© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Đề thi thử kiểm tra cuối học kì 1, môn Tiếng Việt 5

Thứ tư - 29/12/2021 10:13
Đề thi thử kiểm tra cuối học kì 1, môn Tiếng Việt 5. Có đáp án, bài văn mẫu và hướng dẫn chấm điểm.

ĐỀ THI THỬ CUỐI HỌC KÌ 1
Môn: Tiếng Việt 5

A. Kiểm tra đọc (30 phút)
Giáo viên tự chọn bài cho học sinh đọc.
B. Đọc thầm bài sau rồi làm bài tập: (7 điểm)
CHIM HỌA MI HÓT
     Chiều nào cũng vậy, con chim họa mi ấy không biết tự phương nào bay đến đậu trong bụi tầm xuân ở vườn nhà tôi mà hót.
     Hình như nó vui mừng vì suốt ngày đã được tha hồ rong ruổi bay chơi trong khắp trời mây gió, uống bao nhiêu nước suối mát lành trong khe núi. Cho nên những buổi chiều tiếng hót có khi êm đềm, có khi rộn rã, như một điệu đàn trong bóng xế mà âm thanh vang mãi giữa tĩnh mịch, tưởng như làm rung động lớp sương lạnh mờ mờ rủ xuống cỏ cây.
     Hót một lúc lâu, nhạc sĩ giang hồ không tên không tuổi ấy từ từ nhắm hai mắt lại, thu đầu vào lông cổ im lặng ngủ, ngủ say sưa sau một cuộc viễn du trong bóng đêm dày.
     Rồi hôm sau, khi phương đông vừa vẩn bụi hồng, con họa mi ấy lại hót vang lừng chào nắng sớm. Nó kéo dài cổ ra mà hót, tựa hồ nó muốn các bạn xa gần đâu đó lắng nghe. Hót xong, nó xù lông rũ hết những giọt sương rồi nhanh nhẹn chuyền từ bụi nọ sang bụi kia, tìm vài con sâu ăn lót dạ, đoạn vỗ cánh bay vút đi.
(Theo Ngọc Giao)

Dựa vào nội dung bài đọc, khoanh tròn chữ cái trước ý trả lời đúng nhất và hoàn thành các bài tập dưới đây: 
Câu 1: Con chim họa mi từ đâu bay đến?
A. Từ phương Bắc                   B. Từ phương Nam
C. Từ trên rừng                        D. Không rõ từ phương nào

Câu 2: Những buổi chiều, tiếng hót của chim họa mi như thế nào?
A. Trong trẻo, réo rắt                 B. Êm đềm, rộn rã
C. Lảnh lót, ngân nga                D. Buồn bã, nỉ non

Câu 3: Chú chim họa mi được tác giả ví như ai?
A. Nhạc sĩ tài ba                       B. Ca sĩ tài ba
C. Nhạc sĩ giang hồ                  D. Ca sĩ giang hồ

Câu 4: Vì sao buổi sáng con chim họa mi lại kéo dài cổ ra mà hót?
A. Vì nó muốn khoe khoang giọng hót của mình.
B. Vì nó muốn đánh thức muôn loài thức dậy.                
C. Vì nó muốn luyện cho giọng hay hơn.              
D. Vì nó muốn các bạn xa gần lắng nghe.
                  
Câu 5: Từ nào dưới đây đồng nghĩa với từ tĩnh mịch?
A. thanh vắng                B. u buồn
C. âm thầm                    D. lạnh lẽo

Câu 6: Từ “đậu” trong: “thi đậu, xôi đậu, chim đậu trên cành” có quan hệ với nhau như thế nào?
A. Đó là những từ đồng nghĩa                      B. Đó là những từ đồng âm
C. Đó là những từ nhiều nghĩa                     D. Đó là những từ trái nghĩa

Câu 7: Dòng nào dưới đây có các từ gạch dướitừ nhiều nghĩa?
A. Nó không biết tự phương nào bay đến / Cậu ấy lỡ tay đánh bay bát cơm.
B. Nó từ từ nhắm hai mắt / Quả na đã mở mắt.
C. Con họa mi ấy lại hót / Bạn Lan đang hót rác ở góc lớp.
D. Em rất thích chơi cờ vua / Lá cờ tổ quốc tung bay trong gió.

Câu 8: Xác định trạng ngữ, chủ ngữ, vị ngữ của câu sau:
Khi phương đông vừa vẩn bụi hồng, bọn họa mi ấy lại hót vang lừng chào nắng sớm.
Trạng ngữ: ………………………………..
Chủ ngữ: ………………………………….
Vị ngữ: ………………………………………………………………….

C. Kiểm tra viết (10 điểm)
1. Chính tả nghe viết   
Mùa thảo quả - Ma Văn Kháng (từ Sự sống … đến … từ dưới đáy rừng.)
      Sự sống cứ tiếp tục trong âm thầm, hoa thảo quả nảy dưới gốc cây kín đáo và lặng lẽ. Ngày qua, trong sương thu ẩm ướt và mưa rây bụi mùa đông, những chùm hoa khép miệng bắt đầu kết trái. Thảo quả chín dần. Dưới đáy rừng, tựa như đột ngột, bỗng rực lên những chùm thảo quả đỏ chon chót, như chứa lửa, chứa nắng. Rừng ngập hương thơm. Rừng sáng như có lửa hắt lên từ dưới đáy rừng.
……………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………..
2. Tập làm văn (8 điểm). Thời gian làm bài 35 phút
Đề: Hãy tả một người mà em yêu thích nhất.
……………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………..
----------------------------
ĐÁP ÁN

A. Kiểm tra đọc (30 phút)
Giáo viên tự chọn bài cho học sinh đọc.

B. Đọc thầm bài sau rồi làm bài tập: (7 điểm)
Câu 1. D    Câu 2. B     Câu 3. C      Câu 4. D
Câu 5. A     Câu 6. B    Câu 7. C

Câu 8: Xác định trạng ngữ, chủ ngữ, vị ngữ của câu sau:
Khi phương đông vừa vẩn bụi hồng, bọn họa mi ấy lại hót vang lừng chào nắng sớm.

Trạng ngữ: Khi phương đông vừa vẩn bụi hồng
Chủ ngữ: bọn họa mi ấy
Vị ngữ: lại hót vang lừng chào nắng sớm

C. Kiểm tra viết (10 điểm)
1. Chính tả nghe viết (2 điểm): Thời gian viết bài 15 phút
2. Tập làm văn (8 điểm). Thời gian làm bài 35 phút
Đề: Hãy tả một người mà em yêu thích nhất.
Trong cuộc đời mỗi người, luôn in dấu trong tâm hồn là hình ảnh một người nào đó mà ta rất yêu quý, kính trọng. Với riêng em, người mà em yêu quý nhất đó là người bà kính yêu giống như người mẹ luôn bảo ban, chăm sóc em. Có lẽ bà đã trở thành ngọn lửa sưởi ấm lòng em, là người nuôi dưỡng trong em những ước mơ hi vọng tươi đẹp.

Bà em năm nay đã ngoài 70 tuổi, mái tóc bà bạc phơ như bà tiên. Nước da bà rám nắng bởi thời gian tảo tần nuôi nấng các con, các cháu. Trông bà hiền lành, phúc hậu như bà tiên, luôn ánh lên sự trìu mến với mọi người. Bố mẹ đi làm ở xa, tuy vậy nhưng em lại được bù đắp bởi tình cảm ấm nóng từng chút của bà. Bà luôn quan tâm, bảo ban, ân cần săn sóc em. Bà thuộc hàng ngàn câu ca dao, tục ngữ, đó là nguồn suối trong lành, dịu ngọt hằng đêm bà vẫn dùng để vỗ vể ru hời cho em vào giấc ngủ sâu.

Tuy đã ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng bà còn minh mẫn lắm, chỉ cần nghe tiếng bước chân từ xa bà đã nhận ra đó là con cháu mình trong nhà. Bà rất hòa đồng, tốt bụng chia sẻ ngọt bùi với làng trên xóm dưới, vì thế mà có lẽ không ai trong xóm em không quý bà. Tuy cao tuổi, là người đi về trong những nhịp sống xưa, lâu đời, truyền thống thế nhưng bà không bao giờ cổ hủ, độc đoán mà luôn rất hiện đại trong lối suy nghĩ về sự vận động thay đổi của cuộc sống để nhìn nhận vấn đề toàn diện. Chính vì thế, chưa bao giờ bà khiến ai phải phật lòng. Những khi vui hay buồn em đều tâm sự với bà, bà lại vỗ về, trao cho em tình yêu thương âu yếm và những lời dạy bảo ân cần khắc sâu vào trong tim. Bà là cả một nguồn tri thức dồi dào, quý giá để em học hỏi, trong bà hòa quyện cả truyền thống và hiện đại, những nếp sống cổ xưa nhưng rất văn minh. Bà quả là tấm gương sáng để em học hỏi.

Tuổi thơ cùng bà in dấu trong tâm khảm em bởi biết bao kỉ niệm. Nào là những trưa hè oi nóng, nà thức quạt cho em giấc ngủ ngon lành, rồi những khi đông về bà nhóm lửa sưởi ấm đêm đông, luộc khoai, luộc sắn để em ăn đỡ đói lòng. Bà hay kể chuyện ngày xửa ngày xưa của tổ tiên ta ngày trước, nhắc em nhớ về cội nguồn gốc rễ của mình, nhắc cho em những bài học nhân sinh sâu sắc.

Nhớ bà, nhớ những lời ru ngọt ngào, du dương và cả những lời chỉ bảo ân cần của bà. Đó là người mà em yêu quý nhất, người đã thắp lên trong em ngọn lửa của niềm tin, hi vọng sáng ngời. Dẫu mai sau dù bà có đi xa thì trong trái tim em hình bóng người bà thân thương cũng sẽ không bao giờ phai nhạt. 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây