© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Trả lời câu hỏi 3 SGK Ngữ văn 9 trang 96

Thứ hai - 02/10/2017 05:10
Tám câu thơ cuối miêu tả cảnh vật qua tâm trạng.
a) Cảnh vật ở đây là thực hay hư? Mỗi cảnh vật có nét riêng đồng thời lại có nét chung để diễn tả tâm trạng Kiều. Em hãy phân tích và chứng minh điều đó.
b) Em có nhận xét gì về cách dùng điệp ngữ của Nguyễn Du trong tám câu thơ cuối? Cách dùng điệp ngữ ấy góp phần diễn tả tâm trạng như thế nào?
Tám câu thơ cuối là bức tranh tâm trạng của Thuý Kiều. Tác giả đã mượn cảnh để ngụ tình, mượn cảnh để nói tâm trạng của Thuý Kiều.

Mỗi cặp lục bát mở ra một khung cảnh khác nhau, với những lí do buồn khác nhau, cảnh và tình tác động lẫn nhau khiên cảnh mỗi lúc một buồn hơn, nỗi buồn cũng tàng lên mãnh liệt hơn, dữ dội hơn.

Cảnh chiều hôm trong thời khắc của ngày tàn luôn gợi cho con người một nỗi buồn. Không gian mênh mông của cửa bể lúc chiều tà và một cảnh buồn “thấp thoáng”- nơi xa gợi trong lòng người con gái lưu lạc nỗi nhớ nhà, nhớ người thân:

Buồn trông cửa bề chiều hôm 
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa


Lúc này, Kiều đang ngồi trên lầu cao nhìn ra xa thấy cánh buồn thấp thoáng và cửa bể mênh mông. Không gian mênh mông, vắng lặng dội vào lòng Kiều một nỗi buồn tủi, nỗi cô đơn nơi đất khách quê người.

Cảnh “hoa trôi”, “ngọn nước mới sa” gợi nỗi buồn về thân phận trôi nổi, vô định. Hai câu hỏi tu từ “thuyền ai”, “về đâu” không có lòi đáp cũng giống với tương lai mờ mịt không biết trôi dạt về phương nào.

Nỗi buồn mỗi lúc một dâng lên cao hơn. Lúc đầu Kiều buồn do cảnh vật “cánh buồm xa xa”, “cửa bể chiều hôm” dội vào lòng còn “thấp thoáng” thì giờ đây nỗi buồn tăng lên thành “man mác” mang nỗi buồn về thân phận nhỏ nhoi, tội nghiệp. Hai câu thơ tiếp theo nhuốm màu tâm trạng. Nỗi buồn của Kiều đã bao trùm lên toàn bộ cảnh vật:

Buồn trông nội cỏ rầu rầu 
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh


Không gian trở nên buồn bã, hiu hắt hơn, nội cỏ héo ủa. Cảnh vật đã nhạt nhoà trước mắt nhân vật, từ “chân mây” đến “mặt đất” đều gợi nỗi chán chường, tuyệt vọng.

Nỗi buồn đã dâng lên thành lớp lớp, tràn ngập tâm hồn và lan toả sang cảnh vật. Kiều không chỉ buồn vì cảm thấy bé nhỏ, cô đơn giữa không gian mênh mông, hoang vắng mà còn lo sợ, kinh hãi trước sóng gió cuộc đời:

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh 
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi. 


Tiếng sóng “ầm ầm”, kêu quanh ghế ngồi như bủa vây, như báo trước một tai hoạ sắp xẳy ra sắp giáng xuống cuộc đời Kiều.

Bức tranh thiên nhiên trước lầu Ngưng Bích được tái hiện qua con mắt của nhân vật trữ tình.

Cảnh được nhìn từ xa đến gần, từ diện đến điểm, từ cánh buồm phía xa đến ngọn nước, cánh hoa trôi, đến nội cỏ và gần hơn nữa là tiếng sóng vây bủa quanh ghế ngồi của Kiều. Đó là không gian có màu sắc từ nhạt đến đậm, có âm thanh từ tĩnh đến động và tâm trạng từ gợi buồn “thấp thoáng”, “man mác” đến sợ hãi, kinh hoàng.

Thiên nhiên ở đây được miêu tả chân thực, là cảnh thực: cửa bể, cánh buồm, nội cỏ, chân mây, tiếng sóng... song do cảnh nhuốm màu sắc tâm trạng nên đã bị ảo hóa. Cảnh vừa thực, vừa ảo, thật đúng là:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu 
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.


Đoạn thơ sử dụng đậm đặc điệp ngữ và từ láy. Điệp ngữ “buồn trông” đứng ở đầu bốn câu lục tạo thành một âm điệu trầm buồn, một điệp khúc tâm trạng của Thuý Kiều. Càng buồn bã, càng trông ngóng, chờ đợi, hi vọng vào một điều mơ hồ làm thay đổi hiện tại, nhưng càng trông ngóng, chờ đợi càng vô vọng như cánh hoa không biết trôi dạt về đâu.

Những từ láy được sử dụng đắc địa “thấp thoáng”, “man mác”, “xa xa”, “rầu rầu”, “xanh xanh”, “ầm ầm” theo cấp độ tăng tiến mơ ra bức tranh của một tâm trạng buồn miên man không dứt.

Điệp ngữ kết hợp vối các từ láy tạo thành một nhịp điệu, một điểm nhấn, diễn tả nỗi buồn ngày một tăng lên, dâng lên thành lớp lớp đã tô đậm tâm trạng nhân vật.

Bằng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tài tình, Nguyễn Du đã khắc hoạ sống động tâm trạng nhân vật Thuý Kiều nơi xa quê. Có thể nói, đây là những câu thơ hay nhất diễn tả tâm trạng của nhân vật trong Truyện Kiều. 
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây