© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Trả lời câu hỏi 2 SGK Ngữ văn 9 trang 95

Thứ hai - 02/10/2017 05:06
Tám câu thơ tiếp theo trực tiếp nói lên nỗi nhớ thương của Kiều.
a) Trong cảnh ngộ của mình nàng đã nhớ tới ai? Nàng nhớ ai trước, ai sau? Nhớ như thế có hợp lí không? Vì sao?
b) Cùng là nỗi nhớ nhưng cách nhớ khác nhau với những lí do khác nhau nên cách thể hiện khác nhau. Em hãy phân tích nghệ thuật dùng từ ngữ , hình ảnh của tác giả để làm sáng tỏ điều đó.
c) Em có nhận xét gì về tấm lòng Thuý Kiều qua nỗi nhớ thương của nàng?
а. Hướng dẫn tìm hiểu

Đọc kì 8 câu thơ tiếp theo. Chú ý đến những nỗi nhớ của Kiều. Nỗi nhớ nào được thể hiện trước? Chúng được thể hiện như thế nào. Chú ý đến cách dùng từ ngữ trong khổ thơ.

b. Gợi ý trả lời

6 câu thơ mở đầu là khung cảnh và tâm trạng buồn, cô đơn của Kiều trong lầu Ngưng Bích khóa giữ tuổi xuân, và 8 câu thơ tiếp cụ thể hoá tâm trạng ấy qua những nỗi nhố triền miên của nàng. Trong cảm xúc ấy, nỗi nhớ đầu tiên Kiều dành cho Kim Trọng, người yêu đã cùng nàng thề nguyền, hẹn ước.

Nhớ đến Kim Trọng “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng” là nhớ lời thề hôm nào “Thề hoa chưa ráo chén vàng”, dưới ánh trăng vàng vặc “đinh ninh hai miệng một lời song song”. Thuý Kiều hình dung được bóng dáng chàng Kim trong nỗi sầu tư ngóng chờ. Nàng tự thấy mình có lỗi, đã lỗi hẹn duyên ước với chàng Kim để chàng phải mòn mỏi trông chờ “rày trông mai chờ”. Càng thương nhớ người yêu, càng tiếc môi tình đầu không trọn, Kiều càng thấm thìa nỗi buồn “bên trời góc biển bơ vơ”, càng hiểu tấm lòng son sắt thủy chung của mình dành cho Kim Trọng “gột rửa bao giờ cho phai”.

Những từ ngữ mang nhiều hình ảnh “dưới nguyệt chén đồng”, “tin sương”, “rày trông mai chờ”, “bên trời góc bể”... chỉ không gian và thời gian xa cách, diễn tả tình cảm thương nhớ người yêu, thương tiếc mối tình đầu sâu sắc, cảm động của Kiều. 

Tâm trạng nặng trĩu đau buồn, Kiều nhớ người yêu và nhớ cha mẹ. Nỗi đau của người con không được gần cha mẹ, không báo hiếu khi cha mẹ về già ám ảnh nàng day dứt:

Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.


Tuy Kiều đã “liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân” bán mình cứu cha và em, giờ đây phải sống cảnh lưu lạc, mối tình đầu mặn mà tan vỡ, nhưng Kiều vẫn thấy mình chưa làm trọn đạo làm con “sớm thăm tối viếng”. Nàng tưởng nhớ bóng dáng song thân đã già yếu, ngày ngày tựa cửa chờ tin con mà xót xa tận đáy lòng. Kiều tự hỏi lòng lấy ai thay mình phụng dưỡng, báo hiếu cha mẹ lúc về già “quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?”.

Các điển cố thường được dùng trong văn học cổ Trung Quốc: “sân Lai”, “gốc tử” cùng thành ngữ “quạt nồng ấp lạnh” và hình ảnh cha mẹ già “tựa cửa hôm mai” trông về đứa con xa lưu lạc, đã cực tả nỗi đau buồn, nhớ thương cha mẹ da diết của người con hiếu nghĩa lưu lạc nơi đất khách quê người.

Những câu thơ miêu tả nỗi nhớ của Thuý Kiều như xoáy vào lòng người đọc một nỗi buồn khôn tả. Trong tình cảnh nơi đất khách quê người, cô đơn, tủi hổ, Kiều không một lời than thân, không một lời oán thán. Nỗi buồn của nàng là nỗi nhớ triền miên nhố người yêu, nhớ cha mẹ.

Thuý Kiều nhớ Kim Trọng – người yêu trước rồi mới nhớ cha mẹ càng cho ta thấy tấm lòng nặng tình nghĩa và thấu tình đạt lí của nàng. Kiều là người con gái giàu đức hi sinh, nàng hi sinh bản thân, hi sinh mối tình đầu, trao duyên mình cho em gái để cứu cha và em. Nàng đã đặt chữ “hiếu” lên trên chữ “tình”. Nơi đất khách lưu lạc, bị ép vào cuộc sống lầu xanh ô nhục, nàng đã tự vẫn... Nỗi tủi dâng lên đến đỉnh điểm, cuộc sống hiện tại buồn đau, tương lai mờ mịt. Tâm trạng và tâm sự lớn nhất lúc này của nàng là cảm thấy có lỗi với người yêu: không giữ được hẹn thề, lại để sa thân vào chốn lầu xanh nhơ nhuốc. Kiều nhớ Kim Trọng trước cũng là vì nỗi đau hiện tại ám ảnh nàng nhiều hơn. Phân tích tâm trạng, chúng ta có thể nhận thấy những nỗi nhớ của nàng theo một chuỗi logic hợp lí của diễn biến tâm lí con người. Đó cũng là cái tài của thi hào Nguyễn Du khi viết về nỗi buồn của Thuý Kiều, vừa thể hiện một sự đồng cảm cao độ của người viết vừa thể hiện một trái tim nhân đạo cao cả. 
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây