biệt của câu thơ thể hiện ở những yếu tố nào, câu chữ, hình ảnh hay biện pháp nghệ thuật? Nó có vị trí như thế nào trong việc triển khai mạch cảm xúc của bài thơ.

b. Gợi ý trả lời

Bài thơ được cấu trúc thành ba phần:

Đoạn 1: “Quê hương anh nước mặn... Đồng Chí”: dòng tâm sự về  nguồn gốc xuất thân của những người lính cùng từ vùng nông thôn nghèo khổ nên họ đã dễ thân thiết, trở thành tri kỉ.
Đoạn 2: “Ruộng nương anh gửi... Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”: nói về hoàn cảnh riêng, tình cảm quê hương tha thiết sâu nặng của những anh bộ đội “chân đất”.
Đoạn 3: “Đêm nay rừng... đầu súng trăng treo”, hình ảnh một đêm phục kích chờ giặc tới dưới ánh trăng đầy thi vị.

Như vậy có thể thấy câu thơ thứ bảy là câu kết thúc của đoạn thơ thứ nhất. Đó là một câu thơ đặc sắc và là chủ đề của bài thơ. Nó không đẹp, không đặc biệt ở hình ảnh tân kì, hay lối nói cầu kì, ước lệ mà lại chính ở sự đơn giản, mộc mạc đến giản dị. Mạch thơ đang dàn trải bằng những câu thơ 7/8 chữ đột nhiên đến đây lại thắt lại trong vẻn vẹn hai từ “Đồng chí”. Không phải là một lòi tâm sự, một câu miêu tả, mà đơn giản chỉ là tiếng gọi, lời xưng hô của những người cùng chung chí hướng, lí tưởng, cùng chiến đấu trong một đơn vị bộ đội. Đơn sơ, mộc mạc là thế sao câu thơ cất lên lại có sức rung cảm mãnh liệt? Sự thay đổi, khác biệt số lượng ngôn từ cũng chính là sự dồn nén của tình cảm, của tấm lòng tác giả.

Có lẽ trong tâm hồn nhà thơ - chiến sĩ đang trào dâng niềm xúc động mãnh liệt khi nhớ đến một tình bạn đẹp, tự hào về tình đồng chí thiêng liêng cao cả. Mặc dù trước đó họ chỉ là những “con người xa lạ”, từ các vùng quê khác nhau. Nhưng duyên kì ngộ “chẳng hẹn” mà lại gặp nhau tại nơi đây, cùng tham gia chiến đấu trong một đơn vị nhưng cao đẹp nhất là sự chia sẻ đắng cay, ngọt bùi của cuộc đời người lính. Chính vì vậy mà rất tình cờ nhưng cũng hết sức dung dị, tự nhiên họ trở thành đôi tri kỉ và gọi nhau bằng hai chữ thiêng liêng “đồng chí”. Và sau đó là những tháng ngày sát cánh bên nhau “vai kề vai”, cùng chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Cho dù phải trải qua bao gian nan, thử thách, hiểm nguy họ vẫn gắn bó, nương tựa vào nhau bởi đơn giản họ là những người “đồng chí”.

Như vậy đoạn đầu của bài thơ khép lại với câu thơ đặc biệt “Đồng chí” nhưng đã làm sáng thêm ý tình sâu sắc nhất của đoạn thơ, giải thích được vì sao những người lính ấy gắn bó khăng khít thân thiết như máu thịt. Hai tiếng “Đồng chí” tạo nên một âm hưởng ấm áp, có sức lay động tâm hồn như một tiếng gọi thiết tha của tình đồng đội. Sau câu thơ hàm súc ấy, mạch thơ lại lan tỏa, tha thiết với dòng tâm sự của những người bạn, người đồng đội đồng cam, cộng khổ chiến đấu cho độc lập tự do của Tổ quốc.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây