© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Giải Lịch sử và Địa lí 4 sách Cánh diều, bài 11: Thiên nhiên vùng Duyên hải miền Trung

Thứ bảy - 09/03/2024 04:52
Giải Lịch sử và Địa lí 4 sách Cánh diều, bài 11: Thiên nhiên vùng Duyên hải miền Trung - Trang 58, ...
Câu hỏi trang 58: Hãy cho biết hình bên là cảnh thiên nhiên nào ở vùng Duyên hải miền Trung. Kể tên những cảnh thiên nhiên hoặc địa danh ở vùng Duyên hải miền Trung mà em biết.
Giải:
- Hình bên là cảnh biển ở vùng Duyên hải miền Trung.
- Một số địa danh ở vùng Duyên hải miền Trung:
+ Thành nhà Hồ (Thanh Hóa).
+ Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế).
+ Phố cổ Hội An (Quảng Nam).
+ Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam).

Câu hỏi trang 58: Quan sát hình 1, em hãy:
• Chỉ ranh giới của vùng Duyên hải miền Trung. Vùng Duyên hải miền Trung tiếp giáp với vùng nào, quốc gia nào và biển gì?
• Xác định vị trí của quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Hai quần đảo đó thuộc tỉnh, thành phố nào ở nước ta?

Giải:
• Yêu cầu số 1:
- Duyên hải miền Trung là vùng nằm ở giữa lãnh thổ nước ta.
- Duyên hải miền Trung tiếp giáp với:
+ Các quốc gia: Lào; Cam-pu-chia.
+ Biển Đông.
+ Các vùng: Trung du và miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng Bắc Bộ; Tây Nguyên và Nam Bộ
• Yêu cầu số 2:
- Quần đảo Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng.
- Quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Câu hỏi trang 60: Đọc thông tin và quan sát hình 1, em hãy:
• Xác định trên lược đồ: dãy Trường Sơn, dãy Bạch Mã, đèo Hải Vân, một số đồng bằng và Di sản Thiên nhiên Thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng ở vùng Duyên hải miền Trung.
• Trình bày đặc điểm địa hình của vùng Duyên hải miền Trung.

Giải:
• Yêu cầu số 1: Học sinh tự xác định vị trí của các địa danh trên lược đồ.
• Yêu cầu số 2: Đặc điểm địa hình vùng Duyên hải miền Trung
- Duyên hải miền Trung có địa hình đa dạng:
+ Phần phía tây là dãy Trường Sơn.
+ Phần phía đông là dải đồng bằng nhỏ, hẹp và bị chia cắt bởi các dãy núi đâm ngang ra biển.
+ Dọc ven biển có nhiều cồn cát, đầm phá,...
- Trong vùng Duyên hải miền Trung có Di sản Thiên nhiên Thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng với nhiều hang động kì vĩ.

Câu hỏi trang 60: Đọc thông tin, em hãy trình bày đặc điểm khí hậu ở vùng Duyên hải miền Trung.
Giải:
- Khí hậu ở vùng Duyên hải miền Trung mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa. Mùa mưa và bão tập trung vào thu đông (từ tháng 9 đến tháng 11).
- Khí hậu có sự khác biệt giữa phần phía bắc và phần phía nam dãy Bạch Mã:
+ Phần phía bắc, mùa hạ nóng khô, mùa đông lạnh.
+ Phần phía nam không có mùa đông lạnh.
- Đây là vùng chịu nhiều ảnh hưởng của bão và gió Tây khô nóng nhất nước ta.

Câu hỏi trang 61: Đọc thông tin và quan sát hình 1, em hãy:
• Kể tên một số sông ở vùng Duyên hải miền Trung.
• Trình bày đặc điểm sông ngòi của vùng Duyên hải miền Trung.

Giải:
• Yêu cầu số 1: Một số sông ở vùng Duyên hải miền Trung là: sông Mã, sông Chu, sông Cả, sông Gianh, sông Thu Bồn, sông Ba,…
• Yêu cầu số 2: Đặc điểm sông ngòi
- Vùng Duyên hải miền Trung có nhiều sông ngòi.
- Do địa hình hẹp ngang nên sông thường ngắn, dốc.
- Chế độ nước sông có hai mùa là mùa lũ và mùa cạn. Vào mùa lũ, nước sông lên nhanh nhưng cũng rút nhanh.

Câu hỏi trang 61: Đọc thông tin và quan sát hình 3, 4, em hãy nêu một số tác động của môi trường thiên nhiên đối với đời sống và sản xuất của người dân ở vùng Duyên hải miền Trung.

Giải:
- Thuận lợi:
+ Địa hình, khí hậu, đất đai đa dạng, thuận lợi để phát triển nhiều loại cây trồng và vật nuôi.
+ Sông ngòi tạo điều kiện xây dựng các nhà máy thuỷ điện và giao thông đường thuỷ.
+ Vùng biển giàu hải sản, dọc ven biển có nhiều vũng, vịnh, đầm phá,... thuận lợi cho xây dựng cảng biển, đánh bắt và nuôi trồng hải sản.
+ Khí hậu nắng nóng, nước biển có độ mặn cao, tạo điều kiện cho sản xuất muối.
+ Trong vùng có di sản thiên nhiên thế giới, nhiều bãi biển đẹp, các đảo ven bờ,.... thuận lợi cho phát triển du lịch.
- Khó khăn: Duyên hải miền Trung là vùng có nhiều thiên tai như: bão, lũ lụt, hạn hán, sạt lở đất,... gây thiệt hại lớn cho sản xuất và đời sống của người dân.

Câu hỏi trang 62: Đọc thông tin và kết hợp với hiểu biết của bản thân, em hãy đề xuất một số biện pháp để phòng chống thiên tai ở vùng Duyên hải miền Trung.
Giải:
- Một số biện pháp để phòng chống thiên tai:
+ Tăng cường trồng rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phi lao chắn cát,...
+ Xây dựng và nâng cấp các công trình thuỷ lợi để tưới tiêu và chống lũ.
+ Giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kĩ năng về phòng chống thiên tai.
+ Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước.

* Luyện tập trang 62
Câu 1. Tóm tắt một đặc điểm thiên nhiên (địa hình hoặc khí hậu, sông ngòi) và tác động của nó đối với đời sống, sản xuất của người dân ở vùng Duyên hải miền Trung theo gợi ý dưới đây.

Giải:
- Đặc điểm thiên nhiên:
Vùng duyên hải miền Trung có địa hình đa dạng. Ở phía tây là miền đồi núi, phía đông là dải đồng bằng nhỏ, hẹp và không liên tục do bị chia cắt bởi các dãy núi đâm ngang ra biển.
Khí hậu ở vùng Duyên hải miền Trung mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa. Mùa mưa và bão tập trung vào thu đông (từ tháng 9 đến tháng 11). Khí hậu có sự khác biệt giữa phần phía bắc và phần phía nam.
Vùng có nhiều sông, nhưng ít sông lớn. Sông ngắn và có độ dốc lớn nên thường gây lũ lụt vào mùa mưa.
- Tác động:
Thuận lợi: Đa dạng hoạt động sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, du lịch,...); thuận lợi phát triển kinh tế biển (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, làm muối, giao thông vận tải biển, du lịch biển,...)
Khó khăn: Nhiều thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, khô hạn, gió phơn, lũ lụt,...
- Biện pháp:
Tăng cường trồng rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phi lao chắn cát,... – Xây dựng và nâng cấp các công trình thuỷ lợi để tưới tiêu và chống lũ.
Giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kĩ năng về phòng chống thiên tai.
Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước.

Câu 2. Em sẽ làm gì để chia sẻ và giúp đỡ người dân khi họ gặp phải thiên tai?
Giải:
Em sẽ quyên góp quần áo, sách vở, lương thực cho các bạn học sinh.

Vận dụng trang 62. Lựa chọn một trong hai nhiệm vụ dưới đây.
1. Hãy viết các việc cần làm trước, trong và sau lũ lụt.
2. Tìm hiểu và giới thiệu một cảnh quan thiên nhiên ở Vùng Duyên hải miền Trung.
Giải:
1. Các việc cần làm trước, trong và sau lũ lụt.
Trước lũ:
Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo mưa, lũ. Chuẩn bị thuyền, phao, bè, mảng, vật nổi; gia cố nhà làm gác lửng, lối thoát trên mái nhà để ở tạm, cất giữ đồ đạc đề phòng lũ. Di chuyển gia súc, gia cầm, đồ đạc lên nơi cao để tránh ngập.
Trong lũ:
Cắt hết các nguồn điện sinh hoạt. Di chuyển đến nơi cao ráo, an toàn. Không chơi đùa, bơi lội hoặc đi lại trong nước lũ. Không vớt củi, đồ vật trôi trên sông. Không đi vào khu vực nguy hiểm. Khi di chuyển phải sử dụng áo phao hoặc các đồ vật nổi khác. Tham gia lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn của địa phương. Ăn uống hợp vệ sinh. Hỗ trợ nhau theo truyền thống "Lá lành đùm lá rách". Bảo vệ người già, yếu, trẻ em, người khuyết tật,...
Sau lũ:
Kiểm tra các trang thiết bị trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn. Khẩn trương khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất. Thống kê thiệt hại, báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác với chính quyền địa phương. Tham gia dập dịch bệnh và xử lý môi trường.
(Nguồn: baoquangnam.vn)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây