© 2020 Bài Kiểm Tra.com. All Rights Reserved.

Hướng dẫn soạn Văn 11, Câu cá mùa thu

Thứ hai - 09/09/2019 09:20
Nguyễn Khuyến là nhà thơ tài năng, tinh tế. Điều này đặc biệt thể hiện khi ông miêu tả về mùa thu. Câu cá mùa thu là sự cảm nhận tinh tế, sắc sảo của nhà thơ về bức tranh thu ở đồng bằng Bắc Bộ qua hình thức thơ Nôm đường luật. Bài thơ giúp người đọc hiểu và trân trọng hơn tấm lòng của Nguyễn Khuyến với thiên nhiên, với đất nước.

Trong các nhà thơ cổ điển Việt Nam, Nguyễn Khuyến được mệnh danh là “nhà thơ của làng cảnh Việt Nam”. Điều đó không chỉ được thể hiện qua tình yêu của nhà thơ đối với cảnh vật mà còn là sự đánh giá về nghệ thật bậc thầy trong việc miêu tả cảnh, tả tình của ông. Điều đó được thể hiện rõ trong chùm thơ thu mà đặc biệt là Thu điếu.

1. Tóm tắt:
- Con người: Nguyễn Khuyến (1835 – 1909), hiệu là Quế Sơn, sinh ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định nhưng lớn lên chủ yếu ở quê nội – xã Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Nam Định. Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, đậu cả ba kì thi, làm quan chỉ hơn 10 năm, còn chủ yếu là dạy học ở quê nhà. Ông là người có cốt cách thanh cao, có lòng yêu nước, thương dân.
- Giá trị nội dung và nghệ thuật: Thơ Nguyễn Khuyến nói lên tình yêu quê hương, đất nước, tình gia đình, bè bạn, phản ánh cuộc sống của những con người nghèo khổ, châm biếm, đả kích tầng lớp thống trị…
- Câu cá mùa thu nằm trong chùm thơ thu ba bài của nhà thơ.

2. Trả lời câu hỏi SGK
Câu 1. Điểm nhìn cảnh thu của tác giả có gì đặc sắc? Từ điểm nhìn ấy, nhà thơ đã bao quát cảnh thu như thế nào?
- Nếu ở Vịnh mùa thu (Thu vịnh), cảnh thu được đón nhận từ cao, xa tới gần, sau đó lại từ gần đến cao, xa, thì ở Câu cá mùa thu, cảnh thu được đón nhận theo chiều ngược lại: từ chiếc thuyền câu nhìn ra mặt ao, nhìn lên bầu trời, nhìn ra ngõ trúc rồi lại trở về với ao thu, với chiếc thuyền câu. Từ một ao thu hẹp, nhà thơ mở ra không gian mùa thu, cảnh sắc mùa thu quen thuộc ở mỗi làng quê Việt Nam. Như vậy, từ điểm nhìn ấy, nhà thơ mở ra nhiều hướng miêu tả và cảm nhận về mùa thu khác nhau.

Câu 2. Những từ ngữ, hình ảnh nào gợi lên được nét riêng của cách sắc mùa thu? Hãy cho biết đó là cảnh thu ở miền quê nào?
- Cảnh sắc mùa thu trong Câu cá mùa thu đẹp, dịu nhẹ, thanh sơ “điển hình hơn cả cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam” (Xuân Diệu). Điều đó được hiện lên từ những từ ngữ, hình ảnh đầy sức gợi cảm:
+ Hình ảnh: ao thu lạnh lẽo, nước trong veo, sóng biếc, trời xanh ngắt, lá vàng…
+ Đường nét, sự chuyển động: sóng hơi gợn tí, lá vàng khẽ đưa vèo, tầng mây lơ lửng…
- Cảnh sắc mùa thu trong bài thơ dịu nhẹ, thanh sơ nhưng hài hoà. Đặc biệt, cảnh sắc trong bức tranh được tạo nên bởi các điệu xanh: xanh ao, xanh trời, xanh sóng… Giữa những sắc xanh ấy, hiện lên màu vàng của chiếc lá đâm ngang theo chiều gió. Ao thu nhỏ, thuyền câu nhỏ (bé tẻo teo), sóng lăn tăn (hơi gợn tí). Phù hợp với không gian ấy, dáng người ngồi câu cá như cũng thu nhỏ lại: tựa gối ôm cần. Cảnh thu ấy đã gợi lên được nét riêng của một vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ.

Câu 3. Anh (chị) có nhận xét gì về không gian trong Câu cá mùa thu qua các chuyển động, màu sắc, hình ảnh, âm thanh? Không gian đó góp phần diễn tả tâm trạng như thế nào?
- Không gian trong Câu cá mùa thu là không gian tĩnh lặng, vắng bóng người. Không gian ấy được hiện lên qua màu sắc: xanh ao, xanh trời, xanh sóng và sắc vàng của chiếc lá rơi xuống mặt ao. Không gian ấy còn được tái hiện qua sự chuyển động, một sự chuyển động rất khẽ: sóng hơi gợn tí, lá vàng khẽ đưa vèo, tầng mây lơ lửng. Sự chuyển động ấy khẽ đến mức không đủ để tạo âm thanh. Cả bài thơ chỉ có một tiếng động duy nhất – tiếng cá đớp động nhưng là đớp động dưới chân bèo. Từ “đâu” gợi sự mơ hồ, không xác định.
- Không gian tĩnh lặng ấy góp phần thể hiện sự vắng lặng trong cõi lòng nhà thơ. Tiếng động của tiếng cá đớp mồi là tiếng động của ngoại cảnh nhưng càng làm tăng sự tĩnh lặng (nghệ thuật lấy động tả tĩnh). Đó cũng chính là cái tĩnh rất gợi cảm, tác động tói tâm hồn nhà thơ: một tâm trạng cô quạnh, uẩn khúc trước tình trạng đất nước đau thương.

Câu 4. Cách gieo vần trong bài thơ có gì đặc biệt? Cách gieo vần ấy gợi cho ta cảm giác gì về cảnh thu và tình thu?
- Bài thơ thể hiện tài năng bậc thầy của Nguyễn Khuyến trong việc sử dụng ngôn ngữ. Điều đó được cụ thể qua lối gieo vần. Đó là vần “eo” (người xưa gọi là tử vận), kiểu gieo vần oái ăm, khó làm nhưng đã được nhà thơ sử dụng một cách tài tình: veo, tẻo teo, vèo, Vắng teo, bèo. Cách gieo vần ấy đã góp phần biểu đạt nội dung, diễn tả không gian thu nhỏ dần, khép kín, phù hợp với tâm trạng đầy uẩn khúc của nhà thơ.

Câu 5. Qua câu cá mùa thu, anh (chị) có cảm nhận như thế nào về tấm lòng của nhà thơ Nguyễn Khuyến đối với thiên nhiên, đất nước?
- Bài thơ Cảu cá mùa thu không chỉ đơn thuần là tả việc câu cá. Câu cá chỉ là cái cớ để nhà thơ mở rộng cõi lòng mình đón nhận cảnh thu, tình thu. Qua bài thơ, người đọc cảm nhận được một tấm lòng thiết tha gắn bó với thiên nhiên, đất nước, một tấm lòng yêu nước thầm kín mà vẫn không kém phần sâu sắc.

3. Luyện tập
Phân tích cái hay của nghệ thuật sử dụng từ ngữ trong bài Câu cá mùa thu.
- Nghệ thuật sử dụng từ ngữ: cách gieo vẫn, cách sử dụng hình ảnh, màu sắc, sự chuyển động.
- Nghệ thuật: lấy động tả tĩnh qua câu thơ cuối cùng và tư thế của nhà thơ Tựa gối ôm cần lâu chẳng được.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây