© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Hướng dẫn trả lời câu hỏi Lịch sử 8, bài 27: Khởi nghĩa Yên Thế và phong trào chống Pháp của đồng bào miền núi cuối thế kỉ XIX.

Thứ ba - 12/12/2017 05:23
Hướng dẫn trả lời câu hỏi Lịch sử 8, bài 27: Khởi nghĩa Yên Thế và phong trào chống Pháp của đồng bào miền núi cuối thế kỉ XIX.
I. Khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913).
 
Câu hỏi. Nguyên nhân bùng nổ cuộc khởi nghĩa Yên Thế?
 
Giữa thế kỉ XIX, nhiều nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ rời quê hương lên Yên Thế lập làng, tổ chức sản xuất. Khi Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng Bắc Kì, Yên Thế trở thành mục tiêu bình định, bóc lột của chúng. Vì vậy, nhân dân ở đây đã đứng lên đâu tranh chống lại thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ cuộc sống của mình.
 
Câu hỏi. Em hãy nhận xét về vị trí của căn cứ Yên Thế?
 
Yên Thế là vùng đồi núi trung du ở phía Tây Bắc tỉnh Bắc Giang, thông với nhiều tỉnh ở vùng rừng núi như Lạng Sơn, Thái Nguyên và vùng đồng bằng như Bắc Ninh, Hà Nội. Địa bàn Yên Thế là vùng cây cối rậm rạp, khí hậu khắc nghiệt, rất bất lợi đối với địch nhưng rất thuận lợi cho cách đánh du kích của nghĩa quân.
 
Câu hỏi. Em có nhận xét gì về thành phần lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884 - 1913)?
 
- Khác với các cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương, phong trào chống Pháp ở Yên Thế không phải do một số người hoặc một cá nhân văn thân, sĩ phu yêu nước phát động, tập hợp mà là một loạt các cuộc khởi nghĩa nhỏ do nhiều thủ lĩnh địa phương cầm đầu.
 
- Những người này đều xuất thân từ nông dân địa phương, ít chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, không có sự gắn bó chặt chẽ với khẩu hiệu cần vương, mong muốn xây dựng một cuộc sống bình quân, bình đẳng sơ khai về kinh tế và xã hội, một biểu hiện về tính tự phát của mặt tư tưởng; của nông dân.
 
Câu hỏi. Vì sao thực dân Pháp lại phải hai lần thương lượng và giảng hòa với nghĩa quân Yên Thế?
 
Thực dân Pháp chỉ thương lượng và giảng hòa với nghĩa quân Yên Thế khi chúng vấp phải khó khăn lớn như đòi điều đình để chuộc lại tên Sét-nay, hoặc để chúng tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc khai thác và bóc lột.
 
Câu hỏi. Thực chất âm mưu giảng hòa của Pháp là gì?
 
Trong thời gian hòa hoãn, thực dân Pháp chuẩn bị lực lượng và bất ngờ tấn công trở lại. Chúng cho lính lùng sục, tập trung quân mở những trận càn liên tiếp, bao vây căn cứ, tiêu diệt dần lực lượng nghĩa quân và sát hại thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa.
 
Câu hỏi. Em có nhận xét gì về sự khác biệt của cuộc khởi nghĩa Yên Thế so với cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương?
 
Đây là cuộc khởi nghĩa lớn nhất, có thời gian kéo dài nhất (gân 30 năm), quyết liệt nhất và có ảnh hưởng sâu rộng nhất từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta đến những năm đầu thế kỉ XX. Khởi nghĩa Yên Thế không chịu sự chi phối của tư tưởng “Cần vương” mà là phong trào đấu tranh tự phát của nông dân để tự vệ, bảo vệ quyền lợi thiết thân, giữ đất giữ làng. Nghĩa quân đã chiến đấu rất quyết liệt, buộc kẻ thù hai lần phải giảng hòa và nhượng bộ một số điều kiện có lợi cho ta. Đặc biệt trong thời kì đình chiến lần thứ hai, nghĩa quân Yên Thế còn liên lạc với các nghĩa sĩ yêu nước theo xu hướng mới như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh.
 
Câu hỏi. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế là cuộc khởi nghĩa lâu hơn bất cứ cuộc khởi nghĩa nào trong phong trào cần vương, đúng hay sai, tại sao?
 
Đúng.

- Khởi nghĩa đã tập hợp được lực lượng đông đảo nông dân trên một địa bàn rộng lớn.
 
- Khởi nghĩa đặt dưới sự lãnh đạo của một thủ lĩnh độc đáo, mưu trí, dũng cảm, trung thành, tận tụy với nguyện vọng của nhân dân, đồng cam cộng khổ, thương yêu đùm bọc nghĩa quân, có cuộc sống giản dị hoà mình với quần chúng. Nghĩa quân đã gắn bó mật thiết với nhân dân.
 
Câu hỏi. Nguyên nhân thất bại và ý nghĩa lịch sử của cuộc khởi nghĩa Yên Thế?

Từ sau năm 1909, nghĩa quân gặp nhiều khó khăn về mọi mặt. Lúc này phong trào Cần vương đã tan rã nên thực dân Pháp có điều kiện tập trung lực lượng để đàn áp khởi nghĩa Yên Thế; thêm vào đó, chúng lại có thủ đoạn cho tay sai sát hại thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa.
 
Về phía nghĩa quân, lực lượng bị tiêu hao dần, dẫn đến tan rã. Phong trào bó hẹp trong một địa phương, bị cô lập, so sánh lực lượng quá chênh lệch.
 
Câu hỏi. Ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Yên Thế?
 
Cuộc khởi nghĩa Yên Thế là cuộc đấu tranh tự phát vô cùng oanh liệt của nông dân. Ngay cả khi các phong trào khác đã tan rã, nhưng phong trào nông dân Yên Thế vẫn tồn tại. Điều đó chứng tỏ khả năng lớn lao của nông dân trong lịch sử đau tranh của dân tộc, tinh thần chiến đấu bất khuất, kiên cường của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm.
 
II. Phong trào chống Pháp của đồng bào miền núi.
 
Câu hỏi. Vì sao phong trào đấu tranh ở miền núi nổ ra chậm hơn ở miền xuôi?
 
Pháp tiến hành bình định ở đây muộn hơn.
 
Câu hỏi. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi đã kháng chiến chống Pháp như thế nào?
 
Phong trào kháng chiến chống Pháp của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi nổ ra muộn hơn vùng đồng bằng, nhưng diễn ra bền bỉ và kéo dài. Phong trào kháng chiến diễn ra ở khắp các vùng miền núi trong cả nước từ Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu đến miền Trung, Tây Nguyên và Nam Kì. phong trào có sự tham gia tích cực của các dân tộc thiểu số như Thái, Mường, Mông, Dao, Hoa, Khơ-me và các dân tộc ở Tây Nguyên.
 
Câu hỏi. Tác dụng và ý nghĩa các cuộc đấu tranh của đồng bào các dân tộc thiểu số ớ miền núi?
 
Phong trào đấu tranh chống Pháp ở miền núi nổ ra kịp thời, phát triển mạnh mẽ, được duy trì tương đối lâu dài, hỗ trợ cho các cuộc đấu tranh của đồng bào ở vùng đồng bằng, trực tiếp góp phần làm chậm quá trình xâm lược và bình định của thực dân Pháp.
 
Câu hỏi. Nhận xét về phong trào khởi nghĩa của đồng bào miền núi về quy mô, người lãnh dạo, nguyên nhân thất hại, đặc điểm chung:
 
- Quy mô: Rộng lớn khắp miền núi cả nước: Tây Bắc, Đông Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Nam Kì. .

- Lãnh đạo: Các thủ lĩnh địa phương, tù trưởng miền núi.

- Nguyên nhân thất bại:

+ Nổ ra lẻ tẻ, thiếu sự thống nhất, mang tính địa phương, tồn tại trong thời gian ngắn.

+ Bị thực dân Pháp dùng nhiều thủ đoạn dàn áp quân sự, mua chuộc, dụ dỗ.

- Đặc điểm chung: Các cuộc khởi nghĩa tự phát, không có mối quan hệ trực tiếp với các cuộc khởi nghĩa Cần Vương, không bị chi phối bởi tư tưởng trung quân. Nó thường xuất phát từ quyền lợi của một bộ phận dân cư và mang tính chất địa phương chủ nghĩa.
 
Câu hỏi. Ý nghĩa của phong trào nông dân Yên Thế và cuộc đấu tranh của đồng bào các dân tộc miền núi giai đoạn này?
 
Tuy thất bại, phong trào khởi nghĩa Yên Thế và cuộc đấu tranh của đồng bào các dân tộc miền núi có ý nghĩa vô cùng to lớn. Nó khẳng định sức mạnh tiềm năng của giai cấp nông dân, đồng thời cũng bộc lộ nhiều nhược điểm khi chưa có một giai cấp tiên tiến lãnh đạo.
© Bản quyền thuộc về Bài kiểm tra. Ghi rõ nguồn Bài kiểm tra.com khi sao chép nội dung này.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây