© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Giáo án mầm non: Kế hoạch chủ đề: Bản thân, Chủ đề nhánh: Bé là ai? Ngày thứ sáu

Thứ ba - 26/05/2020 00:39
Giáo án mầm non: Kế hoạch chủ đề: Bản thân, Chủ đề nhánh: Bé là ai? Ngày thứ sáu
KẾ  HOẠCH CHỦ ĐỀ: BẢN THÂN
CHỦ ĐỀ NHÁNH: BÉ LÀ AI?
Ngày: Thứ sáu

I. Đón trẻ:
- Cô đón trẻ nhắc nhở trẻ để đồ dùng cá nhân đúng nơi quy định.
- Cho trẻ xem tranh về trường mầm non.
- Trò chuyện về công việc của các cô, các bác trong trường.
II. Thể dục buổi sáng
Tập với đĩa thể dục "Bé khỏe bé ngoan”
* Khởi động: xoay cổ tay, bả vai, eo, gối, cổ chân…
* Trọng động:
- Hô hấp: Thổi nơ bay. 
- Tay: 2 tay dang ngang bắt chéo hai tay trước ngực.
- Bụng: Quay người sang hai bên 
- Chân: Ngồi xổm đứng lên liên tục
- Bật: Bật chụm chân tách chân             
* Hồi tĩnh: Thả lỏng điều hòa.

IIIHoạt động học.
HOẠT ĐỘNG HỌC: GIÁO DỤC ÂM NHẠC
ĐỀ TÀI: VẬN ĐỘNG THEO NHẠC “CON NÍT CON NÔI”

1. Mục đích – yêu cầu:
*Kiến thức:
- Trẻ thuộc và vận động được bài hát “Con nít con nôi”
- Trẻ biết tên bài hát, hiểu được nội dung bài hát “Khúc hát ru của người mẹ trẻ”.
- Trẻ hứng thú nghe hát và hưởng ứng cùng cô, thích vận động theo nhạc và hứng thú tham gia trò chơi.
*Kỹ năng:
- Luyện kỹ năng ca hát và vận động theo nhạc.
- Thông qua trò chơi phát triển tai nghe và rèn phản xạ nhanh nhạy cho trẻ.
*Thái độ:
- Giáo dục trẻ biết yêu quý bản thân, ăn uống đầy đủ và siêng năng tập thể dục để có cơ thể khỏe mạnh.

2. Chuẩn bị:
- Đàn organ, xắc xô
- Nhạc, giáo án điện tử
- Mũ lá mít

3. Tiến hành hoạt động:
* Hoạt động 1: Ổn định
- Cô phổ biến luật của trò chơi “Bịt mắt bắt dê” và cho trẻ thực hiện trò chơi.
- Các con thấy trò chơi này như thế nào? Vì sao ?
Cô tóm ý: Trò chơi này khó ở chỗ, người đi tìm dê đã bị bịt mắt nên đòi hỏi phải tập trung nghe âm thanh xung quanh và tay chân phải thật nhanh nhẹn thì mới có thể bắt được dê và đoán bạn ấy là ai.
- Các con thấy đôi mắt của chúng ta có quan trọng không?
Cô dẫn dắt: Không những chỉ có đôi mắt mà tất cả các bộ phận trên cơ thể của chúng ta cũng đều rất quan trọng. Vì thế, các con phải biết yêu quý bản thân, siêng năng ăn uống, tập thể dục thì mới có sức khỏe tốt dể vui chơi và học tập.

* Hoạt động 2: Hoạt động nhận thức
a. Cung cấp kiến thức
* Vận động bài hát “Con nít con nôi”
Cô đàn cho trẻ nghe giai điệu bài hát “Con nít con nôi” và cho trẻ đoán tên bài hát.
Cô giảng giải: Bài hát với giai điệu vui tươi, hóm hỉnh nói về sự hồn nhiên, vô tư, khỏe khoắn của các bé ở miền quê khi cùng nhau vui chơi. Các bạn ấy cũng như các con vậy, tất cả đều là những chồi non vô lo, vô nghĩ. Giống như lời tác giả đã viết “ Ô…kìa con nít ham vui, con nít ham chơi, con nít hay cười. Ô…kìa con nít không lo, con nít không buồn mà ưa khóc nhè”. Bây giờ, chúng ta cùng ôn lại bài hát này nhé!
- Cô cho trẻ ôn bài hát 1lần.
Cô cho trẻ vừa đi vừa đọc bài đồng dao “Nu na nu nống” và  xếp thành 4 hàng ngang.
- Để bài hát thêm sinh động và hấp dẫn hơn thì chúng ta sẽ làm gì?
Cô cho trẻ vận động tự do theo bài hát.
Sau khi quan sát lớp mình vận động, cô thấy các con đều có cách vận động khác nhau và rất đẹp. Cô sẽ tổng hợp các động tác và thể hiện lại cho các con cùng xem nhé!
+ Cô vận động theo bài hát cho trẻ xem.
- Cô cho trẻ vận động theo cô 2 lần (cả lớp vận động)
 - Cô cho hàng 1 và hàng 3 đứng đối mặt lần lượt với hàng 2 và hàng 4 và vận động.
- Cô cho 4 hàng ngang nối đuôi nhau xếp thành vòng tròn, vừa đi vừa đọc bài thơ “Cô dạy”.
- Cô mời các bạn nữ vào giữa vòng tròn, đứng đối lưng nhau và vận động theo bài hát “Con nít con nôi”.
- Cô nhận xét và sửa sai cho trẻ.
- Cô mời các bạn nam đứng lên vận động theo bài hát “ Con nít con nôi”.
- Cô nhận xét và sửa sai cho trẻ.
- Cô mời 1 bạn nam và 1 bạn nữ đứng ở giữa vòng tròn vận động cho cả lớp cùng xem.
- Cô cho trẻ nhận xét.
- Cô hỏi trẻ: Khi vận động theo bài hát này các con thấy như thế nào?
* Nghe hát: “Khúc hát ru của người mẹ trẻ”
 - Cô đọc thơ:            
“Có miếng ngọt miếng ngon
Mẹ dành cho con hết
Đắng cay thì mẹ biết
Nhọc nhằn chỉ mẹ hay
Mẹ bếp lửa mỗi ngày
Sưởi ấm con đông tới
Mẹ là quạt mát rượi
Đuổi cái nóng mùa hè”
- Cô hỏi trẻ: Những câu thơ cô vừa đọc nói về ai? Các con có yêu mẹ không? Sắp tới chúng ta sẽ chào mừng ngày lễ gì nào?
- Cô dẫn dắt: Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, cô có một bài hát nói về tình cảm thiêng liêng của người mẹ dành cho con của mình. Bài hát có tên là “Khúc hát ru của người mẹ trẻ” do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác. Cô sẽ hát tặng cho cả lớp, các con hãy cùng lắng nghe xem tình cảm ấy thiêng liêng như thế nào nhé!
- Cô hát lần 1.
- Cô hỏi trẻ: Tên bài hát là gì? Do ai sáng tác?
+ Các con thấy giai điệu bài hát này như thế nào?
- Cô tóm ý: Bài hát này với giai điệu nhẹ nhàng, tình cảm, thể hiện tình cảm của người mẹ dành cho con.
- Cô giáo dục: Các con ạ! Mỗi chúng ta sinh ra và lớn lên đều được chăm sóc, nuôi dưỡng từ dòng sữa ngọt ngào của mẹ, mẹ vất vả “Một nắng, hai sương” để nuôi chúng ta khôn lớn. Vậy các con phải làm gì để đáp lại tình yêu đó của mẹ nào?
- Cô hát lần 2 và mời cả lớp cùng múa phụ họa.

3. Hoạt động 3:
- Cô nhận xét, tuyên dương.
- Cô cho trẻ vận động lại bài “Con nít con nôi” và chuyển hoạt động.
************************************
 
IV. Hoạt động ngoài trời:
+Hoạt động có mục đích: Dạo quanh sân trường , nhặt lá vàng rơi
+Trò chuyện về 5 giác quan                                                     
+Trò chơi vận động: Bịt mắt bắt dê
+ Chơi tự do: Chơi tự do theo ý thích với đồ chơi ngoài trời.
V. Hoạt động góc:
- Học tập: chơi máy vitinh vào ngôi nhà của Summy
- Nghệ thuật: tô màu vẽ theo ý thích
- Góc thiên nhiên: Chăm sóc cây xanh, nhặt lá vàng, bắt sâu…
- Góc xây dựng: Xây nhà cho bé

VI. Hoạt động ăn, ngủ:
- Rèn kỹ năng rửa tay đúng cách sau khi ăn và sau khi đi vệ sinh, lau miệng sau khi ăn.
-Ăn hết khẩu phần ăn, gọn gàng sạch sẽ.
-Ngủ đảm bảo thời gian theo quy định.

VII. Hoạt động chiều:
- Cho trẻ thực hiện vở ở trường.
- Nhận xét, tuyên dương, cắm cờ.
- Cho trẻ xem truyện cổ tích.

VIII.  Trả trẻ:
- Trao đổi trò chuyện với PHHS về tình hình của trẻ trong ngày.
- Thông báo cho PH các hoạt động cần  thiết trong ngày tiếp theo

IX. Đánh giá cuối ngày:
…………………………………

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây